DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 2/6 ĐầuĐầu 1234 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 51
  1. #11
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    Muốn Tỏ Ngộ là một sai lầm lớn !
    Thiền Sư Sùng Sơn.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bắn Phật !


    Sau buổi pháp thoại tại Trung tâm Thiền Cambridge, có một phụ nữ trẻ nói với Thiền sư Sùng Sơn: "Ngày mai là sinh nhật của con trai con, và nó nằng nặc đòi con mua cho nó một khẩu súng đồ chơi, hoặc là cho nó tiền. Nhưng con có chuyện muốn thưa, là một Thiền sinh, con muốn dạy cho cháu không nên mong ước nắm giữ những đồ vật có biểu tượng làm tổn thương. Dù là một khẩu súng đồ chơi hay tiền bạc. Vậy con nên làm gì?

    Đại Thiền sư trả lời: "Điều đó rất đơn giản: Cứ mua cho cháu khẩu súng đồ chơi! (Tiếng cười từ khán giả) Nếu bạn cho nó tiền, nó cũng sẽ đi ra ngoài và mua một khẩu súng đồ chơi (Cười). Ngày nay, có một số người trong chúng ta đi xem bộ phim gọi là Cobra, với vai diễn chính là ngôi sao điện ảnh Sylvester Stallone. Bạn có biết bộ phim này chăng? Một câu chuyện trong phim rất đơn giản: người tốt đọ với kẻ xấu. Những bộ phim khác cũng như vậy, chỉ có hai điều: xấu và tốt. Xấu – Tốt.

    Con trai của bạn muốn có một khẩu súng đồ chơi. Bạn nghĩ rằng điều đó không tốt. Nhưng thay vì bạn quyết định cho là như thế, bạn nên xem xét lại vấn đề để bạn ứng xử điều này một cách đúng nghĩa. Đừng tạo ra tốt hay xấu, làm thế nào để dạy cho cháu với chức năng chính xác của khẩu súng này. Được chứ? Điều đó rất quan trọng – nó quan trọng hơn là chỉ có một khẩu súng trong tay, hay là không có trí tuệ để nhận thức được chức năng chính xác của súng. Nếu bạn sử dụng khẩu súng này không chính xác, thì sau đó có thể bạn sẽ tự sát, giết lay những người khác và giết cả đất nước của bạn. Vì vậy, bản chất khẩu súng chính nó không tốt, không xấu. Quan trọng là chức năng chính xác của khẩu súng này dùng để làm gì?

    Do đó, bạn phải dạy cho con trai của bạn: Nếu Phật xuất hiện, hãy bắn Phật! Nếu Tổ xuất hiện, hãy bắn Tổ! Nếu Thiền sư xuất hiện, hãy giết Thiền sư! Nếu ma quỷ xuất hiện, hãy giết ma quỷ! Đây là một cách khác để nói lên khả tính là bất cứ điều gì xuất hiện trong tâm tưởng của bạn, bạn phải loại trừ tất cả. Được chứ? (Cười). Ngay đó bạn sẽ thành Phật!* (Nhiều tiếng cười).

    Vì vậy, bạn phải dạy cho con trai của mình theo cách này. Khẩu súng tự nó không tốt không xấu. Tốt hay xấu đây chỉ là những tên gọi. Quan trọng nhất là lý do tại sao bạn làm điều đó hoặc sử dụng nó như thế nào, mục đích là chỉ vì cái "Tôi" ích kỷ hoặc cho tất cả chúng sanh? Đó là điểm nên tu tập quán chiếu.


    ------------

    *Ngay đó bạn sẽ thành Phật! Đây là câu nói đùa !


    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  2. The Following 2 Users Say Thank You to hungcom For This Useful Post:

    colaihi (01-12-2022),hoatihon (12-20-2021)

  3. #12
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    Muốn Tỏ Ngộ là một sai lầm lớn !
    Thiền Sư Sùng Sơn.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Tại Sao Thiền Có Vẻ Khó ?


    Sau buổi Pháp thoại tại Trung tâm Thiền Cambridge, có người hỏi Thiền sư Sùng Sơn: "Tại sao Thiền có vẻ khó ?"

    – Khó ư? Sư hỏi.

    – Dạ vâng. Người đàn ông đáp. "Tại sao nó có vẻ khó? Tôi không nói nó là quá khó, nhưng nó có vẻ khó chăng ?"

    – Có vẻ khó ư ? Thiền rất dễ. Tại sao tạo ra khó ?

    Người đàn ông vẫn kiên trì, "Được rồi, tôi sẽ hỏi thầy như một nhà tâm lý học: Tại sao tạo ra cho nó khó ?"

    Sư hỏi lại:

    – Nhà tâm lý học nói thế hả ? Ai đã nói điều gì ?

    – Tại sao tôi hoặc bất cứ ai tạo ra Thiền khó ?"

    Sư giải thích:

    – Bạn nói “khó", vì vậy nó rất khó. Thuở xưa, vào triều đại trung Đường tại Trung Quốc, có một cư sĩ nổi tiếng tên là Bàng Uẩn (龐蘊 P'ang Yun), đệ tử của Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất (馬祖道一). Cả gia đình ông gồm vợ là Bàng thị (龐氏), người con trai tên Cảnh Huệ (景 慧 Kenh–huo) và một gái tên Linh Chiếu (灵 照 Ling–Chao) đều tu theo Thiền tông, tất cả đều ngộ đạo.

    Bàng cư sĩ từng là người giàu có nhất trong vùng, nhưng sau đó ông nhận ra rằng nhiều người không có đủ lương thực để ăn. Vì vậy, ông đã hiến tất cả ruộng đất của mình cho những người nông dân nghèo khó. Ông có nhiều đồ trang sức quý giá và nhiều tài sản khác, nhưng ông nghĩ rằng: “Nếu ta từ bỏ mọi thứ này đi và bố thí lại cho những người khác thì chúng cũng sẽ tạo ra lòng ham muốn của họ như ta mà thôi."

    Vì vậy, ông lấy một chiếc thuyền chèo ra giữa sông sâu và đổ tất cả tài sản quý giá của mình xuống dòng nước chảy. Sau đó, ông hiến ngôi nhà để làm chùa và cất một cái am nhỏ để tu. Cô Linh Chiếu thường theo hầu hạ ông, chuyên việc chẻ tre bện sáo bán để nuôi cha. Người con trai thì lo việc cày cấy trồng trọt trên mảnh ruộng nhỏ để nuôi mẹ. Cư sĩ Bàng Uẩn thường đi nhiều nơi tham vấn các vị Thiền sư nổi danh thời đó. Họ đã có một cuộc sống thật đơn giản, hạnh phúc và thực hành Thiền rất tinh tấn.

    Một ngày nọ, có người hỏi Bàng cư sĩ là Thiền khó hay dễ ?

    Ông trả lời: "Nó giống như cố gắng lấy gậy quơ mặt trăng. Rất khó khăn! "

    Sau đó, người đàn ông này nghĩ rằng, "Ồ! Thiền rất khó thật ư ? Nếu vậy thì tại sao cả nhà Bàng cư sĩ đều hâm mộ tu Thiền ? Ông ta liền đến hỏi thử bà Bàng thị:

    –Thưa bà, ông nhà của bà nói Thiền rất khó. Vậy tôi xin hỏi bà, Thiền khó hay dễ ?

    Bàng thị bèn nói: “Đâu có gì khó, Thiền rất dễ! Nó giống như sờ mũi của bạn khi bạn rửa mặt vào mỗi buổi sáng!”

    Người đàn ông không thể hiểu được. Ông tự nghĩ: "Hừm, Bàng cư sĩ nói Thiền khó; vợ ông nói là dễ. Không biết cái nào đúng ?”

    Ông ta bèn đi đến Cảnh Huệ, người con trai của họ để hỏi: “Cha anh nói Thiền rất khó; mẹ anh nói rất dễ. Vậy cái nào chính xác ?

    Cậu con trai trả lời:

    – Không khó, không dễ. Nếu bạn nghĩ rằng Thiền khó, thì nó sẽ khó. Nếu bạn cho nó là dễ thì nó sẽ dễ. Không tạo ra khó và dễ. Đó là Chân Thiền!

    Tuy nhiên, người đàn ông vẫn không hài lòng, ông bèn đi đến hỏi con gái của họ là cô Linh Chiếu:

    –Thưa cô, mọi người trong gia đình của cô đều trả lời khác nhau cho câu hỏi của tôi là Thiền khó hay dễ. Cha của cô thì nói Thiền rất khó. Mẹ của cô nói Thiền rất dễ. Và anh trai của cô nói Thiền không khó, không dễ. Vậy theo ý cô thế nào ?

    –Đi uống trà. Linh Chiếu đáp.

    Thiền sư Sùng Sơn nhìn vào môn sinh đặt câu hỏi và nói:
    –Vì vậy, hãy đi uống trà! Được chứ ? Không tạo ra 'khó’, cũng đừng tạo ‘dễ.’ Đừng tạo ra bất cứ điều gì. Từng khoảnh khắc, chỉ làm như thế !


    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  4. The Following 2 Users Say Thank You to hungcom For This Useful Post:

    colaihi (01-12-2022),hoatihon (12-19-2021)

  5. #13
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    Muốn Tỏ Ngộ là một sai lầm lớn !
    Thiền Sư Sùng Sơn.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Tâm Điên Đảo !


    Sau một buổi Pháp thoại tại Trung tâm Thiền Cambridge, một môn sinh hỏi Thiền sư Sùng Sơn: "Thưa thầy, có một vật như là tâm trong sáng phải không?"

    Thiền sư đáp:

    –Nếu bạn có tâm, sau đó bạn phải làm sạch tâm của bạn. Nếu bạn không tâm, việc làm sạch là không cần thiết. Vì vậy tôi hỏi bạn, bạn có tâm hay không?

    –Con hả?

    –Bạn có không?

    –Dạ vâng, con có.

    –Nó ở đâu?

    Thiền sinh có vẻ bối rối một lúc bèn hỏi vặn:

    – Nó ở đâu hả?"

    –Vâng, nó ở đâu? Tâm của bạn lớn cở nào?

    – Ư, hưm ...

    – Bao nhiêu đây (Thiền sư dang đôi cánh tay mở rộng) hay là bao nhiêu đây (thu hẹp chúng lại với nhau)?



    Thiền sinh nghiêng đầu quay lại và kéo dài cánh tay của mình mở rộng. "Dạ cở như vầy."

    – Ô! Chỉ có chừng đó thôi sao? Nó rất nhỏ! Thậm chí có vẻ không lớn bằng căn phòng này. (Nhiều tiếng cười từ giảng đường.) Đó không phải là tâm ban đầu của bạn. Khởi nguyên, tâm của bạn là toàn thể vũ trụ; toàn thể vũ trụ và tâm của bạn đều giống nhau. Tại sao bạn chỉ tạo ra tâm có chừng này? Vì vậy, đó là một vấn đề. Kể từ khi bạn tạo ra “tâm chừng này”, bây giờ bạn phải lau sạch tâm của bạn. Nó sẽ trở nên lớn hơn, lớn hơn, và lớn hơn–bao trùm khắp vũ trụ pháp giới. Nhưng nếu có bất kỳ vết nhơ nào, thì nó sẽ trở nên nhỏ hơn, nhỏ hơn, nhỏ hơn như hạt bụi. Tuy nhiên, trên thực tế, tôi nghĩ bạn không có tâm.

    –Thầy nghĩ con không có tâm ư?

    –Vâng, bạn không có tâm.

    Thiền sinh im lặng.

    –Bạn chưa hiểu, phải không? Vậy bạn có tâm hay không?

    –Vâng! Con không hiểu nhiều lắm.... Con không hiểu nhiều .... Umm ..... Con .... (Cười).

    –Lục Tổ nói: "Xưa nay không một vật, nơi nào dính bụi trần?” Vì vậy, có thể bạn không có tâm.

    Sau một hồi im lặng, Thiền sinh lóe lên một chút ý tưởng khác, bèn nói: “Được rồi, Thầy nói về Chánh mạng, Thầy nói về nghiệp làm tu sĩ và cần thực hành Thiền ... Ừ! ... và câu hỏi của con là ... không thể sống trong Trung tâm Thiền ... chỉ sống trong đời thường đã là rất khó khăn để tu hành! Ừ! ... để kết nối giữa sự tu tập và sinh kế. Ừm! ... Vì vậy, cái tâm để đáp ứng như thế thật là mâu thuẫn là cái tâm….con đang nói chuyện với ... từ ... Ừm!”

    Đến đây Đại Thiền sư ngắt lời:

    – Ôi cha! Tâm của bạn thật là rối rắm kỳ lạ!

    –Tâm kỳ lạ ư?

    –Vâng, tâm kỳ lạ. Ngày nay mọi người đều xuất hiện tâm kỳ lạ, bởi vì bên trong nó không an định, không chân chính ngay thẳng, không cẩn trọng, không rõ ràng. Tâm kỳ lạ này cũng giống như tâm động vật, không thực sự là tâm của một con người có tuệ giác thuần lương. Trong đó có thể tâm động vật 80 phần trăm và tâm người 20 phần trăm. Vì vậy, đó là kỳ lạ, đó là điên đảo, mà họ xem như là bình thường. Ngày nay có rất nhiều, rất nhiều người điên loạn như thế. Họ tạo ra nhiều điều không thể tưởng tượng. Tuy nhiều người điên, nhưng điên đây không phải đặc biệt. Ngay cả lời nói của Thiền sư cũng là điên. Hôm qua tôi đã có một buổi Pháp thoại nói về "Mặt trời mọc phương Đông và lặn ở phương Tây." Đó là những lời điên. Mặt trời không bao giờ mọc ở phương Đông và cũng không lặn ở phương Tây. Bởi lẽ mặt trời không bao giờ di chuyển! Chỉ có trái đất di chuyển xung quanh mặt trời, thế thì tại sao lại tạo ra mặt trời mọc ở phương Đông và lặn ở phương Tây? Thật điên rồ! (Cười) Vì vậy, đó là ý nghĩa: điên là không điên. Không điên là điên. (Thiền sư nhìn vào khuôn mặt của người hỏi.) Bạn có hiểu điều đó không? Điên tức là không điên; không điên tức là điên.

    Thiền sinh bắt đầu muốn nói điều gì đó, nhưng dừng lại.

    – Ha, ha, ha! Suy nghĩ của bạn bây giờ thêm khá phức tạp! Điều đó không sao cả. Thiền dạy rằng nếu bạn có tâm, bạn có vấn đề. Nếu bạn không tâm, tức thì tất cả mọi thứ đều không chướng ngại. Nhưng tất cả mọi người tạo ra tâm, vì vậy có rất nhiều vấn đề trên thế giới này. Có thể thí dụ, bạn là chủ một khách sạn. Tâm bạn như người quản lý khách sạn này–họ đang cần làm việc cho bạn. Thông thường, mọi thứ trong khách sạn đều ngăn nắp, nhưng người quản lý này luôn luôn gây ra nhiều vấn đề: "Tôi muốn cái này, tôi cần điều đó. Tôi thích dời đổi như thế này, tôi không thích làm như thế v.v.... Đó là tâm sai khiến, rõ chứ?

    Đức Phật dạy: "Khi tâm xuất hiện thì pháp xuất hiện. Khi pháp xuất hiện thì hình thức xuất hiện. Khi hình thức xuất hiện, sau đó thích – không thích; đến – đi, sanh và tử, tất cả mọi thứ xuất hiện.” Vì vậy, nếu bạn có tâm, tức có vấn đề. Không tâm, thì không có vấn đề. Dưới đây là một số từ rất phổ biến: "Tất cả do tâm tạo”. Có những từ ngữ tốt; chúng có hương vị tốt. Tâm của bạn tạo ra mọi thứ, và cái gì làm chướng ngại bạn. Vì vậy, không tạo ra bất cứ điều gì! Hãy lấy tâm của bạn và ném nó vào thùng rác. Chỉ không biết!

    Thiền sinh đơn thuần ngồi như vô cảm, nhìn chằm chằm xuống sàn nhà. Thiền sư tiếp tục:

    – Vì vậy, thực hành Thiền có nghĩa là bạn phải sa thải người quản lý khách sạn tồi này đi, bởi vì anh ta đang tạo ra những chuyện rắc rối trong khách sạn cao cấp của bạn. Bạn phải kiểm soát khách sạn của bạn, có nghĩa là bạn kiểm soát mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Bạn là người chủ phải mạnh mẽ sáng suốt, đừng để tên quản lý lung lạc. Nếu quản lý không làm công việc của mình một cách đúng đắn thì người chủ phải quở trách: "Ngươi là người quản lý tồi! Tại sao ngươi không sửa đổi tật xấu này? Đó là công việc của ngươi! Tại sao ngươi tự tung tự tác trộn cắp tiền bạc, của quý trong khách sạn? Ta sẽ đuổi ngươi!" Sau đó, tên quản lý này sẽ sợ bạn và van xin: "Ồ, xin đừng đuổi tôi! Đừng đuổi tôi." Ngay lúc ấy, người chủ khách sạn phải ra uy, “Thế thì ngươi có chịu lắng nghe ta không?” “–Thưa vâng! Dạ nghe, tôi xin vâng lời ông chủ ngay từ bây giờ !”

    Bạn phải khảo tâm của bạn như vậy. Được chứ? Hãy cảnh báo cho tâm của bạn biết là “Hãy lắng nghe tôi!” Nếu tâm của bạn nói “Được, xin vâng”. Tức thì không có vấn đề. Nếu không, bạn phải cắt bỏ tâm này. Bằng mọi cách bạn phải sử dụng thanh kiếm “không-biết”, luôn luôn gìn giữ thanh kiếm không-biết này. Tâm rất sợ nó. Nếu bạn giữ thanh kiếm không-biết, sau đó tất cả mọi thứ không có vấn đề.

    Một tia sáng lóe lên đáng kể, vị Thiền sinh cúi đầu đãnh lễ và nói: "Xin cảm ơn Sư phụ rất nhiều về việc giảng dạy của ngài."


    ----------




    7 to ngo.jpg
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  6. The Following User Says Thank You to hungcom For This Useful Post:

    colaihi (01-12-2022)

  7. #14
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    Muốn Tỏ Ngộ là một sai lầm lớn !
    Thiền Sư Sùng Sơn.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Tâm Cố Gắng Của Thiền Sư Cổ Phong.


    Sư phụ của ngài Sùng Sơn là Thiền sư Cổ Phong, một trong những Tổ sư vĩ đại nhất thời bấy giờ. Ông nổi tiếng rất nghiêm khắc và từ chối thu nhận đệ tử xuất gia cũng như không dạy Thiền cho họ. Ông gọi họ là những kẻ lười biếng và ngạo mạn. Ông cũng rất nổi tiếng với những hành vi táo tợn phóng khoáng của mình.

    Một ngày nọ, khi ông còn là một nhà sư trẻ, Cổ Phong đã đi bái hương, vãn cảnh già-lam trên núi. Ông dừng lại một ngôi chùa nhỏ bên đường và quyết định xin vị trú trì ở lại đó trong một tuần để hành thiền. Sau vài hôm, vị trú trì có việc đi cúng đám một nhà đệ tử dưới làng phải ở lại đêm, giao lại chùa nhờ Sư Cổ Phong trông coi. Buổi chiều hôm đó, có một bà già leo lên con đường dốc núi đến chùa nơi Sư Cổ Phong trú ngụ, bà mang theo trái cây và một bao gạo trên lưng. Khi đến Điện Phật, bà đã nhìn thấy Sư Cổ Phong đang ngồi thiền. Bà lên tiếng:

    –Ồ! Thưa Sư, tôi xin lỗi, bà nói. "Tôi vừa leo lên núi này, đến đây để cúng dường Phật. Có rất nhiều chuyện lộn xộn trong gia đình làm cho tâm tôi cảm thấy bất an. Tôi muốn một thầy nào đó tụng kinh cầu nguyện Phật giùm. Thầy có thể vui lòng giúp tôi được không?"

    Gương mặt bà lộ vẻ u buồn và thành khẩn. Cổ Phong bèn nói: –Tất nhiên! Tôi rất hoan hỷ tụng kinh để cầu nguyện cho bà. Không sao cả. Bà hãy an tâm.

    Nhưng Cổ Phong không biết việc đầu tiên để thực hiện các nghi lễ tụng niệm là gì. Mặc dù ông đã là một tu sĩ lâu năm, nhưng ông sống trong thiền viện, nơi các nhà sư chỉ dụng công tham thiền. Ở Hàn Quốc, có các thầy chuyên tụng kinh lễ sám cho người thế tục. Có những vị Pháp sư chuyên học tập nghiên cứu kinh điển và có những nhà sư chuyên tu thiền. Vì vậy, Đại sư Cổ Phong không biết một chút gì về khoa nghi tụng niệm truyền thống của giáo môn, hoặc thậm chí làm thế nào để thực hiện nó; ông không biết gõ mõ hoặc khi cúi lạy vào thời điểm nào thích hợp. Tuy nhiên, ông tự nghĩ: "Không sao. Chỉ nhất tâm làm điều đó. Được thôi. Không có vấn đề ."

    Thiền sư Cổ Phong mặc áo choàng và khoác tấm y của mình vào. Bởi vì từ trước tới giờ ông chưa từng hướng dẫn một khóa lễ nào như vậy, ông không biết tụng kinh Phật sao cho phù hợp. Thông thường, phải rành rọt nghi lễ thích hợp mới thực hiện được việc tụng niệm nhất định với những bài kinh khác nhau. Như Kinh chú Đại bi ngàn mắt, ngàn tay chẳng hạn, nhưng Cổ Phong không biết gì cả. Ông chỉ nhớ một số bài kinh của đạo Lão cổ xưa mà ông đã từng đọc thuộc, trước khi trở thành tu sĩ tham thiền. Vì vậy, ông gõ mõ và tụng vang lời kinh Đạo Lão, ông cúi đầu lạy Phật bất cứ lúc nào ông muốn. Ông chỉ cần thực hiện như vậy. Sau hơn một giờ, ông đã hoàn tất khóa lễ. Bà cụ tỏ ra rất hạnh phúc: -"Ồ, cảm ơn thầy. Thầy hết sức tử tế. Tôi cảm thấy bây giờ an ổn nhẹ nhàng hơn! " Bà nói xong rồi từ giả ra về.

    Khi đang trên đường xuống núi, bà đã gặp mặt thầy trú trì trở về từ chuyến đi tụng đám của ông. Ông vui vẻ nói:

    –Xin chào nữ thí chủ. Bà vừa mới lên chùa về đó nhỉ?

    –"Vâng, thưa thầy", bà đáp. "Hiện tại có nhiều chuyện buồn bực trong gia đình tôi, vì vậy tôi đã lên chùa cầu nguyện với Đức Phật. May có Thiền sư Cổ Phong đã giúp tôi mãn nguyện.

    –"Ồ! Thật là không đúng chỗ rồi", trú trì cho biết.

    –Ủa, tại sao vậy thầy?"

    –Bởi vì Sư Cổ Phong không biết tụng kinh. Có thể ai đó đã làm giúp cho bà chăng?

    –Không, không. Bà nói. "Ông ấy rất tốt. Chính ông ấy đã giúp tôi thật nhiều!"

    Thầy trú trì nhìn bà: "Làm sao bà biết rằng ông ấy đã cầu nguyện tốt như thế nào? Đây là những nghi thức tụng niệm rất đặc biệt! Cổ Phong là một nhà sư chuyên tu thiền; ông ta không rành việc cúng bái, ông ta cũng không biết tụng kinh. "

    –Vâng, tôi hiểu. Bà này cũng từng xuất gia làm ni cô, sau đó hoàn tục, cho nên bà cũng biết chút ít về kinh điển. Bà biết rằng Sư Cổ Phong tụng kinh của đạo Lão. Bà nói tiếp: –"Tụng kinh chính xác là gì? Tụng kinh không đúng là gì? Sư Cổ Phong đã làm điều đó rất tốt. Ông đã dồn hết 100 phần trăm năng lực để cầu nguyện cho tôi. Ngôn từ không quan trọng, chỉ cốt làm sao nhất tâm cố gắng. Sư Cổ Phong đã phát khởi tâm thành như thế."

    –Ồ, vâng, vâng! Tất nhiên, tất nhiên! Trú trì cho biết. "Tôi cũng nghĩ rằng một niệm thành tâm là rất quan trọng."

    Họ nói lời tạm biệt và mỗi người đi theo con đường riêng của mình. Khi thầy trú trì về đến chùa, ông ta nhìn thấy Thiền sư Cổ Phong vừa ngồi xả thiền. Ông hỏi:

    –Thầy vừa tụng kinh cho một bà già như thế phải không?

    –Vâng.

    –Nhưng thầy chả thuộc gì về Kinh sám kia mà.

    –Đúng vậy, Cổ Phong nói. "Tôi không thuộc gì về Kinh giáo. Vì vậy, tôi chỉ cất giọng tụng vang vang. "

    –Thế thì, thầy đã tụng loại Kinh gì? Trụ trì hỏi.

    –Tôi đã sử dụng một số bài kinh cổ điển của Đạo Lão. Thật tuyệt vời.

    Sư trú trì bước đi và gãi đầu.

    Đây là một câu chuyện “Tâm–cố gắng” rất thú vị. Có nghĩa là từng khoảnh khắc, chỉ làm điều đó với tâm cố gắng, nhất tâm, đó là “Tâm Như thị”. Khi tụng Kinh, hoặc ngồi thiền, hoặc lễ bái, thậm chí tu hành đặc biệt không thể giúp bạn, nếu bạn đang dính mắc với những suy nghĩ mông lung. Tụng kinh Lão giáo, tụng kinh Nho giáo, tụng kinh Ki–tô giáo, tụng kinh Phật giáo, không thành vấn đề. Tụng: "Coca Cola, Coca Cola, Coca Cola” ... cũng tốt, nếu bạn nhất niệm thành tâm. Còn như bạn cứ chạy theo suy nghĩ dính mắc của bạn trong lúc miệng bạn thốt ra lời tụng vang vang, thì ngay cả Đức Phật cũng không thể chứng minh và giúp được gì cho bạn. Điều quan trọng nhất là chỉ làm điều đó. Khi bạn làm một cái gì 100 phần trăm, thì ngay đó không có chủ thể và không có đối tượng. Không có bên trong và bên ngoài. Bên trong và bên ngoài đã trở thành một. Như vậy có nghĩa là bạn và vũ trụ không thể tách rời. Không có suy nghĩ, không động niệm.

    Kinh Thánh nói: "Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời." Khi bạn trở thành thanh tịnh, tức là bạn không tạo ra bất cứ điều gì, bạn luôn được kết nối với Thượng đế. Giữ tâm thanh tịnh nghĩa là làm cho tâm an ổn vững chãi, dù bạn đang di chuyển hoặc đang hoạt động làm việc. Sau đó, không có chủ thể, không có đối tượng, một tâm tĩnh lặng hoàn toàn như Phật. Khi ngồi thiền, thanh tịnh. Khi tụng kinh, thanh tịnh. Khi lễ bái, ăn uống, nói chuyện, đi bộ, đọc sách, hoặc lái xe, đều được thanh tịnh. Đây là cách giữ nhất tâm bất động, còn gọi là “Tâm Cố gắng.”


    ----------




    8 to ngo.jpg
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  8. The Following User Says Thank You to hungcom For This Useful Post:

    colaihi (01-12-2022)

  9. #15
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    Muốn Tỏ Ngộ là một sai lầm lớn !
    Thiền Sư Sùng Sơn.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Quán Ếch.


    Thiền tổ Cảnh Hư là Sư tổ của ngài Sùng Sơn. Ông là một trong những Tổ sư Thiền nổi tiếng nhất trong lịch sử Phật giáo Hàn Quốc.

    Cách đây nhiều năm, một ngày nọ ông đi dạo ở vùng nông thôn với học trò của mình, Yong Song là vị tăng trẻ được biết là nhà sư rất nhân từ, đôn hậu và thông hiểu mọi thứ. Khi hai thầy trò đi qua cái ao nhỏ, họ nhận thấy có một cái bàn bên vệ đường giống như một quán bán nước chanh, nhưng nó tạo ra sự chú ý khác biệt, bởi vì các đứa trẻ đã bắt rất nhiều ếch, rồi dùng dây buột quanh lưng chúng kết từng xâu đặt trên bàn để bán. Khách qua đường sẽ mua những con ếch này, mang về chặt đầu làm thịt nấu nướng và ăn chúng.

    Nhìn thấy những con ếch bị cột trói bên đường đáng thương, thầy Yong Song dừng lại thưa với ngài Cảnh Hư: "Bạch sư phụ, xin thầy vui lòng đến dưới gốc cây kia nghỉ ngơi trong giây lát rồi con sẽ quay lại ngay". Nói xong, thầy đến bên đám trẻ và bảo: "Tôi muốn mua tất cả những con ếch này", rồi lấy vài đồng xu trong túi ra đưa chúng: "Đây là số tiền tôi mua." Vì vậy, chúng bằng lòng bán hết tất cả những con ếch cho thầy. Nhóm trẻ nhảy tưng lên với niềm vui sướng thỏa mãn.

    Khi chúng bỏ tiền vào túi và xách lồng đi khỏi, kể cả lưới bẫy và mồi của chúng. Sau đó, thầy Yong Song tháo dây từ những con ếch và ném chúng trở lại vào ao. Chũm! Chũm! chũm! - Từng con một. Những chú ếch rất hạnh phúc, nhảy vèo theo cách của chúng trở lại ao và nổi xuyên qua mặt nước. Thầy Yong Song cảm thấy rất hạnh phúc, khi thầy nhìn chúng được phóng thích tự do, một nụ cười rạng rỡ trải rộng trên khuôn mặt thầy.

    Phủi tay, vui vẻ và tự hào với việc làm của mình, Yong Song bèn quay lại con đường, nơi mà Thiền Sư Cảnh Hư đang ngồi quạt nhẹ nhàng, bằng chiếc mũ rơm rộng vành của ngài dưới bóng cây râm mát. Yong Song nói:

    –Con rất vui khi chúng ta gặp dịp như vậy. Con chỉ cần cứu mạng tất cả những con ếch đó.

    Thiền sư Cảnh Hư bảo:

    –Hành động như thế tốt lắm. Nhưng ông sẽ đọa Địa ngục.

    Yong Song vội đánh thót giật mình liền thưa:

    –Tại sao con sẽ phải đọa Địa ngục? Con chỉ giải cứu những con ếch thôi mà!

    –Vâng, ông đã giải cứu những con ếch. Nhưng cái ao này các đứa trẻ sẽ quay lại và bắt chúng. Và ông đang đi thẳng xuống Địa ngục như tên bắn, Sư Cảnh Hư nói.

    –Tại sao con phải xuống Địa ngục?

    –Ông đã hiểu rồi mà!

    Yong Song thưa:

    –Dạ không, bạch sư phụ, con không hiểu gì cả. Xin Sư phụ từ bi khai thị.

    –Ông nói rằng "Con" cứu độ những con ếch. Ông tạo ra cái “Tôi” cho "tôi", nhưng cái "tôi" này không thật có. Tạo ra cái "tôi" đã là một sai lầm lớn. Nếu ông chấp giữ tâm cho rằng Tôi– của Tôi–thuộc về Tôi đã làm, sau đó, ngay cả khi ông thực hiện một số hành động tốt, nhằm gây ấn tượng cho nhiều người chú ý về ông (để được khen thưởng), tức nhiên ông đi thẳng xuống Địa ngục.
    Thầy Yong Song cúi đầu đãnh lễ thật sâu. –Ồ! Kính bạch sư phụ, con xin đa tạ thầy rất nhiều đã chỉ giáo cho con.


    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  10. The Following User Says Thank You to hungcom For This Useful Post:

    colaihi (01-12-2022)

  11. #16
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    Muốn Tỏ Ngộ là một sai lầm lớn !
    Thiền Sư Sùng Sơn.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ngón Cái Và Ngón Trỏ
    Của Thiền Sư Mãn Không.


    Nhiều năm trước đây, một phóng viên của tờ Nhật báo Seoul (Nam Hàn) quyết định làm một phóng sự về Thiền sư Mãn Không.

    Thiền sư này đã được vang danh trên khắp nước Hàn với phong cách giảng dạy khá mạnh mẽ, trong sáng và rõ ràng của mình. Ông cũng dạy Thiền cho các nữ tu và những người cư sĩ tại gia. Việc làm như thế thật không phù hợp với hoàn cảnh thực tại thời bấy giờ. Khi quân Nhật chiếm đóng Hàn Quốc, họ đã nỗ lực thống trị và kiểm soát toàn bộ đời sống tu hành của Phật giáo tại đây vào những năm 1940. (Họ không cho tập trung hội họp, giãng dạy đạo lý). Thiền sư Mãn Không từ chối hợp tác với kẻ ngoại bang, chấp nhận sự nguy hiểm đến với mình, thậm chí ông thách thức chế độ thực dân xâm lược của Nhật. Cho nên, hành động này, ông vượt lên tất cả với tâm giác ngộ sâu sắc của mình bằng năng lực đặc biệt, do vậy danh tiếng của ông lan xa và rộng khắp.

    Khi phóng viên nhà báo nghe nói rằng có đến ba trăm Tăng ni và Phật tử cư sĩ đã tụ tập xung quanh một ngôi chùa cổ có danh hiệu Tu Đức Tự (Su Dok Sah), để tu tập Thiền tông với Thiền Sư Mãn Không, mà không cần sự chuẩn thuận của nhà cầm quyền. Người phóng viên đã quyết định đi đến đó để làm phóng sự. Với bút chì và giấy trong tay, ông khởi hành tìm đến chùa.

    Vào những ngày đó, Thiền sư Mãn Không đang sống ẩn dật trong một am tranh gần đãnh núi Đức Sùng (Dok Seung Sahn). Và được thông báo rằng Đại Thiền sư sẽ xuống chùa Đông Hạc (Jeong Hae Sah), nơi có trường Thiền nằm giữa đường lên núi, mà một trong số cơ sở đó là Chùa Tu Đức(Su Dok Sah). Trước khi đi lên để bái kiến Thiền sư Mãn Không, phóng viên đã gặp một vài người bạn đang từ chùa Tu Đức xuống. Anh ta nói với họ:

    –Tôi sẽ lên gặp Thiền Sư Mãn Không để phỏng vấn ông làm một bài phóng sự .

    –Ồ, thế thì hay lắm. Một người bạn cho biết. "Chúc bạn thật may mắn."

    Một người khác thêm vào: "Hãy cẩn thận! Thiên hạ nói ông ta cũng giống như sư tử chúa sơn lâm. Tôi không muốn bạn một mình bị chờ đợi sơi tái! "

    Không nản lòng, người phóng viên từ giả bạn bè và bắt đầu lên núi. Đến nửa chừng, ông nhận ra Chùa Đông Hạc, và được phép vào phòng Thiền sư Mãn Không.

    Sư đang ngồi ở giữa căn phòng. Phóng viên lấy bút chì và giấy của mình ra và ngồi xuống đối diện với Thiền sư. Anh ta hỏi:

    – Kính chào, Ngài khỏe không, thưa Thiền Sư?

    Mãn Không chỉ đơn giản gật đầu mà không nói gì.

    –Ư! Dạ thưa ... .Con đến từ Seoul, và ...

    Thiền sư vẫn không nói một lời.

    –Con hiện làm việc cho những tờ báo nơi đó như thế, như thế, và..."

    Sư vẫn im lặng. Điều này làm cho phóng viên cảm thấy một chút lo ngại.

    –Vâng, Xin thầy cho biết quan điểm, phóng viên nói. "Phật giáo là gì?”

    Sư đưa bàn tay lên, dùng ngón tay cái và ngón trỏ uống cong lại với nhau tạo thành một vòng tròn.

    Phóng viên cho rằng Thiền sư có lẽ lãng tai nên không trả lời, vì vậy anh ta lại hỏi: "Thưa thầy, Phật giáo là gì? Giáo pháp của Phật là gì? "

    Thiền sư lại thực hiện cử chỉ tương tự.

    –Con ... con ... không nghĩ rằng thầy bị điếc, nên không nghe được câu hỏi. Anh ta kiên trì tiếp tục giải thích: "Con đang cố gắng tìm hiểu ... để nghe lời chỉ giáo của thầy ... về Phật giáo là gì? ..."

    Thiền sư cũng thực hiện cử chỉ tương tự.

    –Con ... con ... không nghĩ rằng thầy hiểu ý con hỏi, anh ta tiếp tục khăng khăng quyết đoán, "Con đang cố gắng để tìm hiểu ... và nghe thầy giải thích ... về Phật giáo là gì ạ?..."

    Một lần nữa, Sư cũng thực hiện cử chỉ tương tự.

    Phóng viên không thể hiểu được, và đáng tiếc là anh ta không thể viết ra được một chữ, bởi vì Thiền sư đã không nói bất cứ điều gì!

    Ở Hàn Quốc, cử chỉ đưa ngón tay cái và ngón trỏ tạo thành một vòng tròn, đôi khi được sử dụng để ám chỉ về "tiền bạc". Cho nên anh phóng viên thầm nghĩ: "Hừmm ... có lẽ ông thầy này muốn đóng góp tiền", và thò tay vào túi của mình. Anh ta chìa ra một vài đồng xu dâng cúng.

    Thiền sư Mãn Không vẫn không nói gì. Anh ta lại suy nghĩ: “Có lẽ ông ấy bị bệnh chăng". Nhưng Sư đã không có phản ứng gì khác. Sau vài phút trôi qua, một sự im lặng bị phá vỡ bởi những âm thanh của tiếng chim hót reo vui bên ngoài túp lều cỏ, người phóng viên liền cất giấy bút và tạ từ Thiền sư quay xuống núi. Khi anh tới chân núi gặp lại các bạn bè của mình. Một người hỏi:

    –Có điều gì đặc biệt về vị sư già đó chăng?

    –Ồ! Tôi hỏi ông ta, "Phật giáo là gì?" Ông chỉ làm dấu với hai ngón tay cái và trỏ tạo thành vòng tròn như thế này. Tôi nghĩ rằng ông ta muốn xin vài xu. Ông ấy thực sự có cần tiền không?

    Bạn bè của anh phóng viên đã cười nhạo anh ta: "Bạn nghĩ sai rồi, Ngài là một vị Đại thiền sư mẫu mực, làm gì nghĩ đến tiền bạc! Các thầy tu tại chùa Đông Hạc đã học tập với Lão Đại sư này trong nhiều năm. Tại sao bạn không đi lên đó mà hỏi vị thủ tọa về ý nghĩa những gì mà thầy của họ đã làm cho bạn?

    –Ồ, thật là ý kiến hay. Phóng viên cho biết.

    Vì vậy anh ta quay lên núi trở lại và tìm gặp sư thủ tọa chùa Đông Hạc:

    –Thưa thầy, tôi đã hỏi sư phụ của thầy về Phật giáo là gì, và ông chỉ ra dấu uốn cong ngón tay cái và ngón trỏ lại như thế này. Điều này có nghĩa là gì?

    Sư thủ tọa hả miệng rộng và nhai hai hàm răng lại với nhau ba lần. Phóng viên lại càng sửng sốt và thầm nghĩ: "Chả lẽ sư thủ tọa này có vẻ điên hơn thầy của ông ta ư !" Vì vậy, anh ta quay trở lại xuống núi và kể lại với bạn bè của mình những gì vừa xảy ra với sư thủ tọa. Toàn bộ cuộc tiếp xúc của anh ta đã trở nên bối rối hoàn toàn!

    Một người đàn ông trong đám bạn cười thật lớn, nhìn vào khuôn mặt xương xẩu của anh phóng viên, và nói:

    –Thiền sư Mãn Không đã giải thích cho bạn tất cả mọi thứ một cách hoàn hảo. Nó rất, rất rõ ràng. Nếu bạn thấu hiểu con người thật của bạn, bạn sẽ hiểu ý ông ta.

    Nhưng điều này không đáp ứng thỏa đáng của anh phóng viên. Anh trở lại Seoul và đã viết tóm lượt vài dòng phóng sự coi như là công việc tốt nhất mà anh ta có thể thực hiện, do không ghi chép được câu trả lời nào. Anh đã viết:

    “Tôi lên chùa Tu Đức tìm gặp Thiền sư Mãn Không để hầu chuyện và xin ngài cho phép làm bài phóng sự về ngài. Tôi hỏi "Phật giáo là gì?" Ngài không trả lời, chỉ làm dấu với hai ngón tay cái và trỏ tạo thành vòng tròn. Tôi không hiểu ý nghĩa gì. Bạn tôi bảo tôi nên gặp Sư thủ tọa là đệ tử của ngài để hỏi ắt sẽ rõ. Sư thủ tọa cũng không nói gì, chỉ hả miệng rộng và nhai hai hàm răng lại với nhau ba lần.

    "Tôi không thể hiểu được Thiền sư Mãn Không, cũng không hiểu được Sư thủ tọa tại chùa Đông Hạc. Bạn bè của tôi gặp tại chùa Tu Đức nói với tôi là trước hết, tôi phải hiểu bản chất thật sự (Chân ngã) của tôi, nếu tôi muốn tìm hiểu về vị Thiền sư vĩ đại này. Phật giáo có thêm một điều bí ẩn đối với tôi hơn bao giờ hết!”

    Nhiều người đọc bài viết ngắn này, tỏ ra rất quan tâm bởi cách trả lời của Thiền sư và vị thủ tọa. Vì vậy, thậm chí có nhiều người bắt đầu đổ xô đến Chùa Đông Hạc đông hơn trước kia. Một phụ nữ nổi tiếng trong giới trí thức ở Seoul cũng đọc bài viết đó. Câu trả lời của Thiền sư in sâu trong tâm trí cô. Cô đã có nhiều vấn đề về việc định hướng của người phụ nữ dấn thân, được đối xử trong xã hội Nho giáo truyền thống tại Hàn Quốc, và đấu tranh với nam giới cũng vì lẽ đó. Nhưng sự đấu tranh đã không giúp được gì cho cô. Cô thắc mắc: "Tại sao có những chuyện như vậy? Đàn ông là gì? Đàn bà là gì? Chân lý là gì? Tôi không hiểu."

    Sau đó cô đọc bài viết về vị Thiền sư này và câu trả lời dường như vô nghĩa của ngài, tâm trí cô trở nên hoàn toàn bị chướng ngại. Ngày hôm đó, cô lên núi mong bái kiến Thiền sư Mãn Không. Cuối cùng cô đã gặp được ngài, ngay lập tức cô bắt đầu nêu ra một số câu hỏi: "Chân lý là gì? Tại sao lại có đau khổ? Phương hướng đúng của con là gì? "

    Thiền sư Mãn Không liền ngắt lời cô: "Nếu cô mở miệng, cô đã đánh mất nó. Cô đã có hai mắt, hai tai, và hai lỗ mũi– nhưng tại sao chỉ có một cái miệng? Chúng rất tất bật mỗi ngày. Nếu như cô có một cái miệng khác ở phía sau đầu cô, cô có thể ăn với cái miệng phía trước và nói chuyện với cái miệng phía sau, cùng một lúc thì mới thỏa đáng. Nhưng tại sao cô chỉ có một miệng?"

    Người phụ nữ im lặng, và không thể trả lời được. Cô ấy hoàn toàn bị dính mắc: "Con không biết ... Con ... con” ... Tất cả những câu hỏi của cô đột nhiên trở thành một câu hỏi lớn– Đại nghi tình.

    Thiền sư kết luận: “Trước tiên, cô phải hiểu lý do tại sao cô chỉ có một miệng. Rồi sau đó, cô sẽ thấu rõ được Chân lý.”

    Vì vậy, người phụ nữ này cạo tóc xuất gia và trở thành một nữ tu. Cô thực hành thiền rất siêng năng tinh tấn: "Ta là gì? Cái gì là Ta?" Sau những nỗ lực lâu dài, Tâm cô bừng sáng và mở toang. Thiền sư Mãn Không thử nghiệm sự thể hội của cô ta, và ban “Ấn khả” cho cô.

    Vào những năm sau đó, cô đã viết nhiều cuốn sách và trở nên khá nổi tiếng khắp Hàn Quốc. Nhưng chỉ sau khi cô thấu hiểu tại sao cô có một cái miệng. Đó là nhờ vào ngón tay cái và ngón tay trỏ của Thiền sư Mãn Không giáo hóa cho cô ấy.


    ----------





    10 tongo.jpg
    Attached Images Attached Images
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  12. The Following User Says Thank You to hungcom For This Useful Post:

    colaihi (01-12-2022)

  13. #17
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    Muốn Tỏ Ngộ là một sai lầm lớn !
    Thiền Sư Sùng Sơn.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Y Phục Nguyên Thủy.


    Thiền sư Sùng Sơn được biết như là một người rất hồn nhiên, tự tại. Với tầm nhìn sâu rộng và bao la như vũ trụ, cho dù có phải do bởi điều này hay không, nhiều Thiền sinh vẫn đến với Ngài để có những cuộc tham vấn Công án*. Có người thể hiện sự hiểu biết của họ về Thiền qua những hành động lập dị, lạ kỳ hoặc không đúng với phong tục truyền thống. Họ tin rằng làm theo lối đặc biệt như vậy sẽ gây ấn tượng với ngài.

    Một ngày nọ, khi công bố chính thức những cuộc tham vấn Công án trong khóa tu bảy ngày tại Trung tâm Thiền Cambridge, có một nam môn sinh bước vào Thiền đường hoàn toàn khỏa thân, đảnh lễ Thiền sư Sùng Sơn và ngồi xuống đối mặt với ngài.

    –Chào buổi sáng! Đại thiền sư nói và hoàn toàn không mấy ngạc nhiên bởi hành vi lạ đời này. Nó như cố tình hiện rõ động thái của môn sinh nhằm gây xốc cho ngài.

    –Chào thầy buổi sáng, Thiền sinh đáp lại.

    –Bạn từ đâu đến?

    Thiền sinh đứng dậy và lấy tay vỗ chung quanh hông của mình, miệng thốt ra tiếng: "WO, WO, WO !!!" Anh ta đáp ứng câu hỏi là buông bỏ những suy nghĩ của mình trong lúc tham thiền và trên thực tế mặc dù đôi khi không được tao nhã. Thiền sư Sùng Sơn có một lối giáo hóa thích nghi trong mọi tình huống, ngài đã từng chỉ dạy cho anh ta từ nhiều năm trước, bảo rằng: "Hãy bắt lấy âm thanh của vũ trụ."

    –Thật thú vị! Sư cười, và sau đó hỏi với giọng nghiêm nghị: "Nhưng thực sự có đúng như thế không?"

    Thiền sinh lại vỗ vào hông của mình nói: "WO, WO, WO !"

    –A! Bạn chỉ hiểu Một; nhưng bạn không hiểu hai. Bạn chỉ hiểu “WO, WO, WO!” Bạn đang dính mắc với âm thanh vũ trụ này và một số hành động điên rồ. Bạn đã tự do “thoát xác” với mục đích dành cho cuộc tham vấn hôm nay, nhưng bạn không hiểu “thoát tâm” thực sự đã được nêu ra. Hãy ngồi xuống và tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện.

    Người đàn ông ngồi xuống, tỏ ra đỏ mặt. Tất cả sự tự tin của anh ta biến mất. Thiền sư ôn tồn nói:

    –Cách đây khá lâu, có một người đàn ông ở miền nam Trung Quốc, đã không bao giờ mặc quần áo. Tại miền nam Trung Quốc thì chuyện đó có thể xảy ra, bởi vì trời thường oi bức. Ông muốn trở thành một người đàn ông hoàn toàn tự do 100 phần trăm. Vì vậy, ông không bao giờ mặc quần áo trong nhiều năm như vậy. Ông ngồi cả ngày dưới một gốc cây. Đôi khi đi ra ngoài xin ăn, sau đó lại quay về gốc cây nơi ông trú ngụ để ăn uống nghỉ ngơi. Nhiều người cho rằng ông là người điên, nhưng một số thì nói, “Ôi chao! Đó là một người đàn ông phi thường, hoàn toàn tự do!” Vì vậy, không ai có thể quả quyết là người đàn ông này điên, hoặc hoàn toàn tự do tự tại trong sanh tử?

    Rồi một ngày, nghe đồn về người đàn ông này, Đại sư Lâm Tế là một Thiền sư nỗi tiếng, nói với một trong những đệ tử của mình: “Hãy may vài bộ quần áo mới và đem đến bố thí cho người khổ hạnh khỏa thân này. Có lẽ ông ta sẽ có một cái gì đó thú vị để nói với con.”

    Vì vậy, sau khi may những bộ quần áo đẹp, ngài Lâm Tế sai vị tăng mang đến tặng cho người khỏa thân không nhà này.

    –Chào ông. Ông khỏe không? Tăng hỏi, khi nhận ra người đàn ông đang cầm quạt phe phẩy dưới một gốc cây to.

    –Khỏe. Ông ta đáp.

    –Sư phụ của tôi đã gửi tặng ông mấy bộ quần áo mới.

    –Thật sự không cần thiết! Người đàn ông khỏa thân đáp và phất tay từ chối với vị tăng. Ông nói tiếp: “Tôi đã có quần áo rồi. Quần áo của tôi sẽ không bao giờ rách! Những vật mà bạn cho là đẹp, là mới bây giờ, nhưng trong một vài tháng, hoặc vài năm sau, chúng sẽ dơ bẩn, cũ kỹ và rách nát. Còn cái mà tôi đang có là do cha mẹ tôi đã cho tôi. Nó có thể bám một chút dơ bẩn theo thời gian, nhưng sau đó tôi chỉ cần đi bơi trong sông nước là tẩy sạch. Bộ đồ da này nó sẽ theo tôi suốt đời! Mấy bộ quần áo đó không cần thiết. Ngay cả bạn là tu sĩ, bạn cũng nhận ra là ít tự do hơn tôi, bởi vì bạn phải luôn luôn lo lắng về phẩm phục, may vá và giặt giũ chúng. Nhưng với tôi thì không. Tôi được tự do hoàn toàn! Vì vậy, tôi không cần thiết để nhận quần áo này và xin trả lại cho sư phụ của bạn."

    Điều này dường như tạo ra cảm thức sâu sắc với vị Thiền tăng trai trẻ, và thậm chí còn gây ấn tượng mạnh: Tâm người đàn ông khỏa thân này vốn bất động, ông tỏ ra rất hạnh phúc, bình an và hoàn toàn tự do! Vì vậy, vị Tăng cúi chào một cách lịch sự, rồi trở về trình bạch với sư phụ của mình tất cả những gì mà người khổ hạnh khỏa thân đã nói.

    Khi nghe xong, Lâm Tế bèn dạy người đệ tử vào ngày mai quay trở lại và hỏi người khỏa thân câu hỏi: “Khi ông sanh ra, Bố mẹ đã cho ông bộ quần áo tự nhiên này, nhưng trước khi sanh, y phục nguyên thủy của ông là gì?” Sau đó, về cho tôi biết ông ta nói gì". Vì vậy, qua ngày hôm sau, vị Tăng trẻ lại đến gặp người đàn ông khỏa thân trú dưới gốc cây và hỏi ông ta câu hỏi của Đại sư Lâm Tế.

    Người đàn ông khỏa thân hoàn toàn bị mắc kẹt và không thể trả lời. Ông chỉ ngồi đó gãi đầu và động đậy thân mình. Ông lầm bầm: "Trước khi ta được cha mẹ sinh ra, ta có loại quần áo gì? Trước khi ta sinh ra, y phục nguyên thủy của ta là gì? Tâm trí của ông hoàn toàn bế tắt. Nó đã trở thành Đại nghi, một câu hỏi thực sự to lớn cho ông. Ông ta thôi không đi xin ăn hàng ngày nữa, quyết nhịn đói và tắm thường xuyên. Thời gian trôi qua không bao lâu, bộ quần áo tự nhiên của cha mẹ cho ông bắt đầu khô cứng, được mang ra ngoài chuẩn bị hỏa thiêu ngay sau khi ông qua đời. Ông đã mất đi bộ quần áo cha mẹ đã cho ông. Bây giờ thực sự ông hoàn toàn thoát xác!

    Nhiều người đến dự lễ hỏa táng ông. Sau đó, họ tìm thấy trong đống tro tàn, phát hiện ra nhiều xá lợi. Đây là những dấu tích còn lại trong tinh cốt của công năng thiền định hết sức tuyệt vời. Nó giống như nước biển đã được đun sôi chỉ để lại muối.

    Ở châu Á, khi một Đại sư được hỏa táng, nhiều người sẽ sàng lọc trong đống tro tàn để xác định có bao nhiêu xá lợi vẫn còn lưu lại. Nếu không được kết tinh xá lợi, có nghĩa là giá trị đạo đức và sự tu hành của nhà sư này còn non kém. Nhưng khi xá lợi được lưu lại có một số lượng lớn, hoặc có những xá lợi đặc biệt xuất hiện mới lạ, điều đó có nghĩa là vị Đại sư đó (hoặc hành giả đó) đã chứng ngộ về mặt tâm linh và có đời sống đạo đức cao siêu tuyệt diệu. Đây là theo quan niệm truyền thống cũ của Châu Á để kiểm tra sự tu hành của một nhà sư.

    Vì vậy, khi người ta thấy những xá lợi của người khổ hạnh khỏa thân, họ thốt lên: "A! Đây là một tu sĩ tuyệt vời! Chúng ta thật quá tệ, chưa bao giờ mình được học hỏi nơi ông, trong lúc ông còn sanh tiền. Tất cả những năm qua, ông đã thản nhiên khỏa thân đi khất thực xung quanh các đường phố, và bây giờ chúng ta mới hiểu ra được phần cuối cùng cuộc đời của một bậc chân tu khổ hạnh!”

    Các hàng đệ tử xuất gia và cư sĩ tại gia tập trung tại giãng đường hoàn toàn im lặng. Họ nghĩ: "Thiền Sư là một nhà ảo thuật chăng! Sao có thể như vậy được?” Họ bèn thưa: “Chúng con không hiểu những gì đang xảy ra! Xin Sư phụ từ bi khai thị."

    Lúc này, Lâm Tế đột nhiên hét to: "Katz! Bây giờ có bất kỳ xá lợi nào hay không?!” Không ai có thể trả lời. Mọi người càng bối rối hơn trước, nhìn thẫn thờ vào Sư, sau đó họ nhìn nhau, rồi lại nhìn Sư.

    Nhận thấy mọi người kinh ngạc vì mình, Đại sư Lâm Tế tiếp tục: "Nếu bất cứ các vị hiểu được ý nghĩa thực sự tiếng hét của sơn Tăng, điều đó sẽ làm cho cuộc sống của các vị tốt hơn. Và tốt hơn nữa, so với việc tìm kiếm một trăm cân xá lợi của các thánh nhân. Tại sao tất cả các vị dính mắc với những di tích còn sót lại? Tại sao các vị tạo ra "tinh khiết" và "uế trược", "thánh" và "phàm", "sống" và "chết"? Người đàn ông khỏa thân này có đời sống rất đơn giản, trong sạch và tinh khiết. Khi ông qua đời, cơ thể của ông được hỏa táng và lưu lại nhiều xá lợi đẹp đẽ. Đó là sự thật. Tuy nhiên, ông đã không hiểu y phục nguyên thủy, ông đã không hiểu được con người thật của chính mình. Thật đáng buồn! Trong lời Phật dạy, điều nào quan trọng hơn: Sản xuất những viên ngọc xá lợi để lưu lại sau khi chết, hay là sự thấu rõ về con người thật của chính mình? Nếu các vị hiểu được Chân ngã chính mình, tốt hơn so với một trăm cân xá lợi. "


    Attached Images Attached Images
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  14. The Following User Says Thank You to hungcom For This Useful Post:

    colaihi (01-12-2022)

  15. #18
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    Muốn Tỏ Ngộ là một sai lầm lớn !
    Thiền Sư Sùng Sơn.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Y Phục Nguyên Thủy.


    .........

    Kết thúc câu chuyện, Thiền sư Sùng Sơn nhìn người học trò khỏa thân của mình và hỏi: "Thế thì trước khi bạn được sinh ra, y phục nguyên thủy của bạn là gì?"

    Thiền sinh đứng lên và thốt ra âm thanh "WO, WO, WO !!!" một lần nữa,

    Sư Sùng Sơn liền đánh anh ta bằng cây gậy Thiền của mình. “BAM!”

    –Ối! Ối! Thiền sinh hét lên.

    –Bạn đang dính mắc với hành động điên rồ của bạn; bạn chỉ hiểu 'WO, WO, WO! "Đó không phải là chân thật ngữ của bạn, nó là vọng tưởng điên đảo. Nhưng tiếng la "Ối!" này, đó mới là thật ngữ ban đầu của bạn. Nó xuất phát từ cơ thể thực tại và tâm hồn bạn. "Ối!" là Tức-như-thị. Nhưng chỉ nói 'WO, WO, WO!' có nghĩa là bạn dính mắc vào Không, ở lãnh vực không Danh và không Sắc. Nếu bạn bị dính mắc chỉ để nói WO, WO, WO! Sau đó bạn không hiểu được ý nghĩa thực sự của WO, WO, WO! Vì vậy tốt hơn là bạn nên mặc lại quần áo.

    –Ồ, thưa vâng. Cảm ơn Sư phụ rất nhiều.

    Thiền sinh nói xong cúi đầu đảnh lễ, rồi ngoan ngoãn âm thầm lấy tay che phủ những bộ phận riêng tư của mình và lui ra.


    -----------------

    * Công-án, là ngôn ngữ đặc thù ngầm hiểu rõ tối thiểu của việc tập huấn về Thiền. Đó là một câu hỏi dành cho những Thiền sinh để quán niệm một cách sâu sắc và làm rõ nghi tình của họ dẫn đến tỏ ngộ. Dường như nghịch lý trong tự nhiên, một Công-án không thể được mở khóa haặc giải trình thông qua suy nghĩ hay nhận thức hợp lý từ trí não, mà là sự biểu hiện chân thật từ tự tánh, cần phải khơi dậy sự tỉnh thức trong tận cùng tâm linh sâu thẳm nhất và thường được thể hiện qua âm thanh hoặc hành động. Trong đó, hầu như vô nghĩa mà hành giả đang theo dõi Công án và bất chợt khi tâm thức bùng vỡ.

    ** Về Xá-lợi ?

    _ Có thật, có giả !

    Xá lợi Phật và chư Thánh chúng đã đắc quả A La Hán trở lên là THẬT.

    GIẢ :
    1._ Xá lợi của những vị tu luyện theo các pháp môn Ngoại đạo, như : "Cô tinh, bế Khí, tồn Thần", ....(trường hợp của T.l Thích Giác Lập) chỉ như là "nấu nước biển còn lại muối".

    2. _ Sự tồn đọng hóa chất (oxalat canxi, ....) kết tinh nên các loại sỏi thận, sỏi gan mật.... Rất nhiều bệnh nhân sau khi hỏa thiêu đã để lại nhiều dạng sỏi canxi, Cư sĩ Diệu Âm đều quy chụp họ là "Niệm Phật vãng sanh lưu Xá lợi", thậm chí đó là đứa trẻ Bại Não cũng được phong là Bồ tát.


    ----------





    11 xa loi.jpg
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  16. The Following User Says Thank You to hungcom For This Useful Post:

    colaihi (01-12-2022)

  17. #19
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    Muốn Tỏ Ngộ là một sai lầm lớn !
    Thiền Sư Sùng Sơn.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Những Điều Tốt !


    Có một môn sinh đã từng hỏi Sư tổ của ngài Sùng Sơn là Thiền sư Mãn Không rất nổi tiếng: "Tại sao thời nay không có nhiều người hâm mộ tu thiền?"

    Tổ đáp: "Con người hầu hết sống trong cõi đời này họ thường nuôi hy vọng có những điều tốt đẹp sẽ luôn đến với họ. Nhưng họ không biết rằng khi nhận được một điều tốt, tức cũng sẽ nhận được một điều xấu. Đó là quy luật của vũ trụ. Cho nên, họ cảm thấy bất ngờ khi điều xấu mang đến và họ phải chịu nhiều đau khổ. Đối với suốt cả cuộc đời họ, mãi đi tìm cầu lòng vòng và đuổi theo những mơ ước tốt đẹp, tránh những gì khó chịu xảy ra.

    Khi mọi chuyện rủi ro xảy đến, họ không được toại nguyện, liền cho Phật trời không linh hiển và họ không còn giữ vững niềm tin. Họ không tin ở tự tánh chính mình. Sau đó chán nản bỏ cuộc, vì họ không thấu triệt Đạo lý Nhân Quả.

    Vì vậy, khi bạn tu tập, bạn phải từ bỏ lối sống của con người tầm thường này. Bạn phải có tai như điếc, có miệng như câm và có mắt như mù, không nên đuổi theo những vọng tưởng điên đảo và tránh xa mọi thứ cám dỗ. Đừng tạo ra bất cứ điều gì (dù thiện hay ác). Không ham muốn bất cứ điều gì (dù tốt hay xấu). Sau đó, bạn sẽ nhận ra “Con người thật” của bạn với một phong cách sống hoàn hảo tự nhiên .”


    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  18. The Following User Says Thank You to hungcom For This Useful Post:

    colaihi (01-12-2022)

  19. #20
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    Muốn Tỏ Ngộ là một sai lầm lớn !
    Thiền Sư Sùng Sơn.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bồ Tát Thu Phí.


    Một buổi chiều, Thiền sư Sùng Sơn cùng một số học trò của ông đã từ Providence, Rhode Island, lái xe xuống đường I-95, để tới thành phố Nữu Ước (New York). Họ trò chuyện suốt thời gian cuộc hành trình, các môn sinh hỏi Sư nhiều câu hỏi khác nhau.

    Tại một điểm thu phí họ dừng lại để đóng tiền. Người lái xe đưa cho nhân viên điều hành một số tiền và chờ đợi sự thối trả. Một trong những môn sinh nói với cô ấy thông qua cánh cửa sổ đang mở:

    – Hôm nay trời gió mát mẻ quá phải không cô?

    – Vâng! cô ta trả lời. "Tuy nhiên, theo hảo ý của tôi, nơi mà tất cả gió mát này từ đâu đến?"

    Sau khi cô đã thối tiền cho người lái xe, họ tiếp tục lên đường. Chiếc xe đã đi thêm vài dặm. Sau đó, Thiền sư Sùng Sơn quay sang môn sinh của mình và nói:

    –Người phụ nữ thu phí khi nảy không phải là người tầm thường. Đó là hiện thân của Bồ tát Quan thế Âm [Bồ tát của lòng Từ bi] đã hỏi con với một câu hỏi lớn: “Nơi mà tất cả gió mát này từ đâu đến?" Thật là một Công án tuyệt vời! Con phải luôn luôn xem lại việc giảng dạy, xuất xứ nơi đến theo phương cách của con trong mọi lúc. Buông xuống tâm trí của con và sau đó con có thể nhìn thấy những gì thực sự hiện ra trước mặt con. Vì vậy, thầy hỏi con: Nơi mà tất cả gió mát này từ đâu đến?

    Không ai có thể trả lời.

    Được. Thầy sẽ cung cấp cho các con một gợi ý. Thiền tổ Mãn Không đã viết một bài thơ này giúp con hiểu rõ:

    “Các pháp sanh ra bởi theo chiều gió;
    Các pháp diệt rồi theo gió cuốn đi.
    Khi bạn tìm ra gió từ đâu đến,
    Thể không sanh, không diệt tức thì.
    Khi bạn có câu trả lời 'Như-thị',
    Liền nhận ra thể tánh huyền vi."

    “Everything is born by following the wind;
    Everything dies by following the wind.
    When you find out where the wind comes from,
    There is no life, no death.
    When you have an answer ‘like-this,’
    You see nature through spiritual eyes.”


    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  20. The Following User Says Thank You to hungcom For This Useful Post:

    colaihi (01-12-2022)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Rơi nước mắt khỉ mẹ cho con bú lần cuối trước khi bị làm thịt
    Gửi bởi minhquang trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 05-05-2016, 09:44 PM
  2. Trả lời: 0
    Bài cuối: 10-03-2015, 12:23 PM
  3. Hiểu sai lầm về sự nhiệm mầu của Phật pháp sẽ dẫn đến mê tín.
    Gửi bởi Trí Từ trong mục Những bài tự viết - Tập viết
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 09-15-2015, 09:55 AM
  4. Những Lời Khuyên Tâm Huyết - Đức Đạt Lai Lạt Ma 14
    Gửi bởi choconxauxi trong mục MẬT TÔNG
    Trả lời: 6
    Bài cuối: 08-21-2015, 09:08 PM
  5. Thế nào là Giáo lý Vô Ngã ?
    Gửi bởi cunconmocoi trong mục Giáo lý Nhị Thừa (Tiểu thừa - Quyền thừa)
    Trả lời: 45
    Bài cuối: 06-30-2015, 09:59 AM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •