Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
QUYỂN 6 PHẦN 1
__________________________________________________ ______________________________________


- HIỆN THÂN TRỜI VÀ CHẲNG PHẢI TRỜI

Nếu có chư thiên muốn ra khỏi loài trời, con hiện thân trời vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.


Đây là do nhàm chán cái vui ở cõi trời không thể tiến tu. Trong Pháp Huyễn Châu Lâm nói: Luận về báo thân của chư Thiên, kiến giải rộng rãi, hay khéo; mặc đồ mới và đẹp, thân thể nhẹ nhàng kỳ diệu, mà ở trên cõi trời Tự Tại; chính họ là Ma vương, do tu vô tưởng định mà trở thành ngoại đạo ở trên đảnh trời Tứ Không. Bởi mê chấp không nhẹ, trong khoảng trời Lục Dục lại say đắm nặng nề, nên không thể thọ trì Bát-nhã, cúng dường Niết-bàn, tính kiêu mạn càng tăng thêm, ngã nhân càng hưng thạnh. Sở dĩ cho nên hoa trên đầu bị héo, mồ hôi trong nách chảy ướt áo, chỗ ngồi mất ánh sáng, áo lụa đóng mồ hôi nhơ. Nếu có những triệu chứng như thế phải tịnh tâm sám hối.

Khế Kinh nói: “Người có ba việc thù thắng hơn chư Thiên: 1/ Dõng mãnh, 2/ Nhớ nghĩ, 3/ Phạm hạnh.


Nếu có các rồng muốn ra khỏi loài rồng, con hiện thân rồng, vì họ mà thuyết pháp khiến cho được thành tựu.

Trong Biệt Hành nói: “Rồng có bốn loại:

1/- Giữ Thiên cung: Giữ gìn khiến chẳng hư mất.

2/- Làm mây, làm mưa: Để làm lợi ích nhân gian.

3/- Địa long: Đào sông, khai ngòi.

4/- Phục Tàng Long: Giữ gìn kho tàng của người có phước lớn “Chuyển Luân Vương”.

Kinh Trường A Hàm nói: “Các loại Rồng ở trong cõi Diêm-phù-đề có ba thứ tai hoạn: 1/- Nóng: Gió nóng dính vào thân thiêu đốt da thịt và xương, do đó mà khổ não. 2/- Gió dữ thổi mạnh: Gió thổi vào cung điện, bay mất áo và đồ trang sức quí báu, thân Rồng tự hiện, do đó mà khổ não. 3/- Khi các Rồng đang vui chơi, chim cánh vàng vào cung bắt Rồng con mới sinh ăn thịt, nên sợ hãi khổ não. Ao A Nậu Đạt không có ba thứ tai hoạn này, nên gọi là không khổ não nóng bức vậy”.


Nếu có Dược-xoa muốn ra khỏi loài Dược Xoa, con hiện thân Dược-xoa vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.

“Dược-xoa”, Trung Hoa dịch là “Khinh Tật”. Cựu Ngoa nói: “Dược-xoa có ba loại: 1/- Ở dưới đất, 2/- Ở trên hư không, 3/- Ở trên trời. Dược-xoa ở dưới đất chỉ có bố thí tiền của, nên không thể bay hư không; Dược-xoa ở trên trời do bố thí xe ngựa, nên có thể bay trên hư không. Khi Phật chuyển pháp luân, Dược-xoa ở dưới đất kêu lên, Dược-xoa trên hư không nghe tiếng kêu; Dược-xoa trên hư không kêu lên, Tứ Thiên Vương nghe tiếng kêu, như thế cho đến Phạm Thiên.

Nếu Càn-thát-bà muốn thoát khỏi loài Càn-thát-bà, con hiện thân Càn-thát-bà vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.

“Càn-thát-bà”, Trung Hoa dịch là “Tầm Hương” tức nhạc thần của trời Đế Thích ở trong hang Kim Cang phía Nam núi Tu-di. Trong cung trời Đế Thích muốn đánh nhạc, đốt hương trầm thủy. Thần này liền tìm mùi hương mà đến, nên gọi là “Tầm Hương”.

Nếu A-tu-la muốn thoát khỏi loài A-tu-la, con ở trước A-tu-la hiện thân A-tu-la mà vì họ thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.

“A-tu-la”, Trung Hoa dịch là “Phi Thiên”. Do lường gạt và dối trá, nên không phải hạnh của chư Thiên. Luận A Tỳ Đàm nói: “Do không hay nhẫn nại những việc lành và không có tâm khiêm hạ, xem kỹ mỗi mỗi giáo hóa. Do kiêu mạn, nên không phải người tốt lại cũng không phải trời, nên gọi là “A-tu-la”.