Bạch Ẩn Huệ Hạc
........
VIII LÂM BỆNH.
Sau khi học đạo với Huệ Đoan Đạo Cảnh suốt sáu tháng, Huệ Hạc và ba người bạn đồng hành lên đường trở về chùa Tùng Âm.
Sau đó Huệ Hạc vẫn tiếp tục tham thiền ở nhiều nơi trong tỉnh Suruga và Tōtōmi, theo lời dạy của Đoan là dồn hết sức mình tiến tu sau khi ngộ. Vì tu hành quá miên mật, nghiêm túc nên Huệ Hạc lâm bệnh rất nhanh, phổi yếu, khó thở. Sư bước đi mà không còn cảm giác gì đối với cơ thể, lỗ tai lùng bùng và đôi khi mắt mờ. Sư lại lên đường du phương. Đến gặp Bạch U Chơn Nhơn (Hakuyu) ở ngoại ô đông bắc Kyoto. Trong tập Dạ Thuyền Nhàn Thoại đã kể lại buổi viếng thăm này. Trở về Suruga sư hành thiền theo pháp Nội Quán Tu Dưỡng Quyết của Bạch U. Không đầy ba năm sư lành bệnh. Từ đó, Huệ Hạc bắt đầu giải đáp những công án rất khó đã tham cứu từ lâu, về sau đại ngộ sáu bảy lần.
IX VÂN DU.
Giữa thập niên 20 và 30 tuổi, Huệ Hạc hành khước nhiều chùa trong các tỉnh Shimosa, Ise, Wakasa, Kawachi và Izumi trên hòn đảo chính, nhưng không có duyên gần gũi thiền viện dòng Lâm Tế. Ở Izumi sư ngụ tại chùa Inryō-ji phái Tào Động, gặp thiền sinh Jukaku, cả hai cùng nhau tọa thiền suốt đêm không ngủ. Một hôm Huệ Hạc tọa thiền liên tục bảy ngày bảy đêm, đại ngộ và làm bài thơ waka (liên ca):
Làm sao người nghe tiếng
Trong ngôi cổ tự xa
Giữa rừng Shinoda
Tuyết rơi đêm thanh vắng.
Sau một thời gian ngắn, Huệ Hạc rời chùa Inryō-ji trở về chùa Reishō-ji tỉnh Mỹ Nùng. Nhưng sư thất vọng vì 50 vị tăng Lâm Tế đều tu thiền mặc chiếu theo Tào Động. Sư đến tỉnh Yamanoue nơi thiền sư Quan Sơn Huệ Huyền, khai tổ chùa Diệu Tâm, ẩn cư thuở xưa, dựng một am cỏ trên núi Nham Lan (Iwadaka) mùa xuân năm 1715.
X Trở lại TÙNG ÂM TỰ tại quê nhà.
Độc cư gần 2 năm trời, mùa đông năm 1716, Huệ Hạc được người thân tín của cha là Shichibei tìm gặp và cho biết chùa Tùng Âm bây giờ hoang tàn, tường vách đổ nát. Chùa không có nóc, trông thấy trời và sao lấp lánh thâu đêm, mà cũng không có sàn. Làm lễ ở chánh điện gặp lúc mưa phải đội nón và mang ủng cao. Tất cả sự sản của chùa đều rơi vào tay chủ nợ, còn vật dụng sở hữu của sư cũng bị cầm cố cho bạn hàng. Vật duy nhất đáng giá ở đây là ánh trăng và tiếng gió. Cha của Huệ Hạc đang bệnh và rất đau lòng về tình trạng ngôi chùa, xưa kia do người chú xây cất và gia đình từng là đại thí chủ nhiều năm qua. Sư bằng lòng theo ý nguyện của cha muốn sư về chùa cũ nên đã rời thất cùng Shichibei trở về quê nhà.
Đầu năm 1717, ngày kỵ trai tiên sư Đơn Lãnh, Huệ Hạc tổ chức lễ nhập tự và lãnh chức trụ trì chùa Tùng Âm. Mười một tháng sau thì cha Ngài qua đời.
XI ẨN CƯ.
Ít lâu sau, Huệ Hạc bắt đầu dùng Pháp hiệu Bạch Ẩn (Hakuin). Điều này ngụ ý từ nay về sau sư không rời xa chùa Tùng Âm trong khoảng 40 đến 55 tuổi.
Bởi vì Pháp hiệu của sư dẫn xuất (bắt nguồn) từ tên chùa đầy đủ là Hạc Lâm Sơn Tùng Âm Tự (Kakurin-zan Shōin-ji), tức là chùa dưới bóng cây tùng trên núi trong rừng Hạc Lâm. Khi xưa Đức Phật nhập Niết-bàn giữa hai cây Sa-la, cánh rừng nhất thời trổ hoa một màu trắng như đàn chim hạc. Do đó, rừng Sa-la này ở Câu-thi-na gọi là Hạc Lâm. “Haku” là trắng, “in” là ẩn, “Hakuin” là người ẩn trong hạc trắng, tức trong Niết-bàn.
Chẳng bao lâu Bạch Ẩn được tấn phong đệ nhất điển tọa trong ba tháng an cư tại chùa Diệu Tâm, tổ đình dòng Lâm Tế phái Diệu Tâm, một trung tâm tu thiền quan trọng từ đời Muromachi (1333-1568).
Thời kỳ này tông Lâm Tế tạo ảnh hưởng mạnh đối với văn hóa và chính trị nước Nhật, các chùa thuộc nhóm Ngũ Sơn (Liêm Thương Ngũ Sơn và Kinh Đô Ngũ Sơn) và chùa Đại Đức của Quốc sư Đại Đăng là ngọc báu thời đó. Nhật Hoàng Hoa Viên (Hanazono) khi rời ngôi đã đến học đạo với Đại Đăng và cúng cho ngài một dinh thự ở ngoại ô Kinh Đô năm 1337. Sau này đổi thành chùa Diệu Tâm. Một đệ tử của ngài là Quan Sơn Huệ Huyền (Kanzan Egen) được cử làm trụ trì. Quan Sơn lập một pháp tu rất tinh nghiêm khiến chùa Diệu Tâm nhanh chóng nổi tiếng là trung tâm thiền Lâm Tế ưu việt.
Mãn nhiệm kỳ Bạch Ẩn lui về chùa Tùng Âm, tự nguyện vâng theo triệt để lời dạy của sư phụ Huệ Đoan lúc ấn chứng:
“Tông ta suy dưới đời Tống và hoại dưới đời Minh. Tinh ba còn lại đã truyền sang Nhật, nhưng thật là hiếm... Hãy phát huy dũng khí và giáo dưỡng hai môn đồ ưu tú. Nếu nhiều hơn hai thì không phải là đại pháp khí. Chỉ cần hai hạt giống chánh truyền con sẽ gầy dựng Thiền Tông.”
Đúng vậy, sau này Huệ Hạc có vị đại đệ tử là Nga Sơn Từ Trác (Gasan Jitō) có hai môn sinh là Ẩn Sơn (Inzan) và Trác Thiên (Takuju) đã phát triển ra hai dòng thiền chính sau này của tông Lâm Tế. Và đến ngày nay đã có mười bốn chi phái. Mỗi phái có tổ đình riêng, thiền viện biệt lập và các thiền sư đều là hậu duệ của hai dòng Ẩn Sơn và Trác Thiên này.
XII ĐỌC KINH LIỄU NGỘ.
Một hôm nhân đọc kinh Pháp Hoa, phẩm Ẩn Dụ, trước đây sư không cho là quan trọng, bỗng nghe tiếng chuông. Thình lình sư hiểu ra diệu nghĩa tinh yếu, các pháp như thị và bất khả phân. Thấu nhập huyền ý của Định trong sinh hoạt hằng ngày, sư bật khóc. Theo Niên Phổ của Đông Lãnh, là đệ tử nối pháp, thì đột biến này là sự dụng công từ nhân thành quả. Đạo quả viên mãn, giờ đây việc phải làm là truyền bá sự chứng ngộ. Bấy giờ là mùa thu năm Bạch Ẩn 42 tuổi.