Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
QUYỂN 5 PHẦN 2
__________________________________________________ ______________________________________


ĐOẠN XXIV: DO KHÔNG ĐẠI CHỨNG VIÊN THÔNG

Ngài Hư Không Tạng Bồ-tát


Ngài Thanh Lương nói: “Không ngại trụ nơi bố thí, đồng như hư không tức là Bồ-tát Kim Cang Bảo, cũng là tên khác của Bồ-tát Hư Không Tạng”.

Bộ Tông Cảnh nói: “Trong hội đại tập khi Bồ-tát Hư Không Tạng đến, thuần hiện tướng hư không bảo ngài A-nan rằng: “Tôi dùng tự thân chứng biết, thế nên như chỗ chứng biết hay nói như vậy. Vì sao? Vì thân tôi tức là hư không, lấy hư không mà chứng biết tất cả pháp, vì hư không là năng ấn mà ấn đó”. Khi ấy, năm trăm vị Đại Thanh văn đều tự lấy y Uất-đà-la-tăng đang mặc dâng cúng Bồ-tát Hư Không Tạng. Dâng cúng Thượng Y xong, liền đồng thanh nói rằng: “Nếu có chúng sinh phát tâm Bồ-đề sâu xa chóng được lợi ích lớn. Ở trong pháp tạng trí lớn như thế chẳng rơi vào ngoại đạo. Các y trên liền đó biến mất. Các vị Thanh văn hỏi: “Y đến chỗ nào?”. Hư Không Tạng đáp: “Vào trong kho của tôi”. Lại nữa Bồ-tát Hư Không, lấy hư không làm kho tàng, mưa rưới các thứ bảo vật, y phục, ẩm thực khắp cả mười phương không lường A Tăng Kỳ thế giới, nên có kệ rằng:

Hư không không phải cao,

Nên cũng chẳng phải thấp,

Các pháp cũng như vậy,

Tính ấy không cao thấp.

(Hư không vô cao cố

Hạ diệc bất khả đắc

Chư pháp diệc như thị

Kỳ tính vô cao hạ.)

Bồ-tát Hư Không Tạng, được kho tàng như hư không làm no ấm đầy đủ cho các loài hữu tình, cái biết này cũng vô cùng tận.


liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: “Con cùng đức Như Lai đến chỗ Phật Định Quang, chứng được thân vô biên. Khi ấy tay con cầm bốn hạt châu báu lớn, chiếu sáng các cõi Phật trong mười phương như số vi trần hóa thành hư không. Lại ở nơi tự tâm hiện ra trí đại viên kính, trong ấy phóng ra mười thứ hào quang vi diệu quí báu soi khắp các cõi Phù Tràng Vương cùng tột hư không trong mười phương đều vào trong viên kính ấy, nhập với thân con, và thân con đồng với hư không, không ngăn ngại lẫn nhau. Thân con lại khéo vào các cõi nước như vi trần rộng làm các Phật sự được đại tùy thuận.

Định Quang tức là Phật Nhiên Đăng. Ngài Cô Sơn nói: “Pháp thân như hư không, khắp tất cả chỗ ấy gọi là vô biên”. Ở đây do ngộ sâu pháp thân đồng ở nơi sắc và tâm như lưới châu của trời Đế Thích giao xen lẫn nhau. Hạt châu là tiêu biểu cho sắc mà hay chiếu sáng mười phương vi trần cõi Phật. “Hóa thành hư không” nghĩa là toàn thể sắc tức là tâm, không phân chủ bạn. “Kính” là tiêu biểu cho tâm mà hay soi khắp cõi Phù Tràng Vương. “Lại hiện vào trong viên kính ấy và nhập vào thân con”, nghĩa là toàn tâm là sắc mà chẳng rời bản tế. Đây là do thần lực tiêu biểu cho pháp, nhiên hậu mới thật chỉ thân hay khéo vào vi trần cõi nước rộng làm Phật sự được đại tùy thuận. Kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Thân Phật đầy khắp trong pháp giới,

Khắp hiện tất cả trước quần sinh.

Tùy duyên cảm ứng đều hiện đủ,

Mà thường ở nơi tòa Bồ-đề.

(Phật thân sung mãn ư pháp giới,

Phổ hiện nhất thiết quần sinh tiền.

Tùy duyên phó cảm mị bất châu,

Nhi hằng xử thử Bồ-đề tọa).

Tòa Bồ-đề đó thường ứng hiện mười phương mà chưa hề lay động.


Thần lực lớn đó là do con quán kỹ tứ đại không chỗ nương, do vọng tưởng mà có sinh diệt, hư không không có hai, và cõi Phật vốn đồng, do phát minh được tính đồng mà chứng được vô sinh nhẫn. Nay Phật hỏi về viên thông, do con quán xét hư không không bờ bến, vào Tam-ma-địa, sức nhiệm mầu được viên mãn sáng suốt, đó là thứ nhất”.

Tứ đại chủng do vọng tưởng sinh, vọng tưởng không thật tính, chỉ do tâm biến hiện. Một phen ngộ được lý duy tâm thì tứ đại sắc không vốn không phải vật khác. Nên nói nếu đồng phát minh, đây tức vào Tam-ma-địa; được Đại Tổng Trì viên mãn sáng suốt trùm khắp vậy.