GIẢI THOÁT TỰ NHIÊN GIỚI THIỆU VÀ CÁC CHUẨN BỊ Phần 2
__________________________________________________ ______________________________________
Chúng ta phải biết rằng mọi hoạt động tinh thần, mọi nhận thức, và mọi trách nhiệm tâm linh của chúng ta được thực hiện bằng tâm. Trí tuệ phân biệt là khả năng phân biệt giữa các sự vật, để phạm trù hóa, và một trong những khả năng khác là để phân biệt các giai đoạn khác nhau của con đường.
Mặc dù đó là sự lưu tâm nhận biết trực tiếp, liên tục, nó không thể nhận ra chính nó, nên được đặt tên là “vô minh bẩm sinh”. Nó vô minh ra sao? Mặc dù mắt thấy mọi sự ngoài kia, nó không thể thấy chính bản thân nó. Tương tự, tâm không thấy, không biết, và không nhận thức chính nó, nên điều này gọi là “vô minh”. Ý thức xuất hiện đến chính nó được gọi là “tánh giác” và “trí tuệ bổn nguyên”. Tóm lại, nó chỉ là sự trong sáng này, ý thức kiên định đó là sự bình thường, hiện diện tự nhiên ngay chính lúc này.
Chúng ta có khuynh hướng không nhận thấy lỗi lầm của mình, hoặc, thậm chí nếu có thấy, chúng ta có khuynh hướng muốn che giấu chúng. Nếu bản thân chư Phật không che dấu lỗi của các Ngài và nếu Chúa Jesu không cố gắng che giấu lỗi lầm, vậy bạn có thực sự nghĩ rằng mình có thể che giấu lỗi lầm hay không? Người khác có thể tìm thấy lỗi lầm trong chúng ta, và họ có thể phỉ báng các Phật tử và Phật giáo. Người phỉ báng người khác chỉ phô bày lỗi lầm của chính họ. Điều này không phải là nói chúng ta không có khuyết điểm; chúng ta thực sự có vì vẫn còn trên con đường. Chúng ta vẫn chưa thành Phật, và vì vậy buộc phải có lỗi lầm và giới hạn. Tuy nhiên, những người tiêu tốn thời gian tìm kiếm lỗi người khác và sau đó loan truyền, chỉ đem lại ô nhục trên chính họ. Ngoài ra, nếu chúng ta làm như vậy và tiêu tốn thời gian tìm kiếm lỗi người khác, đây là sự ô nhục của chính chúng ta. Nếu đi theo con đường Hinayana và thấy lỗi người khác, chúng ta có thể thu rút vào thực hành của chính mình vì lợi ích đạt giải thoát. Nhưng nếu đi theo con đường Mahayana và chúng ta nhận thấy lỗi của người khác, thì phản ứng thích hợp là lòng bi. Nếu đi theo con đường Kim Cương Thừa, dấn thân vào các giai đoạn phát triển và hoàn thiện, thì chúng ta phải trau dồi kiến thanh tịnh, thấy người khác trong khía cạnh thiêng liêng của họ. Trong trường hợp này, thì lỗi lầm của người khác không thành vấn đề, vì kiến thanh tịnh này làm bão hòa toàn bộ nhận thức thế gian của chúng ta.
Ngoài ra, nếu đang tham gia trong thực hành Atiyoga, cái thấy của chúng ta là vượt lên phạm vi của thanh tịnh và bất tịnh. Với cái thấy này, chúng ta kinh nghiệm một tính bình đẳng, hay “vị bình đẳng,” của mọi hiện tượng. Khái niệm thanh tịnh và bất tịnh thực sự không khởi lên. Về mặt lỗi lầm, chúng ta nên hướng vào chính mình, vì sự tìm kiếm lỗi người khác là sự ô nhục của chính chúng ta. Đức Dalai Lama thường phân biệt giữa tư cách đạo đức danh giá và đáng hổ thẹn. Tìm kiếm lỗi lầm trong người khác là đáng hổ thẹn. Về mặt đạo đức và phi đạo đức, tìm kiếm lỗi người khác và lăng mạ họ là vô đạo đức. Các hành giả của Giáo Pháp làm như vậy là bỏ rơi mục đích nguyện quy y, cũng như tôn giáo họ đang theo, với những người đứng ở vị trí cao thì sự ô nhục càng lớn; với những người ở vị trí trung bình, đây là sự ô nhục trung bình; và với người ở vị trí thấp, thì đây là sự hổ thẹn nhỏ. Trong mọi trường hợp, nó là một sự hổ thẹn. Ngay khi chúng ta hướng vào người khác và nói “bạn nên làm điều này,” chúng ta đã hoàn toàn đi quá xa. Nếu muốn tìm kiếm lỗi lầm, hãy tìm lỗi của chính mình và làm việc trên chính chúng ta.
Khi nghe về tánh giác hay trí tuệ bổn nguyên, người ta dễ nghĩ rằng, “À, loại tâm thức đặc biệt này là gì? Loại sự việc kỳ diệu này là gì? Nó ở đâu? Giá trị của nó là gì? Tôi phải tiêu tốn bao nhiêu để có được nó?” Trong việc so sánh với tánh giác, thậm chí một tỷ tỷ Mỹ kim cũng chẳng có gì đặc biệt; vì nó chỉ là tờ giấy. Ngược lại, tánh giác là nguyên nhân của sự toàn giác. Giác tánh được nói đến chỉ là sự tự nhiên, sự nhận biết bình thường không có bất cứ sự biến đổi, không có bất kỳ tạo tác nào. Nó không có khởi đầu, bất sinh, bất diệt và vô trụ. Không nhận biết bản tánh của nó, chúng ta đi vào bám chấp nhị nguyên, bám chấp vào chính mình, bám chấp vào người khác, bám chấp vào nhân dạng chính cá nhân mình, bám chấp vào nhận dạng các hiện tượng khác. Kết quả của điều đó, là chúng ta tiếp tục lang thang trong chu trình sinh tử.
Nó không đặt nền tảng trong bất kỳ hình dạng hay màu sắc nào, nên thoát khỏi cực đoan của thuyết vĩnh cửu (thường kiến). Trong lúc nó không hiện hữu, nó là một sự đều đặn, trong sáng, quang minh tự nhiên không do tạo tác bởi bất kỳ ai, nên nó thoát khỏi cực đoan của thuyết hư vô (đoạn kiến). Nó không bắt nguồn từ một thời điểm nào đó, cũng không xuất hiện từ các nguyên nhân và điều kiện nào đó, nên nó thoát khỏi cực đoan của việc sinh ra. Tâm không chết hay dừng lại ở một thời điểm nào đó, nên nó thoát khỏi cực đoan của cái chết. Trong lúc nó không hiện hữu, năng lực sáng tạo không ngăn ngại của nó xuất hiện trong mọi cách, nên nó thoát khỏi cực đoan của tính duy nhất. Mặc dù xuất hiện trong nhiều cách, nó giải thoát khỏi bất kỳ bản tánh vốn sẵn nào, nên nó thoát khỏi cực đoan của tính vô số. Vì thế, nó được gọi là “cái thấy thoát khỏi các cực đoan”.
Nó được nói là “thoát khỏi thành kiến và thiên vị”. Chỉ riêng điều này được gọi là “tâm của Đức Phật.” Tâm của một chúng sanh, tâm đó trở thành một vị Phật, tâm đó lang thang trong sinh tử, và tâm đó kinh nghiệm hạnh phúc và đau khổ, tất cả đều chỉ là điều này. Nếu điều này không hiện hữu, thì không ai kinh nghiệm luân hồi hay niết bàn, hoặc bất kỳ hạnh phúc hay đau khổ nào, mà điều đó ngụ ý một cực đoan hôn trầm của đoạn kiến.