CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA Tác Giả: Nguyệt Khê Thiền Sư
__________________________________________________ ______________________________________
CHƯƠNG III - THỈNH ÍCH (HỎI ĐẠO)
Tăng hỏi: Con dụng công theo kinh Đại Bát Nhã, trong Kinh nói: “Kiến vô
sở kiến tức chơn kiến, tri vô sở tri tức chơn tri, tất cả trí huệ trong sạch,
chẳng hai chẳng khác, chẳng phân biệt hai và chẳng hai, cũng chẳng đoạn
diệt”. Con dụng công như thế. Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, tất cả tiếp xúc, lúc
thấy chẳng phân biệt sở thấy, lúc biết chẳng phân biệt tâm biết, tư tưởng
chẳng cần dứt sạch, chỉ cần không phân biệt, vậy phải là minh tâm kiến tánh
chăng? Hợp với lý Thiền tông chăng?
Sư nói: Ông thật quá ngu dại, mấy lời này trong kinh Bát Nhã là lời của
người đã kiến tánh, lời ấy phát huy từ trong trí huệ Bát nhã, nói “Kiến vô sở
kiến tức chơn kiến” là thấy vũ trụ vạn vật đều là Phật tánh, khi đã kiến tánh,
khởi tâm động niệm, suy nghĩ đều là Phật tánh. “Tất cả trí huệ trong sạch,
chẳng hai chẳng khác, chẳng phân biệt hai và chẳng hai, cũng chẳng đoạn
diệt” là nói khi kiến tánh rồi, khởi tâm động niệm đều chẳng lìa Phật tánh,
tất cả chẳng hai chẳng khác chẳng đoạn, những lời này là người đã kiến tánh
mới được nói vậy. Ý Kinh nói vũ trụ vạn vật đều là trí huệ, khởi tâm động
niệm đều là trí huệ, trong Kinh nói: “Tất cả sắc vô biên, nên bát nhã cũng vô
biên”, Bát nhã dịch là trí huệ, cách dụng công của ông phân biệt và chẳng
phân biệt đều là tác dụng của kiến, văn, giác, tri, với Phật tánh chẳng dính
dáng. Nếu thật chẳng phân biệt, đâu biết mặc áo ăn cơm. Dụng công như
ông muôn kiếp chẳng thể kiến tánh. Ông nên đem cái niệm chẳng phân biệt
ấy sửa lại là “đời này quyết định phải thấy Bát nhã Phật tánh” rồi khởi nghi
tình nhìn thẳng đi, khi nhân duyên đến, hầm sâu vô minh phá tan thì được
thấy Bát nhã của Phật tánh, rồi mới thấu rõ cái lý “Kiến vô sở kiến tức chơn
kiến, tri vô sở tri tức chơn tri” vậy.