Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ QUYỂN NHẤT PHẦN CHÍNH TÔNG _MỤC II _ ĐOẠN VII
__________________________________________________ ______________________________________
ĐOẠN VII
GẠN HAI NGHĨA KHÁCH TRẦN,
ĐỂ CHỈ ÔNG CHỦ VÀ HƯ KHÔNG,
HIỂN BÀY TÍNH THẤY
CHI 1. NHƯ LAI HỎI NHÂN DO ĐƯỢC NGỘ
Khi ấy, đức Thế Tôn duỗi cánh tay Đẩu-la-miên sáng ngời xòe năm ngón tay, bảo ông A-nan và cả Đại chúng rằng: “Khi tôi mới thành đạo ở trong Lộc Viên vì ông A-nhã-đa, năm vị Tỳ-kheo vv… và bốn chúng nói: Tất cả chúng sinh chẳng thành Bồ-đề và A-la-hán đều do khách trần phiền não làm lành. Các ông khi ấy nhân đâu được ngộ, nay thành tựu chứng quả Thánh?”.
Khi Phật mới xuất gia Vua cha sai năm người tìm theo hầu hạ. Ba người theo họ cha: 1/A-bệ: Trung Hoa dịch là Mã Thắng. 2/Bạt-đề: Trung Hoa dịch là Tiểu Hiền. 3/Câu-lợi: Tức Ma-ha-nam, cũng gọi là Trưởng giả. Hai người theo họ mẹ: 1/A-nhã-đa dịch là Giải Bản Tế, tức là Kiều-trần-na, dịch là Hỏa Khí, trước kia ông thờ lửa nên lấy đó làm họ. Ông hiểu được Phật pháp trước nhất nên gọi là Nhã-đa. 2/Ca-diếp, dịch là Ẩm Quang. Sau khi Phật thành đạo ở trong Lộc Viên, ba lần chuyển pháp luân nói pháp tứ đế: khổ, tập, diệt, đạo. Khách trần tức là chỉ cho Tập Đế. Phân biệt phiền não thô động như khách. Câu sinh vi tế như trần, đều là phiền não chướng. Đây chính là lời nói vào thời ấy. Nay nói khách trần là chỉ cho thân và cảnh. Song thân tức là căn thân, cảnh tức là khí giới. Xét biết căn thân, khí giới nhất như thì khách trần phiền não sở tri đồng thời dứt sạch. Mượn nhỏ để soi lớn, chẳng thể câu chấp. Văn sau, (có câu) “Lấy động làm thân, lấy động làm cảnh” chính là ý này. Bởi chỉ thẳng “Chủ” và “hư không” dùng để bác từ trước đã sót mất chân tính, nhận vật làm mình lại không phải riêng có vậy.
CHI 2. THUẬT HAI NGHĨA NGỘ ĐƯỢC KHÁCH TRẦN
TIẾT A. THUẬT LẠI NGHĨA KHÁCH
Khi ấy ông Kiều-trần-na đứng dậy bạch Phật: “Nay con là hàng Trưởng lão, đối với trong Đại chúng riêng được tên là Hiểu (giải) do con ngộ hai chữ “Khách trần” mà được thành Thánh quả. Bạch đức Thế Tôn, ví như người khách đi đường, vào nghỉ nhờ một quán trọ, hoặc ngủ, hoặc ăn. Ăn ngủ xong sửa sang hành lý lên đường, chẳng ở lại nữa. Nếu thật là người chủ thì tự không đi đâu. Như thế mà suy xét, chẳng dừng trụ gọi là khách, dừng trụ là chủ. Do cái chẳng dừng trụ nên có nghĩa là “khách”.
Đức lớn, lạp cao nên gọi là Trưởng lão. Ban đầu khi nghe pháp, Phật hỏi hiểu chăng? Kiều-trần-na nói đã hiểu, nên nói riêng được tên là “Hiểu”. “Thúc” là làm, là động. “Trang” là gói hay là bó. Thân cảnh biến dời từ sát-na không dừng trụ, thật như người khách trôi nổi qua lại không dừng. Vậy ai là người chủ cam chịu sự lưu chuyển? Xem sự đổi thay mà biết trở về thì ngồi yên lặng lẽ…
TIẾT B. THUẬT LẠI NGHĨA TRẦN
Lại như mưa mới tạnh mặt trời lên trong trẻo, ánh sáng soi vào kẽ hở, trong hư không hiện rõ các tướng bụi bặm. Tính chất của bụi thì diêu động, còn hư không thường lặng lẽ. Như thế, nên con suy nghĩ: Lắng lặng gọi là hư không, diêu động gọi là bụi bặm. Do cái diêu động đó nên có nghĩa là “trần”. Phật nói: “Đúng thế!”.
Tễ là trong tạnh. Dương là mặt trời. Ánh sáng soi qua kẽ hở chiếu trong hư không, nên tướng bụi bặm dễ thấy. Bụi khắp cả pháp giới mà hư không chẳng lay động. Tâm ở nơi căn cảnh do vọng động mà thấy có lăng xăng, nhưng cái thấy được vọng thì không lăng xăng, tính không vẫn tự nhiên vậy.