Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ QUYỂN NHẤT PHẦN CHÍNH TÔNG _MỤC II _ ĐOẠN V
__________________________________________________ ______________________________________
MỤC II _ ĐOẠN V
CHỈ CÁI HAY SUY NGHĨ CÓ THẬT THỂ
........
CHI 3. CHÍNH CHỈ TOÀN TÍNH
Bấy giờ đức Thế Tôn muốn chỉ dạy ông A-nan và Đại chúng, khiến cho tâm vào Vô Sinh Pháp Nhẫn, nên ở trên tòa sư tử xoa đầu ông A-nan mà bảo rằng: “Như Lai thường nói: Các pháp sinh ra chỉ từ tâm hiện. Tất cả nhân quả thế giới vi trần, nhân nơi Tâm mà thành Thể. Này A-nan, như tất cả sự vật có ra trên thế giới, trong ấy từ ngọn cỏ, lá cây, sợi dây và cái gút, tìm nguồn cội của nó đều có thể tính, dầu cho hư không cũng có tên gọi và tướng mạo, huống chi Tâm Thanh Tịnh Sáng Suốt Nhiệm Mầu này là Tâm Tính của tất cả mà tự không Thể Tính hay sao?
Vô sinh pháp nhẫn, phẩm Thập Nhẫn trong Kinh Hoa Nghiêm tụng rằng: “Quán sát tất cả pháp thảy đều từ nhân duyên khởi, không sinh nên không diệt, không diệt nên không cùng tận. Pháp nhẫn này rất là cao tột. Hiểu rõ các pháp không cùng tận, nên Bồ-tát an trụ trong pháp nhẫn này, thấy khắp các đức Như Lai đồng thời thọ ký cho. Đây gọi là xứng với chức vị Phật. Sư tử tên của tòa ngồi. Phàm là chỗ ngồi của đức Như Lai hoặc giường, hoặc đất đều gọi là tòa sư tử. Thanh tịnh diệu tịnh minh tâm, ngài Định Lâm nói: “Lìa nhơ được sạch, nên gọi là thanh tịnh, ngay nơi nhơ mà được sạch gọi là diệu tịnh. Cũng ngay nơi nhơ, cũng rời nơi nhơ, nên gọi là thanh tịnh diệu tịnh minh tâm”. Ngài Thanh Lương nói: “Tâm Tính là một, vì là tính của tâm nên là Như lai tạng, vì tâm tức tính nên là tự tính thanh tịnh tâm”. Ngài Ôn Lăng nói: “Tất cả nhân quả là chỉ cho “chính báo” trong mười cõi (tứ thánh, lục phàm). Thế giới vi trần là chỉ cho “y báo” trong mười cõi. Y báo và chính báo đều nhân nơi tâm thành thể, đối với các loài người há lại không tâm, đồng như cây đất hay sao?”. Ý nói ở Kinh này vốn đã đáp ở văn trước. Riêng tôi (Hàm Thị) cho là thật chỉ ra tất cả phân biệt tiền trần đều không tự tính, chỉ do tâm hiện, nên gọi là nhân tâm mà thành thể. Chỗ hiện ra (sở hiện) chỉ do tâm, nên nói đều có thể tính. Tính này vắng lặng thường trụ là chỗ phải nên tự nhận, chẳng nên mê tiền trần, vọng đồng với sinh diệt. Dùng ý để ngầm chỉ ở văn sau: “Rời trần có tính tức thật là tâm ông, rời trần không tính ấy là việc của bóng dáng vậy”.
Nếu ông chấp chặt cái phân biệt hiểu biết quyết cho là Tâm, thì Tâm này khi rời tất cả các trần sắc thinh hương vị xúc riêng có toàn tính. Như nay ông nương nơi nghe Pháp của tôi, đây ắt nhân nơi tiếng mà có phân biệt. Dầu cho dứt hết tất cả thấy nghe hiểu biết, giữ cái thầm thầm lặng lẽ bên trong vẫn còn là việc phân biệt bóng dáng của pháp trần.
Chữ lẫn là chẳng bỏ. Cái phân biệt hiểu biết (giác quán liễu tri) tức là tâm hay suy nghĩ (năng suy). Các món sắc, hương vv… hay dẫn dắt nội tâm thành nghiệp dụng. Trước khi chưa dẫn dắt, sau khi đã dẫn dắt và trong khi đang dẫn dắt, như mây và hư không, mây thì có qua có lại, hư không vẫn thường trụ, gọi đó là toàn tính. Nhân nơi tiếng mà có phân biệt, cũng lại tùy theo tiếng mà thành có thành không. Chỉ vì chưa phát minh trước tiếng và sau tiếng nên chẳng được an trụ. Tức khi diệt hết thấy nghe hiểu biết phân biệt, mà giữ cái thầm lặng bên trong, gọi là duyên khác (biệt duyên), cũng đồng là phân biệt đều thuộc về bóng dáng (ảnh sự) chớ chẳng được toàn tính.
Chẳng phải tôi bảo ông chấp là chẳng phải Tâm, nhưng ông đối với Tâm này phải chín chắn xét cho kỹ. Nếu rời tiền trần mà có Tính phân biệt, tức thật là Tâm ông. Nếu Tính phân biệt rời tiền trần không có Thật Thể thì đó là việc bóng dáng phân biệt của tiền trần. Trần thì chẳng phải thường trụ, nếu khi nó biến diệt thì Tâm này đồng với lông rùa sừng thỏ, ắt Pháp thân của ông cũng đồng với đoạn diệt. Vậy ông lấy cái gì để tu chứng Vô Sinh Pháp nhẫn?”.
Lông rùa, sừng thỏ là nói hoàn toàn không có. Chữ đồng giống chữ như. Xét về trần do nương nơi tâm nên khó trụ thì tâm duyên theo trần bị mờ mịt, tức cái mờ mịt này liền đồng với sừng thỏ. Do lấy chỗ không căn cứ làm chỗ tu chứng nên đồng với đoạn diệt mà chẳng phải thật đoạn diệt. Các thầy chỉ cái tâm phân biệt cho là cùng với trần đều diệt, chỉ căn cứ chỉ chỗ gọi là toàn tính kia, bỏ phân biệt mà lại riêng có. Chẳng biết rằng chỗ gọi là phân biệt, xả toàn tính ắt là không. Mê ngộ tạm chia đường, chân vọng đồng thể dù cho Phật có trở lại cũng không đổi lời tôi vậy.
Ở đây đức Như Lai chỉ cho người đối trong sắc, hương, vị, xúc mà nhận biết cái toàn tính đã nói kia. Chữ “ly” là lựa riêng ra, nghĩa là đối với vật và ngã hiện tiền lựa riêng ra mà được đó, chẳng phải xa lìa tiền trần mà dứt hết phân biệt. Mê toàn tính là gá với phân biệt mà tạm thấy, cái phân biệt đồng với trần, rồi do cái đồng kia diệt đi thì cái gọi là toàn tính kia cũng bị mờ mịt ở chỗ không hiểu biết mà thôi. Vì thế bên Tây Vực (Ấn Độ) có thuyết cho là minh sơ. Cõi này (Trung Hoa) cho là Thái cực, chẳng thể nói đối với việc kiến tính chẳng lựa riêng vật ngã mà được. Tự cho rằng diệt phân biệt là phải rời tiền trần, mà chẳng biết bên trong vẫn chấp giữ cái thầm lặng kia thì cái phân biệt tiền trần lại càng sâu kín. Theo ở trước tôi gọi là “luân chuyển há thuộc tiền trần, biết trở về đâu luận đường sá”. Chính là do có cái thấy này. Ở đây quí là chỗ riêng có toàn tính vậy.