Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
QUYỂN 6 PHẦN 1 (tt)
__________________________________________________ ______________________________________


CHI 2.- NÊU RÕ PHƯƠNG TIỆN CÓ MAU CHẬM

Trở về nguồn tính vốn không hai,

Phương tiện tu chứng có nhiều cách,

Cách nào cũng thông vào bản tính,

Nói thuận nói nghịch đều phương tiện,

Do hàng sơ tâm vào Tam-muội,

Bên mau bên chậm không đồng nhau.


Tính trở về nguồn chỉ có một, nhưng cửa ban đầu xoay trở về vẫn có nhiều. Nếu một thì mỗi cửa đều có thể chứng nhập, nhiều thì thuận nghịch tự phân có chậm mau, nên sơ tâm phải cầu thẳng tắt đến viên thông.

“Nói nghịch nói thuận chỉ là phương tiện”, nên biết thuận cũng là phương tiện. Kinh Viên Giác nói: “Chỉ trừ người đốn giác ngộ, cùng pháp không tùy thuận”, Bồ-tát mỗi khi đối với trong cửa phương tiện, thường lộ bày ý chỉ này.


CHI 3.- LỰA RA SÁU TRẦN

Vọng tưởng kết lại thành sắc trần,

Hay biết không thể thông suốt được,

Làm sao chính chỗ không thông suốt

Tu hành lại được tính viên thông?


Kết cái tối tăm làm sắc tướng, nên nói: ‘Vọng tưởng kết lại thành sắc trần. Quán sắc thành không, càng lâu mới thông triệt, như ông Ưu-ba-ni-sa-đà, quán xương trắng thành vi trần, chẻ sắc gần với hư không đến khi vi trần và sắc tướng đã hết, thì diệu sắc thầm tròn cũng tự viên thông không ngăn ngại. Song do sơ tâm tẩy rửa phiền não mà phát ra tính hay biết, hợp với chỗ rỗng rang, nên không phải chỗ chọn lựa Viên Thông.

Âm thanh xen lộn với lời nói,

Chỉ nương theo ý vị danh từ,

Nếu một, không trùm được tất cả,

Thì làm sao được tính viên thông?


“Xen tạp” cũng như nói “gồm”. Do âm thanh chẳng dừng nơi ngữ ngôn. Lại ngữ ngôn cũng tự siêu thoát danh cú, một tức gồm có nhiều. Đây là chỗ chứng ngộ của ông Kiều Trần Na do chúng sinh dễ nương theo lời nói, nên mới ở chỗ lựa căn Viên Thông. Luận Du Già nói: “Phật và Bồ-tát là người năng thuyết, lời nói là tướng năng thuyết, danh cú văn thân là tướng sở thuyết”. “Danh thân” cũng như nói: “Cái bình”. Chữ “Bình” vẽ ra là văn thân; bình là do đất làm ra cái cú thân. Danh từ và câu văn bày ra nghĩa lý gọi là vị. Nên danh cú y nơi văn, vị y nơi danh cú.

Hương chỉ lúc hợp mới rõ biết,

Lúc rời ra thì vốn là không.

Nếu chỉ biết không được thường hằng,

Thì làm sao được tính viên thông?


Hương Nghiêm Đồng Tử do ngửi mùi hương bay vào mũi mà ngộ được mùi hương không có đến đi. Hương trần đã diệt thì tính ngửi y nhiên. Đây là do chỗ cảm biết không được thường hằng, nghĩa là không nương nơi thể giác chưa dễ gì thường hằng là một, cũng để giản trạch chỗ khó của hàng sơ tâm.