GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ hai
__________________________________________________ ______________________________________
PHẦN MỘT
NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI
NGÀY THỨ HAI
Lama Pabongka Rinpoche mở đầu:
Đức Tsongkapa vĩ đại (trong lời Dẫn nhập tác phẩm Ba Nòng Cốt Của Đạo Lộ) đã viết:
Tôi sẽ cố giải thích ý nghĩa
Tinh túy của tất cả Kinh điển
Của Đấng Chiến Thắng
Đạo lộ được tán dương
Bởi tất cả chư Phật và những pháp tử của ngài
Đó là cửa vào cho những người may mắn muốn đạt giải thoát.
Giáo lý này là tinh túy của tất cả Kinh điển Phật thuyết. Trong phần Phạm Vi Nhỏ bạn được thúc dục phải từ bỏ những cõi xấu ác, trong phần Phạm Vi Trung Bình, bạn được thúc dục phải từ bỏ toàn bộ vòng sinh tử luân hồi, vân vân. Nhưng bạn sẽ không làm nổi những việc ấy nếu không dựa vào Lam-rim. Tâm Bồ đề tôn quý là con đường mà tất cả chư Phật và các đấng Pháp vương tử (Bồ tát) đều ca ngợi. Cửa vào cho những người mong đạt giải thoát chính là chánh kiến về Tánh không, xa lìa hai cực đoan Thường kiến và Đoạn kiến. Bạn cũng không thành tựu được điều này nếu không dựa vào hệ thống giáo lý Lam-rim. Bởi thế để đạt thành Phật quả, bạn cần phải phát triển ba nòng cốt ấy của đạo lộ ở trong lòng tâm thức bạn.
Muốn phát sinh ba nòng cốt này trong tâm thức, bạn phải dựa vào Lam-rim. Bởi thế mà ngay từ đầu, bạn hãy khởi động lực như sau: “Tôi sẽ đạt Phật quả vì lợi lạc cho tất cả hữu tình - và lý do ấy tôi sẽ tham dự buổi nói chuyện thân mật này về Ba phạm vi khác nhau của Lam-rim.” Hãy tập trung tất cả những động lực và hành động của bạn theo chiều hướng những ý tưởng ấy, rồi hãy lắng nghe.
Và pháp mà các bạn sắp nghe là pháp gì? Đó là pháp Tối thượng thừa, giáo lý đưa người may mắn đến Phật quả. Đó là con đường truyền thống của hai vị tiên phong vĩ đại là Long Thụ và Vô Trước. Đó là tinh hoa tư tưởng của đức Atisha vô song và đức Tsongkapa, Pháp vương của ba cõi. Giáo lý này sâu xa là như vậy đó. Nó có mọi điểm then chốt được tìm thấy trong tinh hoa của tám vạn bốn ngàn Kinh điển, nó tổ chức những thực tập tuần tự đưa ta đến Giác ngộ.
Những “câu chuyện thân mật” về những giai đoạn của con đường đến Giác ngộ có thể nằm dưới một tiêu đề căn bản: “Giáo lý thực thụ.” Nhưng có những tiêu đề được đưa thêm vào để ấn định bản chất của Lam-rim, những bản kê khác nhau về nó, và thứ tự giảng dạy giáo lý này. Bạn phải quen thuộc với những tiêu đề này để biết chắc cái nào đi với đề mục thiền đặc biệt nào, chúng được giải thích như thế nào, những trích dẫn đưa ra trong những tiêu đề ấy, hệ giáo lý khẩu truyền về chúng, và những chỉ dẫn mà chúng hàm chứa. Nếu không, nghĩa là nếu bạn nghe một giáo lý khơi khơi không có tiêu đề nào cả, thì sẽ khó làm cho những thiền quán trở thành lợi lạc cho dòng tâm thức bạn. Nó sẽ giống như là bạn cố lấy riêng ra xài hoặc trà, hoặc bơ, muối, soda... sau khi chúng đã được bỏ chung một bình. Có nhiều loạt tiêu đề khác nhau - một số dùng cho những Lam-rim ngắn gọn, một số dành cho những bản dài hơn. Bạn nên theo những tiêu đề của giáo lý mà bạn đã hấp thụ.