Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
QUYỂN 10 PHẦN 1 (tt)
__________________________________________________ ______________________________________


D6.- MƯỜI BỐN THỨ LUẬN HỮU TƯỚNG

- NÊU CHUNG

Lại, các thiện nam tử, trong Tam-ma-địa, chính tâm đứng lặng vững chắc, thiên ma không còn dịp khuấy phá; trong lúc xét cùng cội gốc sinh loại, xét cội gốc thường chuyển động u ẩn kia sinh tâm so đo chấp trước, nơi lòng sinh diệt vô tận, thì người ấy sa vào tư tưởng điên đảo, chấp sau khi chết có tướng.


Dời đổi không cùng, là tướng của hành ấm. Hiện thấy tướng đó, giống như sóng nắng (dương diệm) đã không phải là việc thật, huống là sau khi chết ư? Người khởi tâm ấy, gọi là điên đảo.

- GIẢI THÍCH

+ CỘI GỐC CỦA CHẤP

Hoặc tự củng cố cái thân mình, bảo rằng sắc là ta, hoặc khi thấy cái ta bao trùm khắp các cõi nước, rồi bảo rằng ta có sắc, hoặc thấy các tiền trần kia, theo ta mà xoay trở về, rồi bảo rằng, sắc thuộc về ta, hoặc thấy cái ta nương trong hành mà tương tục, rồi bảo rằng ta ở nơi sắc, những người đó đều so đo chấp rằng, sau khi chết có tướng, xoay vần như thế, có đến mười sáu tướng.


Sắc là ta, là chấp ta trong uẩn. Ta có sắc là chấp sắc bên ngoài đều là cái ta cùng khắp. Sắc thuộc ta, là chấp tất cả sắc pháp đều trở về ta. Ta tại sắc, là chấp tất cả trong sắc có ta. Đã chấp sắc làm ta, cộng có bốn tướng, gồm cả thọ, tưởng, hành cộng thành mười sáu, đều là nói sau khi chết có tướng. Sở dĩ không nói thức, vì không phải chỗ kia nhận biết, cũng do toàn trong thân thức là cái năng chấp.

+ CHẤP RIÊNG

Từ đó, hoặc còn chấp rằng rốt ráo phiền não và rốt ráo Bồ-đề, hai tính ấy cùng đuổi nhau mà không đụng chạm gì nhau.


Đây là chấp phiền não, Bồ-đề thật có, hai tính đối với ta không bị ngăn ngại nhau. Tưởng ấm thuộc về phiền não, là bản hữu phiền não, do ta mà hết; phiền não đã hết thì Bồ-đề sẽ gần bên, do ta mà chứng, nên nói rằng cùng đuổi với nhau. Chẳng biết rằng, có phiền não thì không Bồ-đề. Có Bồ-đề thì không phiền não, một tính không hai; chỉ chuyển cái mê kia, chứ nó không có tướng thật.

+ KẾT LUẬN

Do so đo chấp sau khi chết là có tướng như vậy, nên rơi vào ngoại đạo, làm mất tính Bồ-đề; ấy gọi là ngoại đạo thứ sáu, lập những luận điên đảo, nhận trong ngũ ấm, sau khi chết có tướng.


Giải thích đồng như đoạn kết luận ở trước.

D7.- TÁM THỨ LUẬN VÔ TƯỚNG

- NÊU CHUNG

Lại, các thiện nam tử trong Tam-ma-địa, chính tâm đứng lặng vững chắc, thiên ma không còn dịp khuấy phá; khi xét cùng cội gốc sinh loại, xét cái cội gốc thường chuyển động u ẩn kia lại sinh tâm so đo chấp trước nơi ba ấm; sắc, thọ, tưởng đã trừ diệt rồi, thì người đó sa vào những tư tưởng điên đảo, chấp sau khi chết không có tướng.

Hành ấm tuy còn chưa diệt, nhân ba ấm trước (sắc, thọ, tưởng) đã diệt, so biết hành ấm sẽ diệt, nơi cái diệt mà sinh ra chấp, nên nói sau khi chết không có tướng.

- GIẢI THÍCH

+ CỘI GỐC CỦA CÁI CHẤP

Người đó thấy sắc ấm diệt, thân hình không có nhân vào đâu, xét tưởng ấm diệt, tâm không bị ràng buộc vào đâu, biết thọ ấm diệt không còn dính liền vào đâu, tính các ấm đó đã tiêu tán, dẫu có lý sinh mà không thọ, không tưởng đồng như cây cỏ, rồi nghĩ rằng, thể chất hiện tiền còn không thể được, làm sao sau khi chết lại còn có các tướng. Nhân đó nghiệm xét sau khi chết không có tướng; xoay vần như thế, có đến tám luận vô tướng.


Sắc là hình (thân), tướng là tâm. Thọ duyên sắc tâm dính liền lẫn nhau, nay đều đã diệt, nên nói tính của ấm tiêu tán vậy. Sinh lý là chỉ cho hành ấm; do không có tưởng thọ, thì hành không có chỗ gá, tuy có mà như không cái nhân. Hiện tiền đã không, thì hiện cái quả về sau cũng diệt, nên lập thành tám tướng.

+ CHẤP RIÊNG

Đây hoặc chấp Niết-bàn, nhân quả tất cả đều không, chỉ có danh tự suông, rốt ráo đều đoạn diệt.


Đây là do tướng sinh tử hiện tiền đã không, thì tướng Niết-bàn tương lai đâu thể có. Bởi do rốt ban đầu chưa từng phát minh tính giác, chỉ nương theo thiền mà chìm sâu trong định; phá trừ hai ấm, nay hành ấm sắp hết, mà chân thức chưa hiện, nên mờ mịt không biết chỗ trở về, bèn sinh ra có cái chấp khác.

- KẾT LUẬN

Do cái so đo chấp sau khi chết là không có tướng, như vậy nên sa vào ngoại đạo, lầm mất tính Bồ-đề, ấy gọi là ngoại đạo thứ bảy, lập những thứ tâm luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, sau khi chết không có tướng.


Giải thích đồng như đoạn kết luận ở trước.