GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ hai
__________________________________________________ ______________________________________
C. NHỮNG VIỆC NGÀI ĐÃ LÀM SAU KHI CÓ ĐƯỢC NHỮNG SỞ ĐẮC.
Có hai phần: (1) Ngài làm gì ở Ấn; (2) Ngài làm gì ở Tây Tạng.
1) TẠI ẤN ĐỘ
Khi Atìsha trở về Ma kiệt đà (Magadha), ngài sống tại Bồ đề tràng, và đã ba lần ngài đánh bại tranh luận những người theo các tà giáo, đưa họ về Chánh pháp. Ngài còn làm sáng nền giáo lý bằng những cách khác nữa. Vua Mahàbala (Đại lực) đề cử ngài đến cai quản thư viện của tu viện Vikramashìla. Mặc dù Atìsha chính yếu là theo truyền thống đại chúng bộ (Mahasamghika), ngài còn tinh thông những truyền thống của tất cả bộ phái khác; và chỉ vì ngài không có đầu óc bè phái nên đã trở thành viên bảo châu tột đỉnh của tất cả hội chúng ở Ma kiệt đà cũng như khắp xứ Ấn. Ngài được toàn thể công nhận là bậc Thầy của toàn bộ giáo lý của ba tạng Kinh và bốn loại Mật giáo. Còn về sự giảng dạy thì người ta có cảm nghĩ gần như là chính Đức Phật đã tái thế.
2) TẠI TÂY TẠNG
Những giáo lý phổ cập đầu tiên đến Tây Tạng vào lúc bấy giờ đã mai một. Sự truyền bá giáo lý hậu kỳ đã được thịnh hành. Nhưng một số người tập trung vào tạng Luật và bỏ qua Mật giáo; một số khác thì ngược lại. Kinh giáo và Mật giáo trở thành đối chọi nhau như nước với lửa. Nhiều bậc học giả nổi danh từ Ấn đến Tây Tạng, bị viễn ảnh vàng ở đấy dụ dỗ. Họ lừa bịp người bản xứ với nhiều Mật điển xấu ác và đầy dục tính. Tình trạng đã hóa thành hết sức khó khăn để gieo rắc nền giáo lý thuần tịnh của đấng Chiến thắng. Quốc vương Tây Tạng bấy giờ là Lhalama Yeshe Oe rất đau lòng trước tình trạng ấy. Vì muốn hoàng truyền nền giáo lý thuần tịnh, ông đã gửi hai mươi mốt sinh viên thông minh của Tây Tạng sang Ấn hầu mong khi họ trở về sẽ thành những bậc hiền trí có thể ích lợi hơn cho dân Tây Tạng. Tất cả họ đều chết chỉ còn lại hai vị Rinchen Zangpo và Legdaen Sherab; cả hai đều trở nên tinh thông giáo lý nhưng vẫn chưa có thể rước Atìsha theo họ về Tây Tạng. Khi về nước, họ yết kiến vua để bàn cách làm thế nào để hòa hợp Kinh giáo và Mật giáo với cách hành trì và tin tưởng của mọi học giả Ấn. Họ nói: “Những học giả kia không ích lợi gì cho Tây Tạng. Ở Vikramashìla, có một vị Tăng dòng dõi vua chúa đã đạt giải thoát. Ngài có danh hiệu là Dipankara Shrijnàna. Nếu bệ hạ mời được vị ấy thì chắc chắn sẽ lợi lạc cho Tây Tạng. “Họ cũng nói rằng tất cả những học giả khác đều đồng ý về điểm này.”
Lời nói của họ làm cho vua an tâm, nhưng quan trọng hơn nữa là, vua đã phát sinh một lòng tin mãnh liệt không lay chuyển ngay khi vừa nghe đến danh hiệu của ngài. Vua phái Gyatsoen Senge cùng với tám vị khác đi rước Atìsha về. Họ đem nhiều vàng, nhưng họ đã thất bại. Chính vị vua cầu Pháp cũng đi tìm thêm vàng để có thể rước bậc hiền trí ấy về xứ mình.
Trưởng bộ lạc Garlog biết vị vua đang tìm cách để truyền bá Phật pháp nên bắt cóc nhà vua cầm tù và hăm dọa sẽ giết nếu không bỏ ý định, Jangchub Oe cháu gọi vua bằng chú, đến tìm cách giải thoát cho ngài, nhưng viên tù trưởng nói: “Một là người bỏ ý định rước học giả ấy về nước, và ngươi phải làm nô lệ cho ta, hai là đem một số vàng bằng sức nặng của vua, thì ta mới thả vua về.” Jangchub Oe hứa giao vàng. Ông đưa ra hai trăm lượng vàng mang theo, nhưng người tù trưởng nhất định không chịu. Cuối cùng ông đem tất cả số vàng nặng bằng sức nặng của con người vua trừ cái đầu. Tù trưởng cũng không bằng lòng, bảo: “Tôi cần cả đầu, tất cả.”
Jangchub không có cách nào kiếm thêm vàng, nên đến cửa ngục khóc và thưa với nhà vua: “Chú ơi, chú đã sống rất nhân từ, nhưng chú phải là nạn nhân của nghiệp của quá khứ. Nếu cháu cử binh để đánh bại tên tù trưởng này thì sẽ có rất nhiều người chết và cháu sợ chúng sẽ đọa vào cõi thấp xấu. Tên tù trưởng này bảo cháu không được đi mời vị học giả này về, và phải làm nô lệ cho y. Nhưng nếu chúng ta từ bỏ Pháp Phật thì tức đã đầu hàng tên tù trưởng tội lỗi này. Cháu nghĩ là tốt hơn chú hãy kiên trì với Chánh pháp. Y bảo cháu phải đem một trọng lượng vàng bằng cả người chú, nhưng cháu chỉ kiếm được số vàng nặng bằng thân thể chú ngoại trừ cái đầu. Y không chịu, nên bây giờ cháu lại ra đi tìm thêm vàng cho đủ số để chuộc chú về. Trong thời gian đó, xin chú hãy nghĩ đến nghiệp quá khứ của chú, cầu xin Ba ngôi báu, và nhất là chú nên dũng cảm mà tạo phước nghiệp.”
Đức vua cười lớn mà bảo: “Ta cứ tưởng là cháu đã sống một đời dễ chịu sung túc nên không chịu nỗi gian nan, không có chút can đảm nào. Bây giờ ta mới thấy cháu có thể chấn hưng truyền thống của tổ tiên sau khi ta chết. Cháu đã hành động rất tốt, ta rất hài lòng. Ta nghĩ thật sai lầm nếu ta chết mà chưa thiết lập được một nền Chánh pháp không lỗi lầm cho xứ Tây Tạng. Ta đã già, và nếu chưa chết bây giờ thì ta cũng chỉ sống thêm mười năm nữa là cùng. Nếu ta bỏ ra quá nhiều vàng như thế chỉ để sống thêm chừng ấy tuổi, thì thật làm cho Ba ngôi báu cũng thất điên bát đảo. Trong những đời quá khứ của ta trong vòng vô thỉ sinh tử, ta chưa có một lần nào được chết cho Chánh pháp. Vậy thì, cháu đừng đưa cho tên tù trưởng một vụn vàng nào cả, thật tốt biết bao nếu ta được chết cho Chánh pháp. Mà chúng ta có thể đào đâu ra được số vàng để chuộc cái đầu ta? Hãy đem hết vàng đi Ấn Độ, và làm mọi cách cháu có thể làm để thỉnh bậc hiền trí Atìsha về.