Bạch Ẩn Huệ Hạc


Biên Soạn Thích Tâm Hạnh




I/ THIẾU THỜI.

Thiền sư BẠCH ẨN HUỆ HẠC (Hakuin Ekaku), thế danh Iwajiro (Nham Thứ Lang, nghĩa là cậu bé đá), quê tại Hara, tỉnh Suruga, thị trấn Numazu, hạt Shizuoka, Nhật Bản.

Hara ở ven Vịnh, nhìn ra Thái Bình Dương, gần núi Phú Sĩ.

Sư sinh vào ngày 25 tháng chạp năm 1685. Vào giờ Sửu, ngày Sửu, tháng Sửu, năm Sửu. Là con út trong một gia đình có 3 trai, hai gái. Lên 5 tuổi, được dẫn đi chơi trên bãi biển gần nhà. Trong khi các chị đùa giỡn với các, Iwajiro (Nham Thứ Lang) nhìn biển rồi nhìn lên trời thấy mây trôi không ngừng, cậu bé lẩm bẩm: “Ôi, lạ quá!” và bậc khóc.

Có lần Thầy tăng kỳ lạ thường niệm Phật và thổi sáo tre tên Kyushin thường theo lời thỉnh mời của cha Ngài đến nhà thọ trai xoa đầu cậu bé lên 7 và nói: “Đứa bé này gương mặt đĩnh ngộ, sau này sẽ là nguồn an lạc của nhiều người.”

Từ nhỏ, Iwajiro (Nham Thứ Lang) rất sợ Địa ngục. Lên 11 tuổi đi chùa, nghe vị Sư phái Nhật Liên tông kể hình phạt trong tám cửa hỏa ngục, cậu sợ run bắn cả người. Về nhà, nước mắt cứ ràn rụa khiến cậu không sao ngủ được.

Năm 12 tuổi, nhân xem vỡ tuồng múa rối Sư Nisshin đội nồi:

Viên quan hỏi Sư Nisshin phái Nhật Liên: “Ai tụng kinh Pháp Hoa thì lửa không đốt cháy được phải không?” Sư đáp: “Ai thành tâm tụng Kinh Pháp Hoa thì vào lửa không cháy, xuống nước không chìm.” Viên quan ra lệnh mang lưỡi hái đã nung cháy sáng và nồi đốt cháy đỏ đến đặt lên đầu Sư Nisshin. Sư vẫn điềm nhiên tụng Kinh.

Mọi người đang xem ai cũng xúc động vô cùng và đồng thanh niệm Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Khi ấy, cậu bé Iwajiro tin rằng người tu sẽ không bị đọa Địa ngục nên phát nguyện đi tu. Mẹ rất hoan hỷ vì thấy cậu bé đã có vẻ khác phàm.

II/ XUẤT GIA TU HỌC.

Năm 14 tuổi, Iwajiro bắt đầu học Kinh điển với vị sư già Sokin ở gần chùa Tùng Âm (Shoin-ji, Tùng Âm Tự). Qua năm sau, Iwajiro vào chùa Tùng Âm đảnh lễ Đơn Lãnh Truyện Công (Tanrei Soden) xin cạo tóc xuất gia. Cạo tóc xong, Đơn Lãnh vỗ lưng đệ tử, nói: “Phạm nghi chánh thủ.” (đúng là một bậc nghi phạm Tùng Lâm). Và trao pháp danh Huệ Hạc. Sư thề: “Nếu thân này không bị lửa đốt, không bị nước cuốn thì sẽ tu học mãi, dù chết cũng không dừng nghỉ.”
Sau đó Huệ Hạc được gửi đến chùa Đại Thánh (Daisho) ở Numazu, tỉnh Suruga cho một vị thầy khác là Tức Đạo (Sokudo) dạy dỗ.

Năm 19 tuổi, Sư rời chùa Đại Thánh để tầm sư học đạo. Sư theo vị Thầy đầu tiên là Sokin đến Chùa Thiền Tùng (Zenso-ji). Một hôm nghe tọa chủ Sen’ei giảng về Nham Đầu Toàn Khoát. Sau đó Huệ Hạc tìm đọc tiểu sử thì được biết ngài bị côn đồ đánh đến chết. Huệ Hạc rất đỗi băn khoăn, nếu một vị cao tăng không thể thoát khỏi tai ách khi còn sống thì khi chết đi làm sao tránh khỏi Địa ngục? Nếu vậy thì xuất gia làm gì? Nỗi lo sợ thời thơ ấu chụp xuống Huệ Hạc, nhưng cuối cùng sư nghĩ, dù không tránh khỏi Địa ngục đi nữa thì không hơi đâu mà lo lắng nghĩ suy làm gì.