GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ nhất
__________________________________________________ ______________________________________

Bạn phải thụ giáo những bài giảng truyền thừa về những Kinh văn căn bản này cùng với những luận giải. Chỉ thụ giáo một bài giảng mà thôi thì không đủ. Lại nữa, có đến hai bài giảng về tác phẩm Những Lời Dạy Của Đức Văn Thù, một bài chi tiết hơn bài kia. Một trong hai bản văn này được truyền ở tỉnh Trung ương, bản kia truyền ở miền Nam: do vậy có sự phân thành hai phái. Bạn cũng phải thụ giáo riêng rẽ cả hai hệ phái này. Vị quan tể tướng Tagpugpa và các đồ đệ ngài về sau đã đánh giá cao hệ truyền thừa bản văn này. Ngài tuyên bố rằng nếu ngài gặp bản này sớm hơn, thì ngài không phải trải qua nhiều vấn đề nan giải liên hệ những đề mục tu thiền trong Lam-rim. Điều này đúng như ngài nói: giáo lý cô đọng của Con Đường Nhanh, và hai dòng trong tác phẩm Những Lời Dạy Của Đức Văn Thù phối hợp lại, làm thành một cái gì sâu sắc vô cùng.

Khi Đức Phật đấng Đạo sư chúng ta giảng dạy, thì không có chuyện phân thành hai hệ phái giảng Kinh. Chỉ có về sau, khi giáo lý Ngài không còn hoàn toàn dễ hiểu, thì mới có chuyện giảng Kinh tách biệt với thuyết pháp. Những bài giảng nào bàn chi tiết về những từ ngữ trong Kinh được gọi là “giảng có bài bản.” Ngược lại sự “giảng gọn” ám chỉ những lời giảng dạy không căn cứ nhiều trên danh từ của Kinh văn, mà lại trình bày cốt tủy của giáo lý, thiện xảo như những y sĩ giải phẫu một tử thi trước mặt học trò. Cái cách họ chỉ rõ lục phủ ngũ tạng vân vân, đem lại cho người học một sự dẫn nhập sống động. Trong bài giảng theo kiểu “nói chuyện thân mật”, vị thầy nói kinh nghiệm của riêng mình, cách dạy này cốt gây một ảnh hưởng lớn nhất trên dòng tâm thức của những môn sinh. Còn lối “giảng thực tiễn” là như sau. Môn sinh ở chung trong một nhà nhập thất. Họ được dạy một đề mục để thiền quán. Họ không dạy thêm một đề mục nào nếu chưa đạt một tuệ giác về đề mục trước. Lối giảng dạy này truyền xuống đến chúng ta qua những hệ phái thiền về tuệ quán. Đấy là những phương pháp tốt nhất để hàng phục dòng tâm thức.

Giáo lý mà tôi sắp giảng dạy thuộc về loại “nói chuyện thân mật.” Một vài vị hiện diện trong đây cũng khá không may vì chỉ có thời gian theo học giáo lý này một vài lần. Họ cũng ham thích giáo lý này thực, nhưng sau đó họ phải đi con đường của họ. Vì những người này mà tôi sẽ phối hợp Con Đường Nhanh và hai hệ phái giảng về tác phẩm Những Lời Dạy Của Đức Văn Thù. Về sau, khi chúng ta đến phần ấy, tôi sẽ đưa ra Bảy điểm tu tâm để đổi địa vị mình với người.

Tôi không có sự dè dặt nào trong khi giảng giáo lý này. Nó sẽ tạo công đức cho hai nhà quý tộc quá cố mà khóa giảng này được làm lễ tưởng niệm. Và khi tôi giảng dạy Lam-rim, tôi không phải cân nhắc lợi hại đối với bậc thầy hay môn đệ, nhưng tôi phải cân nhắc khi dạy những giáo lý khác, chẳng hạn các pháp quán đảnh. Sự giảng dạy về Lam-rim chỉ có thể đem lại lợi lạc mà thôi.

Tất cả các bạn, hãy tu kiểu nào bạn có thể tu, và nhớ cầu nguyện cho hai nhà quý tộc quá cố.

(Kyabje Pabongka Rinpoche khẩu truyền những dòng mở đầu của những văn bản Lam-rim này. Sau đó chúng tôi được giải tán.)