Chứng Đạo Ca tái bảnẢnh 1
__________________________________________________ _________________________________
Chứng Đạo Ca _ Vĩnh Gia Huyền Giác
THIỀN SƯ HUYỀN GIÁC 玄覺 Ở VĨNH GIA, ÔN CHÂU.
Người ở Vĩnh Gia, họ Đới. Xuất gia từ nhỏ, xem khắp tam tạng, tinh thông pháp môn viên diệu Chỉ Quán của Tông Thiên Thai, trong bốn oai nghi thường an trú sâu kín thiền quán. Sau nhân thiền sư Lãng ở Tả Khê khích lệ, Sư cùng thiền sư Sách ở Đông Dương đồng đến Tào Khê.
Mới tới, Sư vai mang bình bát đi nhiễu Tổ ba vòng rồi đứng lại chống tích trượng.
Tổ nói:
- Phàm là sa môn phải đủ ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh. Đại đức từ phương nào đến mà sanh đại ngã mạn vậy?
Sư đáp:
- Sanh tử việc lớn, vô thường mau chóng!
Sinh tử sự đại, vô thường tấn tốc !
生死事大, 無常迅速 !
Tổ hỏi:
- Sao không quán cái không sanh tử, liễu ngộ cái không chậm mau?
Hà bất thể thủ vô sinh, liễu vô tốc hồ ?
何不體取無生了無速乎?
Đáp:
- Thể đã không sanh tử, hiểu ra : chẳng có gì mau chậm !
Thể tức vô sinh, liễu bản vô tốc !
體即無生,了本無速 !
Tổ nói:
- Đúng thế, đúng thế!
Như thị như thị !
如是如是!
Lúc đó đại chúng nghe vậy đều ngạc nhiên. Sư bèn đầy đủ oai nghi lễ bái, chốc lát sau từ giã ra về. Tổ bảo:
- Sao về nhanh thế?
Phản thái tốc hồ ?
返太速乎?
Sư đáp:
- Vốn tự chẳng động, há có nhanh chậm sao?
Bản tự phi động, khởi hữu tốc da ?!
本自非動, 豈有速耶?!
Tổ hỏi:
- Ai biết chẳng động?
Thùy tri phi động ?
誰知非動?
Đáp:
- Nhân giả tự sanh phân biệt.
Nhân giả tự sinh phân biệt.
仁者自生分別.
Tổ nói:
- Ông thật là đạt ý vô sanh.
Nhữ thậm đắc vô sinh chi ý.
汝甚得無生之意.
Sư vặn lại :
- Vô sanh há có ý sao?
Vô sinh khởi hữu ý da ?
無生豈有意耶?
Tổ hỏi:
- Nếu không có ý thì ai phân biệt?
Vô ý thùy đương phân biệt ?
無意誰當分別?
Đáp:
- Phân biệt cũng chẳng phải ý.
Phân biệt diệc phi ý.
分別亦非意.
Tổ khen:
- Lành thay, lành thay! Hãy ở lại một đêm.
Vì vậy người bấy giờ gọi Sư là Nhất Túc Giác. Huyền Sách ở lại với Sư, sáng hôm sau cùng nhau xuống núi trở về Ôn Giang. Học giả quy tụ rất đông.
Sư được ban hiệu là Chơn Giác Đại Sư.
Sư trước tác một bài Chứng Đạo Ca và Thiền Tông Ngộ Tu Viên Chỉ, từ cạn đến sâu. Thứ sử Khánh Châu là Ngụy Tĩnh kết tập lại và đề tựa, thành mười thiên tên là Vĩnh Gia Tập, đều thạnh hành ở đời.