DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 17/27 ĐầuĐầu ... 71516171819 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 161 tới 170 của 264
  1. #161
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 1 (tt)
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 2.- NÊU RÕ PHƯƠNG TIỆN CÓ MAU CHẬM

    Trở về nguồn tính vốn không hai,

    Phương tiện tu chứng có nhiều cách,

    Cách nào cũng thông vào bản tính,

    Nói thuận nói nghịch đều phương tiện,

    Do hàng sơ tâm vào Tam-muội,

    Bên mau bên chậm không đồng nhau.


    Tính trở về nguồn chỉ có một, nhưng cửa ban đầu xoay trở về vẫn có nhiều. Nếu một thì mỗi cửa đều có thể chứng nhập, nhiều thì thuận nghịch tự phân có chậm mau, nên sơ tâm phải cầu thẳng tắt đến viên thông.

    “Nói nghịch nói thuận chỉ là phương tiện”, nên biết thuận cũng là phương tiện. Kinh Viên Giác nói: “Chỉ trừ người đốn giác ngộ, cùng pháp không tùy thuận”, Bồ-tát mỗi khi đối với trong cửa phương tiện, thường lộ bày ý chỉ này.


    CHI 3.- LỰA RA SÁU TRẦN

    Vọng tưởng kết lại thành sắc trần,

    Hay biết không thể thông suốt được,

    Làm sao chính chỗ không thông suốt

    Tu hành lại được tính viên thông?


    Kết cái tối tăm làm sắc tướng, nên nói: ‘Vọng tưởng kết lại thành sắc trần. Quán sắc thành không, càng lâu mới thông triệt, như ông Ưu-ba-ni-sa-đà, quán xương trắng thành vi trần, chẻ sắc gần với hư không đến khi vi trần và sắc tướng đã hết, thì diệu sắc thầm tròn cũng tự viên thông không ngăn ngại. Song do sơ tâm tẩy rửa phiền não mà phát ra tính hay biết, hợp với chỗ rỗng rang, nên không phải chỗ chọn lựa Viên Thông.

    Âm thanh xen lộn với lời nói,

    Chỉ nương theo ý vị danh từ,

    Nếu một, không trùm được tất cả,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    “Xen tạp” cũng như nói “gồm”. Do âm thanh chẳng dừng nơi ngữ ngôn. Lại ngữ ngôn cũng tự siêu thoát danh cú, một tức gồm có nhiều. Đây là chỗ chứng ngộ của ông Kiều Trần Na do chúng sinh dễ nương theo lời nói, nên mới ở chỗ lựa căn Viên Thông. Luận Du Già nói: “Phật và Bồ-tát là người năng thuyết, lời nói là tướng năng thuyết, danh cú văn thân là tướng sở thuyết”. “Danh thân” cũng như nói: “Cái bình”. Chữ “Bình” vẽ ra là văn thân; bình là do đất làm ra cái cú thân. Danh từ và câu văn bày ra nghĩa lý gọi là vị. Nên danh cú y nơi văn, vị y nơi danh cú.

    Hương chỉ lúc hợp mới rõ biết,

    Lúc rời ra thì vốn là không.

    Nếu chỉ biết không được thường hằng,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Hương Nghiêm Đồng Tử do ngửi mùi hương bay vào mũi mà ngộ được mùi hương không có đến đi. Hương trần đã diệt thì tính ngửi y nhiên. Đây là do chỗ cảm biết không được thường hằng, nghĩa là không nương nơi thể giác chưa dễ gì thường hằng là một, cũng để giản trạch chỗ khó của hàng sơ tâm.



  2. #162
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 1 (tt)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Vị không phải bản nhiên tự có,

    Cần phải nếm mới biết có vị,

    Nếu giác quan không thường duy nhất,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Bồ-tát Dược Vương, Dược Thượng rõ biết tính của vị trần chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải tức thân tâm, chẳng phải rời thân tâm, ở nơi phân biệt vị phát minh bản giác. Do tính của vị trần này, không phải là bản nhiên thường hằng, nên rời phân biệt, thì không có tính biết vị; cũng để giản trạch cho hàng sơ tâm rời phân biệt vị tính giác khó mà an trụ vậy.

    Xúc do các vật chạm mà biết.

    Không vật chạm thì không thành xúc.

    Khi hợp, khi ly không nhất định.

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Ông Bạt-đà-bà-la bỗng ngộ nguyên nhân của nước, không rửa bụi cũng không rửa thân, khoảng giữa an nhiên, chứng được lý không. Từ đây phát minh được diệu xúc. Ở đây nói xúc do các vật chạm mà rõ biết, để thấy rời chỗ diệu xúc, ly hợp đều dứt, tính khó được thường hằng, cũng để giản trạch cho hàng sơ tâm vậy.

    Pháp cũng có tên là nội trần,

    Nương theo trần tất phải có sở,

    Năng sở, không viên dung nhập một.

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Ngài Ma-ha-ca-diếp quán sát pháp trần thay đổi và hoại diệt, chứng ngộ pháp không tịch. Dùng tâm không tịch, tu định diệt tận liền dứt hết pháp chấp, thấy được thật tính của Diệu pháp, thế nên năng sở bản nhiên đều dứt. Đây là để giản trạch năng sở không viên dung, nhập một, cũng để nói hàng sơ tâm rời sở duyên pháp tính khó cùng khắp vậy.

    CHI 4.- LỰA RA NĂM CĂN

    Cái thấy tuy rỗng suốt rất xa,

    Nhưng thấy trước mà chẳng thấy sau;

    Bốn bề còn thiếu mất một nửa,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Ông A-na-luật-đà, nhân tu pháp “nhạo kiến chiếu minh Tam-muội”, phát minh được tính thấy, không dùng mắt xem mà thấy khắp cả mười phương. Ở đây là để giản trạch thấy trước mà chẳng thấy sau, bốn bề còn thiếu một nửa cũng căn cứ chỗ thấy của nhãn căn không thể hoàn toàn đầy đủ, để thấy hàng sơ tâm rời trần riêng chiếu khó được thông suốt.

    Mũi có thở ra và thở vào,

    Chặng giữa hiện không có hơi thở;

    Nếu không viên dung sự cách bức,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Hơi thở ra không dính liền với hơi thở vào, hơi thở vào cũng không dính liền với hơi thở ra. Thở ra, thở vào mỗi cái đều đi riêng, nên gọi là không có hơi giao tiếp (liên tục), tức là thiếu sự tiếp nối khoảng giữa. “Chi”, một chi tiết của thân rời ra, tức là từng phần rời rạc. Nghĩa là nhập thì vào thân, ly thì rời thân, hai bên không dính dáng nhau, cũng tức là không có hơi thở liên tục vậy.

    Ông Châu-lợi-bàn-đặc-ca, do quán hơi thở rất chín chắn, cùng tột sự sinh diệt của nó mà ngộ biết chỗ không sinh diệt của tâm này, nên được đại vô ngại. Ở đây là lấy hơi thở ra vào trong mũi không viên dung sự cách bức nhau, để giản trạch cho hàng sơ tâm cùng tột sự sinh diệt của hơi thở, nơi tính vô sinh diệt, rất khó mà nương tựa giữ gìn.




  3. #163
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 1 (tt)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ngoài sở nhập, tính nếm không thành,

    Nhân vị trần mà sinh hay biết;

    Không có vị, cái biết không có,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Tính nếm vị nếu không nhân sở nhập thì không thể vô cớ tự có, nên nói, nhân vị trần mà sinh hay biết. Đã nhân nơi vị sinh, nên vị mất tức là diệt.

    Ông Kiều-phạm-bát-đề do quán cái biết vị không phải thân, không phải vật, ngay đó liền được siêu vượt các lậu ở thế gian, trong thoát thân tâm, ngoài rời thế giới, pháp nhãn trong sạch sáng suốt. Ở đây sợ e rời vị trần, tâm giác liễu khó dừng trụ, nên giản trạch cho hàng sơ tâm, chưa dễ gì quán triệt vậy.


    Thân biết xúc đồng với cảnh sở xúc,

    Đều có hạng không phải cùng khắp,

    Nếu không nhận tính không bờ bến,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Thân biết xúc chạm và cảnh bị xúc chạm, trông về tính giác, thì biết và không biết bờ bến đều có khác, không thể dung thông và hợp nhất.

    Ông Tất-lăng-già-bà-ta nhân giác cái đau và cái biết đau, mà giác được tâm thanh tịnh không có cái đau và cái biết đau, nhiếp niệm chưa bao lâu, thân tâm bỗng nhiên trống rỗng, chỉ thuần một tính giác, quên thân, phát minh được quả vô lậu. Mà ở đây chính là lấy thân xúc chạm và cái biết xúc chạm, giới hạn nó chẳng kịp nhau. Bởi sợ rời thân cảm xúc này, thì tính giác biết không chỗ nương tựa, tự khó mà thầm hợp cũng để lựa riêng ra cho hàng sơ cơ vậy.


    Ý căn xen với các loạn tưởng,

    Đứng lặng, rốt cuộc không thấy gì;

    Nếu không thoát được các tưởng niệm,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    “Tri căn”, tức là ý căn, nghĩa là ý biết xen lộn với các loạn tưởng, loạn tưởng dừng thì phân biệt cũng mất, vừa có sở quán thì tưởng niệm khó thoát.

    Ông Tu-bồ-đề từ nhiều kiếp đến nay đã chứng quả không tịch, sau nhờ đức Như Lai mà phát minh được tính giác chân không, tính không tròn sáng, liền vào biển không Bảo minh của đức Như Lai, được ấn ký thành quả vô học. Đây là do căn tính hàng sơ cơ phát minh được tính giác là chân không, rời các tướng khó thể hiện, nên đặc biệt lựa riêng ra vậy.


    CHI 5.- LỰA RA SÁU THỨC

    Nhãn thức phát khởi nhờ căn trần,

    Gạn cùng vốn không có tự tướng;

    Cả tự thể còn không nhất định,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Nhãn thức, căn và sắc tướng xen lẫn nhau nên gọi nhãn thức, xen tạp ba thứ hòa hợp. Nhãn căn sắc trần không hợp nhau thì thức không chỗ gá. Đã không tự tướng cũng không tự thể.

    Ngài Xá-lợi-phất ban đầu ngộ lý nhân duyên từ Phật phát minh tính thấy viên minh, tâm thấy phát ra sáng suốt, sáng tột cùng cả chỗ thấy biết. Nay lựa ra nhãn thức, nếu rời hai thứ (căn trần) thì không có tự thể. Nghĩa là, hàng sơ tâm đối với cái thấy biết này, nếu rời ba thứ hòa hợp kia thì tâm sáng suốt viên mãn riêng khó hiển bày.


    Tâm nghe thông suốt cả mười phương,

    Là do sức hoằng thệ rộng lớn;

    Sơ tâm không thể đến chỗ ấy,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Đức Phổ Hiền dùng tâm nghe, phân biệt những tri kiến của chúng sinh, tùy có chúng sinh nào phát minh hạnh Phổ Hiền, liền vì họ mà xoa đảnh. Đây là nhân đại hạnh chiêu cảm mà phát ra, không phải hàng sơ tâm có thể làm được, nên nói là không thể vào.



  4. #164
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 1 (tt)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Tưởng chót mũi, vốn là quyền cơ,

    Chỉ để nhiếp tâm được an trụ;

    Nếu cảnh quán lại thành sở trụ,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Ông Tôn-đà-la-nan-đà quán chót mũi trắng do quán sâu mà ngưng lặng, bên trong phát ra tính viên mãn sáng suốt, bên ngoài thành rỗng rang thanh tịnh, ánh sáng rỗng suốt cả muời phương. Đây là lựa ra phương tiện tạm thời để nhiếp tâm mà được an trụ. Tâm an trụ đã thành sở, thì không phải là thường trụ chân thật. Chính vì lo ngại cho hàng sơ tâm đối với thân tâm bên trong rõ suốt, thế giới bên ngoài rỗng không mà với tâm giác ngộ này khó vì đó mà được viên thoát.

    Nơi pháp khéo dùng các danh từ,

    Cốt yếu trước phải được khai ngộ,

    Nếu lời nói không phải vô lậu,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Ông Phú-lâu-na do biện tài vô ngại, tuyên nói lý khổ không, thâm đạt thật tướng. Đây là căn cơ đã thuần thục, khéo rời ngôn thuyết, chứng được ý nghĩa bí mật. Nếu một phen dính mắc nơi lời nói (danh cú) thì chỉ thành hữu lậu, nên ở đây lựa riêng ra vậy.

    Giữ giới chỉ câu thúc cái thân,

    Ngoài thân ra lấy gì câu thúc;

    Vốn không phải cùng khắp tất cả,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Thân nghĩa là thân thức, chẳng phải chỉ có thân căn nên gồm cả thân tâm.

    Bởi do ông Ưu-ba-ly trì giới thanh tịnh, thân tâm tịch diệt, ngay đó phát minh tất cả đều thông lợi. Nay lựa ra không phải thân, chính bảo rằng, rời thân thức này không có chỗ để kiểm thúc, mà ở đây thật chỉ nơi tâm sẽ làm thế nào để hòa hợp cho cùng khắp, vì sợ e rơi vào tịch diệt vậy.


    Thần thông bởi túc tập từ trước,

    Nào dính gì ý thức phân biệt;

    Tưởng niệm không thoát ly sự vật,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Thần thông bởi do túc tập từ trước. Đây là chỉ cho thần thông của ngài Mục-kiền-liên, mà chẳng phải pháp phân biệt của ý thức có thể phát ra được. Do ý thức phân biệt duyên theo trần cảnh không thể phát ra thần thông là để hiển bày, nhân nơi xoay tâm quang trở lại tính yên lặng mà phát hiện, chứ chẳng phải việc của ý thức.

    Pháp phân biệt là pháp thuộc về ý, nên gọi là pháp phân biệt




  5. #165
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 6.-LỰA RA BẢY ĐẠI

    Nếu quán về tính của địa đại,

    Thì nó ngăn ngại không thông suốt,

    Pháp hữu vi không phải chân tính,

    Thì làm sao được tính Viên Thông?


    Ngài Trì Địa Bồ-tát nhân nơi đất tâm được bằng, nên thấy vi trần nơi thân và vi trần tạo thành thế giới đều không có tự tính, không xúc chạm lẫn nhau, nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa ngộ được tri kiến Phật. Đây là lựa ra tính đất vốn ngăn ngại thuộc pháp hữu vi, vẫn từ nơi chưa chứng Viên Thông mà nói, tức là căn cứ nơi sơ tâm, tuy đã phát minh căn bản trí, song rời trần giác ngộ được tính không, cũng không phải là chỗ để chọn lựa vậy.

    Nếu quán về tính của thủy đại,

    Quán tưởng đâu phải là chân thật;

    Thể như như không do giác quán,

    Thì làm sao được tính Viên Thông?


    Ngài Nguyệt Quang Đồng Tử nhân dùng pháp tu quán nước, quán nước trong thân với nước ngoài. Hương thủy đồng nhau không sai khác, bỗng nhiên quên thân hòa hợp với tính chân không, một vị lưu thông, chứng được pháp vô sinh nhẫn. Dùng chỗ chứng Viên Thông của ngài Nguyệt Quang, trông về hàng sơ phát tâm, thoát ngoài thân căn xoay lại tu tập, sợ e dính mắc vào giác quán chẳng phải chân thật. Nên nói thể như như chẳng phải là giác quán, nghĩa là tính như như không phải do giác quán mà chứng được. Giác quán thuộc quả Sơ thiền, có giác, có quán không rời tưởng niệm vậy.

    Nếu quán hỏa đại, trừ dâm dục,

    Chán cái có không phải thật ly;

    Phương tiện không hợp với sơ tâm,

    Thì làm sao được tính Viên Thông?


    Ông Ô-sô-sắt-ma do quán hơi nóng trong thân, thần quang bên trong ngưng động, hóa tâm đa dâm thành lửa trí tuệ, lưu thông không ngăn ngại, sinh ngọn lửa báu lớn. Đây là lựa ra, do tâm nhàm chán mà được xa lìa, chẳng phải được tính xa lìa, đối với hàng sơ tâm muốn vào quả giác, trở lại thành ngăn ngại.

    Nếu quán về tính của phong đại,

    Động tịnh đâu phải không đối đãi;

    Đối đãi trái với Vô Thượng Giác,

    Thì làm sao được tính Viên Thông?


    Bồ-tát Lưu Ly Quang nhân quán thân tâm thế giới đều là vọng duyên của sức gió lay động, tức là ở nơi “sở động” phát minh tính bất động, ngộ được thật tướng các pháp. Nay dùng pháp quán gió động, tịnh đối đãi nhau, nghĩa là không phải hàng sơ tâm dùng phương tiện xoay trở lại mà tu tập, còn có chướng ngại tính viên dung, nên ở đây lựa riêng ra vậy.

    Nếu quán về tính của không đại,

    Hư không vô tri không hay biết;

    Không biết khác hẳn với Bồ-đề,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Bồ-tát Hư Không Tạng nhân quán tứ đại không chỗ nương, vọng tưởng thì sinh diệt, hư không không hai. Cõi Phật là đồng, ở trong cái đồng mà phát minh vào Tam-ma-địa, sức mầu tròn sáng. Đây là lựa ra cái ngoan không có u mê tối tăm cùng với tính Bồ-đề hẳn nhiên sai khác, là riêng căn cứ nơi quán không mà nói. Nếu với hàng sơ tâm phát minh tính giác chân không, chỗ thói quen xoay lại thì không nên áp dụng phương pháp quán này. Vì hư không nhân nơi trái với tính giác mà thành mờ tối, nên gọi là hư không vô tri không hay biết, không hay biết thì khác với Bồ-đề vậy.

    Nếu quán về tính của thức đại,

    Thức sinh diệt đâu phải thường trụ;

    Để tâm trong phân biệt hư vọng,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Bồ-tát Di Lặc nhân tu Định Duy Tâm Thức thành tựu được diệu viên thức tâm Tam-muội tột hư không cõi nước của đức Như Lai, nào là tịnh uế, có không, do tâm ta biến hóa hiện ra. Do hiểu rõ Duy Tâm Thức như vậy, nên thức tính lưu xuất vô lượng Như Lai, xa lìa hai món chấp được pháp vô sinh nhẫn. Nay lựa ra thức không phải thường trụ, tức khiến cho rời cảnh còn tâm cũng đồng với sinh diệt. Ở đây tuy chưa từng phát minh chỉ do tâm hiện ra sự vật, sự vật hiện ra chỉ do tâm. Song đối với hàng sơ tâm muốn vào tính giác, lý xoay vọng để phù hợp với tính giác cũng chưa viên diệu vậy.

    Tất cả các hành đều vô thường,

    Tưởng niệm vốn trong vòng sinh diệt,

    Nhân và quả khác nhau như thế,

    Thì làm sao được tính viên thông?


    Niệm có sinh có diệt, nhưng tính của niệm vốn không sinh diệt. Nếu tịnh niệm liên tục, ấy là dùng niệm sinh diệt hợp với tính không sinh diệt. Như khi con nhớ mẹ, giống như mẹ nhớ con, nhớ Phật, niệm Phật nhất định thấy Phật, lý sự không ngại vậy.

    Bồ-tát Đại Thế Chí do niệm Phật Tam-muội thâu nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm liên tục. Nghĩa là người thâu nhiếp sáu căn và sáu căn dùng làm một niệm, thâu nhiếp một niệm trở về tự tính của niệm. Đây là người chân thật được Tam-ma-địa. Nay lựa ra tính của niệm là vô thường, ngại cho tịnh niệm chưa dễ gì liên tục, đối với hàng sơ tâm muốn vào tính giác sẽ bị chướng ngại.

    Chọn lựa căn “Viên Thông”, là lựa ra không phải hàng sơ tâm hiện tiền, có thể xoay tập quán trở lại thành tu chứng mà lựa ra đối với các vị Thánh. Trong hai mươi bốn vị Thánh những phương tiện thuận nghịch đều được Viên Thông. Chính khi chưa được Viên Thông, chỉ tùy theo chỗ quan trọng lấy đó làm pháp đối trị, nên có chỗ đáng phải lựa ra ở đây, chỗ đáng phải chọn lựa kia riêng không nhất định. Biết được căn tính của đương cơ chọn lựa cho thích nghi, tức là biết ý dụng đối cơ để chọn lựa. Biết dụng ý chọn lựa nhiên hậu mới dụng tâm để chọn lựa, đều do làm thành tựu cho hàng sơ tâm, xoay tập khí trở thành chứng ngộ. Nên phàm không thể phát minh căn bản trí, rốt ráo các sai biệt để tột chỗ lưu thông sáng suốt, thì ắt còn phải lựa chọn vậy.

    Nay xét trong việc ngài Văn Thù lựa căn, trước hết nêu sắc trần cho là vọng tưởng kết tụ, nên đối với tính tinh thuần rốt ráo của hàng sơ tâm chưa dễ gì rửa sạch, thì nói đến thấu triệt phải là kẻ đương cơ. Ông A-nan đã trải qua rõ ràng thích thú được không ngăn ngại, nên mới lựa căn tu chứng, chỉ vì để trừ bỏ tập khí làm chướng ngại, hoặc là phân biệt ngã pháp, há không phải trước ông đã tỏ ngộ hay sao? Ở đây nếu còn bị sắc trần làm chướng ngại, thì tính nghe cũng khó mà thành tựu chứng quả được. Các nhà sớ giải đối với việc này, chỉ căn cứ nơi văn kệ, riêng tôi cho rằng phải có chỗ hội thông vậy.

    Kinh Hoa Nghiêm hàng Thập trụ sơ tâm, khi phát minh được tự tính, thì đã cùng với Phật đồng hàng, rồi sau mới tiến lên Thập hạnh, trải qua Thập hồi hướng cho đến cùng tột các địa. Xét tột nơi sai biệt không khác trí căn bản mà cũng phải một phen hướng về. Nên biết quả vị tu chứng của Đại thừa vẫn không thể cho là pháp chân thật vậy.





  6. #166
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN IV: LỰA CĂN VIÊN THÔNG

    CHI 1- HỢP VỚI GIÁO THỂ CÕI TA BÀ

    Nay con kính bạch đức Thế Tôn,

    Phật ra đời nơi cõi Ta-bà,

    Trong cõi này lối dạy chân thật,

    Thanh tịnh do chỗ nói và nghe;

    Nay muốn tu chứng Tam-ma-đề,

    Thật nên do cái nghe mà vào.


    “Nay con kính bạch đức Thế Tôn”, sáu câu trở xuống là tóm kết vâng lời Phật dạy, nương theo phương tiện để chọn lựa căn Viên Thông. Trong hai mươi bốn vị Thánh đã chọn lựa vốn không thích nghi nơi căn cơ của chúng sinh ở phương này. Như các cõi Phật khác, có cõi Phật thì dùng hào quang sáng mà làm Phật sự; hoặc có cõi Phật dùng cây Bồ-đề làm Phật sự; hoặc có cõi Phật dùng vườn, rừng, đài tạ (lầu cao) làm Phật sự; hoặc có cõi Phật dùng các thứ hương làm Phật sự, không đồng với lối dạy chân thật trong cõi này, là dùng lời nói để tuyên bày cho chúng sinh nhận hiểu, cốt yếu nhân nghe mà được vào. Do lý “bị nghe” đối với căn “hay nghe” mà được tính nghe chân thật, được vào dòng Viên Thông mà không còn tướng bị nghe nữa. Cái nghe đã cùng tột, cái biết cũng không, thành tựu tính vắng lặng chân thật. Đây là Tam-ma-địa thật do ở tính nghe mà được vào vậy.

    Dùng lời nói để diễn bày giáo nghĩa quyền và thật rõ ràng, không xen các luận thuyết của thế gian, ấy gọi là âm thanh thanh tịnh. Do nghe tiếng mà lãnh thọ như được cá quên nôm, gom về tự mình ấy là cái nghe thanh tịnh. Thế nên có tiếng mà không nghe, có nghe mà không có tiếng, đều không thành lời dạy. Tiếng và nghe lẫn bày, mỗi bên đều được thanh tịnh là hình thức giáo hóa chân thật ở cõi này. Hình thức giáo hóa ắt phải thuận theo phương và thích nghi, chọn cái nghe chính phải nương căn cơ mà thành lập. Nên nói: “Muốn tu chứng được Tam-ma-đề, thật do dùng cái nghe mà được vào”.


    CHI 2.- XƯNG TÁN ĐỨC QUÁN THẾ ÂM

    Xa rời khổ não, được giải thoát,

    Rất hay thay! Ngài Quán Thế Âm.

    Trong nhiều kiếp như cát sông Hằng,

    Vào cõi Phật như số vi trần.

    Được sức tự tại rất rộng lớn,

    Bố thí vô úy cho chúng sinh.

    Ngài Quán Thế Âm tiếng nhiệm mầu.

    Tiếng trong sạch và tiếng hải triều;

    Cứu đời mọi việc thảy an lành,

    Xuất thế gian được quả thường trụ.


    Hai câu đầu xưng tán Bồ-tát Quán Thế Âm được tính nghe chân thật. Khi đến quả tịch diệt hiện tiền, thì bỗng nhiên siêu vượt là ngũ trụ hoặc hoàn toàn dứt sạch; hai thứ tử (biến dịch tử và phần đoạn tử) hằng dứt, nên gọi là “lìa khổ mà được giải thoát”. Lại hai câu kế là khen ba mươi hai ứng thân; hai câu kế nữa khen mười bốn món vô úy; lại hai câu khen đức tướng và danh hiệu đều lẫn thấy. Lý và trí cả hai đều viên dung gọi là “Diệu”. Thanh tịnh không nhơ bẩn, gọi là: “Phạm”. Đức Quán Thế Âm vì lòng Đại bi thuần thục ứng hiện trong muôn vật, không chỗ nào chẳng đến, có cảm liền ứng, không mất thời gian, như thủy triều có thời tiết. Từ nghe mà được Diệu, thì không gọi là “Diệu văn” mà gọi “Diệu âm”. Bởi vì nghe thì có ta và người, còn tiếng thì không có mình và kẻ khác; trần trần đều chân, pháp pháp đều như vậy. Hai câu cuối: Cứu giúp cùng tột để làm lợi ích chúng sinh; cứu khổ ban vui bình đẳng cả thế gian và xuất thế gian, nghĩa là cầu đại Niết-bàn được đại Niết-bàn vậy.




  7. #167
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 3.- XƯNG TÁN NHĨ CĂN

    Nay con kính bạch đức Như Lai,

    Như lời ngài Quán Âm vừa nói:

    Thí như có người ở chỗ vắng,

    Chung quanh mười phương đều đánh trống

    Mười chỗ đồng thời đều được nghe,

    Như thế mới chân thật viên thông.


    Đây là căn cứ nơi chúng sinh hiện tiền, nếu có tiếng thì đều nghe, có nghe thì đều nghe khắp không có xa gần, trước sau, để hiển bày tính nghe cùng khắp và viên mãn. Do tiếng mà ánh hiện ra cái nghe, do nghe dính liền với tiếng, đều không có đứt đoạn, cũng không có ranh giới, tính tướng, tự tha một thời viên dung và hòa hợp, không nhân tu chứng, cũng không đối đãi. Cái không của nhĩ môn ở nơi đây có thể tột vậy.

    Mắt bị ngăn che, không thấy được,

    Thiệt căn, tỷ căn cũng như vậy.

    Thân căn lúc hợp mới biết xúc,

    Ý căn lăng xăng không mối manh.

    Cách vách nhĩ căn vẫn nghe tiếng,

    Dầu xa dầu gần đều nghe được.

    Năm căn so sánh thật không bằng,

    Như thế mới chân thật viên thông.


    Đây là dùng năm căn để chỉ ra nhĩ căn không ngăn ngại, nghĩa là Viên Thông chân thật. Xa gần là căn cứ nhĩ căn của chúng sinh, chỗ cách nhau hoặc xa hoặc gần đều không chướng ngại, chẳng phải như năm căn, nên mới dùng các bậc Thánh để phân rõ thiệt căn, tỷ căn và thân căn đều phải hợp lại mới biết. Câu “cũng lại như vậy” là trở ngược xuống câu văn sau vậy.

    Tính thanh trần có động có tĩnh,

    Trong tính nghe thành có, thành không.

    Khi không tiếng gọi là không nghe,

    Đâu phải thật không còn tính nghe;

    Không tiếng tính nghe đã không diệt,

    Có tiếng tính nghe đâu phải sinh;

    Trọn rời cả hai thứ sinh diệt,

    Như thế mới là thường chân thật.


    Có tiếng là tướng động, không tiếng là tướng tĩnh. Động và tĩnh đều căn cứ nơi tiếng (có tiếng hoặc không tiếng) mà trong tính nghe nguyên không có hai. Đã không có hai tướng, thì khi không có tiếng, chỉ nói rằng không nghe, chớ chẳng phải không tính nghe. Nên biết tính nghe vẫn thường còn, chẳng theo âm thanh mà có sinh có diệt. Nên nói “không tiếng đã không diệt thì có tiếng cũng không phải sinh”, nghĩa là hoàn toàn xa lìa thì tính nghe thường vắng lặng. Từ xưa nó vốn là như vậy, bỗng vượt hẳn ngoài cái nghĩa động tĩnh, có và không. Như thế mới là thường chân thật.

    Dẫu cho trong lúc đang ngủ mê,

    Chẳng vì không nghĩ mà không nghe.

    Tính nghe ra ngoài sự suy nghĩ,

    Thân, ý không thể so lường được.


    Xét về khi ngủ mê đã bặt hết suy nghĩ mà vẫn còn nghe tiếng chày giã gạo rõ ràng, càng thấy rõ tính nghe ra ngoài sự suy nghĩ, thì thân tâm há có thể bì kịp được sao? Giác tức là thể của tính nghe, Quán là dụng của tính nghe. Thân gồm cả ba căn: Nhãn căn, tỷ căn, thiệt căn, tâm là chỉ cho ý căn; cũng là ý chỉ năm căn, không sánh bằng.




  8. #168
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 4.- TRÁCH NGHE NHIỀU VÀ KHUYÊN TU

    Hiện nay, trong cõi Ta-bà này,

    Các thứ thanh luận được truyền bá,

    Do chúng sinh quên mất tính nghe,

    Theo thanh trần nên bị lưu chuyển.

    A-nan tuy có tính nhớ dai,

    Vẫn không khỏi mắc các tà niệm;

    Há không phải tùy chỗ đắm chìm,

    Xoay ngược dòng thoát khỏi hư vọng.

    Thanh luận vốn dùng để chỉ rõ tính nghe.


    Chúng sinh từ lâu đã mê mờ quên tính nghe mà chỉ chạy theo tiếng dạy, luống sinh phân biệt, tức khiến cho nghiên cứu tột chỗ huyền vi không có chỗ tiêu dung trở về, ngược lại bị lý làm chướng ngại, do đó bị lưu chuyển. Bởi để trách ông A-nan dầu có nhớ giỏi, chỉ càng thêm học rộng mà đối cảnh niệm tà vẫn còn bị chìm đắm. Xoay ngược dòng, tức là “quên sở”. Sở đã quên thì cái nghe cũng hết, tính giác rõ ràng chỉ trong khoảng trở tay.

    A Nan, ông hãy chín chắn nghe,

    Nay tôi nương oai lực của Phật,

    Tuyên nói pháp Tam-muội Chân Thật,

    Chắc như Kim Cương Vương như huyễn,

    Không nghĩ bàn xuất sinh chư Phật.

    Ông nghe tất cả pháp bí mật,

    Của chư Phật số như vi trần,

    Nếu trước hết không trừ dục lậu,

    Chứa nghe nhiều chỉ thành lầm lỗi,

    Dùng cái nghe thụ trì Phật pháp,

    Sao ông không tự nghe cái nghe.


    Đức Thế Tôn lập lại kệ (ở đoạn trước) rằng: “Thế nên gọi là Diệu Liên Hoa, là Kim Cang Vương Bảo Giác, là Tam-ma-đề như huyễn, khảy móng tay vượt lên hàng Vô học”. Mới biết Chính định cứng chắc như Kim cang, như huyễn xuất sinh ra chư Phật tức là tính nghe này vậy. Ông A-nan đã trải qua nhiều kiếp nghe nhiều pháp bí mật của tất cả Như Lai, đều nhớ hết mà riêng không thể trừ dục lậu. Đây để thấy cái lầm chứa chất chỗ nghe nhiều, xưa nay đều như vậy. Đâu biết rằng âm thanh và giáo pháp nói ra là để phát minh việc gì? Nếu hay phản quán lại tính nghe, mới biết pháp bí mật chỉ tại trước mắt. Tột cái nghe không dừng trụ, tính giác vắng lặng hoàn toàn viên mãn, là tự tính Tam-muội, cũng như Kim cang. Tất cả pháp Sum-la như huyễn không thể nghĩ bàn. Chư Phật Như Lai đều từ đó mà xuất sinh, nên nói là mẹ của chư Phật.

    Tính nghe không phải tự nhiên sinh,

    Nhân thanh trần mà có danh hiệu.

    Xoay cái nghe thoát ly thinh trần;

    Cái hay thoát ấy gọi là gì?

    Một căn đã trở về bản tính,

    Thì cả sáu căn thành giải thoát.


    Đây là chỉ thẳng tính nghe, tức tính giác chân thật. Vì ở trong vị trí mê, nên theo trần mà dong ruổi gọi đó là nghe. Nếu ở trong cái nghe mà nhập lưu (vào dòng chân tính) vong sở (quên tiếng) thì tiếng và nghe đều dứt; tiếng dứt thì động tịnh không sinh, nghe hết thì không và giác tự sáng, vậy còn có cái gì mà gọi là tính nghe? Một căn đã như vậy, sáu căn cũng thế. Được giải thoát tức là tột cái nghe không dừng trụ. Đây há không phải là tính giác rỗng lặng tột cùng viên mãn hay sao?

    Thấy nghe như bệnh lòa huyễn hóa,

    Ba cõi tợ hoa đốm trong không.

    Xoay cái nghe gốc lòa tiêu dứt,

    Trần tướng tiêu tính giác viên tịch.


    Hoa đốm hiện trong hư không do con mắt bệnh nhặm mà có, là dụ cho ba cõi, nhân nơi thấy nghe mà hiện ra. Hư không vốn không có hoa đốm, con mắt nguyên không có bệnh nhặm. Nói con mắt nhặm, là từ tính giác minh một phen bị vọng động mà vọng có sáu căn. Cái hiểu biết cứ rong ruổi, không thể tự xoay trở lại, bèn khiến cho thể viên tịch bị lưu chuyển nơi cửa sáu căn mà không có người hay biết, thoạt vậy lầm qua. Nếu hiểu từ trong tính nghe, nhập lưu vong sở thì trần tiêu, tính giác được an tịnh. Há đợi tiêu dừng.

    Tột thanh tịnh trí quang thông suốt,

    Thể tịch chiếu cùng khắp hư không.

    Trở lại xem các việc thế gian,

    Thật giống như chiêm bao không khác.

    Bà Ma-đăng-già trong mộng kia,

    Còn ai đâu bắt ông được nữa?


    Đây là nương nơi trần tướng tiêu hết mà tính giác được yên lặng. Tột thanh tịnh nghĩa là dứt hết cái bị nghe (vong sở) và “cùng tột tính nghe”, nên thể giác được sáng suốt viên dung. Bên trong lóng đứng tịch chiếu, bên ngoài trùm khắp cả hư không. Kinh Lăng Già gọi là vì tính rỗng không nên bặt không chỗ có vậy. Do lấy tâm rỗng rang sáng suốt tịch chiếu này mà xem các thế gian, đâu không phải việc trong mộng! Nên biết, ba cõi mộng huyễn ở trong thể tính yên lặng như sóng nắng, hoa trong không, không rơi vào có và không, thân tâm siêu vượt. Như bóng nhạn bay qua hư không, hình ảnh và dấu vết không còn lưu lại. Kinh Viên Giác nói: “Như tiếng boong trong cái chuông, tiếng vang ra bên ngoài”. Hình ảnh từ tâm lưu chuyển, tâm đã siêu vượt, thì hình ảnh đâu còn lưu lại. Nếu ngộ được việc bà Ma-đăng-già như mộng, há có thể lưu giữ chỗ A-nan đã tỉnh thức của ông sao?

    Như các huyễn sư khéo trong đời,

    Làm trò hóa ra các trai gái;

    Tuy thấy các căn đều cử động,

    Cốt yếu do cái máy giựt dây,

    Máy dừng tất cả đều yên lặng,

    Các trò huyễn trở thành không tính.


    Ngài Trường Thủy lấy huyễn sư dụ cho chân tính, lại lấy huyễn sư dụ cho vô minh. Riêng tôi cho rằng, nếu thiên một bên đều sai, mà phải hợp cả hai dụ vậy. Bởi do vô minh tức là chân như, bất giác mà thành huyễn hóa, nên có sáu căn nam nữ, kỳ thật đều do vọng thấy. Như một cái máy giựt dây làm cho có tướng động. Nếu vọng kiến hết, cái máy ngừng thì sáu dụng đều xoay trở lại vốn không tự tính vậy.

    Cả sáu căn cũng giống như thế,

    Vốn đều nương một Tính Tinh Minh,

    Chia ra thành sáu thứ hòa hợp;

    Một nơi đã rời bỏ quay về,

    Thì cả sáu đều không thành lập;

    Liền ngay đó trần cấu đều tiêu;

    Chuyển thành tính viên minh tịch diệu.


    Trên là năng dụ, ở đây chỉ ra pháp sở dụ và chỉ rõ nghĩa một căn nếu xoay trở lại về nguồn, thì cả sáu căn đều thanh tịnh. Trần cấu liền đó tiêu trừ, do nhận được chỗ mê ngộ chóng hợp lại mà xoay vần. Nghĩa là mê thì toàn chân tức là vọng, ngộ thì toàn vọng tức là chân; vốn tự sáng suốt nhiệm mầu thường tại nơi sáu căn, giác ngộ tức là y nhiên vậy.

    Còn trần cấu tức còn học vị,

    Sáng suốt cùng tột tức Như Lai.


    Trên đã nói trần cấu liền đó tiêu trừ thành tựu được tính viên minh tịch diệu. Nghĩa là trần cấu vốn không tự tính, tính viên minh tịch diệu vốn tự viên thành. Xưa vốn không mê, nay cũng không ngộ, sơ tâm chóng thấu triệt, lại không có nghĩa thừa. Hàng Thập trụ sơ tâm tức đồng với Phật không khác. Ở đây nói “trần cấu nếu còn sót thì còn ở vị hữu học” (chưa được vô học). Chính chỉ cho tập khí hai thứ chấp (ngã pháp) đến hàng Thập địa về sau mới dứt sạch, nghĩa là viên dung (đốn) không ngại hành bố (tiệm) vậy. “Sáng suốt cùng tột, tức Như Lai”, không nói hạnh tột là phải biết trí sai biệt cùng tột. Chỉ là viên mãn căn bản trí, đều không phải việc khác vậy.

    Hỡi Đại chúng và ông A Nan,

    Hãy xoay lại cái nghe điên đảo,

    Xoay cái nghe về nghe tự tính,

    Nhận tự tính thành đạo Vô thượng;

    Thật tính Viên Thông là như thế.


    Đây là khuyên xoay cái nghe trở về tự tính, nhân đó mới chỉ xác thật tính nghe, tức là chân như diệu giác của Như Lai lại không riêng có. Đây tức là chân thật Viên Thông vậy. Nghe điên đảo nghĩa là tính nghe vốn nhiệm mầu, do mê vọng theo trần cảnh nên gọi là điên đảo, để chỉ rõ xoay cái nghe trở lại, thì tính nghe tự nhiệm mầu cùng với Phật không khác.




  9. #169
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 5.- HỘI CÁC PHÁP MÔN TRONG BA ĐỜI, LẶP LẠI ĐỂ CHỌN LỰA PHƯƠNG TIỆN

    Đây chính là một đường thẳng tiến;

    Vào Niết-bàn của vi trần Phật.

    Các đức Như Lai thuở quá khứ,

    Đã thành tựu đều từ môn này;

    Các vị Bồ-tát trong hiện tại,

    Nay mỗi vị đều vào viên minh,

    Cùng những người tu học đời sau,

    Đều phải nương theo pháp môn đó,

    Tôi cũng do pháp ấy mà chứng,

    Không riêng gì ngài Quán Thế Âm.


    Đây là tán thán phương pháp xoay lại tính nghe là một con đường thẳng tiến đến Niết-bàn. Nêu ra chư Phật quá khứ, chư Bồ-tát hiện tại dùng để làm phép tắc cho tương lai soi theo, hầu dẫn dắt họ trở về với chính mình và đều thấy một đường duy nhất thẳng tiến đến Niết-bàn, quyết không có lối tẻ vậy.

    Thật như lời đức Phật Thế Tôn,

    Đã hỏi con về các phương tiện,

    Để cứu giúp trong đời mạt pháp,

    Những người cầu ra khỏi thế gian,

    Thành tựu được tâm tính Niết-bàn,

    Ngài Quán Âm chính là hơn cả.

    Ngoài ra còn các phương tiện khác,

    Đều là nhờ uy thần của Phật,

    Từ sự tướng rời bỏ trần lao.

    Không phải phép tu học thường xuyên,

    Cạn hay sâu cũng đồng nghe được.


    Bốn câu đầu, nguyên là ý vâng lời Phật dạy. Hai câu kế là tóm kết về chọn lựa căn Viên Thông mà Nhĩ căn là bậc nhất. Ba câu tiếp là nói rõ hai muơi bốn vị Thánh đều tùy theo các trần lao thứ nào nặng, nhân nơi sự mà xa lìa. “Sự” nghĩa là thất đại, thập bát giới đều là nhờ uy thần của Phật. Luận Khởi Tín nói: “Các người tu hành nếu không có chư Phật Bồ-tát hiển hiện che chở thầm gia bị, thì quyết định không thể thành tựu”. Hai câu kế tiếp là ngược lại chỉ rõ Nhĩ căn mới gồm nhiếp cả ba căn cơ, cạn hay sâu đều chứng được. Đây mới có thể thường xuyên tu tập, đồng nhất nghe được cả vậy.




  10. #170
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 6. LỄ NHƯ LAI TẠNG CẦU GIA BỊ

    Xin đảnh lễ tính Như lai tạng,

    Vô lậu không còn sự nghĩ bàn,

    Nguyện gia bị cho đời vị lai,

    Nơi pháp môn này không lầm lẫn.

    Đây là phương tiện dễ thành tựu,

    Nên đem dạy cho ông A Nan,

    Và những kẻ trầm luân mạt kiếp;

    Chỉ dùng nhĩ căn mà tu tập,

    Thì viên thông chóng hơn pháp khác,

    Tâm tính chân thật là như thế.


    Mười phương ba đời tất cả chư Phật Bồ-tát và ba cõi, hai mươi lăm loài đều do tạng tâm Như Lai hiện ra. Tâm ấy bao trùm cả chân vọng, bởi thường viên mãn tùy theo mê ngộ mà không dựng lập. Đây là cảnh giới bất tư nghì mà Bồ-tát Văn Thù rất mực phát minh rõ ràng. Vì nghĩ đến đời vị lai, nên cầu Phật gia bị chớ vượt qua căn này để dễ được thành tựu. Người tâm chân thật thì Ngài Văn Thù tự nói đích xác là do bản tâm thật biết, thật thấy, chứ không phải đồng với chỗ tùy cơ.

    Mê vốn không nhân, ngộ cũng không phải ngày nay mới có. Kinh Viên Giác nói: “Tất cả chúng sinh đã thành Phật đạo”. Đây là các đức Như Lai trong ba đời, từ Thập tín mãn tâm, cho đến Đẳng giác và Diệu giác về sau mới chứng biết chính mình đã thành Phật đạo, chứ không phải lấy lý mà suy diễn. Song thế nào gọi là chúng sinh? Bởi do không tự tin mình (có Phật tính). Thế nào chẳng tự tin mình? – Vì đã thành Phật vậy.

    Xét về, Phật không phải tự là Phật, mới là Phật chân thật; chúng sinh chẳng phải tự là chúng sinh, mới là chúng sinh. Đức Phật sở dĩ chứng đến cùng tột quả Diệu giác, rồi sau mới biết chẳng phải tự là Phật. Chúng sinh sở dĩ lưu chuyển tột trong tam đồ, rồi sau mới biết chẳng phải tự là chúng sinh. Biết mình chẳng phải tự là Phật mới có thể tin sâu nơi chúng sinh, biết mình chẳng phải tự là chúng sinh mới hay tin sâu nơi Phật. Nên chúng sinh do tin Phật làm sơ cơ, Phật do tin chúng sinh làm cứu cánh. Xét về, do tin chúng sinh làm cứu cánh, hẳn là chẳng chịu khiến cho kẻ sơ tâm chẳng hay tự tin, mà chú trọng ở nơi đường tu chứng, do tự mê lầm và mê lầm cho người khác rất tỏ rõ vậy.

    Người hiểu mà không tự tin, nên ban đầu dẫn dắt khiến họ trở về, kế nói đường đi, rốt sau mới nói việc đến nhà, mà chẳng biết cái lỗi không đi mà muốn được mau, chẳng được mau muốn mau đến. Khi tự biết trở về, thì cái biết ấy đã lâu rồi, nhưng phải đợi đến nhà mới tin sâu. Thế thời, Phật và Bồ-tát đối với việc này lại phải làm gì ư?

    Ngài Văn Thù lựa căn nói: “Thí như người ở chỗ vắng, muời phương đều đánh trống, đồng thời nghe khắp cả mười chỗ”. Đây là viên chân thật. Ở đây nói, chỗ ngộ tính nghe của hàng sơ tâm, mà đối với chúng sinh hiện tiền tính nghe vẫn đầy đủ viên mãn, chẳng phải riêng có đường sá vậy.

    Lại nói: “Cách vách nghe tiếng vang, xa gần đều được nghe, năm căn không bằng, ấy là thông chân thật”. Xét kỹ ai chẳng nghe tiếng, và ai hạn cuộc xa gần, cũng có thể do nhật dụng hằng ngày mà chứng biết.

    Lại nói: “Không tiếng gọi là không nghe, không phải thật không có tính nghe. Không tiếng tính nghe không diệt, có tiếng tính nghe không sinh, sinh diệt cả hai đều lìa, ấy gọi là thường chân thật”. Ở đây há có đợi tu tập rồi sau mới được thường trụ như thế ư? Đến như ở trong chiêm bao nghe tiếng chày giã gạo, vượt ra ngoài cả cái suy nghĩ. Tự nghe lại tính nghe thì nghiễm nhiên ở trong Tam-muội, liền đó trần cấu tiêu tan, tính sáng suốt nhiệm mầu thành tựu viên mãn. Đây đều là chỗ chỉ bày cửa tu chứng bậc Đại Trí, mà đối với nhĩ căn ngược lại bày hiện thẳng tắt, nhiên hậu mới biết chúng sinh đã thành Phật đạo. Ban đầu đối với hàng sơ tâm rõ biết duyên cớ, mà hẳn phải đợi đến cứu cánh mới được thân chứng. Như chưa rốt ráo mà chóng bỏ lộ trình, nếu chẳng phải bậc ấy thì chỉ thành lầm lỗi. Hoặc lại chỉ ra hành bố (tiệm) rốt cuộc chướng ngại viên dung (đốn). Vả lại, đức Như Lai ra đời vì một nhân duyên lớn: “Tóm tắt mà nói, chỉ là “Tri kiến Phật”. Nếu có một pháp vượt hơn Niết-bàn, tôi quyết nói là ma nói”.

    Xem rõ các nhà sớ giải hoàn toàn hiểu chỗ bàn thẳng tắt, nhưng một phen đề cập đến việc tu trì liền bị câu chấp nơi ngôi vị đặt ra, tức là vượt ra ngoài Tông ta (Thiền tông), cũng chưa có thể qua khỏi được, há lại có sự cảm kích khiến người kính phục sao?






Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Thầy THÍCH THANH TỪ, Thầy cũ của Thích Chân Quang lên tiếng
    Gửi bởi lamebay trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-17-2019, 01:25 PM
  2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm _ Thiền sư Thích Từ Thông giảng!
    Gửi bởi vietlong trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 3
    Bài cuối: 09-09-2016, 03:44 PM
  3. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông
    Gửi bởi Thiện Tâm trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 587
    Bài cuối: 03-05-2016, 05:36 PM
  4. Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Đại sư Pháp Vân giảng)
    Gửi bởi vietlong trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 151
    Bài cuối: 09-08-2015, 11:04 AM
  5. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông
    Gửi bởi Thiện Tâm trong mục Kinh
    Trả lời: 13
    Bài cuối: 06-30-2015, 06:40 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •