CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA Tác Giả: Nguyệt Khê Thiền Sư
__________________________________________________ ______________________________________
CHƯƠNG II - YẾU CHỈ THIỀN TÔNG
1- Ý NGHĨA “GIÁO NGOẠI BIỆT TRUYỀN, CHẲNG LẬP VĂN TỰ”
Bích Nham Tập có bài bình xướng rằng: “Đạt Ma từ xa quán đất này có căn
khí Đại thừa, bèn vượt biển đến Trung Quốc, chuyên truyền Tâm ấn khai thị
cho kẻ mê, chẳng lập văn tự, trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật”.
Nói “Chẳng lập văn tự”, vì văn tự phải nương bộ não suy nghĩ, suy nghĩ thì
nương nhất nhiệm vô minh; nhất niệm vô minh hư huyễn chẳng thật, nên
suy nghĩ văn tự cũng hư huyễn chẳng thật. Do hư huyễn chẳng thật gọi là
tương đối, tương đối thì có sanh diệt, chẳng thể hiển bày tuyệt đối chẳng
sanh diệt của bản thể, vì văn tự chẳng thể hiển thị Phật tánh, nên nói chẳng
lập văn tự. Phật Thích Ca dùng lời nói văn tự để hoằng giáo pháp là do sự
bất đắc dĩ, nên thí dụ ngón tay chỉ mặt trăng, vừa thuyết liền phá. Kinh Niết
Bàn nói: “Bắt đầu từ Lộc Uyển, cuối đến sông Bạt Đề, khoảng giữa 50 năm,
chưa từng thuyết một chữ” là vậy.
Kinh Kim Cang nói: “Nếu nói Như lai có thuyết pháp tức là báng Phật,
người ấy chẳng hiểu nghĩa sở thuyết của ta”. Ý cho rằng phàm thuộc về lời
nói văn tự đều chẳng có nghĩa thật, tương đối chẳng thể diễn tả tuyệt đối.
Phật Thích Ca vì từ bi độ chúng sanh, dù tạm mượn lời nói văn tự để thuyết
pháp, chỉ gọi là phương tiện, nên khi đang thuyết pháp, thường cảnh cáo đại
chúng chớ chấp lời nói là thật, để khỏi tự kẹt chẳng thông, đọa vào trong
hầm sâu tương đối mà chẳng thể tự cứu.
Phật đối với lời nói và nghĩa thật phân ra rõ ràng, chẳng cho lẫn lộn, thật rất khổ tâm.
Kinh Lăng Già nói: “Đại Huệ! Những kẻ si mê nói rằng: Nghĩa như ngôn
thuyết, nghĩa với thuyết chẳng khác. Tại sao? Vì nghĩa tự chẳng thân (không
bản thể), ngoài ngôn thuyết chẳng còn nghĩa nào, nên nói nghĩa đúng như
ngôn thuyết. Đại Huệ! Họ nói vậy là trí huệ bị cháy khét, chẳng biết Tự tánh
ngôn thuyết, chẳng biết ngôn thuyết sanh diệt (pháp tương đối), nghĩa thì
chẳng sanh diệt (pháp tuyệt đối). Đại Huệ! Tất cả ngôn thuyết đều đọa nơi
văn tự, nghĩa thì chẳng đọa, lìa tánh và phi tánh, cũng chẳng thân chẳng thọ.
Đại Huệ! Như lai chẳng thuyết những pháp đọa văn tự, vì văn tự có với
không đều bất khả đắc, nên nói chẳng đọa văn tự. Đại Huệ! Nếu nói Như lai
thuyết những pháp đọa văn tự, ấy là hư vọng, vì pháp lìa văn tự, cho nên chư
Phật và chư Bồ tát chẳng thuyết một chữ, chẳng đáp một chữ. Tại sao? Vì
pháp lìa văn tự (bản thể tuyệt đối chẳng dính dáng với văn tự). Dù ngôn
thuyết là vọng tưởng của chúng sanh, nhưng cũng chẳng thể phế bỏ ngôn
thuyết, nếu chẳng thuyết tất cả pháp thì giáo pháp sẽ bị hoại, nếu giáo pháp
hoại thì chẳng còn chư Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn, vậy ai thuyết
cho ai? Đại Huệ! Đại Bồ tát chớ nên chấp trước ngôn thuyết, chỉ dùng
phương tiện tùy nghi rộng thuyết kinh pháp, vì phiền não và hy vọng của
chúng sanh chẳng đồng, nên chư Phật vì sự hiểu biết mỗi mỗi khác nhau của
chúng sanh mà thuyết pháp, khiến lìa tâm (thức thứ tám _ A Lại Da thức),
Ý (thức thứ bảy _ Mạt Na thức), và ý thức (thức thứ sáu); vì Tâm, Ý, Ý thức
chẳng thể đạt đến chỗ tự giác Thánh trí vậy”.