CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA Tác Giả: Nguyệt Khê Thiền Sư
__________________________________________________ ______________________________________
32/ Chấp Thật “Vạn Pháp Duy Tâm, Ngoài Tâm Chẳng Pháp” Thành Bệnh:
Phật với pháp chẳng đồng, Phật là tuyệt đối, chơn như; pháp là tương đối,
vọng tưởng, phàm tất cả đều là vô minh vọng tâm sở tạo, nên nói vạn pháp
duy tâm, ngoài tâm chẳng pháp. Nói duy tâm là duy một vọng tâm tạo ra,
nên điều thứ mười sáu trong mười tám pháp Bất cộng nói “Chẳng có sự đã
biết mà không bỏ”, vạn pháp đã biết phải bỏ liền, vì đó là vọng tâm, vọng
tâm biến đổi vô thường, nên pháp cũng vô thường, gọi là nhân duyên, cũng
gọi là phương tiện.
Phật thuyết pháp dụ như chiếc bè qua sông, đến bờ thì phải bỏ bè, vì pháp ấy
là vọng, biết pháp vọng mà vẫn còn thuyết là muốn dùng vọng trừ vọng,
dùng huyễn phá huyễn, chẳng thuyết thì chẳng thể độ chúng sanh, chẳng bỏ
thì phải bị pháp trói, chẳng thể thành Phật. Nên nói “Chẳng có một chút
pháp để đắc được”, lại nói “Ta thuyết pháp 49 năm chưa từng thuyết một
chữ”. Vì lời nói văn tự với bản thể chơn như vốn chẳng dính dáng, bản thể
chơn như vốn chẳng tên gọi mà gượng gán tên là Phật, chữ Phật nên bỏ, vì
đó là giả danh, bản tánh của Phật chẳng bỏ, vì đó là chơn thể, đã được cái
chơn thì chữ Phật là dư, nên ngài Triệu Châu nói: “Một chữ Phật, ta chẳng
muốn nghe; Lão Tăng niệm Phật một tiếng, súc miệng ba ngày”. Mã Tổ nói:
“Phi tâm phi Phật, chữ Phật còn bỏ, huống chi là pháp!”
Phật và pháp đều phá, tương đối đã tẩy sạch thì nhất chơn nhất thiết chơn,
Phật cũng chơn, pháp cũng chơn, tất cả đều là Phật tánh, đều là chơn tâm,
lúc bấy giờ nói “Vạn háp duy tâm, ngoài tâm chẳng pháp” thì đúng. Đồng
một chữ tâm, xưa vọng nay chơn; cùng một lời nói, trước sai sau đúng, chữ
thì mỗi mỗi đồng nhau mà ý nghĩa thì hoàn toàn khác hẳn, nên Phật pháp rất
khó hiểu là vậy, xin người học hãy cẩn thận.
----------
33/ Lầm Nhận “Ngồi Nhập Định Như Cây Khô” Thành Bệnh:
Nói “nhập định” là pháp dụng công của người Tiểu thừa, ngồi lâu như cây
khô để đoạn dứt suy nghĩ của lục căn, dụng công của Đại thừa chẳng trụ
tâm, chẳng khán tịnh, chẳng trầm không, chẳng nhập định. Nay thường có
một số người xuất gia hoặc tại gia, ngồi không như cây khô, mười hôm, tám
hôm chẳng ăn cơm, giống như ông Địa, gọi là nhập định, cho dụng công như
thế thì được thành Phật, ấy là sai lầm lớn.
Xưa kia Trí Hoàng thiền sư ngồi mãi trong am 20 năm, Huyền Sách thiền sư
đến am hỏi: Ông ở đây làm gì?
Hoàng nói: Nhập định.
Sách nói: Ông nói nhập định là có tâm nhập hay vô tâm nhập? Nếu vô tâm
nhập thì tất cả vô tình, cây cối, ngói đá đều được đắc định; nếu có tâm nhập
thì tất cả chúng sanh hữu tình cũng phải đắc định.
Hoàng nói: Khi tôi đang nhập định chẳng thấy có tâm hữu hay vô.
Sách nói: Chẳng có tâm hữu hay vô tức là thường định, đâu có xuất nhập?
Nếu có xuất nhập thì chẳng phải đại định.
Hoàng chẳng thể trả lời, giây lâu nói: Sư nối pháp ai?
Sách nói: Thầy tôi là Tào Khê Lục Tổ đại sư.
Hoàng hỏi: Lục Tổ lấy gì làm thiền định?
Sách nói: Thầy tôi nói : “Diệu trạm viên tịch, thể dụng như như, ngũ uẩn vốn
không, lục trần phi hữu, chẳng xuất chẳng nhập, chẳng định chẳng loạn, tánh
thiền vô trụ, lìa trụ nơi thiền định, tánh thiền vô sanh, lìa sanh có thiền
tưởng. Tâm như hư không, cũng chẳng có số lượng của hư không”.
Bởi sau khi kiến tánh, tự tánh như như bất động, đi, đứng, nằm, ngồi, mặc
áo, ăn cơm, tất cả đều ở trong định mới là đại định.
Hoài Nhượng thiền sư ghi trong Truyền Đăng Lục rằng:
Có Sa môn Đạo Nhất ở viện Truyền Pháp suốt ngày tọa thiền, Sư (Hoài
Nhượng) đến hỏi: Đại đức tọa thiền muốn làm gì?
Nhất nói: Muốn làm Phật.
Sư lấy cục gạch mài trước cửa am.
Nhất hỏi: Mài gạch làm gì?
Sư nói: Mài gạch làm gương.
Nhất nói: Mài gạch đâu thể làm gương!
Sư nói: Mài gạch chẳng thể làm gương thì tọa thiền đâu thể thành Phật!
Nhất nói: Vậy phải làm thế nào?
Sư nói: Như bò kéo xe chẳng chịu đi, đánh xe phải hay đánh bò phải?
Nhất không đáp được.
Sư nói: Ông học ngồi thiền hay học làm Phật? Nếu học ngồi thiền thì thiền
chẳng phải ngồi, nằm; nếu học làm Phật thì Phật chẳng có tướng nhất định,
nơi pháp vô trụ, chẳng nên thủ xả. Ông nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu
chấp tướng ngồi thì chẳng đạt lý đạo.
Nhất nghe sư dạy bảo như uống nước đề hồ.
Ngài Lâm Tế nói: “Ta nói bên ngoài chẳng có pháp, người học chẳng hội, lại
hiểu lầm cho là bên trong, liền hướng vách ngồi không, lưỡi để hàm trên,
trạm nhiên chẳng động, cho đó là Phật pháp của chư Tổ, rất là sai lầm”.
Một số người lầm nhận tham thiền phải lúc tĩnh tọa mới tham, ấy là sai lầm.
Tham thiền chẳng phân biệt đi, đứng, nằm, ngồi. Mã Tổ nói: “Tham thiền
chẳng chấp ngồi, chấp ngồi tức bị dính mắc”. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Kẻ
mê kẹt nơi pháp tướng, chấp Nhất hạnh Tam muội, cứ nói thường ngồi
chẳng động, vọng tâm chẳng khởi tức là Nhất hạnh Tam muội, hiểu như thế
này tức đồng như vô tình, lại thành nhân duyên chướng đạo”