Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai
Bổn Nguyện Công Đức Kinh
(Phần Dịch Nghĩa)
Ta nghe như vầy (1): Một thuở nọ, đức Bạt Già Phạm (2) đi châu du giáo hóa các nước, đến thành Quảng Nghiêm, ở nghỉ dưới cây Nhạc Âm cùng với tám ngàn vị Ðại Bí Sô (3), ba vạn sáu ngàn vị Ðại Bồ tát (4), các hàng Quốc Vương, đại thần, Bà la môn, các hàng cư sĩ, thiên long bát bộ (5) cùng nhơn, phi nhơn, cả thảy đại chúng nhiều vô lượng, đồng vây quanh Phật cung kính thỉnh Ngài thuyết pháp.
Lúc bấy giờ, ông Mạn Thù Thất Lợi pháp vương tử (6) nhờ oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, vén y để bày vai bên hữu và gối bên mặt quỳ sát đất, khép nép chắp tay hướng về phía Phật bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn (7), cúi mong Ngài nói rõ những danh hiệu, những bổn nguyện rộng lớn cùng những công đức thù thắng của chư Phật để cho những người đang nghe pháp, nghiệp chướng tiêu trừ và để cho chúng hữu tình ở đời tượng pháp (8) được nhiều lợi lạc về sau.
Ðức Thế Tôn khen ông Mạn Thù Thất Lợi đồng tử rằng: "Hay thay! Hay thay! Mạn Thù Thất Lợi! Ngươi lấy lòng đại bi yêu cầu Ta nói những danh hiệu và bổn nguyện công đức của chư Phật là vì muốn cho chúng hữu tình (9) khỏi bị nghiệp chướng ràng buộc, lợi ích an vui, trong đời tượng pháp về sau. Nay ngươi nên lóng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói".
Ông Mạn Thù Thất Lợi bạch rằng: "Dạ, mong Thế Tôn nói, chúng con xin nghe".
Phật bảo ông Mạn Thù Thất Lợi:" Ở phương Ðông, cách đây hơn mười căn dà sa (10) cõi Phật có một thế giới tên là Tịnh Lưu Ly. Ðức giáo chủ cõi ấy hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai (11) Ứng Chánh Ðẳng Giác, Minh hạnh viên mãn, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Bạc Già Phạm. (12)
Này Mạn Thù Thất Lợi, đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, khi còn tu hạnh đạo Bồ tát có phát mười hai nguyện lớn, khiến cho chúng hữu tình cầu chi được nấy.
Nguyện thứ nhất: Ta nguyện đời sau, khi chứng đặng đạo chánh đẳng chánh giác,(13) thân ta có hào quang sáng suốt, rực rỡ chiếu khắp vô lượng, vô số, vô biên thế giới, khiến cho tất cả chúng hữu tình đều có đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, cùng tám chục món tùy hình trang nghiêm như thân của ta vậy.
Nguyện thứ hai: Ta nguyện đời sau, khi đặng đạo Bồ đề (14), thân ta như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, không có chút nhơ bợn, ánh quang minh chói lọi khắp nơi, công đức cao vòi vọi và an trú giữa từng lưới dệt bằng tia sáng, tỏ hơn vừng nhựt nguyệt. Chúng sanh trong cõi u minh đều nhờ ánh sáng ấy mà tâm trí được mở mang và tùy ý muốn đi đến chỗ nào để làm các sự nghiệp gì cũng đều được cả.
Nguyện thứ ba: Ta nguyện đời sau, khi đặng đạo Bồ đề, dùng trí huệ phương tiện vô lượng vô biên độ cho chúng hữu tình, khiến ai nấy đều có đủ các vật dụng, chớ không cho ai phải chịu sự thiếu thốn.
Nguyện thứ tư: Ta nguyện đời sau, khi đặng đạo Bồ đề, nếu có chúng hữu tình tu theo tà đạo (15), thì ta khiến họ quay về an trụ trong đạo Bồ đề, hoặc có những người tu hành theo hạnh Thanh văn (16), Ðộc giác, thì ta cũng lấy phép đại thừa (17) mà dạy bảo cho họ.