CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA Tác Giả: Nguyệt Khê Thiền Sư
__________________________________________________ ______________________________________
3- ĐẠI Ý CỦA BỐN THỪA
Chữ Phật còn thuộc giả danh, huống là bốn thừa ư! Nhưng đức Phật đại bi
cứu thế, phương tiện độ sanh, vì tùy căn cơ sâu cạn của chúng sanh nên giả
thiết đủ thứ ngôn giáo pháp môn dùng để tu tập, theo thời ứng cơ, tùy nghi
lập giáo, như lương y trị bệnh, tùy bệnh cho thuốc, nên có những thí dụ như
xe dê, xe nai, xe trâu (tam thừa) và hóa thành (nửa đường), Bửu sở (quả
Phật)... Khổ tâm ấy thật là chiếu sáng muôn đời.
Tất cả pháp có thể nói ra đều thuộc về tương đối; pháp tương đối phải tùy
theo không gian và thời gian mà biến đổi, vốn chẳng thật thể. Nên đức Phật
thuyết pháp vừa thuyết liền phá, ban sơ Phật đã từng vì chúng sanh thuyết
diệu lý của Chơn như Pháp thân, ý chỉ huyền ảo vi diệu, chúng đều bỏ đi, rồi
trở lại thuyết pháp môn Tiểu thừa, người nghe mới tin được. Đến khi đồ
chúng tu Tiểu thừa đã quen thuộc, ham thích Thiền vị, chỉ tự độ thân mình,
Phật lại quở rằng: “Đây vẫn chưa cứu cánh, chưa lìa hẳn sanh tử, nên tu
Trung thừa”. Đồ chúng mới chuyển tu Trung thừa, đạt nơi ngã, pháp đều
Không. Phật lại quở rằng: “Đây vẫn chưa cứu cánh, tập khí từ vô thỉ chưa
sạch, cũng còn biến dịch sanh tử, nên tu Đại thừa”. Từ đó chúng mới chuyên
tu pháp Đại thừa, đến khi căn cơ thuần thục, Phật mới trực thị pháp Tối
thượng thừa, kẻ tu hoát nhiên đại ngộ, thấu triệt bản tâm chẳng sanh chẳng
diệt, chẳng biến chẳng khác, sẵn sàng viên mãn, chẳng do tạo tác, mới biết
phi tâm, phi Phật, phi vật, cuối cùng chẳng có pháp nào để đắc, nói “Pháp
môn” chỉ là nói suông, nói “bốn thừa” đều là hý luận, khi ấy mới tin Phật nói
“Chẳng thuyết một chữ, chẳng đáp một chữ” là chẳng phải cố ý bày đặt sự huyền bí.
Nay lược thuật cảnh giới bốn thừa như sau:
TIỂU THỪA:
Cũng gọi là Thanh văn thừa, do nghe thanh giáo của Phật mà
ngộ lý Tứ Đế, đoạn dứt Kiến hoặc, Tư hoặc, chứng nhập Niết bàn Tiểu thừa,
ấy là lối tu hạ căn trong đạo Phật. Kinh Thắng Man Bửu Quật rằng: “Hai
chữ Thanh văn là kẻ hạ căn theo giáo lập nên, thanh tức là Giáo vậy”.
Pháp môn Tứ Đế của thừa Thanh văn sở tu tức là khổ, tập, diệt, đạo. Khổ là
cái quả của thọ báo, tập là cái nhân chiêu quả, diệt là đắc quả tịch diệt, đạo là
lối tu để đoạn trừ cái nhân chiêu quả. Nói một cách khác, tu theo Tứ Đế tức
là biết Khổ đoạn Tập, mộ Diệt tu Đạo; Đế là ý nghĩa xác thật. Cách tu của
họ là đoạn dứt công dụng của lục căn, lắng tâm tĩnh lự, cho đến chỉ còn một
chút niệm trong sạch, ấy là cảnh giới của Tiểu thừa đạt đến, quả cùng tột gọi là A la hán.
Động cơ của người tu Tiểu thừa là nhàm chán phiền não sanh tử mà cầu
thanh tịnh Tịch diệt, cho rằng trong linh tánh vốn chẳng có phiền não, tất cả
khổ đều do lục căn chiêu tập mới có, nên muốn được sự vui thanh tịnh tịch
diệt chỉ có tu đạo làm cho công dụng của lục căn dừng lại, chẳng sanh tác
dụng chiêu tập, mắt chẳng thấy, tai chẳng nghe, mũi chẳng ngửi, lưỡi chẳng
nếm, thân chẳng xúc, ý chẳng tưởng, công dụng của lục căn đã dứt sạch, sáu
cửa đã đóng kín, trong linh tánh chỉ còn một niệm thanh tịnh, tịch tịnh an
lạc, ấy là đạo quả sở chứng của Tiểu thừa. Nhưng lục căn dù tạm dứt, mà
một niệm thanh tịnh chưa được buông bỏ, ắt chẳng phải cứu cánh.