KINH LĂNG GIÀ Dịch giả: H.t Thích Duy Lực
__________________________________________________ ______________________________________
QUYỂN THỨ NHÌ
PHẨM NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM
........
Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :
Trói tâm nơi cảnh giới,
Trí giác tưởng chuyển theo.
Thắng giải Vô Sở trụ,
Trí huệ bình đẳng sanh.
Vọng tưởng thì tánh hữu,
Nơi duyên khởi thì vô.
Vọng tưởng và nhiếp thọ,
Phi vọng tưởng duyên khởi.
Mỗi mỗi phân biệt sanh,
Như huyễn lại chẳng thành.
Dù hiện đủ thứ tướng,
Vọng tưởng cũng chẳng thành.
Chấp trước là lỗi lầm,
Đều do tâm trói sanh.
Vọng tưởng vốn vô tri,
Nơi duyên khởi vọng tưởng.
Tánh các vọng tưởng này,
Tức là duyên khởi kia.
Vọng tưởng có đủ thứ,
Nơi duyên khởi vọng tưởng.
Tục Đế Đệ Nhất Nghĩa,
Ngoại đạo chấp thành ba (1).
Cho là vô nhân sanh,
Dứt vọng tưởng Tục Đế,
Là cảnh giới bậc Thánh.
Ví như sự tu hành,
Một không ( hư không ) hiện nhiều mây.
Hư không vốn chẳng mây,
Lại hiện mây như thế.
Tâm cũng như hư không,
Vọng tưởng hiện nhiều sắc.
Do duyên khởi mà hiện,
Chẳng phải sắc phi sắc,
Ví như luyện vàng ròng,
Lọc bỏ các tạp chất,
Vàng thiệt liền hiện ra.
Vọng tưởng sạch cũng vậy.
Tự tánh chẳng vọng tưởng,
Vì duyên khởi thành có.
Kiến lập và phủ định,
Thảy đều do vọng tưởng.
Vọng tưởng nếu vô tánh,
Mà có tánh duyên khởi.
Vô tánh sanh hữu tánh,
Hữu tánh sanh vô tánh,
Nương nhau nơi vọng tưởng,
Mà thành tướng duyên khởi.
Danh tướng thường theo nhau,
Mà sanh các vọng tưởng,
Độ thoát các vọng tưởng,
Rồi thành trí trong sạch,
Gọi là Đệ Nhất Nghĩa.
Duyên khởi có sáu thứ,
Vọng tưởng có mười hai.
Tự giác và nhĩ diệm,
Vốn chẳng có sai biệt.
Năm pháp đều chân thật,
Tự tánh có ba thứ.
Tu hành thấu nghĩa này,
Chẳng ngoài nơi như như.
Các tướng và duyên khởi,
Đều gọi “khởi vọng tưởng”.
Các tướng vọng tưởng kia,
Từ duyên khởi mà sanh.
Giác huệ khéo quán sát,
Vô duyên vô vọng tưởng.
Thành tựu tánh vô sanh,
Thế nào giác vọng tưởng.
Do tự giác vọng tưởng,
Kiến lập hai tự tánh :
Là hiện cảnh vọng tưởng,
Và cảnh giới bậc Thánh.
Vọng tưởng như tranh vẽ,
Duyên khởi tức vọng tưởng.
Nếu nói khác vọng tưởng,
Là luận của ngoại đạo.
Do nhị kiến hòa hợp,
Sanh năng tưởng, sở tưởng.
Lìa hai năng, sở ấy,
Thành trí huệ bình đẳng.
(1) TỤC ĐẾ ĐỆ NHẤT NGHĨA, NGOẠI ĐẠO CHẤP THÀNH BA : Ngoại đạo nói Đệ Nhất là từ ban sơ sanh giác, Đệ Nhị từ giác sanh ngã tâm, Đệ Tam từ ngã tâm sanh ngũ trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, chẳng biết căn bản của duyên khởi, lại cho là Vô Nhân sanh, thành ra ở ngoài Nhị đế chơn và tục.
Đại Huệ Bồ tát lại bạch Phật rằng:
-Thế Tôn! Cúi xin vì đại chúng thuyết tướng Tự Giác Thánh Trí và Nhất Thừa, khiến con và các Bồ tát khéo tự giác, chẳng nhờ người khác mà thông đạt Phật pháp.
Phật bảo Đại Huệ:
– Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, ta sẽ vì ngươi mà thuyết.
Đại Huệ bồ tát bạch Phật rằng:
– Cúi xin thọ giáo.
Phật bảo Đại Huệ:
– Theo sở tri của bậc thánh xưa là vọng tưởng vô tánh, từng đời truyền thọ nhau, nghĩa là đại bồ tát tự ở nơi thanh tịnh quán sát tự giác, chẳng do người khác mà được lìa kiến chấp vọng tưởng. Dần dần tiến lên, vào địa vị Như Lai, ấy gọi là TƯỚNG TỰ GIÁC THÁNH TRÍ.
– Đại Huệ! Thế nào là TƯỚNG NHẤT THỪA? Ấy là giác được đạo Nhất Thừa, ta nói là Nhất Thừa. Thế nào là giác được đạo Nhất Thừa? Là nói nhiếp sở nhiếp của vọng tưởng, chỗ như thật thì chẳng sanh vọng tưởng, gọi là Nhất Thừa Giác. Đại Huệ! Nói NHẤT THỪA GIÁC, trừ Như Lai ra, chẳng phải hàng ngoại đạo, Thanh Văn, Duyên Giác và vua Phạm Thiên có thể giác được, nên gọi là Nhất Thừa.
Đại Huệ Bồ tát bạch Phật rằng :
– Thế Tôn! Tại sao nói Tam Thừa mà chẳng nói Nhất Thừa?
Phật bảo Đại Huệ :
– Vì tất cả Thanh Văn, Duyên Giác đối với pháp Niết Bàn chẳng thể tự chứng, nên chẳng nói Nhất Thừa. Do Như Lai muốn điều phục tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, truyền thọ pháp tịch tịnh, bậc họ nhờ phương tiện mà đắc giải thoát, chẳng phải do sức của chính mình chứng đắc, nên chẳng nói Nhất Thừa.
– Lại nữa, Đại Huệ! Đối với người chẳng dứt tập khí nghiệp chướng phiền não, nên chẳng vì tất cả Thanh Văn, Duyên Giác nói Nhất Thừa. Đối với người chẳng dứt được pháp Vô Ngã chẳng lìa phần đoạn sanh tử, nên thuyết Tam Thừa. Đại Huệ! Các bậc họ nếu dứt được lỗi tập khí và giác được pháp Vô Ngã, thì tất cả lỗi tập khí phiền não chẳng sanh khởi, đối với sự phi tánh chấp trước ham thích mùi vị của Tam-muội, bậc Vô lậu đã giác được, giác rồi lại ra vào thế gian, dần dần từ bậc Vô lậu đến chỗ Bồ Đề viên mãn, sẽ chứng đắc tự tại Pháp thân bất tư nghì của Như Lai.