KINH VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN Dịch giả: Sa môn Thích Đàm Cảnh
__________________________________________________ ______________________________________
Khi bấy giờ, Phật tử La Hầu La cùng năm mươi Sa - di, nghe Phật nói nhân duyên gốc ngọn tội lỗi chỗ gây tạo của bọn Phiến Đề La rất lo sợ lắm; mỗi người liền cung kỉnh đầu mặt lễ Phật, khép nép bạch với Phật rằng: "Thưa Đức Thế Tôn! Con nay vừa nghe Phật nói nhân duyên túc nghiệp, quả báo chịu khổ của bọn Phiến Đề La kia, lòng con rất lo sợ. Sở dĩ vì sao?
Vì như Hòa thượng Xá Lợi Phất của chúng con là bậc đại trí, đại phước đức được những nhà hào tộc trong nước quen biết rất nhiều, dân chúng đua nhau dâng lễ cúng dường, trân cam mỹ vị, thức ăn rất quý, nhiều không xiết kể, còn như chúng con bé dại không có phước đức, ăn của người những món ăn ngon lành như thế, đời sau lại sẽ lại đền trả nhân duyên kia, quả báo chịu khổ cũng như bọn Phiến Đề La. Vì những lẽ như thế nên chúng con rất lo sợ.
Kìa như năm trăm thầy Tỳ - kheo là bậc trưởng đức còn không có thể kham nổi bỏ đạo về tục, mà huống chi chúng con, là người không có trí huệ, cúi xin Phật rủ lòng thương xót cho chúng con bỏ đạo về nhà, mong khỏi tội khổ, không có khổ nạn".
Khi bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo La Hầu La rằng: "Con nay sợ tội muốn được về nhà, để cho khỏi khổ đó, việc ấy không phải. Vì cớ sao? Như có hai người thiếu ăn đói khát, bỗng gặp chủ nhân dọn đủ thức ăn, béo bùi ngon ngọt, người kia vì bụng đói tham ăn quá no. Song trong hai người đó, một người có trí, một người ngu si. Người có trí đó tự biết mình ăn quá no, thân thể nặng nề ấm ách khó chịu, sợ sanh bệnh khổ, liền đến thầy thuốc hay, khiêm nhường thấp mình, cúi đầu xin trị giùm bệnh khổ.
Vị lương y liền lấy thứ thuốc Ma đàn đề cho người kia uống đó, người kia uống rồi liền mửa món ăn bữa trước trong bụng ra, khi mửa món ăn bữa trước trong bụng ra rồi lại gạt lửa đắp mền nằm yên, người kia nhân đó mà khỏi bệnh khổ, giữ được tuổi thọ, an ổn khoái lạc.
Trái lại người không có trí kia không biết mình ăn quá no, nên ấm ách trong bụng tưởng là ma quỷ bắt, liền mời đồng bóng làm cho tốn hao tiền của, giết oan sanh mạng cúng tế quỷ thần, cầu xin mạng, nhưng chỉ luống tốn công vô ích, đồ ăn trong bụng bữa trước dần dần sanh ra bệnh phong, máu chạy gân chuyển, đau thắt ruột gan; nhớn đó rồi chết sanh trong địa ngục rồi chịu khổ vài kiếp, bởi do không có trí vậy".
Phật nói rằng: "La Hầu La con nay sợ tội về nhà, như người ngu si không có trí kia vậy".
Luận như người nay cầu phước muốn khỏi tội đó, cần phải khiêm tốn và tinh cần gần gũi Minh sư tu tập trí huệ; ăn năn tội nghiệp ác, cải bỏ những việc ác đã qua, sửa làm những việc lành sắp đến. Từ đây dần dần thành tựu trí huệ, vì thành tựu được trí huệ nên tiêu hết các tội.
Như Ta trước đã nói oai lực của ánh sáng mặt trời hay tiêu các chỗ tối. Người tu trí huệ cũng lại như vậy; nhờ người đời trước có nhân duyên căn lành. Nên nay gặp được Ta cùng Xá Lợi Phất v.v... Như người kia gặp được vị lương y có thể cứu bệnh khổ mà được khỏi chết. Con nay vì sao bỏ chỗ sáng vào chỗ tối?"
Sa-di La Hầu La bạch rằng: "Lạy Thế Tôn! Theo trí con nghĩ trí huệ chư Phật rộng lớn cũng như biển cả; còn tâm La Hầu chúng con nhỏ hẹp dụ như chỉ mành, đâu hay nhận nổi trí huệ của Đức Như Lai".
Phật bảo La Hầu: "Như giọt nước trời mưa, giọt sau không kịp giọt trước, tuy răng không kịp nhau nhưng có thể lần đầy mái to, người tu học trí huệ cũng lại như vậy. Ban đầu từ giọt nhỏ, lần đầy mái to, mái to đầy rồi sang tràn mái khác, lần lựa như vậy, đầy không biết bao nhiêu mái, thế mới gọi là lợi mình lợi người. Vì lời mình lợi người, nên gọi là bậc Đại sĩ như Ta hôm nay vậy".
Bọn ông La Hầu La thảy nghe Phật nói rồi tâm khai, ý tỏ không còn lo sợ, liền vâng làm đúng như lời Đức Thế Tôn dạy không có nghi vậy.
Khi bấy giờ, trong hội có vị Thái tử của vua nước ấy tên là Kỳ Đà, nghe Phật giảng dạy pháp tu Thập thiện, nhân duyên quả báo không có cùng tận. Liền quỳ gối chắp tay bạch Đức Thế Tôn rằng: "Xưa Phật cho con thọ trì Ngũ giới. Nay con muốn xả bỏ để thọ pháp Thập Thiện. Sở dĩ vì sao?
Vì trong pháp Ngũ giới về giới rượu rất khó giữ nên con sợ mắc tội".