KINH LĂNG GIÀ Dịch giả: H.t Thích Duy Lực
__________________________________________________ ______________________________________
QUYỂN BỐN
PHẨM NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM
........
Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng:
– Thế Tôn! Như Thế Tôn sở thuyết nghĩa cú, hằng sa chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai cũng thuyết như thế. Thế nào? Thế Tôn! Là tất cả như thuyết tín thọ ư? Hoặc còn có nghĩa khác ư? Cúi xin Như Lai rũ lòng thương xót mà giải thích cho.
Phật bảo Đại Huệ:
– Chớ nói như thuyết tín thọ. Số lượng của tam thế Chư Phật chẳng phải như Hằng sa. Tại sao? Vì siêu việt hy vọng của thế gian, dùng thí dụ chẳng thể thí dụ. Vì phàm phu Ngoại đạo vọng tưởng chấp trước, nuôi dưỡng ác kiến, đọa nơi sanh tử vô cùng tận, vì muốn khiến họ nhàm chán sanh tử luân hồi, siêng năng tinh tấn tu hành giải thoát, nên giả lập phương tiện nói với họ rằng “Chư Phật dễ thấy, chẳng như Ưu Đàm Bát Hoa khó gặp”. Như lập ra Hóa Thành, chỉ là phương tiện để thỏa mãn sự mong cầu của họ. Có khi quán theo căn cơ của người thọ giáo hóa, lại nói rằng :” Phật rất khó gặp như hoa Ưu Đàm. Thật ra hoa Ưu Đàm chẳng ai đã thấy, nay thấy và sẽ thấy, mà Như Lai thì khắp thế gian thảy đều được thấy “. Chẳng vì kiến lập Tự Thông mà nói Như Lai ra đời như hoa Ưu Đàm. Đại Huệ! Kiến lập tự thông, siêu việt hy vọng của thế gian, phàm phu chẳng thể tin nổi, cảnh giới Tự Giác Thánh Trí chẳng có gì để thí dụ, vì Chơn Thật Như Lai siêu việt tướng sở thấy biết của tâm, ý, ý thức, nên chẳng thể thí dụ. Đại Huệ! Nhưng ta nói thí dụ “Phật như Hằng sa” chẳng có lỗi lầm.
– Đại Huệ! Ví như cát sông Hằng, mặc cho tất cả con cá, con ba ba, cho đến sư tử, voi, ngựa, người, thú dẫm đạp, cát ấy cũng chẳng nghĩ rằng họ nhiễu loạn Ta mà sanh vọng tưởng. Cũng thế, Tự Giác Thánh Trí dụ là sông Hằng, sức thần thông tự tại dụ là cát, tất cả Ngoại đạo và người, thú v.v… dụ cho kẻ nhiễu loạn, Như Lai chẳng do đó mà khởi niệm sanh vọng tưởng. Vì Như Lai tịch diệt chẳng có niệm tưởng, do bản nguyện của Như Lai dùng Tam muội khiến chúng sanh đoạn dứt tham sân, được sự an lạc, chẳng có sự nhiễu loạn rong đó. Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác tự tánh trong sạch chẳng có cáu bẩn, cũng như cát sông Hằng, chẳng có sai biệt vậy.
– Ví như cát sông Hằng là tự tánh của địa, khi hỏa kiếp đến thiêu hết tất cả địa đại mà địa đại chẳng xả tự tánh. Vì địa đại với hỏa đại cùng sanh nơi tứ đại, nhưng phàm phu vọng tưởng cho là địa đại bị thiêu, mà thật thì chẳng bị thiêu, vì hỏa với địa đồng một nhân trong tứ đại vậy. Như thế, Đại Huệ! Như Hằng sa chẳng hoại, vì cùng Như Lai ở trong một pháp thân vậy. (Vì Pháp thân Như Lai cùng khắp hư không).
– Đại Huệ! Ví như cát sông Hằng chẳng có hạn lượng, ánh sáng Như Lai cũng như thế, chẳng có hạn lượng, vì thành tựu cho chúng sanh nên phổ chiếu tất cả đại chúng trong cõi Phật. Đại Huệ! Ví như cát sông Hằng, ngoài cát muốn cầu cát khác trọn bất khả đắc. Như thế, Đại Huệ! Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác chẳng có sanh tử sanh diệt, vì đã đoạn dứt nhân duyên sanh diệt vậy.
– Đại Huệ! Ví như cát sông Hằng thêm bớt đều chẳng thể biết. Như thế, Đại Huệ! Trí huệ của Như Lai thành tựu cho chúng sanh chẳng thêm chẳng bớt, vì chẳng phải sắc thân. Sắc thân thì có hoại, mà Pháp thân của Như Lai chẳng phải sắc thân nên chẳng thể hoại. Như ép cát sông Hằng chẳng thể được dầu. Cũng thế, Như Lai độ tất cả khổ não chúng sanh, do Tam muội bản nguyện khởi tâm đại bi, chẳng xả pháp giới, dù chúng sanh chưa chứng Niết Bàn bức bách Như Lai đến mức nào cũng chẳng nổi sân hận.
– Đại Huệ! Ví như cát sông Hằng trôi theo dòng nước, cát chẳng thể không có nước mà tự trôi được. Các pháp của Như Lai thuyết trôi theo dòng nước Niết Bàn cũng như thế, pháp chẳng thể lìa Niết Bàn mà tự ra, cũng như cát chẳng thể lìa nước mà tự trôi. Niết Bàn là bản tế của sanh tử, là tướng tịch diệt nên chẳng thể biết. Biết còn chẳng được, làm sao nói nghĩa đoạn dứt ư?
Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :
– Thế Tôn! Nếu bản tế của sanh tử chẳng thể biết thì tại sao giải thoát của chúng sanh có thể biết?
Phật bảo Đại Huệ :
– Nếu cái nhân của vọng tưởng tập khí hư ngụy từ vô thỉ diệt thì biết được ngoài nghĩa tự tâm hiện, thân vọng tưởng chuyển thành giải thoát, giải thoát bất diệt tức là Tịch Diệt, tịch diệt chẳng có ngằn mé cho nên vô biên, chẳng phải vô sở hữu, như vọng tưởng ngoại đạo lại cho là có nhiều tên gọi khác biệt vô lượng vô biên v.v… Theo bậc trí quán sát nội tâm ngoại cảnh, lìa nơi vọng tưởng thì chúng sanh chẳng có khác biệt, trí và nhĩ diệm, tất cả các pháp thảy đều tịch tịnh, vì chẳng biết vọng tưởng do tự tâm hiện, nên có vọng tưởng sanh khởi, hể biết được thì tất cả tịch diệt, gọi là giải thoát.