DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 2/37 ĐầuĐầu 123412 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 370
  1. #11
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts

    Nhưng nói tóm lại, tôi đã được cứu vớt nhiều lần thoát khỏi vô số điều xấu ác đủ loại khác nhau, và được đưa tiến đến càng ngày càng gần vô lượng điều vi diệu. Chính bậc đạo sư thánh thiện quang vinh của tôi đã làm việc này. Lòng từ bi của ngài thật là vô bờ bến. Danh hiệu của ngài tôi xin trân trọng nhắc lại vì một mục đích tốt lành - là JetsunJampa Taenzin Trinlae Gyatso Paelzangpo. Mặc dù những người như tôi rất thiếu trưởng thành, thiếu văn hóa và thiếu tính sáng tạo, có một thời tại nơi ẩn cư Chuzang, tôi đã được thưởng thức những giáo lý khẩu truyền của ngài khai thị vào diệu pháp Tối thượng thừa. Đấy là một Thánh địa đã trở nên thiêng liêng nhờ sự hiện diện của nhiều thiền gia vĩ đại.

    Ngài đã khai giảng khóa học khẩu truyền này vào ngày ba mươi tháng bảy năm Con Chim Sắt, 1921 (tức năm Dậu, thuộc hành Kim, theo âm lịch), và kéo dài trong 24 ngày. Mọi người đã phải vất vả lắm mới đến được đấy. Họ đến từ ba tu viện chính ở Lhasa, từ miền Trung Tây Tạng, từ tỉnh Tsang, Amdo và Kham, để thưởng thức vị cam lồ của giáo lý khẩu truyền từ nơi ngài, như những người khát cháy cổ khát khao được nước uống. Có khoảng ba mươi vị lamas và tái sinh lamas, và nhiều vị tinh thông ba Tạng giáo điển, tất cả gồm trên bảy trăm người. Giáo lý ngài giảng dạy phối hơp nhiều truyền thống Lam-rim khác nhau - những chặng đường đến giác ngộ. Có hai truyền thống khẩu quyết liên hệ đến bản Kinh Ngôn thuyết của đức Văn Thù. Một trong những truyền thống này rất chi li, đã phát triển ở tỉnh miền Trung Tây Tạng; một truyền thống khác thịnh hành ở miền nam. Ngài còn giảng dạy một giáo lý cô đọng, Lam-rim Con Đường Nhanh; và trong phần Phạm Vi Rộng Lớn nói đến sự đổi địa vị mình với người, ngài dạy cách luyện tâm gồm bảy điểm.

    Mỗi phần của giáo lý được làm cho phong phú thêm bằng những lời chỉ dạy rút từ những giáo lý khẩu truyền bí mật. Mỗi phần đều được minh họa bằng những ẩn dụ, luận lý hình thức, những mẫu chuyện, và những trích dẫn đáng tin cậy. Sự giảng dạy này người sơ học cũng có thể hiểu được một cách dễ dàng, nhưng sự thực hành thì lại dành cho mọi tình độ trí thức và tâm linh. Giáo lý này thật bổ ích vì nó gợi nhiều cảm hứng tốt. Đôi khi chúng ta phải phì cười đâm ra tỉnh táo hẳn lên, và bừng sống dậy. Đôi lúc chúng ta phải rơi lụy, khóc ròng. Lại có những lúc ta đâm ra hãi sợ, và cảm thấy muốn hăng hái từ nỏ mọi sự để hoàn toàn dấn mình vào việc thực hành giáo lý. Cái cảm giác muốn từ bỏ này trào dâng mãnh liệt.

    Đấy những lời giảng dạy của ngài kỳ diệu như thế đấy, phát sinh những cảm xúc tương tự như trên. Làm sao tôi có thể ghi hết lại giấy được! Tuy nhiên thật đáng tiếc biết bao nếu những điểm then chốt trong những lời giảng dạy đầy cảm hứng này phải bị mai một. Ý nghĩ ấy khiến tôi mạnh dạn viết ra quyển sách này. Bậc tôn sư đã khuyên tôi: “Một số những người hiện diện không thể theo dõi hết những lời giảng. Tôi e rằng tôi không tin cậy nổi những lời ghi chú mà mọi người ghi trong lúc nghe. Bởi thế yêu cầu ông hãy ấn hành một quyển sách, để vào trong ấy bất cứ gì ông cảm thấy chắc chắn.”

    Trong tác phẩm này tôi đã ghi lại một cách chân xác những lời dạy của thầy tôi, với hi vọng làm lợi lạc cho những ai muốn tu tập thành công.

    Tu Viện Quảng Đức

    Om Mani Padme Hum !

  2. The Following User Says Thank You to hoangtri For This Useful Post:

    Thanh Trúc (09-21-2019)

  3. #12
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ nhất
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẦN MỘT

    NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI

    NGÀY THỨ NHẤT


    Kyabje Rinpoche, một bậc tướng quân Chánh pháp vô tỷ, đã nói ít lời chuẩn bị cho chúng ta có những động lực thích đáng khi đón nhận những lời giảng dạy tiếp theo. Ngài nói:

    Đức Tsongkapa bậc đại nhân, bậc Tướng quân chánh pháp của cả ba cõi, đã nói:

    Thân thể vật lý thuận lợi này,
    Có giá trị hơn cả viên ngọc như ý.
    Bạn chỉ được nó một lần mà thôi.
    Khó thay được thân người, dễ thay bị mất nó,
    Nó như một làn chớp giữa bầu trời.
    Hãy quán tưởng điều ấy, rồi bạn sẽ thấy:
    Mọi hoạt động thế gian chỉ như trấu bị thổi bay,
    Và bạn phải nỗ lực ngày đêm,
    để rút ra được một ít tinh hoa từ đời sống bạn.
    Tôi một ẩn sĩ du già đã tu tập như thế,
    Và bạn, người khát khao giải thoát, cũng nên làm như vậy.


    Từ thời gian vô thủy, chúng ta đã mang không biết bao nhiêu thân xác cho đến ngày nay, nhưng ta đã không rút tỉa được một tinh túy nào từ những thân xác ấy. Không có một kiểu khổ đau nào mà ta chưa từng nếm trải, cũng không có một kiểu hạnh phúc nào mà ta chưa từng thưởng thức. Nhưng dù ta đã có bao nhiêu xác thân đi nữa, ta cũng đã không rút tỉa được chút tinh hoa nào từ nơi chúng. Bây giờ ta đã có được may mắn mang thân người, thì ta nên làm cái gì để rút tỉa ít tinh hoa từ đó. Nếu không suy nghĩ chín chắn, thì ta không cho thân người quý báu này có tầm quan trọng chút nào, ta cũng không tiếc nuối gì khi lãng phí cơ may được sinh làm người. Có lẽ nếu bị mất tiền, chúng ta sẽ tiếc nuối nhiều hơn. Thế mà cái thân người ta đang đang có lại vô vàn quý báu hơn bất cứ viên ngọc như ý nào cả.

    Nếu bạn phải lau chùi một viên bảo châu như ý bằng cách mỗi ngày rửa ba lần, đánh bóng ba lần, rồi đặt trên đỉnh một cái tràng phan của sự chiến thắng, bạn sẽ có được dễ dàng tất cả những sự tốt đẹp của thế gian như đồ ăn mặc ở, vân vân. Bạn có thể được hàng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn viên ngọc như thế, nhưng chúng không thể đem lại cho bạn dù chỉ một điều nhỏ nhất trong những điều bạn có thể thành tựu được nhờ mang thân người trong đời này; bởi vì bạn không thể sử dụng những bảo châu ấy để che chở mình khỏi tái sanh vào các đọa xứ trong đời sau. Nhưng với thân người hiện tại của bạn, bạn có thể tự đề phòng cho khỏi sa đọa vào các cõi xấu ác. Hơn nữa, nếu bạn muốn tái sinh làm Phạm Vương, Đế Thích, vân vân, bạn cũng có thể làm được điều ấy nhờ thân người hiện tại. Nếu bạn muốn đi đến những cõi tịnh như cõi trời Thắng lạc (Abhirati), cõi Cực lạc (Sukhàvati) cõi Đâu suất (Tushita), bạn cũng có thể làm được, nhờ cái thân người hiện tại của bạn. Nhưng chưa hết đâu, bởi vì bạn còn có thể đạt đến những trạng thái giải thoát giác ngộ nhờ thân này. Điều bạn cần làm là, hãy tóm lấy cơ hội. Điều quan trọng hơn cả là nhờ thân tái sinh hiện tại mà bạn có thể đạt tới địa vị Kim cương trí (hợp nhất giữa thân như huyễn với đại lạc) trong vòng đời ngắn ngủi, ngay trong thời đại suy đồi này; một kết quả thông thường phải mất tới ba A tăng kỳ kiếp mới thành tựu được. Như vậy, được tái sinh làm người còn giá trị hơn cả ngàn tỷ viên ngọc quý.

    Om Mani Padme Hum !

  4. The Following User Says Thank You to hoangtri For This Useful Post:

    Thanh Trúc (09-21-2019)

  5. #13
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ nhất
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nếu bạn lãng phí cuộc đời này mà bạn đã có được, thì điều ấy còn đáng tiếc hơn là nếu bạn mất đi ngàn viên ngọc báu. Không có sự mất mát nào lớn hơn sự mất mát này; không có sự mù quáng nào hơn sự mù quáng này, không có sự lầm lạc nào hơn sự lầm lạc này. Shantideva có nói:

    Không có sự mê lầm nào tệ hơn,
    Nếu không sử dụng thân này để tu tập.
    Sau khi đã được thân người như một cơ may hiếm có,
    Không có sự mù quáng nào lớn hơn thế nữa.


    Bởi thế bạn phải nỗ lực rút tỉa một ít tinh túy từ cuộc đời này ngay bây giờ. Dù thế nào đi nữa, chắc chắn bạn sẽ phải chết, và bạn không biết được lúc nào thì cái chết đến với mình.

    Hiện tại chúng ta đang theo học Pháp, nhưng trong vòng một trăm năm nữa, không ai trong chúng ta còn sống sót. Trong quá khứ, bậc Đạo sư của chúng ta là Đức Phật, nhờ đã tích lũy công đức và trí tuệ trải vô số kiếp mà được thân Kim cương bất hoại. Tuy thế, đối với con mắt phàm thì ngay cả Ngài cũng đã nhập Niết bàn. Sau Ngài có nhiều học giả, luận sư, dịch giả và những bậc hiền trí ở Ấn cũng như Tây Tạng, nhưng tất cả các vị ấy cũng đều đã từ giả cuộc đời này. Không còn gì về họ ngoài ra danh hiệu và những gì mà người ta còn nói về họ. Tóm lại là bạn không thể đưa ra một ví dụ nào chứng minh vẫn còn có người được cái chết buông tha. Thế thì làm sao riêng bạn có thể sống hoài không chết? Bạn không hy vọng gì thoát khỏi chết !

    Không những chắc chắn bạn phải chết, mà bạn còn không biết chắc lúc nào thì cái chết đến với bạn. Bạn không biết chắc năm tới bạn còn sống trong thân xác này không, còn mang ba y Tỷ kheo không nữa. Vào ngày này năm sau, có thể rằng các bạn đã tái sinh thành một con thú mang lông đội sừng cũng nên. Hoặc các bạn cũng có thể tái sinh làm một Ngạ quỷ, phải sống mà không kiếm được một chút gì để ăn, cũng không tìm được một giọt nước uống. Hoặc các bạn cũng có thể tái sinh vào Địa ngục, phải chịu đựng những nỗi khổ nóng, lạnh, bị luộc trong nước sôi hay thiêu trong lửa đỏ.

    Tâm bạn vẫn tiếp tục sau khi chết, nên nó phải chấp nhận tái sinh. Chỉ có hai con đường luân chuyển cho tái sinh, đó là đường đi lên các cõi cao và đường đi xuống các đọa xứ. Nếu bạn tái sinh vào Địa ngục Vô gián, thì bạn phải ở đấy với một thân thể tràn khắp hỏa ngục, không khác gì với hỏa ngục ấy, trong những Địa ngục nhẹ hơn, như Địa ngục Sống Lại liên tục, thì bạn chết đi sống lại mỗi ngày hàng trăm lần, liên tục chịu những cực hình. Làm sao có thể chịu đựng điều ấy khi mà bàn tay bị bỏng một chút bạn đã không chịu nổi? Ấy vậy mà ta sẽ phải đau đớn như thế đấy, hệt như thân thể hiện tại của ta phải chịu đựng cơn nóng bức. Chúng ta có thể tự hỏi, “Phải chăng khi vào đấy sẽ dễ chịu đựng hơn, nỗi đau đớn không nhiều như ta tưởng?” nhưng không phải thế đâu.

    Nếu tái sinh làm Ngạ quỷ, bạn sẽ không kiếm được một giọt nước trải qua nhiều năm. Bây giờ bạn thấy khó chịu nổi một kỳ nhập thất nhịn đói, thì làm sao bạn chịu nổi tái sinh làm Ngạ quỷ? Còn tái sinh làm Súc sinh, chẳng hạn làm con chó. Bạn hãy xem kỷ những chỗ chó thường ở, cách chúng kiếm ăn, hoặc loại thực phẩm mà chó thường tìm được. Bạn có nghĩ rằng bạn chịu nổi kiểu sống như vậy không? Bạn có thể nghĩ rằng, các đọa xứ thật quá xa vời quá. Nhưng kỳ thực, sở dĩ bạn thấy mình còn xa xôi với các đọa xứ, chỉ là vì bạn đang còn thở được.

    Nếu không suy xét kỹ, thì chúng ta không bao giời ngờ rằng mình có thể đang đi đến các đọa xứ. Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta có phần nào tuân giữ giới luật, tụng Kinh hàng ngày, không vi phạm tội lỗi nào trầm trọng như giết người cướp của. Phiền một nỗi là, ta đã không nhìn sự việc một cách thích đáng. Nghĩ kỹ lại mới thấy rằng ta không có tự do để chọn lựa mình có đi xuống những cõi tái sinh thấp hay không. Điều này được định đoạt bởi nghiệp lực của chúng ta. Trong dòng tâm thức của chúng ta, có những nghiệp xấu tốt lẫn lộn. Vào lúc ta chết, thứ nào mạnh hơn trong hai thứ này, sẽ được châm ngòi bằng tham ái và chấp thủ. khi nhìn lại dòng tâm thức của ta xem thói nào mạnh hơn, ta sẽ thấy rằng khuynh hướng bất thiện thắng lướt. Mức độ mạnh yếu được định đoạt bởi năng lực của động lực hành động, bởi việc làm, và bởi bước cuối cùng. Như vậy, mặc dù ta có thể nghĩ là mình chỉ làm những điều ác nhỏ nhặt không đáng kể, song kỳ thực sức mạnh của nó rất lớn lao.
    Om Mani Padme Hum !

  6. The Following User Says Thank You to hoangtri For This Useful Post:

    Thanh Trúc (09-21-2019)

  7. #14
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ nhất
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ta hãy lấy ví dụ. Giả sử bạn la rầy đệ tử. Bạn bị thúc đẩy bởi cơn hằn hộc (động lực), còn việc làm là, bạn sử dụng những từ ngữ gay gắt nhất, làm sao cho họ phải đau đớn. Về giai đoạn cuối là, bạn cảm thấy kiêu hãnh và bản ngã căng phồng lên, thấy mình quan trọng. Ba phần này - động lực, việc làm, bước cuối - thật là toàn vẹn, không thể nào toàn hảo hơn thế! Hoặc giả khi bạn giết một con rận. Động lực của bạn là sự thù ghét mãnh liệt. Bạn lăn tròn nó giữa hai ngón tay, hành hạ nó một hồi lâu, rồi cuối cùng mới giết nó. Bước cuối cùng trở nên cao ngạo, cảm thấy mình làm như vậy có lý lắm. Thói ác đã trở thành cường liệt qua ba giai đoạn ấy.

    Chúng ta cứ tưởng đức độ của mình lớn lắm, song kỳ thực nó yếu xìu. Nếu thiện tính nơi ta thực mãnh liệt, thì ba giai đoạn của việc lành - động lực - việc làm, bước cuối tức phần hồi hướng công đức - phải được thực hiện một cách thuần tịnh. Ngược lại sự thanh tịnh là những công đức “do ta làm.” Trước tiên, có động lực thúc đẩy ta hành thiện. Tôi nghĩ hiếm khi chúng ta làm việc lành vì khao khát có được một tái sinh tốt hơn - chỉ một động lực tối thiểu như thế còn không có, nói gì đến động lực tốt nhất, tức Bồ đề tâm hướng đến Giác ngộ, hay tốt nhì là sự từ bỏ. Ngay từ đầu, chúng ta thường ao ước thành tựu những nguyện vọng liên hệ đến chuyện ăn, mặc ở trong đời này mà thôi. Bất cứ lời nguyện nào ta làm để được mục đích ấy quả thực là tội lỗi. Còn về phần chính hành động, thì mọi việc làm của ta còn có tính cách chiếu lệ; chẳng hạn niệm một chuỗi OM MAI PADME HUM ta cũng không chuyên chú cho hết chuỗi. Hoặc ta ngũ gục hoặc ta suy nghĩ mông lung. Thật khó mà tập trung dù chỉ trong thời gian đọc một lần câu thần chú "Một trăm vị chư Thiên ở cõi Đâu suất". Và khi đến giai đoạn hồi hướng, thì ta lại thụt lui, hướng những ước nguyện ta về cuộc đời này. Bởi thế, mặc dù chúng ta tưởng mình làm công đức lớn, kỳ thực những công đức ấy rất yếu ớt.

    Đôi khi chúng ta không làm công việc một cách thích đáng; khi khác ta lại bỏ qua những động lực và bước cuối; và có những lúc chúng ta không thực hiện một giai đoạn nào trong ba giai đoạn ấy một cách thích đáng cả. Bởi thế chỉ có nghiệp bất thiện trong dòng tâm thức của chúng ta là rất cường liệt mà thôi; chính nó là yếu tố duy nhất có thể làm được khởi động khi ta chết. Và nếu đấy là điều thực sự xảy ra thì chúng ta chỉ còn nước tái sinh vào các đọa xứ, đó là cái chắc. Chúng ta lại bảo, các thầy của chúng ta có khả năng bói toán, ta sẽ xin thầy tiên đoán xem ta sẽ tái sinh về cõi nào. Chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm nếu được thầy tiên đoán sẽ có tái sinh tốt đẹp, và đâm ra lo sợ nếu thầy bảo là xấu lắm. Nhưng làm sao ta có thể đặt tin tưởng vào những chuyện bói khoa ấy? Chúng ta không cần bói bằng xúc xắc, coi thầy, hay xem thiên văn lý số để biết đời sau ta sẽ đi về đâu. Đấng Đạo Sư đầy từ mẫn của chúng ta đã tiên đoán cho ta trong Kinh tạng, và ta cũng được nhiều bậc hiền trí uyên bác ở Ấn cũng như Tây Tạng, chỉ bảo cho biết. Chẳng hạn bậc thánh Long Thụ (Nagarjuan) đã nói trong phẩm Chuỗi ngọc quý rằng:

    Từ bất thiện, phát sinh mọi đau khổ và tất cả các đọa xứ.
    Từ đức hạnh phát sinh mọi cõi cao và những tái sinh đầy phúc lạc.


    Chúng ta không thể chắc chắn về những chuyện như "kiếp sau mình sẽ đi về đâu ?". Nhưng bậc Đạo Sư của chúng ta đã thấy rõ và đã giảng dạy một cách không lầm lẫn. Chúng ta chỉ có thể tin được nhờ suy luận, và ta nên tin tưởng sự công bố chân chính của đức Phật về vấn đề này.

    Bởi thế, nếu điều chắc chắn là ta sẽ bị đọa, thì ngay từ giờ phút này ta phải tìm phương thế gì ngăn chuyện ấy khỏi xảy đến. Nếu thực tình muốn thoát khỏi các đọa xứ, chúng ta phải tìm một chỗ nương tựa che chở cho ta. Như một kẻ tử tội sẽ tìm sự bảo bọc của một quan chức có ảnh hưởng lớn để thoát khỏi tử hình. Nếu ta bị nhiễm ô vì nghiệp ác không thể dung thứ, những tội lỗi ta đã làm thì ta có nguy cơ chịu sự trừng phạt của luật nhân quả nghiệp báo và đi đến các đọa xứ. Ta nên tìm chốn nương tựa là Ba ngôi Báu Phật, Pháp, Tăng, vì chỉ có ba ngôi báu này mới có thể che chở chúng ta khỏi rơi vào đọa xứ. Nhưng tìm nơi nương tựa mà thôi thì chưa đủ, ta phải thay đổi cách hành xử của mình cho hợp với giáo lý về sự Quy y. Nếu chư Phật có thể xóa hết tội lỗi nghiệp chướng của chúng ta chẳng hạn bằng cách lấy nước rưới đầu, hay đưa tay dắt dẫn, thì các ngài đã làm vậy từ khuya rồi, chúng ta đâu có còn khổ tới bây giờ. Không, các ngài không thể làm chuyện ấy được. Đấng Đạo Sư giảng Pháp, nhưng chính chúng ta phải thay đổi cách hành xử đúng theo luật nhân quả mới được. Một bản Kinh có nói:

    Chư Phật không rửa sạch tội lỗi,
    Không đưa tay ban phép,
    Để cho hữu tình bớt khổ đau.
    Không trao sự chứng ngộ Chân như của ngài cho kẻ khác,
    Ngài giải thoát cho con người bằng giáo lý Chân như.

    Om Mani Padme Hum !

  8. The Following User Says Thank You to hoangtri For This Useful Post:

    Thanh Trúc (09-21-2019)

  9. #15
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ nhất
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đến đây bạn có thể nghĩ, “Tôi sẽ tìm trú ẩn trong ba ngôi báu để khỏi sa vào đọa xứ, và sẽ áp dụng những phương pháp để khỏi đọa xứ. Tôi sẽ thay đổi cách hành xử để phù hợp với luật nhân quả.” Đấy là bạn đã khởi lên một động lực ở trình độ Lam-rim thuộc Phạm vi Nhỏ.

    Tuy nhiên, có phải chỉ cần giải thoát khỏi đọa xứ mà thôi chăng? Chưa đủ. Cùng lắm là bạn sẽ leo lên được các cõi trên chừng một hai kiếp, rồi lại rớt trở lại vào những đọa xứ, nơi mà nghiệp ác bắt kịp bạn. Vậy đấy không phải là giải pháp tối hậu, bạn không thể tin cậy vào nó. Quả thế, chúng ta đã bao nhiêu kiếp từng được sinh vào các cõi Trời, rồi sau đó lại rơi vào các đọa xứ. Bây giờ chắc chắn ta cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự. Trong những kiếp quá khứ, ta đã từng là Phạm vương, Đế thích sống trong những cung Trời. Điều này đã nhiều lần xảy ra, tuy thế chúng ta lại phải từ giả những cõi ấy mà quằn quại trên giường sắt nóng của Địa ngục. Chuyện này cũng đã từng nhiều phen tái diễn. Ở các cung Trời, chúng ta thưởng thức vị cam lồ của chư Thiên; rồi khi rời khỏi cõi ấy, chúng ta phải uống nước đồng sôi trong Địa ngục. Chúng ta đã từng hưởng lạc thú với những Tiên ông Tiên bà, rồi phải sống trong Địa ngục với Ngưu đầu ngục tốt vây quanh. Chúng ta được sinh làm vua Chuyển luân cai quản hàng trăm thần dân, rồi lại tái sinh làm những tôi tớ nô tì hạng bét như cỡi lừa và giữ trâu. Có lúc ta được sinh làm Thần mặt trời, Thần mặt trăng, thân thể chúng ta tỏa ra nhiều ánh sáng tới nổi ta chiếu sáng khắp bốn châu lục địa. Rồi chúng ta tái sinh dưới đáy đại dương, khoảng giữa các châu lục, nơi hoàn toàn tối tăm tới nỗi ngay đến chân tay của ta, ta cũng không nhìn thấy được. Đại loại như thế. Dù bạn có thành tựu được bao nhiêu phúc lạc thế gian, điều ấy thực không đáng tin cậy, không có một thực chất nào.

    Chúng ta đã kinh qua không biết bao nhiêu là nỗi khổ, nhưng bao lâu chưa thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, thì chúng ta vẫn còn phải chịu đựng dài dài, nhiều khổ đau hơn nữa. Nếu đem chất đống lại một nơi tất cả những phân uế và những thứ dơ dáy mà chúng ta đã ăn trong bao đời kiếp làm thân súc sinh, thì cái đống phân uế ấy có thể là cao hơn núi Tu di _ vua các dãy núi. Ấy vậy mà ta còn phải ăn nhiều phân dơ hơn thế nữa, nếu ta chưa thoát khỏi luân hồi. Nếu đem tất cả những cái đầu của ta bị kẻ thù chặt trong kiếp quá khứ mà chất đống lại, thì cái núi đầu ấy còn cao hơn cõi Phạm thiên. Tuy thế nếu ta không chấm dứt vòng luân hồi sinh tử của ta, thì ta còn phải mất nhiều đầu hơn nữa. Trong những tái sinh của ta ở Địa ngục trong quá khứ, nước đồng sôi mà ta đã bị uống đem gom lại còn nhiều hơn nước bốn biển, nhưng ta còn phải uống nhiều hơn nếu ta chưa thoát khỏi luân hồi. Nghĩ đến việc cứ phải lang thang mãi không mục đích vì chưa thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, ai mà không lo sầu thống thiết.

    Ngay cả khi được tái sinh làm chư Thiên hay loài người cũng chưa hẳn thoát khỏi bản chất của khổ đau. Loài người có cái khổ sinh, già, bệnh, chết, xa lìa những gì ta thân yêu, gần gũi những gì ta khó chịu, mong cầu gì cũng không được toại ý. Loài Trời Tu la cũng có nỗi khổ bị thương tật què quặt trong khi đánh trận, và luôn luôn khổ vì lòng ganh ghét ray rứt tâm can. Tái sinh ở những cõi trời Dục giới thì có nỗi khổ là, khi năm tướng suy xuất hiện là thấy cái chết gần kề. Chư Thiên hai cõi trên (Sắc và Vô sắc) không có nỗi khổ nào hiện rõ. Tuy thế tự bản chất, họ vẫn ở trong tầm của cái khổ liên hệ đến mọi pháp hữu vi, bởi vì họ chưa đạt đến trình độ tự tại để duy trì trạng thái của mình. Cuối cùng họ sẽ rớt xuống cõi dưới, vậy nên họ cũng không thoát khỏi khổ.

    Nói tóm, bao lâu bạn chưa vĩnh viễn ra khỏi kiếp luân hồi, thì bạn vẫn chưa thoát khỏi bản chất của khổ. Bởi thế cần phải dứt khoát tự giải thoát mình ra khỏi luân hồi, và bạn phải làm chuyện ấy ngay trong đời sống này của bạn.
    Om Mani Padme Hum !

  10. The Following User Says Thank You to hoangtri For This Useful Post:

    Thanh Trúc (09-21-2019)

  11. #16
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ nhất
    __________________________________________________ ______________________________________

    Thường chúng ta nói: “Tôi không thể tu kiếp này được.” Và cầu nguyện cho kiếp sau. Nhưng ta có thể làm việc ấy ngay trong đời này. Chúng ta đã được thân người thuận lợi, đây là hình thể vật lý thuận lợi nhất cho việc thực hành chánh pháp. Chúng ta đã gặp được nhiều duyên lành, gặp Giáo lý của Phật, vân vân. Vậy nếu chúng ta không thể đạt giải thoát ngay bây giờ, thì đến khi nào mới đạt?

    Như vậy, bạn có thể nghĩ, dù có sao đi nữa ta phải nhất quyết phải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Và giải thoát chỉ có thể thực hiện nhờ ba vô lậu học. Vì thế, ta sẽ tu học ba môn ấy để giải thoát ra khỏi biển trầm luân rộng lớn này. Đấy là bạn đã khởi một động lực tu tâm Lam-rim thuộc trình độ phạm vi Trung bình.

    Nhưng cả đến cách khởi tâm này cũng chưa đủ, nếu bạn đã đạt quả chứng Thanh văn, hay Độc giác cho riêng mình, bạn cũng chưa hoàn tất những chu cầu của chính bạn, và hầu như chưa có một chút gì lợi ích cho người khác. Ấy bởi vì bạn chưa từ bỏ một vài điều cần phải từ bỏ, như là những chướng ngại che lấp trí giác toàn vẹn và bốn nguyên nhân của vô minh. Chuyện này cũng giống như phải lội qua sông hai lần: mặc dù có thể bạn đã đạt tất cả quả vị tu hành lên A la hán quả trong đạo lộ Thanh văn thừa, khi ấy bạn vẫn còn phải phát Bồ đề tâm và tu tập các pháp tu căn bản của một Pháp vương tử, khởi đầu tự đạo lộ tích tập công đức của Đại thừa. Giống như là khi gia nhập một tu viện, bạn phải tu tập từ địa vị một người phụ bếp trở lên cho đến khi thành tu viện trưởng. Rồi khi gia nhập một tu viện khác, bạn lại phải trở lui về phục vụ trong nhà bếp như cũ.

    Chandragomin viết trong bức Thư Gửi Một Đệ Tử:

    Họ như những bà con đang mắc kẹt trong biển luân hồi
    Bị rơi vào luồng sóng dữ giữa đại dương;
    Vì trải qua nhiều phen sống chết và tái sinh
    Nên bạn không nhận ra họ, và bạn làm ngơ.
    Bởi thế, bạn thật tệ, nếu chỉ lo thoát lấy mình.


    Nói cách khác, mặc dù chúng ta không thể nhìn nhận được nhau, kỳ thực không có một chúng sinh nào không từng là mẹ của bạn. Vì bạn đã trải qua vô số kiếp tái sinh, nên bạn cũng đã có vô số mẹ. Và lòng thương yêu mà những bà mẹ trong quá khứ trút lên bạn cũng không khác gì lòng thương mà bà mẹ hiện tại dành cho bạn. Không một mảy may khác biệt giữa sự tử tế của mẹ bạn và sự tử tế của mỗi hữu tình.

    Tuy nhiên, có lẽ bạn nghĩ, “tất cả hữu tình không phải mẹ tôi. Nếu họ là mẹ tôi, thì tôi phải nhìn nhận ra ngay chứ. Thế mà tôi không nhận ra.” Nhưng điều có thể xảy ra là, ngay trong đời hiện tại, cũng có người không nhận ra mẹ mình. Vậy, không thể chỉ vì “không nhận ra” mà bạn có thể bảo là không phải mẹ. Có những người nghĩ rằng, “Mẹ trong các đời trước đã thuộc về quá khứ. Thật không nên nói rằng hiện tại họ vẫn còn là những bà mẹ nhân từ của ta.” Nhưng sự tử tế của những bà mẹ trong quá khứ với những bà mẹ hiện tại đối với bạn thực không có khác nhau chút nào cả. Lòng tử tế vẫn là một, dù bạn nhận một viên ngọc từ người nào năm ngoái hay năm nay. Thời gian của hành vi không làm cho mức độ của lòng tốt ấy có thay đổi. Vậy thì, mọi hữu tình đều có lòng từ mẫn đối với bạn.
    Om Mani Padme Hum !

  12. The Following User Says Thank You to hoangtri For This Useful Post:

    Thanh Trúc (09-21-2019)

  13. #17
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ nhất
    __________________________________________________ ______________________________________

    Bạn có thể nỡ nào làm ngơ những bà mẹ từ mẫn của mình đang bị chìm đắm trong biển sinh tử, mà chỉ cầu giải thoát cho riêng mình? Điều ấy cũng chẳng khác nào những đứa trẻ đứng trên bờ mà nhảy múa ca hát trong khi mọi người rất thân của chúng, ví dụ mẹ chúng, đã rớt vào một ngọn thủy triều trên biển. Lượn sóng đang cuồn cuộn ra khơi, bà mẹ đang hãi hùng kêu cứu, vậy mà bọn trẻ hoàn toàn bỏ mặc bà. Còn gì tàn nhẫn hơn, đáng khinh hơn thế? Những đợt sóng đại dương được gọi là xoáy nước; điều kinh khủng nhất là khi một con thuyền, chiếc bè hay vật gì khác bị lọt vào đấy, thì chắc chắn nó sẽ bị cuốn hút và chìm nghỉm. Bây giờ bạn dường như không có chút liên hệ nào với mọi hữu tình, những người đã rơi vào xoáy nước trên biển khổ luân hồi. Nhưng kỳ thực, họ đều là những bà mẹ từ bi của bạn, bạn phải báo đáp lòng thương của họ. Đem thức ăn cho kẻ đói, thức uống cho người khát, tài sản cho người nghèo, thỏa mãn nhu cầu của họ, là bạn trả được ân đức phần nào của họ, nhưng kỳ thực điều ấy không lợi lạc bao nhiêu. Cách hay nhất để trả ơn là làm sao cho họ được hưởng mọi hạnh phúc, thoát khỏi mọi đau khổ. Không cách đền đáp nào tốt hơn thế.

    Với những tư duy trên, bạn có thể khởi lên ý nghĩ, “Mong sao cho những hữu tình này có đủ mọi thứ an lạc.” Đấy gọi là phát triển tâm từ. Bạn cũng nghĩ, “Mong sao họ thoát khỏi mọi đau khổ” đấy là phát triển tâm bi. Bạn có thể phát tâm vị tha khi bạn nghĩ: “Tôi và chỉ mình tôi phải gánh lấy trách nhiệm thực hiện hai mục tiêu ấy. Tôi sẽ làm việc cho hai cứu cánh ấy.”

    Nhưng, bạn có thể làm những việc ấy ngay từ bây giờ không? Bạn không thể cứu tất cả khổ ban tất cả vui dù cho chỉ một người, nói gì đến tất cả hữu tình. Vậy thì ai có thể? Chư vị Bồ tát trú trong các địa vị thanh tịnh, và các bậc Thanh văn hay Duyên giác có thể lợi lạc hữu tình phần nào, nhưng họ chỉ làm được một ít những gì mà chư Phật có thể làm. Mỗi tia sáng phát từ thân Phật có năng lực đưa vô lượng hữu tình đến trình độ thuần thục, ngay cả đến giải thoát. Chư Phật hóa ra nhiều thân xuất hiện trước mỗi hữu tình. Những thân hình ấy ứng hợp với tính tình, khả năng, ước nguyện và bản năng của các hữu tình ấy. Chư Phật giảng dạy Pháp cho hữu tình bằng chính ngữ ngôn của chúng. Đây là sơ lược vài khả năng của Phật. Bởi thế chư Phật là những đấng Vô tỉ trong cách các ngài làm việc lợi lạc cho hữu tình.

    Chúng ta có thể thành tựu Phật quả không? Có thể, và muốn đạt quả Phật ta phải có một thân tái sanh thuận lợi. Chúng ta đã được một loại thân tái sanh rất đặc biệt được sinh ra từ bào thai người ở lục địa phương Nam (Nam thiệm bộ châu), ta lại có được sáu giác quan. Ta chỉ còn cần phải lợi dụng cơ hội này để thành tựu Kim cương trì trong một đời này. Ta đã có được tái sinh thân thuận lợi. Phương tiện để đạt Phật quả là Pháp Tối thượng thừa, và giáo lý của Tsongkapa, đấng Chiến thắng thứ hai (sau Phật), về cỗ xe này thật là toàn hảo. Những lời giảng dạy vô cấu của ngài phối hợp vừa Kinh giáo vừa Mật giáo. Chúng ta đã được gặp giáo lý như thế.

    Tóm lại, chúng ta đã gặp mọi điều kiện thuận lợi, lại không bị một chướng ngại nào. Chúng ta chỉ có thể đi lạc do không nỗ lực đạt thành Phật quả. Không phải là chúng ta sẽ luôn luôn có được thân tái sanh lành mạnh như thế này, luôn luôn gặp được giáo lý như thế này. Có người bảo, “Nay là thời mạt pháp, chúng ta thật đã gặp thời xấu ác.” Nhưng kể từ dòng luân hồi vô thỉ đến nay, ta chưa từng bao giời trải qua một thời gian có nhiều tiềm năng lợi lạc cho ta hơn bây giờ. Không thể có thời nào tốt hơn. Ta chỉ gặp được hoàn cảnh như thế này một lần thôi. Bởi vậy, ta phải tu tập hướng đến một quả Phật, dù bất cứ gì xảy đến.
    Om Mani Padme Hum !

  14. The Following User Says Thank You to hoangtri For This Useful Post:

    Thanh Trúc (09-21-2019)

  15. #18
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ nhất
    __________________________________________________ ______________________________________

    Như thế, điều này phải làm bạn phát nguyện: “Tôi sẽ làm mọi sự có thể làm để đạt mục tiêu là sự giác ngộ tối thượng, vì tất cả hữu tình.” Ý nghĩ ấy khơi dậy tâm Bồ đề, và như thế là bạn đã khởi động lực tu tập của bạn theo Phạm vi Rộng lớn của Lam-rim. Bạn đã phát tâm Bồ đề nếu bạn thực tình cảm nghiệm ý tưởng ấy một cách tự nhiên không có một gượng ép nào trong tâm bạn

    Bạn phải thực hành để đạt thành Phật quả ấy. Và bạn cần thiết phải thực hành như thế nào để thành công. Nhiều người muốn tu nhưng không biết tu cách nào nên đi đến một chỗ vắng nào đó, tụng vài câu thần chú, lập ít lời cầu nguyện, ngay cả cố tìm cách chứng được một vài tầng trong chín tầng thiền chứng, nhưng ngoài ra họ không biết làm gì khác. Bạn phải nghiên cứu học hỏi những giáo lý không lỗi lầm, những giáo lý không bỏ sót một chuyện gì trong việc thực hành pháp, thì bạn mới biết được phải làm những gì. Và vua của những giáo lý ấy chính là Lam-rim mô tả những bước đường đi đến Giác ngộ. Bởi thế bạn phải khởi lên một động lực như sau: “Tôi sẽ chú ý lắng nghe Lam-rim, rồi thực hành theo đấy.”

    Thông thường, cần yếu là phải khởi đầu mọi sự tu tập bằng một trong những động lực nói trên. Nhưng quan trọng hơn nữa, khi bạn nghe giảng về Lam-rim thì những động lực trên chưa đủ. Ít nhất bạn phải lắng nghe kèm với một tâm Bồ đề gượng ép. Với người đã kinh nghiệm sự phát Bồ đề tâm, họ có thể nhớ nghĩ một công thức ngắn gọn như “Vì tất cả chúng sinh” là đủ. Tuy nhiên, điều này không đủ chuyển hóa nội tâm một người sơ cơ. Nếu bạn nghĩ về Lam-rim, khởi từ sự khó khăn muôn vàn để có được thân người thuận lợi, khi ấy tâm bạn sẽ quay về Bồ đề tâm. Điều này không phải chỉ áp dụng cho việc nghe Lam-rim mà thôi. Những tu sĩ phái Gelugpa chúng tôi mỗi khi tham dự một pháp hội nào, như lễ quán đảnh, lễ khẩu truyền, giảng Kinh, hay bất cứ gì khác, chúng tôi thường ôn lại tất cả giai đoạn Lam-rim kể như chuẩn bị để có một động lực đúng. Ngay cả những thời cầu nguyện ngắn cũng phải bao gồm cả ba phạm vi của Lam-rim. Đây là nét đặc sắc nhất của giáo lý thuộc phái Kadampas ngày xưa và của chúng tôi ngày nay những người thuộc phái Kadampas mới. Bậc tôn sư của tôi đã nói điều này nhiều lần. Các bạn nào muốn nhận trách nhiệm bảo trì nền giáo lý này thì cần phải học tập theo cách ấy. (Tuy nhiên, khi làm lễ quán đảnh cầu sống lâu thì người ta có lệ không nói về vô thường -chết-, vân vân, vì đấy là điềm gở: chỉ nói đến sự được sinh làm thân người thuận lợi này rất khó.)

    Có những người tham dự một thời Pháp mà nghĩ rằng: “Tôi thật may phước được học giáo lý này, nhưng tôi không thể thực hành được. “Có người đi nghe vì bắt chước: “Nếu bạn đi thì tôi cũng đi với cho vui.” Không ai đi nghe pháp để kiếm sống bằng cách đi làm lễ cho các gia chủ. Nhưng việc này có xảy ra với những giáo lý khác, chẳng hạn những phép quán đảnh chính yếu. Khi bạn theo học những giáo lý này, có thể bạn nghĩ mình sẽ có được khả năng tụng thần chú để trừ Tà đuổi Quỷ, hoặc chữa bệnh, hàng phục Ma, có tài sản, có quyền lực, vân vân. Có những người, dù đã học bao nhiều giáo lý Phật, cũng vẫn xem Pháp của ngài như là cái vốn để làm ăn; họ trông giống như những người sắp đi Mông Cổ để đi kinh doanh buôn bán. Những người như thế đã tích lũy vô số tội nghiệp bằng phương tiện Pháp của Phật. Đức Phật, đấng Đạo sư của chúng ta, bàn đến những phương tiện để đạt giải thoát và toàn trí. Khai thác lợi dụng những giáo lý ấy vì những mục tiêu thế tục thì chẳng khác nào ép một ông vua đang ngồi trên ngai xuống chùi nhà.

    Bởi thế, nếu bạn tình cờ dường như cũng có những động lực xấu xa tương tự, thì hãy xua đuổi chúng đi; hô triệu một cái tâm Bồ đề bất đắc dĩ nổi lên đi cũng được, rồi nghe pháp. Thôi, chừng ấy cũng đủ để kết thúc phần khởi động lực cho đúng.
    Om Mani Padme Hum !

  16. #19
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ nhất
    __________________________________________________ ______________________________________

    Sau đây sẽ là phần chính của giáo lý.

    Trước hết, Pháp mà bạn sắp tu tập phải là do Phật nói ra, và do những bậc thánh Ấn Độ giảng giải. Sự tu tập của bạn phải là pháp tu mà từ đó những bậc hiền trí vĩ đại đã rút tỉa được những tuệ giác và thực chứng; nếu không, một sự giảng dạy có thể được gọi là “sâu xa” mặc dù nó không do Phật thuyết và các bậc học giả hiền trí chưa từng biết tới. Nếu bạn quán tưởng về những thứ giảng dạy kiểu đó thì bạn có nguy cơ sẽ đạt một vài kết quả mà từ trước chưa có ai từng đạt, kể cả chư Phật cũng chưa từng đạt tới! Bởi thế bạn phải xét kỹ cái Pháp mà bạn sẽ dùng làm pháp tu của bạn. Sakya Pandit nói:

    Khi bạn kinh doanh buôn bán,
    Như lái ngựa, buôn châu báu, vân vân.
    Bạn nghi vấn đủ điều,
    Và khám xét mọi mặt.
    Tôi đã thấy bạn cần mẫn làm sao,
    Với những việc vặt vãnh của đời này.
    Những đời tương lai bạn tốt hay xấu,
    Đều tùy thuộc Pháp vi diệu,
    Ấy vậy mà bạn xử sự với Pháp ấy,
    Như con chó ngốn ngấu đồ ăn:
    Bạn thành kính đón lấy bất cứ gì gặp được,
    Mà không xem trước cho kỹ để biết nó chánh hay tà.


    Khi ta mua một con ngựa chẳng hạn, ta khám xét nhiều thứ, trước hết là coi bói, và đi hỏi một lô người ngoài. Lấy ví dụ một tu sĩ thông thường khi đi mua một ấm nấu trà. Ông xem xét lại màu sắc, trọng lượng, hình dáng nó thật nhiều lần; sao cho bảo đảm là nó không bị nước, v.v... làm hỏng, và hỏi ý kiến nhiều người. Tuy vậy, nếu không may gặp cái bình xấu thì bất quá cũng chỉ ảnh hưởng đến vài tách trà mà thôi.

    Bạn tra tầm rất kỹ về những chuyện như thế, mặc dù nó chỉ có giá trị nhất thời. Thế mà bạn dường như không tra tầm chút thời gian nào cái Pháp mà bạn phải tu tập, mặc dù điều này là căn bản cho những hy vọng tái sinh của bạn trong tương lai. Đấy là cách một con chó nuốt trọng thực phẩm vào bụng. Thật sai lầm biết bao! Nếu bạn sai lầm ở bước này, tức là bạn đã tàn hại những hy vọng về đời tương lai của bạn. Bởi thế, bạn cần phải xét kỹ Pháp mà bạn định tu tập, trước khi khởi công tu hành.

    Nếu bạn xét Pháp hiện tại của chúng ta là Lam-rim, bạn sẽ thấy Pháp ấy là tuyệt hảo trong tất cả các pháp. Tính sâu sắc kỳ diệu của Mật tông đều xuất xứ từ Lam-rim. Nếu bạn không khai triển ba nồng cốt của đạo lộ (sự từ bỏ, Bồ đề tâm và chánh kiến về Tánh Không) trong dòng tâm thức bạn, thì bạn không thể Giác ngộ ngay trong một đời. Tôi đã nghe nhiều giáo lý được cho là sâu sắc, phát xuất từ tri kiến hay từ những Mật điển, những giáo lý được nói là đem lại các năng lực thần thông biến hóa - so với những giáo lý ấy thì quả thực ba điều nòng cốt của đạo lộ không có vẻ gì là một giáo lý hấp dẫn đặc biệt cho lắm.

    Pháp Lam-rim không phải do Rinpoche (Tsongkapa) sáng chế, hay Atisha đặt ra. Hệ truyền thừa của nó bắt nguồn từ chính đức Phật đấng Toàn giác, và chỉ từ nơi Ngài mà thôi nhưng khi bạn hiểu ra rằng có một pháp được gọi là Lam-rim trong khi các pháp khác không có tên gọi ấy, bạn sẽ thấy rằng tất cả mọi Kinh điển đều là Lam-rim. Bộ Kinh tôn quý Bát nhã Ba la mật là bộ Kinh tối thượng trong tất cả Kinh điển của đấng Đạo sư chúng ta. Trong Kinh ấy Ngài dạy rõ phần thâm thúy nói về những giai đoạn trên đạo lộ đưa đến Trí Bát nhã (thực chứng tánh Không) mà là cốt lõi của tám muôn bốn ngàn pháp; Ngài cũng ám chỉ cái phần rộng rãi của Lam-rim trong những phương pháp của chư Phật. Vậy, đây là nguồn gốc của hệ truyền thừa. Phần rộng rãi này được truyền cho đệ tử trước tiên của Phật là Di Lặc (Maitreya), Di Lặc truyền cho Vô Trước (Asanga). Phần sâu xa của Lam-rim truyền cho Văn Thù (Manjusri) đến Long Thụ (Nàgàrjuna). Đấy là cách mà truyền thống Lam-rim được tách làm hai - pháp Sâu và pháp Rộng.
    Om Mani Padme Hum !

  17. #20
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ nhất
    __________________________________________________ ______________________________________

    Để làm sáng tỏ Lam-rim, Di Lặc đã soạn Năm bộ luận, Vô Trước viết “Năm luận về các trình tự”, Long Thụ viết Sáu luận, vân vân. Như vậy các hệ phái Lam-rim Sâu và Rộng đã truyền xuống cho bậc Thánh vô tỉ là Atisha. Ngài nhận hệ phái Rộng từ Suvarnadvìi, và hệ phái Sâu từ Vikyakokila; ngài phối hợp hai hệ phái thành một dòng. Ngài còn kế thừa hệ phái Những Hành Động Uy Mãnh Nhất mà Shantideva hấp thụ của Văn Thù, cùng những hệ phái về Mật chú, vân vân. Như thế, những hệ phái mà ngài thừa kế bao gồm cả Kinh giáo lẫn Mật giáo.

    Atisha soạn tác phẩm “Ngọn đèn soi đường Giác ngộ” tại Tây Tạng. Tác phẩm này phối hợp những điểm then chốt trong toàn bộ giáo lý. Những lời giảng dạy về sau được mang tên “Lam-rim”. Từ thời Atisha, những hệ phái liên hệ tri kiến sâu xa và hành động rộng rãi đã phối hợp thành một dòng duy nhất. Những dòng này lại tách làm ba hệ phái vào thời đại của phái Kadampa: hệ phái Cổ điển, hệ phái Những Giai đoạn của Đạo lộ, và hệ phái Chỉ giáo (Instruction.) Mỗi hệ phái tập trung vào một khía cạnh khác nhau. Về sau, Je Tsongkapa hấp thụ cả ba hệ phái này từ Namkha Gyaeltsaen ở Lhodrag, vị này là một học giả uyên bác, và từ Chekyab Zangpo, tu viện trưởng của tu viện Dragor. Từ thời ấy trở đi, truyền thống trở lại thành một phái duy nhất.

    Đức Je Tsongkapa vĩ đại đã làm lễ cầu nguyện với những bậc tiền bối trong hệ truyền thừa của ngài bên tảng đá hình sư tử tại Retreng về phía bắc Lhasa. Pho tượng trình bày bậc Thánh với chiếc đầu nghiêng về một phía. Mỗi khi ngài cầu xin trước pho tượng này, ngài liền thấy được những linh ảnh của tất cả những bậc thầy của hệ phái Lam-rim cùng ngài đàm luận về Pháp. Lại nữa, ngài còn thấy những linh ảnh của Atisha, Dromtoenpa, Potowa và Sharawa trong suốt một tháng trời. Ba linh ảnh sau cuối cùng tan thành một với linh ảnh Atishaz, vị này đặt tay trên đầu ngài Tsongkapa mà nói: “Hãy giảng dạy giáo lý này đi, ta sẽ giúp ngươi.” Điều này có nghĩa rằng chính Atisha đã xui khiến Tsongkapa viết tác phẩm Những Giai Đoạn Chính Của Con Đường Tu Tập. Tsongkapa hoàn tất tác phẩm này đến cuối phần nói về tịnh chỉ. Đại sĩ Văn Thù (Manjusri) yêu cầu ngài hoàn tất tác phẩm, kết quả là ngài viết thêm chương nói về Tuệ quán đặc biệt. Vậy, ta phải ý thức rằng sách này là một kho tàng của nhiều phép mầu hộ niệm, cho dù ta không biết được những người nào khác đã yêu cầu ngài soạn sách. Điều này được ám chỉ trong đoạn bắt đầu: “Nhờ những phép mầu kỳ lạ của các Đấng Chiến thắng và những Pháp tử của các ngài...”

    Về sau, ngài soạn tác phẩm Những Giai Đoạn Giữa Của Đạo Lộ để tóm tắt cốt tủy của vấn đề là không được nói đến trong Những Giai Đoạn Chính Của Đường Tu. Tác phẩm này phần lớn bàn về hệ phái khẩu truyền trực tiếp và những hệ phái giảng Kinh cổ xưa hơn; cả hai Lam-rim này được cho là bổ túc lẫn nhau với những điểm then chốt khác nhau rút từ những lời dạy truyền khẩu.

    Có lẽ bạn không biết làm sao để thể nhập những bản văn này vào việc tu tập của bạn. Je Rinoche (tức Tsongkapa) nói về sau:

    “Những người thấy không thể nào hiểu nổi làm sao thực hành tất cả giáo lý này, thì nên tham khảo những bản văn ngắn gọn hơn nhiều, chỉ dạy cách tu tập.”

    Bởi thế bạn phải tham khảo những văn bản sau đây. Đức Dalai Lama thứ Ba - Lama Soenam Gyatso - viết tác phẩm Tình Chất Của Vàng Ròng. Đức Dalai Lama thứ Năm vĩ đại viết Lam-rim do chính đức Văn Thù nói, kể như một luận giải cho tác phẩm này. Đức Panchen Lama (Ban thiền lạt ma) - Lozang Chekyi Gyaeltsaen - viết Con Đường Dễ và Lozang Yeshe (một tái sinh khác của Panchen) soạn luận giải cho sách này với tác phẩm Con Đường Nhanh. Chính đức Tsongkapa cũng viết ba tác phẩm về Lam-rim: Đường Lớn, Đường Trung Bình, Đường Nhỏ (còn gọi là Những bài Ca từ Kinh nghiệm hay Chứng đạo ca). Ngoài bốn sách giáo lý khúc chiếc của các vị Dalai Lama và Panchen Lama nói trên, Ngagwang Dragpa ở Dagpo còn viết Con Đường Của Kinh Giáo Vi Diệu. Đấy là tám giáo lý nổi tiếng nhất về Lam-rim.
    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 5 người đọc bài này. (0 thành viên và 5 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Lời za patrul rinpoche !
    Gửi bởi hoamacco trong mục MẬT TÔNG
    Trả lời: 183
    Bài cuối: 02-01-2020, 07:38 AM
  2. Oan gia nghiệp báo
    Gửi bởi tinhnghiep trong mục Luân hồi - Nhân quả báo ứng
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 08-07-2019, 07:27 AM
  3. Kinh Bảy Giấc Mộng Của A Nan
    Gửi bởi Tuệ Thức trong mục Kinh
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-24-2019, 04:14 AM
  4. Thầy THÍCH THANH TỪ, Thầy cũ của Thích Chân Quang lên tiếng
    Gửi bởi lamebay trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-17-2019, 01:25 PM
  5. Những giai thoại trong nhà Thiền
    Gửi bởi hoatihon trong mục THIỀN TÔNG
    Trả lời: 4
    Bài cuối: 08-25-2018, 08:37 AM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •