DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 5/6 ĐầuĐầu ... 3456 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 41 tới 50 của 60
  1. #41
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ mười một YESHE DORJE (1676- 1702)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Karmapa Yeshe Dorje cũng nhận biết và công nhận hậu thân tái sinh của Siyu là Tenpi Nyingche và hậu thân tái sinh của Pawo Rinpoche là Chokyi Dondrup.

    Đức Karmapa đời thứ mười một là vị có đời sống ngắn ngủi nhất trong số các vị Karmapa. Mặc dù vậy, trong quãng đời ngắn ngủi của mình, ngài đã hợp nhất được cả hai phần giáo pháp của dòng Karma Kagyu và dòng Nyingma (Ninh-mã). Sự giáo hóa của ngài được thực hiện một cách siêu việt và hoàn hảo. Một lần, khi trong các đệ tử có một số người hoài nghi về giáo pháp hóa thân, ngài lập tức hóa hiện ra cùng lúc nhiều thân khác nhau, mỗi thân chỉ dạy cho một người đệ tử. Với sự hiển bày này, mọi sự nghi ngờ về khả năng hóa thân của chư Phật và Bồ Tát đều được xóa sạch.

    Ngài viên tịch vào năm 1702, sau khi đã để lại cho Shamar Palchen Chưkyi Dưndrup một di thư nói rõ chi tiết về lần tái sinh kế tiếp. Vào hôm ngài viên tịch, rất nhiều đệ tử nhìn thấy ngài hiện ra trong một mặt trời chói sáng cùng với hai vị đạo sư khác. Sau lễ hỏa táng, các đệ tử thu thập xá-lợi của ngài rồi nhập tháp thờ phụng tại Tsurphu.

    Người kế thừa đức Karmapa trong thời gian chờ đợi hóa thân của ngài là Palchen Chưkyi Dhondrup. Vị này sinh năm 1695 trong một gia đình người Nepal, tại Yolmo (Helambu) thuộc lãnh thổ Nepal. Đức Karmapa Yeshe Dorje đã nhận biết được sự sinh ra của ông nhờ vào những linh ảnh được thấy trong thiền định, và đã cử đến một phái đoàn tìm kiếm với những chỉ dẫn chính xác để họ có thể dễ dàng tìm được ông. Ông được cha mẹ cho phép rời Nepal để đến Tây Tạng vào năm lên 7 tuổi, và được đức Karmapa công nhận là hóa thân đời thứ tám của vị Shamar.

    Sau đó, Palchen Chưkyi Dhondrup nhận được sự truyền thừa toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu từ đức Karmapa, và cũng được học tập với vị Treho thứ ba là Tendzin Dhargye, với Goshir Dhưnyư Nyingpo và nhiều vị thầy khác nữa. Ông đã thực hiện những chuyến đi du hóa đến Trung Hoa và Nepal để truyền bá rộng rãi những giáo pháp mà ông đã học được cũng như làm lợi ích cho nhiều người. Ông viên tịch vào năm Thủy Tý (1732), khi được 37 tuổi. Ông là người đã truyền lại toàn bộ giáo pháp dòng Karma Kagyu cho đức Karmapa đời thứ mười hai: Changchup Dorje.

    Trong số các đệ tử của đức Karmapa đời thứ mười một còn có các vị nổi tiếng khác như Tewo Rinpoche, Karma Tendzin Thargye...

    Lần sửa cuối bởi hoangtri; 07-13-2019 lúc 05:00 PM
    Om Mani Padme Hum !

  2. #42
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ mười hai CHANGCHUP DORJE (1703 - 1732)
    __________________________________________________ ______________________________________

    Đại sư thứ mười hai

    CHANGCHUP DORJE (1703 - 1732)


    Đại sư Changchup Dorje sinh năm 1703 ở gần Yangtse, tại Kyile Tsaktor, thuộc tỉnh Derge, miền đông Tây Tạng. Gia đình ngài vốn thuộc dòng dõi vua Trisong Detsun trước đây. Tuy vậy, vào lúc sinh ra ngài thì cha ngài là một người người chủ lò gốm. Không lâu trước khi ngài ra đời, người cha đã nhận được lời dự báo của đại sư Yong-ge Mingur Dorje rằng gia đình ông sắp có một điều lành trọng đại.

    Khi mới được 2 tháng tuổi, một hôm đứa bé bỗng thốt ra thành lời: “Ta là Karmapa.” Sự kiện kỳ lạ này nhanh chóng được loan truyền khắp nơi. Vì thế, đại sư Chưkyi Dhưndrup đã gửi ngay một phái đoàn đến để xác minh sự việc. Sau khi tìm đến nơi, phái đoàn này tin chắc rằng đứa bé mà họ gặp được chính là vị Karmapa tái sinh, và họ ngay lập tức đưa đứa bé đến gặp vị Shamarpa. Vị này tiếp xúc với đứa trẻ và tức thời có thể dựa vào những chỉ dẫn trong di thư của đức Karmapa để nhận ra đây chính là hóa thân tái sinh của ngài.

    Vị Karmapa trẻ tuổi được học tập giáo pháp với nhiều bậc đạo sư xuất chúng. Những vị thầy đầu tiên của ngài là Tsuglak Tenpi Nyingje, Situ Chokyi Jungnay và Nyenpa Tulku.

    Năm lên 7 tuổi, ngài được đưa đến Karma Gưn để tiếp tục việc học. Sau đó, ngài đến tu viện ở Kampo Gangra để nỗ lực thực hành thiền định. Một thời gian sau ngài lại đi đến Nangchen, rồi đến Tsurphu để học tập các phần giáo pháp cao hơn.

    Vào lúc này, người Mông Cổ tiến đánh miền trung Tây Tạng, các vị Lapzang Khan, Minling Lotsawa Dharma Śrỵ, Padma Gyurme Gyaltsho và nhiều đạo sư khác của phái Nyingma (Ninh-mã) bị giết chết. Tình hình trở nên hỗn loạn, rối ren và kéo dài trong 4 năm, khiến cho các tu viện Mindroling, Dorje Drag và rất nhiều tu viện, chùa chiền khác bị hủy hoại. Nhiều thánh tích, tài sản, kho tàng bị cướp phá. Phải đợi đến khi đức Đạt-lai Lạt-ma thứ bảy là Kelsang Gyatso (1708-1757) từ tỉnh Kham trở về Tsurphu thì tình hình mới lắng dịu, quân Mông Cổ rút đi. Vào lúc này, ngài có đến viếng thăm đức Đạt-lai Lạt-ma Kelsang Gyatso và cúng dường một số phẩm vật.

    Tại Tsurphu, ngài chia sẻ giáo pháp sâu xa của dòng Karma Kagyu với vị thầy nổi tiếng của phái Nyingma (Ninh-mã) là Lạt-ma Katok Tsewang Norbu, và vị này cũng chia sẻ với ngài những giáo pháp truyền thống của phái Nyingma.

    Nhận thấy tình hình chính trị tại Tây Tạng vẫn còn nhiều rối ren, hỗn loạn, Karmapa Changchup Dorje đã lên đường sang Ấn Độ và Nepal để chiêm bái các thánh tích Phật giáo. Cùng đi với ngài có các vị Shamar Rinpoche, Situ Rinpoche và Gyaltsap Rinpoche. Khi đến Kathmandu, phái đoàn được vua Jagajayamalla vui mừng tiếp đón một cách long trọng và cung kính. Trong thời gian lưu lại Nepal, ngài có đến thăm viếng và lễ bái thánh tích Yanglayshod, nơi vị đạo sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) đã thành tựu pháp môn thiền định Kim cương trí, dứt sạch mọi chướng ngại trên đường tu tập.

    Vào lúc này, vị quốc vương đã khẩn khoản thỉnh cầu ngài ban phúc ngăn chặn một trận dịch bệnh đang hoành hành và cầu nguyện mưa xuống để chấm dứt một giai đoạn hạn hán nghiêm trọng. Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu của vị quốc vương và đề nghị tất cả mọi người cùng quán tưởng về đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Sau buổi quán tưởng, ngài thực hiện một lễ tẩy tịnh bằng cách dùng nước sạch rảy lên hư không và quán tưởng nước ấy làm sạch cho cả vùng. Một trận mưa bỗng nhiên đổ xuống và nạn dịch cũng hoàn toàn chấm dứt. Quốc vương Nepal vui mừng tổ chức một buổi lễ trọng thể để cùng với tất cả quần thần và nhân dân bày tỏ lòng tôn kính đạo hạnh của ngài.

    Khi sang đến Ấn Độ, ngài đã viếng thăm và lễ bái rất nhiều thánh tích mà trước đây đức Phật Thích-ca đã từng xuất hiện.

    Om Mani Padme Hum !

  3. #43
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ mười hai CHANGCHUP DORJE (1703 - 1732)
    __________________________________________________ ______________________________________



    Trên đường trở về Tây Tạng, ngài nhận được một lời thỉnh cầu của hoàng đế Thế Tông (tức Ung Chính) nhà Thanh, mong được ngài đến giảng pháp tại Trung Hoa. Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu nhưng không đi Trung Hoa ngay mà tiếp tục trở về Tsurphu.

    Trước khi lên đường sang Trung Hoa, ngài dành một thời gian để ẩn cư tu tập thiền định. Sau đó, ngài viếng thăm thủ đô Lhasa và từ đó thực hiện một chuyến đi về miền nam Tây Tạng. Trong chuyến đi này, ngài truyền giảng giáo pháp cho rất nhiều đệ tử. Ngài cũng đã gặp được Surmang Trungpa Rinpoche và truyền thụ Sáu pháp Du-già của Naropa cùng với giáo pháp Đại thủ ấn. Sau đó, ngài giao quyền dẫn dắt phái Karma Kagyu cho đại sư Situ Chokyi Jungnay trong thời gian ngài vắng mặt, rồi lên đường sang Trung Hoa.

    Chuyến đi Trung Hoa của ngài khởi đầu vào năm 1725, có vị Shamar Rinpoche tháp tùng. Khi đến tỉnh Amdo, ngài có tổ chức một buổi lễ long trọng để tất cả mọi người cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Khi đi ngang qua hồ Kokonor, ngài cũng tổ chức một buổi lễ tương tự như vậy.

    Sau khi đến Trung Hoa, ngài nỗ lực thực hiện việc truyền giảng giáo pháp ở nhiều nơi. Trên đường hoằng hóa, ngài luôn được các giới chức cầm quyền tại mỗi địa phương tiếp đón long trọng. Thông qua những buổi tiếp xúc với họ, ngài cố gắng truyền dạy tư tưởng bất bạo động và lòng từ bi, tôn trọng sự sống. Đối với một số Phật tử thuần thành, ngài cũng truyền dạy các pháp môn tu tập sâu xa hơn.

    Năm 1732, ngài và những người cùng đi đến Lan Chu. Tại đây, ngài rằng biết thời điểm viên tịch đã đến gần nên gửi về cho vị Tai Situpa đời thứ tám là Chokyi Jungney một di thư, trong đó báo trước những chi tiết về sự tái sinh của ngài. Sau đó, ngài chấp nhận mắc bệnh đậu mùa và viên tịch vào ngày 30 tháng 10 năm Thủy Tý (1732). Vị Sharma Rinpoche cũng mắc bệnh sau ngài 2 ngày và rồi cũng viên tịch. Chokyi Jungney trở thành người kế thừa giáo pháp của ngài tại Tây Tạng.

    Chokyi Jungney sinh năm Thổ Mão (1700) tại vùng Derge, thuộc tỉnh Kham, miền đông Tây Tạng. Ông cũng được biết đến với tên gọi là Situ Panchen.

    Ông đã học tập với vị Shamar đời thứ tám là Chưkyi Dhưndrup và đức Karmapa đời thứ mười hai là Changchup Dorje và nhận được sự truyền thừa toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu. Ngoài ra, ông cũng từng nỗ lực học hỏi với nhiều bậc thầy khác, chẳng hạn như Rikdzin Tsewang Norbu.

    Chưkyi Jungney đã đến gặp đức Karmapa và Shamar Chưkyi Dhưndrup khi họ đang trên đường đến Trung Hoa, vào khoảng năm 1725.

    Ông là một trong số các học giả nổi tiếng đương thời tại Tây Tạng, và cũng là một bậc thầy uyên thâm về thiền định. Trong sự nghiệp hoằng pháp của ông có một thành tựu nổi bật nhất là khảo đính và đốc thúc việc khắc bản gỗ in các giáo pháp của dòng Karma Kagyu và Tengyu bằng tiếng Tây Tạng, dưới sự bảo trợ của đức vua xứ Derge. Đây là một ấn bản nổi tiếng, được cả thế giới biết đến với tên gọi là ấn bản Derge, và được xem là những bản in chính xác nhất của các phần giáo pháp quan trọng trong truyền thống Tây Tạng.

    Hoạt động hoằng hóa của Situ Panchen phát triển mạnh mẽ và lan rộng. Ông đã khôi phục, tu sửa và xây dựng mới nhiều tu viện, trung tâm tu học ở khắp nơi trên đất nước Tây Tạng và xứ Jang.

    Situ Panchen là người đã nhận biết và xác nhận hóa thân tái sinh lần thứ mười ba của đức Karmapa và hóa thân tái sinh của Shamar Rinpoche. Chính ông đã truyền lại toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu cho vị Karmapa đời thứ mười ba: Ddul Dorje. Ông viên tịch vào năm 1774, khi được 74 tuổi.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #44
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ mười ba DÜDUL DORJE (1733 - 1797)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đại sư thứ mười ba

    DÜDUL DORJE

    (1733 - 1797)

    Đại sư Dudul Dorje sinh vào tháng 8 năm Thủy Ngưu (1733) tại làng Chaba Drony ở Nyen Chawatrong thuộc miền nam Tây Tạng. Ngay khi ngài vừa sinh ra, Kathok Rigdzin Tsewang Norbu nhìn thấy một linh ảnh trong khi nhập định, qua đó ông thấy rõ nơi vị Karmapa tái sinh.

    Ngay khi vừa lớn lên, đứa bé đã làm cho tất cả mọi người kinh ngạc khi kể lại một cách chi tiết những gì đã xảy ra trong đời sống trước đây. Tin đồn về hóa thân của vị Karmapa lập tức lan truyền khắp nơi, và Tai Situpa Chưkyi Jungney đã tìm được đứa bé một cách khá dễ dàng. Theo đúng những chỉ dẫn trong di thư của đức Karmapa đời thứ 12, vị này xác nhận đứa bé này chính là hóa thân tái sinh của đức Karmapa.

    Đứa trẻ được đưa về Tsurphu vào năm 4 tuổi. Lễ đăng quang được tổ chức bởi đại sư Goshir Gyaltsab Rinpoche để chính thức công nhận đây là vị Karmapa đời thứ mười ba. Ddul Dorje được trao cho chiếc vương miện màu đen truyền thống của dòng Karma Kagyu. Đức Đạt-lai Lạt-ma đời thứ bảy là Kelsang Gyatso cùng với vị Thủ tướng đương nhiệm của chính quyền Tây Tạng là Pholha Sonam Thobjay đều gửi lời chúc mừng đến vị Karmapa vừa chính thức nhận cương vị đứng đầu phái Karma Kagyu.

    Năm lên 8 tuổi, vị Karmapa đã được vị thầy dạy chính là Tai Situpa Chokyi Jungnay truyền thụ toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu. Ngài cũng học tập với nhiều bậc thầy siêu việt khác của cả hai phái Nyingma (Ninh-mã) và Karma Kagyu, chẳng hạn như Kathok Rigdzin Tsewang Norbu, Karma Kagyu Trinley Shingta, Pawo Tsuklak Gawa...

    Năm 14 tuổi, ngài thọ giới sa-di với Situ Rinpoche tại Tsurphu. Lễ truyền giới được tổ chức trước pho tượng Phật Thích-ca do chính đức Karmapa đời thứ hai là Karma Pakshi đã kiến tạo trước đây. Việc học tập của ngài được tiếp tục cho đến khi ngài trở thành một bậc đạo sư uyên bác về hết thảy mọi phần giáo pháp khác nhau.

    Ngài thọ giới tỳ-kheo vào năm 21 tuổi, do Situ Rinpoche làm vị thầy truyền giới. Sau đó, ngài nỗ lực thực hành Sáu pháp Du-già của Naropa và giáo pháp Đại thủ ấn. Trong sự tu tập của ngài, những tính cách của một vị học giả và một bậc thầy thiền định được phối hợp hài hòa và mãnh liệt, tạo nên sức mạnh tự nhiên của lòng đại bi mở rộng đến khắp muôn loài. Ngài thực sự thương yêu các loài thú vật, chim chóc, và có thể làm cho chúng cảm nhận được sự thương yêu đó. Các loài vật khác nhau thường tụ tập đến một cách đông đảo chung quanh những nơi ngài tu tập thiền định.

    Có một lần ngôi đền Jo-kang ở Lhasa, nơi có pho tượng Jo-wo nổi tiếng, bị đe dọa bởi nước từ sông Tsangpo dâng lên rất nhanh. Trước đây, vị Guru Rinpoche đã thấy trước việc này và để lại một lời dự báo, trong đó nói rằng chỉ có đức Karmapa mới có đủ khả năng ngăn chặn trận lụt này, vì nó thực sự gây ra bởi sức mạnh của Long vương (Nga).

    Vì thế, giới chức chính quyền ở Lhasa đã gửi lời thỉnh cầu ngài lập tức đến Lhasa để cứu nguy. Vào lúc ấy, ngài đang ở Tsurphu và biết rằng không thể nào đến Lhasa kịp thời để ngăn chặn trận lụt. Ngài liền viết một lá thư và chú nguyện vào đó với tâm đại bi của Bồ Tát Quán Thế Âm, rồi đốt lá thư để gửi đến cho Long vương. Sau đó, ngài mới lên đường đến Lhasa. Khi ngài đến nơi thì quả nhiên là nước lụt đã rút đi từ trước đó. Ngài đến viếng đền Jokhang để xác định là pho tượng Jowo vẫn còn nguyên vẹn không hư hại. Trong dịp này, ngài ban cho pho tượng một chiếc khăn quàng trắng (kata). Tương truyền pho tượng đã đưa tay ra để đón nhận, và tư thế thay đổi này vẫn còn giữ nguyên cho đến nay.

    Một lần khác, đức Karmapa Dudul Dorj được thỉnh cầu ban phúc cho một tu viện ở Powo Gyaldzong thuộc miền đông nam Tây Tạng, cách Tsurphu một quãng đường rất xa. Ngài nhận lời nhưng vẫn ở yên tại Tsurphu và vào đúng ngày làm lễ cầu phúc của tu viện, ngài ban phúc cho tu viện ấy bằng cách ném lên không trung những hạt gạo đã có sự chú nguyện của ngài. Tại tu viện ở Powo Gyaldzong xa xôi kia, mọi người đều nhìn thấy rõ những hạt gạo ban phúc của ngài rơi xuống từ giữa không trung.

    Lần sửa cuối bởi hoangtri; 07-18-2019 lúc 10:35 AM
    Om Mani Padme Hum !

  5. #45
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ mười ba DÜDUL DORJE (1733 - 1797)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Năm 1772, Karmapa Ddul Dorje và Tai Situpa đã cùng với Kathok Rigdzin Tsewang Norbu phát hiện hóa thân tái sinh của vị Shamar đời thứ mười là Mipham Chưdrup Gyatso, người em trai của đức Ban-thiền Lạt-ma đời thứ tư, Palden Yeshe.

    Năm 1774, trong khi thiền định ngài nhìn thấy một linh ảnh và biết rằng hóa thân mới của vị Situ vừa được sinh ra. Ngài cử một phái đoàn tìm kiếm đến nơi ngài đã biết, và với những chỉ dẫn của ngài họ tìm được hóa thân của vị Situ. Ngài đã tổ chức một buổi lễ để chính thức công nhận vị Situ mới là Pema Nyingche Wangpo. Vị này về sau chính là người được chọn để nối tiếp truyền thống Karma Kagyu.

    Đức Karmapa đời thứ mười ba có một nếp sống cực kỳ giản dị. Mặc dù ngài thường xuyên nhận được những khoản cúng dường lớn lao, kể cả vàng bạc và nhiều tài sản quý giá khác, nhưng bao giờ ngài cũng phân phát tất cả những thứ ấy cho người nghèo khổ hoặc dành để hỗ trợ cho việc in ấn, phát hành Kinh điển.

    Ngài viên tịch vào năm 1797, sau khi để lại một di thư nói rõ những chi tiết về sự tái sinh sắp tới. Sau lễ hỏa táng, các đệ tử thu thập xá-lợi của ngài để thờ phụng trong một ngôi tháp bằng bạc tại Tsurphu. Họ cũng đúc một pho tượng bạc phỏng theo chân dung ngài để thờ phụng. Trong số các đệ tử của ngài có những vị nổi bật nhất là Pema Nyinje Wangpo, Sangye Nyenpa Tulku, Pawo Tsuglak Chogyal, Khamtrul Jigme Senge, Ladakhi, Drukchen Kunzig Chokyi Nangwa, Hemi Gyalsay ...

    Situpa Wangpo Pema Nyinchey được chọn làm người kế thừa giáo pháp của ngài. Tuy nhiên, vị này còn phải trải qua một thời gian tiếp tục học tập với bậc thầy là Mipham Chưdrub Gyatso.

    Mipham Chưdrub Gyatso sinh năm 1742 tại Tashi Tse ở vùng Tsang thuộc miền trung Tây Tạng. Ông là em trai đức Ban-thiền Lạt-ma đời thứ tư Lobsang Palden Yeshe ở chùa Tashi Lhunpo. Ông được đức Karmapa đời thứ mười ba cùng với vị Situ Chưkyi Jungne phát hiện và công nhận là hóa thân tái sinh lần thứ mười của vị Shamar.

    Ông đã học hỏi và nghiên cứu giáo pháp trong nhiều năm với Situ Chưkyi Jungney cũng như với Pawo Tsuklak Gawa và Rikdzin Tsewang Norbu. Vì thế, ông trở thành một vị học giả uyên bác cũng như một bậc thầy uyên thâm về thiền định.

    Ông đã đến Nepal vào những năm thập niên 1780. Tại đây, ông tiếp tục thực hành những hạnh nguyện của một vị Bồ Tát. Ông tổ chức việc tu sửa ngôi tháp Swayambhu, một thánh tích nổi tiếng, cũng như giúp đỡ cho rất nhiều tăng sinh đang học tập ở Nepal và Tây Tạng.

    Ông viên tịch vào năm 1793 tại Nepal, ở một nơi gần ngôi tháp Boudhanath. Một trong những công việc quan trọng nhất mà ông đã thực hiện được là truyền thụ toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu cho người kế thừa của đức Karmapa đời thứ mười ba là vị Situ đời thứ chín, Pema Nyinje Wangpo.

    Pema Nyinje Wangpo sinh vào năm Mộc Ngọ (1774) tại Yilhung thuộc miền đông Tây tạng. Ông được đức Karmapa đời thứ mười ba phát hiện và xác nhận là hóa thân đời thứ chín của vị Situ Rinpoche, với sự trợ giúp của các vị Shamar Chưdrup Gyatso và Pawo Tsuklak Gawa. Trước đây, đại sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) đã có lời dự báo về sự tái sinh này.

    Ông học tập và nghiên cứu, thực hành giáo pháp với nhiều bậc thầy nổi tiếng, đặc biệt là với đức Karmapa đời thứ mười ba và vị Shamar đời thứ mười. Sau đó, ông trở thành một học giả uyên bác và một bậc thầy về thiền định.

    Sự nghiệp hoằng pháp của ông lan rộng khắp đất nước Tây Tạng. Ông đã thành lập nhiều trung tâm tu học và tự mình giảng dạy, truyền bá rộng rãi giáo pháp của dòng Karma Kagyu. Ông cũng khuyến khích và khơi dậy truyền thống tu tập thiền định theo phương pháp của dòng Karma Kagyu. Ông cũng trước tác nhiều tác phẩm giá trị để hướng dẫn người tu học. Các tác phẩm này được truyền lại trong ba tuyển tập.

    Sau khi nhận được sự truyền thừa toàn bộ giáo pháp truyền thống của dòng Karma Kagyu, ông trở thành thầy dạy chính của đức Karmapa đời thứ mười bốn là Thekchok Dorje. Ông đã truyền lại toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu cho đức Karmapa Thekchok Dorje. Ông cũng có một đệ tử kiệt xuất khác nữa là Jamgon Kongtrul Lodro Thaye. Ông viên tịch vào năm 1853.

    Lần sửa cuối bởi hoangtri; 07-18-2019 lúc 10:35 AM
    Om Mani Padme Hum !

  6. #46
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ mười bốn THEKCHOK DORJE (1798 - 1868)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đại sư thứ mười bốn

    THEKCHOK DORJE

    (1798 - 1868)

    Đại sư Theckchok Dorje sinh vào năm Hỏa Tỵ (1798) tại làng Danang, vùng Salmo Gang ở tỉnh Kham, thuộc miền đông Tây Tạng. Ngài sinh ra vào khoảng giữa mùa đông, nhưng bỗng nhiên các loài hoa quanh vùng đều nở rộ, và người ta nhìn thấy những mống cầu vồng bảy sắc xuất hiện trên bầu trời. Và điều kỳ lạ hơn là đứa bé vừa sinh ra đã có thể phát âm được những chữ cái trong tiếng Sanskrit.

    Tin đồn loan ra khắp nơi về một em bé sinh ra với những điềm lành kỳ dị, và không bao lâu đã đến tai đại sư Drukchen Kunzig Chokyi Nangwa, người đang nắm giữ bức di thư của đức Karmapa đời thứ mười ba, trong đó nói rõ các chi tiết về sự tái sinh của ngài. Chokyi Nangwa liền cử ngay một phái đoàn tìm kiếm đến tỉnh Kham. Tại Salmo Gang, họ gặp hai phái đoàn khác do Situ Rinpoche và Gyaltshap Rinpoche cử đến, cũng với mục đích tìm kiếm hóa thân tái sinh của đức Karmapa. Mọi người cùng tìm gặp được đứa bé và sau đó họ đều tin chắc rằng đây chính là hóa thân tái sinh của đức Karmapa. Với sự cho phép của cha mẹ, đứa bé được đưa về tu viện Ogmin.

    Tại đây, vị Tai Situpa đời thứ chín là Pema Nyinje Wangpo căn cứ theo di thư của đức Karmapa đời thứ mười ba để xác nhận em bé chính là hóa thân đời thứ mười bốn của đức Karmapa. Ngài tổ chức một buổi lễ chính thức công nhận hóa thân của đức Karmapa, và cũng đồng thời truyền giới sa-di cho em bé.

    Đức Karmapa nhận được sự truyền dạy giáo pháp từ cả hai vị Pema Nyinche Wangpo và Drukchen Kunzig Chokyi Nangwa. Ngài được học giáo pháp truyền thống của dòng Karma Kagyu và cả những giáo pháp của phái Nyingma (Ninh-mã).

    Sau buổi lễ đăng quang chính thức để nhận vương miện kim cương màu đen và trở thành vị Karmapa đời thứ mười bốn, Theckchok Dorje rời tu viện Ogmin để đi đến Tsurphu và tiếp tục những chương trình học cao hơn.

    Năm 19 tuổi, ngài thọ giới tỳ-kheo với Situ Rinpoche và Drukchen Chokyi Nangwa để chính thức trở thành một vị tăng sĩ. Vào lúc này ngài đã có nhiều hoạt động hoằng pháp đáng kể như trùng tu, sửa chữa các tu viện và chùa tháp trong vùng.

    Đức Karmapa Theckchok Dorje sống một cuộc sống hết sức đơn giản và có thể xem là khuôn mẫu lý tưởng cho tất cả Tăng sĩ. Ngài có năng khiếu thi ca bẩm sinh và tài biện luận xuất chúng. Ngài cũng tinh thông trong các ngành điêu khắc, thủ công mỹ nghệ và cả nghệ thuật đúc kim loại.
    Om Mani Padme Hum !

  7. #47
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ mười bốn THEKCHOK DORJE (1798 - 1868)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ngài tham gia tích cực vào phong trào Ri-me, một phong trào kêu gọi sự chấn hưng Phật giáo Tây Tạng thông qua việc xóa bỏ mọi ranh giới ngăn cách giữa các tông phái khác nhau, nhờ đó mà các học giả lớn của mỗi tông phái bắt đầu có sự quan tâm học hỏi và chia sẻ những truyền thống tốt đẹp và giáo pháp của các tông phái khác. Phong trào này được khởi xướng từ tỉnh Kham và nhanh chóng lan rộng khắp nơi, với sự tham gia hưởng ứng của nhiều bậc thầy thuộc các tông phái khác nhau. Ngoài các học giả và các bậc thầy thiền định, phong trào này cũng cuốn hút cả những người Phật tử thuộc các ngành nghề khác nhau.

    Sự giao lưu theo phong trào chấn hưng này đặc biệt phát triển rất mạnh mẽ giữa hai truyền thống Karma Kagyu và Nyingma (Ninh-mã), khi đức Karmapa Thekchok Dorje truyền dạy giáo pháp cho Jamgon Kongtrul Rinpoche và Jamyang Chentse Wangpo của phái Nyingma và nhận được sự chỉ dạy của vị đạo sư Chogyur Lingpa về các Tan-tra quý giá của phái này. Đạo sư Chogyur Lingpa là người đã có lần nhìn thấy trước các hóa thân Karmapa cho đến tận đời thứ hai mươi mốt.

    Đức Karmapa Thekchok Dorje đi khắp mọi nơi trên đất nước Tây Tạng để truyền dạy rộng rãi giáo pháp. Năm 1860, ngài du hóa qua địa phận tỉnh Kham và nhận biết được hóa thân đời thứ mười của vị Situ là Pema Kunzang ở tu viện Palpung. Ngài đã công nhận và tổ chức lễ đăng quang chính thức cho vị Situ này. Cũng tại nơi đây, ngài truyền dạy giáo pháp cho Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye. Khi ngài trở về Tsurphu, vị này vẫn tiếp tục theo học một cách chuyên cần. Một thời gian ngắn trước khi đức Karmapa viên tịch, Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye nhận được sự truyền thừa toàn bộ giáo pháp truyền thống của dòng Karma Kagyu.

    Đức Karmapa Thekchok Dorje viên tịch vào năm 1868, khi được 70 tuổi. Ngài để lại một di thư nói rõ chi tiết về lần tái sinh sắp tới của mình.

    Người kế thừa giáo pháp của đức Karmapa đời thứ mười bốn là đại sư Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye, một bậc thầy vĩ đại trong phong trào Ri-me, và cũng là một tác giả để lại nhiều tác phẩm quan trọng.

    Đại sư Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye sinh năm 1813 tại làng Rong-gyap ở Derge, miền đông Tây Tạng. Sự ra đời của đại sư đã được đức Phật Thích-ca dự báo trước trong kinh Tam-muội vương (Samadhiraja-stra) và ngài Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) cũng nhiều lần nhắc đến trong các phần giáo pháp bí truyền (Terma) của ngài.

    Đại sư Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye nghiên cứu và tinh thông giáo pháp của đức Phật nói chung, và giáo pháp Mật tông nói riêng. Ngài cũng am tường cả giáo lý của đạo Bon, một tôn giáo cổ xưa của Tây Tạng.

    Trong số rất nhiều bậc thầy mà đại sư Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye theo học, những vị quan trọng nhất là đức Karmapa đời thứ mười bốn, Situ Pema Nyinje Wangpo, và đại sư Khyentse. Ngài không chỉ là một trong các bậc thầy vĩ đại nắm giữ truyền thống của phái Karma Kagyu mà còn là người nắm vững toàn bộ giáo pháp bốn trường phái lớn của Phật giáo Tây Tạng.

    Lodrư Thaye là một trong những tên tuổi nổi bật nhất của phong trào chấn hưng Phật giáo có tên gọi là Ri-me ở Tây Tạng, cùng với đại sư Khyentse.

    Ngài là thầy dạy chính của đức Karmapa đời thứ mười lăm Khakhyap Dorje, chịu trách nhiệm trao truyền toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu cho đức Karmapa. Ngài nổi tiếng là một bậc thầy vĩ đại, một học giả uyên bác, một nhà văn, nhà thơ, nhà điêu khắc, với hơn 100 tác phẩm để lại thuộc đủ mọi thể loại. Trong số này, được biết đến nhiều nhất là bộ luận văn về Năm kho tàng, gồm có Kho tàng các chân ngôn của dòng Karma Kagyu, Kho tàng các chỉ dẫn cương yếu, Kho tàng các Mật pháp vô giá, Kho tàng Phật pháp vô lượng và Kho tàng tri thức.

    Đại sư Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye viên tịch vào năm 1899 và luôn được tưởng nhớ đến cùng với các vị đệ tử kiệt xuất khác của đức Karmapa đời thứ mười bốn như Jamyang Khyentse Wangpo, Dechen Chogyur Lingpa, Drukchen Mipham Chokyi Gyaltsho, Pawo Tsuglak Nyingche ...
    Om Mani Padme Hum !

  8. #48
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ mười lăm KHAKHYAP DORJE (1871 - 1922)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đại sư thứ mười lăm

    KHAKHYAP DORJE

    (1871 - 1922)

    Đại sư Khakhyap Dorje sinh năm 1871 tại làng Sheikor ở tỉnh Tsang thuộc miền trung Tây Tạng. Đứa bé sinh ra với chòm lông trắng mọc xoắn ở khoảng giữa hai lông mày. Đây là một trong 32 tướng tốt của một vị Phật, như trước đây đức Phật Thích-ca đã từng có đủ.

    Ngay khi sinh ra, người ta đã nghe đứa bé tụng đọc thần chú Đại Bi của đức Quán Thế Âm. Chi tiết kỳ lạ này được lan truyền ra khắp nơi và đứa bé nhanh chóng được nhận biết bởi các vị Kyabgon Drukchen, Migyur Wanggi Gyalpo, Jamgon Kongtrul, Jamyang Khyentse Wangpo, Terchen Chokgyur Lingpa và Pawo Tsuklak Nyinchey. Căn cứ vào những điều được nói rõ trong di thư của đức Karmapa đời thứ mười bốn, tất cả các vị đều thống nhất công nhận đứa bé khác thường này chính là hóa thân tái sinh lần thứ mười lăm của đức Karmapa. Mặc dù vậy, một buổi lễ long trọng cũng được cử hành dưới sự chủ trì của hai vị Kyabgon Drukchen và Migyur Wanggi Gyalpo để chính thức công nhận hóa thân mới của đức Karmapa.

    Khakhyap Dorje nhận được một nền giáo dục toàn diện và mở rộng với nhiều vị học giả nổi tiếng, và cuối cùng được trao truyền toàn bộ giáo pháp truyền thống của dòng Karma Kagyu từ đại sư Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye. Bậc thầy vĩ đại này cũng truyền dạy cho ngài những phần tinh yếu của hàng trăm quyển luận giải mà ông đã soạn, bao gồm toàn bộ giáo pháp sâu xa của tất cả các truyền thống Phật giáo khác nhau ở Tây Tạng, cùng với những kiến thức sâu xa về các lãnh vực y học, hội họa, ngôn ngữ... Ngài cũng được học tập với nhiều bậc thầy khác nữa như đại học giả Khenchen Tashi Ozer ở chùa Palpung, hay vị Pawo Rinpoche đời thứ chín...

    Trong tất cả các môn học, ngài luôn chứng tỏ là một người học trò chuyên cần và tinh tấn, luôn nỗ lực nghiên cứu học hỏi không mệt mỏi. Ngài cũng bày tỏ đức tin sâu xa từ rất sớm. Năm lên 8 tuổi, ngài lập một bàn thờ vị Đại hộ pháp Mahakala và tự mình làm một bài tụng để cầu nguyện với vị này.

    Năm lên 10 tuổi (1881), ngài đến thăm đức Đạt-lai Lạt-ma thứ mười ba là Tubten Gyatso tại triều đình ở Lhasa khi vị này mới được 5 tuổi. Sau đó, ngài trở lại Tsurphu và bắt đầu theo học với vị đại học giả Khenchen Tashi Ozer ở chùa Palpung. Ngài nhận được ở vị này toàn bộ các kiến thức căn bản và chuyên sâu về cả Kinh, Luật và Luận. Sau đó, ngài được vị Pawo Rinpoche đời thứ chín dạy cho sáu bộ giáo pháp bí truyền (Terma) của Rigdzin Jatson Nyingpo.

    Vào năm 1886, ngài đến học với đại sư Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye ở chùa Palpung. Vị đại sư học giả này là học trò kiệt xuất của đức Karmapa đời thứ mười bốn, rất vui mừng khi được gặp hóa thân bậc thầy của mình. Ông đã làm lễ truyền pháp và chỉ dạy cho Karmapa Khakhyap Dorje bộ luận văn về Năm kho tàng do chính ông trước tác. Bộ luận văn đồ sộ này có đến hàng trăm quyển, trình bày đầy đủ về cả các phần giáo lý và thực hành của các truyền thống khác nhau được xét từ góc độ của các nhà cải cách trong phong trào chấn hưng, xóa bỏ đi mọi sự ngăn cách do thiên kiến hẹp hòi. Những nghiên cứu học hỏi mang tính toàn diện này tạo ra một ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp hoằng pháp của ngài về sau.

    Sau thời gian học tập tại chùa Palpung, đức Karmapa đời thứ mười lăm lên đường du hóa đến chùa Dzongsar, một chùa lớn của phái kya (Tát-ca). Tại đây, ngài học tập với vị đại sư Jamyang Khyentse Rinpoche. Sau đó, khi viếng thăm ngôi chùa của phái Drukpa Karma Kagyu ở Sang Ngag Choling, ngài phát hiện và công nhận hóa thân tái sinh của vị Drukchen và tổ chức lễ truyền Ngũ giới.
    Om Mani Padme Hum !

  9. #49
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ mười lăm KHAKHYAP DORJE (1871 - 1922)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Năm 1888, Karmapa Khakhyap Dorje trở lại chùa Palpung để tiếp tục theo học với Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye. Từ đây, các ngành học của ngài được mở rộng và chuyên sâu, bao gồm các môn như Phạn văn (Sanskrit), giáo lý Bát-nhã, Luật tạng, Trung quán luận, Thắng pháp luận, Di-lặc ngũ luận ... Ngài cũng nghiên cứu thêm về các ngành thiên văn học, y học, nghệ thuật...

    Sau đó, ngài lại đến Dzongsar để nhận lễ truyền pháp về các giáo pháp truyền thống của phái kya (Tát-ca) do đại sư Khyentse Rinpoche chủ trì. Khi trở lại Palpung, ngài được Kongtrul Lodrư Thaye truyền dạy các giáo pháp truyền thống của phái Shanpa Karma Kagyu. Ngài đã nỗ lực học tập và nghiên cứu suốt cả ngày đêm không lúc nào ngơi nghỉ.

    Năm 1890, đức Karmapa đời thứ mười lăm xác nhận hóa thân tái sinh của vị Situ Rinpoche thứ bảy là Pema Wangchok Gyalpo. Vị này trở thành một trong các đệ tử thân cận nhất của ngài.

    Ngài đã tiếp tục các hoạt động Phật sự cũng như truyền dạy giáo pháp ở khắp mọi nơi trên đất nước Tây Tạng. Ngài cũng thu thập được nhiều bản văn quý hiếm từ xưa để lại và tổ chức việc khắc bản in lại để lưu truyền.

    Khakyab Dorje là vị Karmapa đầu tiên và duy nhất trong dòng Karma Kagyu chấp nhận việc lập gia đình. Ngài lấy vợ và có 3 người con trai. Một người trong số đó được công nhận là hóa thân tái sinh của Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye. Cuộc đời ngài là tấm gương sáng ngời của một vị Bồ Tát với sự khao khát không ngừng học hỏi để giúp đỡ và mang lại lợi ích cho hết thảy mọi chúng sinh.

    Trong số rất nhiều đệ tử của ngài, những vị thường xuyên gần gũi với ngài là Tai Situ Pema Wangchok Gyalpo, Jamgon Kongtrul Palden Khyentse Ưser và Beru Khyentse Lodro Mize Jampe Gocha.

    Khoảng vài năm trước khi viên tịch, ngài trao lại cho các đệ tử tất cả những bản văn quý giá mà ngài đã thu gom được trong suốt cuộc đời, bao gồm các trước tác của đại sư Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye và của chính ngài, cùng với nhiều phần giáo pháp bí truyền do ngài phát hiện được tại xứ Tsari. Sau đó, ngài đến ẩn cư trong một hang động trên sườn núi gần tu viện Tsurphu.

    Gần trước lúc viên tịch, đức Karmapa gọi vị thị giả là Golok Gelong Jampal Tsultrim đến và trao cho một túi vải nhỏ màu đỏ, được may kín lại cũng bằng chỉ đỏ. Ngài dặn dò: “Ta ban cho con linh phù hộ thân này, phải giữ gìn hết sức cẩn thận. Trong tương lai, khi nào con nhận được một tin vui đến từ tu viện Palpung thì hãy mở túi vải này ra.”

    Đức Karmapa đời thứ mười lăm viên tịch vào năm Thủy Tuất (1922). Người được chọn nối tiếp truyền thống Karma Kagyu trong lúc chờ đợi hóa thân tái sinh của ngài là Pema Wangchok Gyalpo.

    Pema Wangchog Gyalpo sinh năm 1886 tại Lithang, miền đông Tây Tạng. Ông được đức Karmapa đời thứ mười lăm công nhận là hóa thân tái sinh lần thứ mười một của vị Situ Rinpoche.

    Ông đã theo học với rất nhiều bậc thầy nổi tiếng đương thời, trong đó có cả các vị Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye và Khenchen Shenga Rinpoche. Ông trở thành một học giả uyên bác và tinh thông Kinh điển cũng như các truyền thống Mật tông.
    Om Mani Padme Hum !

  10. #50
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ mười lăm KHAKHYAP DORJE (1871 - 1922)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ông đã nhận được sự truyền thừa giáo pháp của dòng Karma Kagyu từ đức Karmapa đời thứ mười lăm, và xem ngài như vị thầy dạy chính của mình.

    Situ Pema Wangchok viên tịch vào năm 1953. Công việc quan trọng nhất mà ông đã thực hiện được trong đời là phát hiện và công nhận hóa thân lần thứ mười sáu của đức Karmapa, và sau đó truyền dạy toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu cho vị Karmapa này. Vì thế, ông là một trong hai vị thầy dạy quan trọng nhất của đức Karmapa đời thứ mười sáu. Vị thầy thứ hai là Palden Khyentse Ưser, người đã truyền dạy cho đức Karmapa đời thứ mười sáu giáo pháp Đại thủ ấn (Mahamudra)

    Palden Khyentse Ưser sinh năm 1904 tại Tsurphu, là con trai của đức Karmapa đời thứ mười lăm. Năm 12 tuổi, ông được công nhận là hóa thân tái sinh lần thứ hai của Jamgon Kongtrul Lodrư Thaye.

    Ông đã trải qua nhiều năm học tập ở Tsadra Rinchen Trak, trú xứ của vị Jamgon Kongtrul thứ nhất. Ông học hỏi với nhiều bậc thầy uyên bác và nhận được một nền tảng giáo dục toàn diện cũng như sự truyền thừa giáo pháp từ đức Karmapa.

    Sau khi hoàn tất việc học, ông mở rộng hoạt động giáo hóa ra khắp nơi, mang lại lợi ích cho rất nhiều người ở cả Tây Tạng và Trung Hoa.

    Palden Khyentse Ưser là một trong các bậc thầy nổi tiếng về giáo pháp Đại thủ ấn (Mahamudra), và là người giữ cương vị truyền thụ giáo pháp này.

    Ông viên tịch vào năm 1953. Trong cuộc đời hoằng pháp của mình, chính ông đã truyền thụ giáo pháp Đại thủ ấn (Mahamudra) cho đức Karmapa đời thứ mười sáu là Rangjung Rikpe Dorje.
    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Thầy THÍCH THANH TỪ, Thầy cũ của Thích Chân Quang lên tiếng
    Gửi bởi lamebay trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-17-2019, 01:25 PM
  2. Thông báo ngưng sinh hoạt
    Gửi bởi Thanh Trúc trong mục Nội quy -Thông báo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 11-17-2017, 03:18 PM
  3. Phim Phật Giáo Về Luân Hồi _ Đi Tìm Vị Tiểu Phật Tái Sinh
    Gửi bởi trangsoiduong trong mục Giao lưu tư tưởng
    Trả lời: 2
    Bài cuối: 07-26-2016, 10:08 AM
  4. Canh dưỡng sinh
    Gửi bởi socnho trong mục Chia sẻ những bài thuốc hay
    Trả lời: 97
    Bài cuối: 01-28-2016, 04:31 PM
  5. Câu chuỵên tái sinh
    Gửi bởi muabuon trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 7
    Bài cuối: 08-30-2015, 11:21 AM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •