Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ QUYỂN 4 PHẦN CHÍNH TÔNG _ MỤC VII _ ĐOẠN III
__________________________________________________ ______________________________________
PHẬT HỨA SẼ TUYÊN NÓI NGHĨA THÙ THẮNG BẢO ĐẠI CHÚNG HÃY LẮNG NGHE
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo ông Phú-lâu-na và các hàng lậu tận vô học A-la-hán trong hội rằng: “Hôm nay Như Lai khắp vì trong hội này tuyên nói tính chân thắng nghĩa trong pháp thắng nghĩa.
Trong luận Duy Thức nói: ‘Thắng nghĩa đế lược có bốn thứ:
1/. Thế gian thắng nghĩa tức là uẩn, xứ, giới vv…
2/. Đạo lý thắng nghĩa là khổ vv… tứ đế;
3/. Chứng đắc thắng nghĩa là nhị không chân như;
4/. Thắng nghĩa thắng nghĩa là nhất chân pháp giới, tức là “Đệ nhất nghĩa đế”.
Khiến cho hàng Định Tính Thanh văn trong hội và hết thảy các bậc A-la-hán chưa được hai pháp nhân không, pháp không, phát tâm hướng về thượng thừa, đều được chỗ tu hành chân chính, thiết thực không xao động của cảnh giới tịch diệt nhất thừa. Nay ông hãy lắng nghe kỹ, tôi sẽ vì ông tuyên nói”.
Ông Phú-lâu-na vv… im lặng cung kính chờ nghe pháp âm của Phật.
Kinh Niết-bàn cho rằng hàng Thanh văn cũng được làm Phật, Nhất-xiển-đề đều có Phật tính. Kinh Lăng Già gồm thu năm tính. Năm tính: 1. Thanh văn tính, 2. Bích Chi Phật tính, 3. Như Lai thừa tính, 4. Bất định thừa tính, 5. Vô tính, tức là Nhất-xiển-đề. Ở đây cho rằng hàng định tính Thanh văn và hết thảy các bậc A-la-hán chưa được hai pháp không (nhân không, pháp không), phát tâm hướng về thượng thừa, chính cùng với hai Kinh (kinh Niết-bàn, kinh Lăng Già) đồng một ý chỉ. “A-luyện-nhã” (A-lan-nhã), Trung Hoa dịch “vô huyên tạp” (không ồn náo). “Nhất thừa” là cảnh giới đại tịch diệt của chư Phật, là chỗ vắng lặng chân thật tu hành.
Kinh Đại thừa Bản Sinh Tâm Địa nói: “Xem căn nguyên của tất cả phiền não tức là tự tâm”. Thấu suốt được pháp này mới kham hay dừng trụ chỗ tịch diệt, không xao động (A-lan-nhã). Không ngộ được tự tâm, dù ở trong hang sâu xa xôi, tránh chỗ ồn náo mà cầu được vắng lặng, nhưng cả thế gian cũng chưa có chỗ ấy. Nếu chóng rõ được tự tâm mới là chân thật vắng lặng vậy.
ĐOẠN IV: NÊU BẢN TÍNH ĐỂ CHỈ RÕ CĂN NGUYÊN HƯ DỐI
CHI 1. NÊU BẢN TÍNH
Phật bảo: “Phú-lâu-na, như lời ông hỏi, tính bản nhiên thanh tịnh, vì sao bỗng sinh ra núi, sông, đất liền. Ông chẳng thường nghe Như Lai chỉ dạy, tính giác diệu minh, bản giác minh diệu hay sao?”.
Ông Phú-lâu-na thưa: “Đúng như thế. Bạch Thế Tôn, con thường nghe Phật dạy nghĩa ấy”.
Bộ Tông Cảnh nói: “Tính giác diệu minh” là tự tính thanh tịnh tâm, tức là tính Như lai tạng, đồng với chân như tại triền. Bản tính thanh tịnh không bị phiền não nhiễm ô, gọi là tính giác. Còn “bản giác minh diệu” đồng với chân như xuất triền, từ trí vô phân biệt, giác ngộ cùng tột vọng niệm từ vô thỉ gọi là cứu cánh giác. Thỉ giác tức là bản giác. Ngộ tính giác sẵn có, nên gọi là bản giác. Do đó trong Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “Nơi chân như môn gọi là “tính giác”, nơi sinh diệt môn gọi là “bản giác”. Do vì tính giác không từ năng sở mà sinh, cũng chẳng nhờ tu chứng mà được, vốn tự diệu mà thường minh, nên gọi là “tính giác diệu minh”. Dùng trí tuệ thỉ giác minh lại cái diệu của tính giác, nên gọi là “bản giác minh diệu”. Lại tính chân như, vì tính nó tự phân biệt, nên tính giác diệu mà thường minh. Dùng trí thỉ giác phân biệt tính của bản giác, nên bản giác minh mà thường diệu”.
Tính giác là do trong mê mà nói. Bản giác là do thỉ giác chuyển hợp mà nói. “Diệu” là không có thỉ chung, không có phân biệt. Đây là chỉ cho thể tính vốn tự tịch chiếu, nên nói là diệu minh. Do thỉ giác hợp về bản giác là do minh hợp với diệu, nên nói là “minh diệu”.
Ngài Giác Phạm dẫn lời ngài Mã Minh nói: “Chính khi thỉ giác tức là bản giác, không có tính giác khác riêng khởi. Thành lập thỉ giác là do nương theo bản giác mà có bất giác; nương theo bất giác nên nói có thỉ giác”. Xét theo ý ngài Mã Minh để so sánh với Kinh này, chính là đưa bản giác lên làm tính giác, đưa thỉ giác lên làm bản giác, cho nên có khác vậy. Chỗ nói tính giác hiện nay thì ngài Mã Minh cho là bản giác; chỗ nói bản giác thì ngài Mã Minh cho là thỉ giác. Ngài Giác Phạm dẫn lời ngài Mã Minh cho rằng Kinh này đưa bản giác lên làm tính giác, đưa thỉ giác lên làm bản giác. Lấy bản giác làm tính giác, thì thể nó hợp như vậy; lấy thỉ giác làm bản giác thì chẳng thể không nói. Bởi do thỉ giác để biết bản giác, đã biết bản giác tức gọi là bản giác do minh hợp với diệu thì đâu hẳn phải đưa lên?