Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ QUYỂN NHÌ PHẦN CHÍNH TÔNG _MỤC III _ ĐOẠN III
__________________________________________________ ______________________________________
NÊU TÍNH THẤY RA NGOÀI NGHĨA PHẢI VÀ CHẲNG PHẢI
ĐOẠN III
CHỈ RA KHÔNG CÓ CÁI GÌ NGOÀI CÁI THẤY
CHI 1. NÓI CÁI KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐỔI LẠI GẠN HỎI CÁI GÌ CHẲNG PHẢI CÁI THẤY
Phật lại bảo A-nan: “Như ông đã nói, không có cái thấy rời tất cả vật riêng có tự tính, thì trong tất cả vật ông chỉ ra được, chỉ là vật chứ không phải cái thấy. Nay tôi lại hỏi ông: Ông cùng Như Lai ngồi trong rừng Kỳ-đà lại xem vườn rừng, cho đến mặt trời mặt trăng, các thứ hình tượng sai khác, nhất định không có cái thấy mà ông có thể chỉ ra được. Ông hãy phát minh trong các vật này cái gìchẳng phải cái thấy?”.
Ở đây trước ấn chứng không có cái phải, nhiên hậu lại gạn hỏi không có cái chẳng phải. Không phải tính thấy thì sở ngộ đã tiêu. Không chẳng phải tính thấy thì tâm phan duyên liền hết. Pháp ấn vô thượng, văn sau tự thấy.
CHI 2. ĐÁP KHÔNG CÁI GÌ CHẲNG PHẢI CÁI THẤY
A-nan thưa: “Con thật xem khắp trong rừng Kỳđà này chẳng biết trong ấy cái gì chẳng phải là cái thấy. Vì sao? Nếu cây chẳng phải cái thấy thì làm sao thấy được cây? Nếu cây là cái thấy thì sao lại gọi là cây? Như thế cho đến nếu hư không chẳng phải cái thấy thì làm sao thấy được hư không? Nếu hư không là cái thấy thì sao lại gọi là hư không? Con lại suy nghĩ, trong muôn vật đây chín chắn phát minh không có cái gì chẳng phải là cái thấy?”.
Phật nói: “Đúng thế! Đúng thế!”.
Như chỗ thấy trong mộng cho là thật có các vật, đến khi thức mới biết thảy do mình mộng thấy. Há cho rằng tức chưa thức là ngã chứ chẳng phải vật, chỉ là không người hiểu biết. Việc hiện tiền trong thế gian cũng như người nằm mộng thấy, thật không phải việc khác. Ở đây nếu xem được thấu đáo lại không cùng với ngã làm duyên đối đãi, cũng chẳng ngại toàn khi thức tức là toàn ở trong mộng, cùng tất cả mộng làm nhân duyên cho thức. Kinh Pháp Hoa nói: “Chẳng như ở trong ba cõi mà thấy tướng trong ba cõi, Như Lai thấy rõ không có lầm lẫn”. Nếu hay thấy rõ không có gì chẳng phải cái thấy, thì ba cõi hiện tiền phải quán như thế nào? Không thể lại có danh tự và tướng mạo. Ban đầu gạn cùng không phải cái thấy để dứt cái thấy hiện tiền chẳng đồng với vật. Đã như thế thì gạn cùng không có cái gì chẳng phải cái thấy, khiến cho biết rõ ràng cái phân biệt chẳng phải người nào khác. Nếu có thể đối với việc này, một phen buông hết (phóng hạ) thì thân tâm ngay đó cùng với gốc xưa không hai, đều là cái nghĩa không “phải và chẳng phải” ở văn sau mà trước đã một phen trừ sạch.
ĐOẠN IV
NGÀI VĂN-THÙ THỈNH PHẬT PHÁT MINH HAI NGHĨA
CHI 1. ĐẠI CHÚNG LO SỢ
Khi ấy trong Đại chúng những vị chưa chứng quả vô học nghe Phật nói lời này đều mờ mịt chẳng biết nghĩa ấy trước sau thế nào, nên đều lo sợ mất chỗ bình thường. Cái ngã của tính thấy chóng trừ, vật phân biệt cũng hết. Chẳng phải ngã chẳng phải vật là chỗ chứng ngộ của bậc đại trí, chẳng phải hàng sơ tâm có thể biện được, nên hoang mang chẳng biết nghĩa ấy trước sau thế nào. Đây tức là hai nghĩa văn sau sẽ nói: “Nếu là cái thấy thì đáng lẽ có chỗ chỉ ra được. Nếu không phải cái thấy thì đáng lẽ không thấy”.
CHI 2. PHẬT NÓI LỜI THẬT ĐỂ AN ỦI
Đức Như Lai biết Đại chúng lo sợ, nên sinh lòng thương xót, liền an ủi ông A-nan và cả Đại chúng rằng: “Các Thiện nam tử! Đấng Vô Thượng Pháp Vương nói lời chân thật, như tính Chân Như mà nói, đều chẳng hư dối, chẳng phải như bọn Mạt-già-lê dùng bốn thứ luận nghị “kiểu loạn bất tử”. Ông nên chín chắn suy nghĩ, chớ phụ lòng thương mến của tôi!”.
Toan diễn bày đại pháp, trước khen ngợi lời Phật, khiến cho lòng tin kia được vững chắc. Đức Như Lai có năm thứ ngữ (lời nói). Ngài Tư Trung nói: “Không nói tà vạy là nói chân; nói xứng lý gọi là nói thật; nói chẳng thay đổi gọi là nói Như; tâm cảnh tương ưng (hợp nhau) gọi là nói không dối; xa thấy chưa rõ thì không nói, gọi là không nói sằng”. “Bốn món kiểu loạn” nghĩa là: Cũng thay đổi cũng thường hằng, cũng sinh cũng diệt, cũng có cũng không, cũng tăng cũng giảm là chấp giữ hai bên không có nghĩa quyết định, để rõ ý Phật dạy, thị phi đều lìa, tâm cảnh đều bỏ, để hiển bày tính chân thật nhiệm mầu vốn không hý luận. Ai mộ nghĩa là tình thương xót và ngưỡng mộ, ý nói phải suy nghĩ chín chắn chớ phụ lòng thương mến của đức Như Lai.
CHI 3. NGÀI VĂN-THÙ THỈNH PHẬT PHÁT MINH
Khi ấy, ngài Văn-thù Sư-lợi Pháp Vương Tử thương xót bốn chúng, ở trong Đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật chắp tay cung kính bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, Đại chúng đây không nhận được chỗ đức Như Lai phát minh hai nghĩa “phải và chẳng phải” (thị phi thị), nơi hai thứ “cái thấy” và “sắc không”.
Ngài Văn-thù xuất hiện ở đây là mượn trí tuệ lớn để hỗ trợ làm cho sáng tỏ đại pháp (pháp lớn), chẳng phải hàng Thanh văn, Quyền thừa Tiểu thừa có thể làm được. “Tinh kiến sắc không” là đối với sắc không ở trên để biện biệt tính thấy. Hai thứ (nhị chủng) tức chỉ nghĩa “phải và chẳng phải” (thị và phi). “Phải” tức là nghĩa không phải tính thấy. Văn sau có nói: Nếu là tính thấy đáng lẽ phải có chỗ chỉ ra được. “Chẳng phải” tức là nghĩa không gì chẳng phải tính thấy. Văn sau nói: “Nếu không phải tính thấy, đáng lẽ không chỗ thấy”. Lẫn xem liền thấy.
Bạch Thế Tôn, các hiện tượng sắc không vv… nơitiền cảnh, nếu là cái thấy thì đáng lẽ có chỗ chỉ ra được; nếu chẳng phải là cái thấy thì đáng lẽ không thể thấy. Mà nay chẳng biết nghĩa này về đâu nên mới có lo sợ, chứ chẳng phải vì trước đây căn lành mỏng ít. Cúi mong đức Như Lai mở lòng đại từ chỉ rõ các vật hiện tượng này và cái thấy nguyên là vật gì mà ở trong ấy không có cái “phải” và “chẳng phải”.
Câu “nguyên là vật gì?” là thầm bảo: Nguyên là thể giác ngộ thanh tịnh nhiệm mầu sáng suốt. Biết đồng một thể thì vật ngã đều như nhau, không lời có thể nói, không thức có thể phân biệt, nên nói “trong ấy không có cái phải và chẳng phải”.