CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA Tác Giả: Nguyệt Khê Thiền Sư
__________________________________________________ ______________________________________
PHỤ LỤC
NGUYỆT KHÊ PHÁP SƯ CAO NGỌA XỨ BI VĂN
---o0o---
Sư húy Tâm Viên, hiệu Nguyệt Khê, họ Ngô, tổ tiên là người Tiền Đường
tỉnh Triết Giang, lập nghiệp ở Côn Minh tỉnh Vân Nam, truyền được ba đời
đến Sư, cha là Tử Trang, mẹ là Lục Thánh Đức, sanh được năm con, Sư là
út. Sư yếu đuối nhưng thích học, sớm đã thông minh đĩnh ngộ, theo học Nho
với Uông Duy Dần tiên sinh. Năm 12 tuổi đọc Lan Đình Tập Tự đến câu
“Tử sanh diệc đại hỷ, khí bất thống tai” (Tử sanh là việc lớn, há chẳng đau
khổ ư!), bỗng nhiên có giải ngộ; mới hỏi thầy rằng: “Làm thế nào có thể
sanh chẳng tử được?” Uông tiên sinh bảo: “Nhà Nho nói: “Chưa biết sanh
làm sao biết tử, lời này phải hỏi nhà Phật học”.
Bèn đến hỏi nhà Phật học, nhà Phật học bảo: “Nhục thể và linh tánh của
kiến, văn, giác, tri đều ở trong lục đạo sanh tử luân hồi, Phật tánh thì như
như bất động, bất sanh bất tử. Nếu chưa thấy Phật tánh thì Phật tánh luân hồi
theo linh tánh của kiến, văn, giác, tri; nếu thấy Phật tánh tràn đầy hư không
thì linh tánh của kiến, văn, giác, tri biến thành Phật tánh”.
Sư hỏi: “Dùng cách nào mới thấy được Phật tánh?” Nhà Phật học không đáp
được, mới trao cho sư các kinh Bốn Mươi Hai Chương và kinh Kim Cang.
Từ đó nhân dịp theo học trường ở Thượng Hải, Sư kiêm thêm Phật học,
cũng chuyên tâm nghiên cứu các sách của Lão Trang, xem hết Lục Kinh của
nhà Nho, tham học hết các danh sư ở Giang Tô, Triết Giang, lễ bái các Đại
đức, trình câu của nhà Phật học bảo “Dùng cách nào mới có thể minh tâm
kiến tánh” ra hỏi, nhưng các đáp án Sư đều chưa thỏa mãn.
Bấy giờ Tôn túc Diệu Trí dạy hãy khán thoại đầu “Niệm Phật là ai?” và
nghiên cứu Đại Trí Độ Luận. Năm 19 tuổi, Sư quyết chí xuất gia xiển dương
chánh pháp, hồi nhỏ cha mẹ đã đính hôn cho Sư, Sư kiên quyết không lấy
vợ. Vào năm ấy lễ Tỉnh An hòa thượng ở nơi đó xin xuống tóc thọ đại giới.
Vừa xuất gia đã tinh tiến dũng mãnh, nơi Phật tiền đốt hai ngón út và áp út
tay trái, cùng cắt miếng thịt to bằng bàn tay, trên đó đốt bốn mươi tám liều
cúng dường Phật, phát ba đại nguyện:
1. Chẳng ham ăn ngon, mặc đẹp, siêng tu khổ hạnh chẳng bao giờ lui sụt.
2. Tham duyệt khắp tất cả kinh điển, khổ công tham cứu.
3. Đem hết sở đắc diễn giảng chỉ dạy để quảng lợi quần sanh.
Mỗi ngày trừ việc xem Kinh ra, Sư còn tụng Phật hiệu năm ngàn tiếng, luôn
tụng Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Lăng Nghiêm. Lúc rãnh rỗi có khóa lễ bái kinh
Viên Giác, Sư ông của Sư bảo rằng: “Tu như ngươi thì tại gia cũng được,
cần gì phải xuất gia! Chẳng cần hiện Tăng tướng, cần phải chuyên tu pháp
môn hướng thượng (Tổ sư thiền) mới là việc lớn bổn phận người xuất gia”,
rồi dạy khán thoại đầu “Muôn pháp về một, một về chỗ nào?” và trao cho
Truyền Đăng Lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên, Chỉ Nguyệt Lục; Sư xem qua có
cái biết có cái không. Sư rất thích Lâm Tế Ngữ Lục, nhưng cách dụng công
như thế nào vẫn còn chưa rõ. Sư về sau theo Ngộ Tham pháp sư học giáo lý
của các tông Thiên Thai, Hiền Thủ, Từ Ân.
Năm 22 tuổi liền ra giảng kinh thuyết pháp, thính giả rất đông. Đáp lời mời
của Pháp hội Lăng Già ở Nam Kinh, Sư thị chúng rằng: “Chúng sanh bản lai
là Phật, chỉ vì vọng niệm vô minh nên không liễu thoát sanh tử được, nếu
phá một phần vọng niệm vô minh thì được chứng một phần Pháp thân, vọng
niệm vô minh phá hết thì Pháp thân hiển lộ”.
Bấy giờ trong Pháp hội có Tôn túc Khai Minh hỏi rằng: Nếu vọng niệm vô
minh từ ngoài đến, không có dính dáng gì với ông thì cần gì dứt nó? Nếu
vọng niệm từ bên trong sanh ra, ví như nguồn suối luôn luôn có nước chảy,
dứt rồi lại sanh, sanh rồi lại dứt, đến khi nào mới hết! Tu hành như thế thật
chẳng có chỗ đúng! Vọng niệm dứt là Phật tánh, vọng niệm khởi là chúng
sanh, vậy thành Phật cũng có luân hồi ư?
Sư không trả lời được