Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ QUYỂN 5 PHẦN 1
__________________________________________________ ______________________________________
ĐOẠN V: PHẬT NÓI KỆ KHEN CHÂN VỌNG KHÔNG THẬT TÍNH, THEO TÍNH VIÊN THÔNG ĐỂ TRỞ VỀ BẢN GIÁC
Khi ấy, đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa trên nên nói kệ rằng:
Kệ là một bộ trong 12 bộ Kinh. Tiếng Phạn là “Già-đà” tức là Phúng tụng. Hoặc lấy ít để gồm nhiếp cho nhiều, hoặc để tăng thêm cho rõ những điều nói ở trước đều không có thật thể.
Nơi chân tính không pháp hữu vi,
Do duyên sinh nên giống như huyễn.
Pháp vô vi không sinh, không diệt,
Không thật như hoa đốm hư không.
Quan hệ pháp hữu vi đối với chân tính, thấy tất cả pháp hữu vi, vốn do chân tính mà hiện ra, không có tự tính nên nói là không. Cái không của pháp hữu vi này, chẳng phải như lông rùa, sừng thỏ, mà tùy theo duyên khởi ra đồng như huyễn hóa để dẹp cái lỗi các pháp hiện có trước mắt. Vô vi là đối với hữu vi mà nói, hữu vi nguyên vốn là chân tính, tức đó là vô vi, nên không có sinh diệt. Nghĩa là sinh diệt cũng giống như hoa đốm giữa hư không, tức có mà không, đương sinh mà chẳng sinh, nên hay phát minh căn tính đương thể là Niết-bàn, pháp ấy vốn như vậy.
Nói vọng để tỏ bày cái chân,
Vọng và chân cả hai đều vọng.
Còn không phải chân hay phi chân,
Làm sao có năng kiến sở kiến.
Thức ở giữa không có thật tính,
Vậy nên như hình cây lau gác.
Xét ra do hữu vi mà nói vô vi, nên nói: “Nói vọng để tỏ bày cái chân”. Hữu vi đã không thật, thì vô vi cũng gượng đặt tên, nên nói: “Vọng và chân cả hai đều là vọng”. Chân và phi chân còn không có tên, đâu lại có căn năng kiến và trần sở kiến, nên nói: “Thức ở giữa không có thật tính ”, vậy nên nhưhình cây lau gác nhau.
Cột và mở đồng một sở nhân,
Thánh và phàm vốn không hai lối.
Hãy xem tính cây lau gác nhau,
Đâu phải là không hay là có,
Mê mờ nghĩa đó tức vô minh,
Tỏ sáng ra liền thành giải thoát.
Cột, nhân sáu căn mà cột, mở cũng nhân sáu căn mà mở, nên nói “đồng một sở nhân”. “Thánh, phàm không hai lối”, là Thánh tức giải thoát, phàm phu tức triền phược. Song triền phược hay giải thoát không hai, thì Thánh hay phàm cũng không hai. Nên biết căn cảnh trước mắt không rơi vào có và không, duy phân ra có mê và ngộ. Đây chính là quy trách nhiệm về thức tính, nên nói mê muội nghĩa đó tức là vô minh. Song Thật tính của vô minh tức là Phật tính, nếu ở trong mê bỗng nhiên tự nhận, tức vốn là giải thoát, chẳng phải có hai thể vậy.
Mở gút tuy phải theo thứ lớp,
Sáu đã mở một cũng không còn.
Nơi các căn chọn tính viên thông,
Nhập lưu được thì thành Chính Giác.
Đây là nói cột và mở tuy có thứ lớp, song sáu gút đã mở thì tên một cũng không còn. Đại thừa phá thẳng vô minh, hai thứ chấp ngã và pháp liền dứt hết phân biệt. Nếu ngộ được căn viên thông, chính khi vừa nhập lưu (vào dòng Thánh) liền thành Chính Giác (Phật). Kinh Hoa Nghiêm cho là hàng sơ phát tâm đồng với Phật, cũng đồng một ý chỉ này. Nên tuy ngầm chỉ lựa căn ở văn sau, tức là ngụ ý viên đốn vậy.
Thức A-đà-na rất nhỏ nhiệm,
Tập khí lưu hành như dòng thác.
E lầm là chân hay phi chân,
Nên tôi thường không diễn giảng đến.
“Đà-na”, Trung Hoa dịch là Chấp trì (nắm giữ) là tên khác của thức thứ tám. Đây nguyên là tính của các căn gá vào thể của thức thứ tám. Nó vốn tự sâu kín, chỉ nhân vọng động mà thành tập khí mới có hai phần là kiến phần và tướng phần, như dòng thác; chảy mà không biết trở lại thành ra vọng động, nên nó không phải chân. Nguyên là tạng tính thì lẽ ra không phải vọng, nhưng bởi mê cái không phải vọng thì cùng với cái vọng gồm thâu; mê cái chẳng phải chân thì gồm cả chân đều bỏ, vì thế không nên diễn giảng đến vậy.
Tự tâm trở lại chấp tự tâm,
Không phải huyễn thành ra pháp huyễn.
Không chấp trước không gì phi huyễn,
Cái phi huyễn vẫn còn không sinh,
Thì pháp huyễn làm sao thành lập.
Căn trần thuộc về tướng phần; thức tính thuộc về kiến phần. Do căn hiện trần mà sinh phân biệt, nên nói: “Tự tâm trở lại chấp lấy tự tâm”. Đồng là thể Như lai tạng vô phân biệt mà vọng phân ra căn trần, nên gọi là: “Không phải huyễn thành ra pháp huyễn”. Nếu đối hiện với căn trần mà không phân biệt, thì Như lai tạng tính còn chẳng tự biết; tuy ở tại căn trần cũng không sở đắc. Bậc trí đối với việc ấy sẽ nói thế nào?
Ấy gọi như huyễn Tam-ma-đề,
Bảo giác chắc như Kim Cang Vương,
Không nhiễm tịnh tợ diệu Liên Hoa;
Khảy ngón tay, vượt hàng vô học.
Pháp ấy không gì so sánh được,
Là con đường thẳng đến Niết-bàn,
Của mười phương các đức Thế Tôn.
“Tam-ma-đề”, Trung Hoa dịch là Chính thọ, cũng dịch là Tam-muội, tức là như huyễn tam-muội. “A-tỳ-đạt-ma”, Trung Hoa dịch là Vô tỷ pháp, cũng tức chỉ cho tam-muội này. “Bạt Già Phạm” có đủ sáu nghĩa: 1/ Tự tại, 2/ Xí thạnh, 3/ Đoan nghiêm, 4/ Danh xưng, 5/ Kiết tường, 6/ Tôn quý. Đây là nương hai câu, “cả cái phi huyễn còn không sinh, pháp huyễn làm sao thành lập” ở trên thì chân tâm tuyệt đối đãi, dụ như hoa sen, sinh dưới bùn mà không dính mùi bùn; cũng như kiếm báu chắc tợ Kim Cang Vương, vừa nghĩ chém liền thành tan nát. Đây là chỉ cho căn bản đại trí hay chiếu phá vô minh; ấy gọi là huyễn tam-muội. Tam-muội như huyễn này tức tướng, lìa tướng, tức niệm, lìa niệm, là Đại thừa chân tu không rơi vào thứ lớp, chóng siêu vượt định tính của Nhị thừa. Vì đồng là một con đường của mười phương các đức Như Lai, nên rốt ráo đến Phật quả lại không có hai nẻo vậy.
Nghiền ngẫm lời trong bài kệ cho chúng ta thấy: “Căn tính vốn không thật tính, người thì riêng có phàm Thánh nhưng căn tính không có hai, chỉ vì đối với mê muội nên chỉ ra là vô minh dùng để hiển bày phát minh bèn thành giải thoát; mà thật ra vô minh hay giải thoát, nguyên ở trong các căn rõ ràng không chỗ được. Thế nên đều không thể nói là chân hay phi chân. Đây là nghĩa rốt ráo người trí đối việc này phải tự ghé mắt, nếu vì phòng ngừa cái lỗi chấp có chấp không cho người thì đã là lầm qua. Vì chấp trước nên gọi là mê, không chấp trước tức là ngộ; một phen rõ biết được cái sở tri (chỗ hiểu biết) thì ngay đó liền thành siêu vượt. Chỗ này là được nhập lưu bèn thành Chính Giác (Phật). Như huyễn tam-muội là phương tiện chân thật. Kinh Lăng Già gọi là “như huyễn”. Vốn không lỗi chẳng phải người quá lượng thì ai có thể biết được điều này?