Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ QUYỂN 10 PHẦN 1
__________________________________________________ ______________________________________
33. Quyển 10 - Phần 1
CHI 4.- NHỮNG MA SỰ THUỘC HÀNH ẤM
TIẾT A- TƯỞNG HẾT TƯỚNG THÙ THẮNG
A-nan, thiện nam tử kia tu pháp Tam-ma-địa khi tưởng ấm đã hết thì những mộng tưởng bình thường của người đó đã tiêu diệt, khi ngủ, khi thức luôn luôn một Thể Tính Giác Minh rỗng lặng như hư không, trong trẻo không còn những việc bóng dáng tiền trần thô trọng; xem những núi sông, đất liền trong thế gian, như gương soi sáng khi đến không dính vào đâu, khi qua không để lại dấu vết, rỗng chịu theo sự vật chiếu ứng; rõ ràng không còn tập quán cũ, chỉ một tính tinh chân.
Do khi thức có tưởng, nên khi ngủ có mộng nay tưởng ấm đã hết, thì khi ngủ cũng như khi thức. Do không có tưởng nên không có mộng, không mộng nên luôn luôn một thể. “Thô trọng” là phiền não vậy. Phiền não đều do tưởng sinh, tính giác vốn tự rỗng rang sáng suốt, do bị vọng tưởng che đậy, vọng tưởng hết, thì tính giác hiển bày. Cũng như hư không trong trẻo, tất cả bụi bặm trong ánh mặt trời xuyên qua kẽ hở qua lại trong hư không mà không dừng cũng không dính mắc. Tính giác minh cũng như vậy, khi tưởng hết, thì tính giác hiển bày. Mặc tình căn trần có đối hiện, như hư không nhận các vật mà không bị dính mắc các vật, chỉ một tính tinh chân vậy. “Tập quán cũ”, nghĩa là vọng tưởng từ nhiều đời trước. “Rõ ràng không” nghĩa là rõ ràng nó là không vậy.
TIẾT B.- PHẠM VI HÀNH ẤM
Căn nguyên sinh diệt từ đây phơi lộ ra, thấy được mười hai loài chúng sinh trong mười phương, thì khắp rõ hết các loài, tuy chưa thông suốt mối manh mệnh căn của mỗi chúng sinh, nhưng đã thấy cơ sở sinh diệt chung, giống như dả mã (sóng nắng) lớp lớp chớp nhoáng hiện ra, làm các then chốt phát sinh các phù căn trần; ấy gọi là phạm vi hành ấm.
Sinh diệt là căn nguyên của hành ấm, tưởng ấm chưa hết, thì toàn thân ở trong hành ấm, bị tưởng ấm lăng xăng mà không thể thấy. Nay tưởng ấm hết, nên hay quán tướng sinh tử của mười hai loài chúng sinh. Mối manh mệnh căn mỗi loài, nghĩa là tướng ban đầu của sự sinh diệt. Tướng đó phải biết nó là không, mới có thể chóng rõ; bởi cảnh sở duyên của hành, tức là vô minh vậy. “Dả mã”, tức là sóng nắng, để dụ cho vi tế của hành ấm. Đối trong cái không giác, không phải tưởng hết, thì không thể thấy. Nguyên nhân sinh ra ba cõi, gốc ở nơi đây, nên gọi là then chốt của căn trần. Trên cái then cửa có lỗ, cửa nhờ then gài mà đóng lại, đây là cái nền tảng sinh chung vậy. “Chớp nhoáng” tức là hình trạng chớp nhoáng hiện ra của dả mã (sóng nắng). Lăng xăng (nhiễu) mà gọi là trong, là do tưởng ấm đã hết, nên không có trạng thái phiền động.
TIẾT C.- TƯỚNG HẾT CỦA HÀNH ẤM
Nếu cái cội gốc của những lăng xăng, chớp nhoáng u ẩn đó vào được tính đứng lặng bản lai, một phen tập khí bản lai đứng lặng, như sóng mòi diệt hết, hóa thành nước đứng, thì gọi là hết hành ấm. Người ấy có thể vượt khỏi chúng sinh trược, xét lại nguyên do cội gốc là u ẩn vọng tưởng.
Cái cội gốc của những lăng xăng, chớp nhoáng u ẩn mà gọi là tính đó, là bởi do mê chân thức mà có sinh diệt, thì sinh diệt tức đều do thức tính biến hiện. Hành ấm hết; trở về cội gốc, cội gốc đứng lặng, tập khí xoay trở lại, nên nói như sóng mòi diệt, hóa làm nước đứng lặng. Chúng sinh, sinh diệt không dừng, nên hành ấm hết tức là vượt khỏi chúng sinh trược. Cái sinh diệt vi tế này rất là u ẩn, nên nói “cội gốc là u ẩn vọng tưởng”.