DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 3/6 ĐầuĐầu 12345 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 60
  1. #21
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ hai: KARMA PAKSHI (1206-1283)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đại sư thứ hai: KARMA PAKSHI (1206-1283)

    Đại sư Karma Pakshi sinh năm 1206 tại Kyil-le Tsakto thuộc miền đông Tây Tạng, trong một gia đình mà cha mẹ đều là các vị hành giả Du-già đáng kính. Ngài được đặt tên là Chưzin.

    Ngay từ thuở nhỏ, ngài đã biểu lộ những phẩm chất của một thiên tài. Chưa được 10 tuổi, ngài đã tinh thông giáo nghĩa Kinh điển và thực hành thiền định đến những mức độ rất sâu xa.

    Với lòng mong muốn được học hỏi tiến xa hơn, ngài lên đường tìm đến miền trung Tây Tạng. Trên đường đi, ngài tình cờ được gặp Pomdrakpa, đệ tử chân truyền của Drogon Rechen, người đã nhận được giáo pháp của dòng Karma Kagyu từ đức Karmapa Dsum Khyenpa.

    Ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, Pomdrakpa đã nhìn thấy một số linh ảnh và thông qua đó ông nhận ra ngay chính cậu bé này là hóa thân của đức Karmapa Dsum Khyenpa tái sinh, đúng như sự mô tả trong bức thư do ngài để lại cho Drogon Rechen.

    Pomdrakpa kiểm tra lại bằng cách mang toàn bộ giáo pháp mà mình đã học được ra thảo luận với cậu bé Chưzin. Điều kỳ diệu đã xảy ra. Chưzin chứng tỏ một sự uyên bác vượt bực và tinh thông hết thảy các phần giáo pháp. Em chỉ cần đọc qua một bản Kinh văn duy nhất một lần là có thể trình bày ngay cả những phần giáo nghĩa sâu thẳm nhất trong đó.

    Mặc dù vậy, Pomdrakpa vẫn yêu cầu cậu học trò nhỏ bắt đầu việc học tập giáo pháp một cách chính thức và nghiêm túc. Truyền thống này về sau được áp dụng đối với tất cả các vị Karmapa tái sinh. Mặc dù một vị Karmapa tái sinh luôn chứng tỏ những tri thức sẵn có từ tiền kiếp, nhưng người đứng đầu tông phái vẫn phải chính thức trao truyền lại cho vị ấy mọi truyền thống của tông phái mình.

    Vị Karmapa đời thứ hai này đã dành trọn gần nửa cuộc đời cho việc thực hành thiền định. Ngài cũng viếng thăm và khôi phục hoạt động của các trung tâm tu học, tự viện mà trước đây vị Karmapa thứ nhất đã thành lập. Một số trong các tu viện ấy đã hoang phế hoặc đổ nát. Ngài tổ chức việc xây dựng hoặc sửa chữa lại tất cả, cũng như làm sống dậy truyền thống tu tập ở từng nơi. Tương truyền là ngài đã phải vay mượn rất nhiều tiền bạc để trang trải cho những khoản chi phí xây dựng. Nhưng khi ngài du hành ngang qua hồ Namtso ở vùng Tsang, ngài đã tìm được một kho châu báu đủ để trả hết các món nợ đã vay.

    Ngài trở nên nổi tiếng khắp nước qua việc hướng dẫn người dân Tây Tạng thực hành trì tụng câu chân ngôn Án ma ni bát di hồng (Om mani padme hum) như một phương tiện kỳ diệu để làm sinh khởi tâm đại Bi. Theo lời dạy của ngài, câu chân ngôn này đã được xưng tụng tập thể ở hầu hết các tu viện, và từ đó về sau trở thành một phần quan trọng trong sự tu tập của tất cả mọi người dân Tây Tạng.

    Danh tiếng về sự tu tập và giáo hóa của ngài ngày càng vang xa, đến tận đất nước Trung Hoa. Vào năm 1251, hoàng tử Mông Cổ lúc bấy giờ là Hốt Tất Liệt (Khubilai, 1215-1294), cháu nội của Thành Cát Tư Hãn (Chinggis Khan, 1167-1227), đã gửi lời thỉnh cầu ngài đến thăm viếng triều đình Mông Cổ. Trong nhiều lần nhập định, ngài đã nhìn thấy những linh ảnh cho biết trước về ảnh hưởng của lần thăm viếng này đối với tiền đồ của phái Karma Kagyu nên ngài vui vẻ nhận lời.

    Chuyến đi mất khoảng 3 năm. Vào năm 1254, ngài được đón chào một cách long trọng trên đường đến thăm triều đình Mông Cổ. Hốt Tất Liệt vui mừng đón tiếp ngài với sự cung kính và tôn trọng. Tuy nhiên, ông tỏ ý muốn ngài biểu hiện năng lực tâm linh để các vị thầy của những tôn giáo khác được nhìn thấy. Ngài chấp nhận lời đề nghị này. Các nhà chép sử Trung Hoa và Tây Tạng cùng với một số người châu Âu có mặt vào thời điểm đó đều kể lại về việc rằng ngài đã thực hiện nhiều phép mầu kỳ diệu ngay giữa triều đình. Điều này khiến cho tất cả mọi người đều kính phục và nhận ra sự siêu việt của ngài. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là ngài đã thành công trong việc hòa giải rất nhiều mối bất đồng trong hoàng tộc vào lúc đó. Mặc dù vậy, ngài đã từ chối lời mời của Hốt Tất Liệt khi ông này muốn ngài lưu lại triều đình Mông Cổ. Điều này làm Hốt Tất Liệt cảm thấy bị xúc phạm và không hài lòng.

    Trong những năm sau đó, ngài vân du khắp nhiều nơi trên đất nước Trung Hoa, Mông Cổ, cũng như nhiều vùng của Tây Tạng và trở thành bậc đạo sư lỗi lạc được tất cả mọi người biết đến. Ngài đặc biệt được Mangu, anh trai của Hốt Tất Liệt , hết sức kính trọng. Vào lúc đó, Mangu đã trở thành vị Đại Hãn (Khan) cai trị Mông Cổ và phần lớn lãnh thổ Trung Hoa. Mangu thỉnh cầu ngài đến thuyết giáo tại triều đình và được ngài nhận lời.

    Theo lời dạy của ngài, Đại Hãn Mangu đã đón mừng việc ngài đến thuyết giảng tại triều đình Mông Cổ bằng một lệnh đại xá cho các phạm nhân. Sau đó, ngài tổ chức các buổi lễ truyền pháp và giảng dạy giáo lý cho rất nhiều người. Vào thời điểm này, ngài nhận ra rằng Mangu vốn đã từng theo học với Karmapa Dsum Khyenpa trong tiền kiếp và khi ấy cũng đã được thành tựu pháp môn Đại thủ ấn.


    Om Mani Padme Hum !

  2. #22
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ hai: KARMA PAKSHI (1206-1283)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Mangu trở thành một Phật tử hết sức nhiệt thành ủng hộ đạo pháp. Ông tổ chức những buổi tranh luận chính thức giữa các bậc thầy ngoại đạo với đức Karmapa Karma Pakshi để qua đó ngài khuất phục tất cả và xiển dương Chánh pháp. Nhờ sự chỉ dạy của ngài, Mangu tiếp tục thực hành công phu tu tập và đạt được nhiều kết quả phi thường. Ông không còn cảm thấy đắm say trong quyền lực chính trị, mà thay vào đó luôn cố gắng thực hiện nhiều điều mang lại sự an vui lợi lạc cho dân chúng.

    Sự giáo hóa của ngài không chỉ giới hạn trong triều đình Mông Cổ mà còn lan rộng ra khắp nơi. Ngài đã khuyên dạy được đa số dân chúng biết ăn chay và thực hành pháp Thập thiện (Mười điều lành). Với sự can thiệp của ngài, đã có rất nhiều tù nhân được ân xá hoặc tha bổng.

    Mặc dù được Đại Hãn Mangu hết lòng kính trọng, ngài không hề lợi dụng điều đó để phát triển tông phái của mình, mà luôn khuyên vị lãnh tụ này dành mọi cơ hội phát triển đồng đều cho các tông phái khác nhau của đạo Phật. Sau khi nhận lời mời của vị Đại Hãn đi du hóa ở nhiều nơi trên đất nước Mông Cổ, ngài từ biệt để trở về Tây Tạng.

    Trong thời gian ngài trên đường trở về Tây Tạng thì Đại Hãn Mangu qua đời vào năm 1260 và Hốt Tất Liệt trở thành người kế vị. Ông này nhanh chóng nắm giữ quyền lực rộng lớn, trải dài đến tận các vùng xa xôi của Miến Điện, Triều Tiên và Tây Tạng. Nhớ lại sự bất mãn trước đây khi ngài đã từ chối lời mời ở lại triều đình của ông nhưng sau đó lại chấp nhận lời thỉnh cầu của Đại Hãn Mangu, Hốt Tất Liệt cho rằng ngài đã cố ý khinh thường ông ta. Vì thế, vị Đại Hãn mới lên ngôi lập tức ra lệnh truy bắt ngài.

    Mặc dù vậy, nhiều toán quân lính được phái đi đều thất bại trong việc bắt giữ ngài. Hốt Tất Liệt nổi giận đã ra lệnh bắn chết ngài tại chỗ, không cần bắt về. Tuy vậy, không một đội quân nào của ông có thể thực hiện được việc đó. Có một lần, ngài bình thản ngồi trì chú trong khi đội quân 37.000 người ồ ạt kéo đến vây chặt quanh ngài. Thế rồi, tất cả bọn họ đều bị đông cứng lại như trong một cơn giá rét cực kỳ. Và khi cơn rét buốt qua đi, tất cả đều khiếp sợ bỏ chạy thay vì là bắt lấy ngài.

    Tuy nhiên, cuối cùng ngài cũng quyết định để cho một toán quân của Hốt Tất Liệt bắt về, vì biết rằng tâm từ bi của ngài đủ sức để cảm hóa vị Đại Hãn này. Quả nhiên, cảm phục trước tấm lòng đại bi và sự bình thản của ngài ngay cả khi phải đối diện với sự thù nghịch và nguy hại, Hốt Tất Liệt bày tỏ sự hối tiếc về hành động đã qua và khẩn cầu được ngài chỉ dạy đạo pháp.

    Sau đó, ngài trở về Tsurphu để thực hiện việc xây dựng một pho tượng đức Phật Thích-ca rất lớn, theo những linh ảnh mà ngài đã nhìn thấy trong suốt một thời gian dài vào những lần nhập định. Tượng Phật này cao đến gần 17 mét. Khi công việc xây dựng hoàn tất, người ta mới phát hiện tượng Phật bị nghiêng sang một bên. Ngài liền nhập định trong tư thế ngồi hơi nghiêng sang một bên giống như tượng Phật. Sau đó, ngài từ từ chuyển mình ngồi thẳng lên. Kỳ diệu thay, khi ấy tượng Phật cũng được chuyển sang tư thế ngay thẳng, không còn nghiêng sang một bên nữa.

    Không chỉ là một bậc đạo sư có công nghiệp hoằng hóa sâu rộng khắp nơi, ngài còn là một học giả vĩ đại. Các nhà sử học ghi nhận rằng ngài đã biên soạn hàng trăm bộ luận, đã từng được lưu giữ trong thư viện của một tu viện ở Tsurphu thuộc miền trung Tây Tạng. Sự nghiệp giáo hóa của ngài đã để lại rất nhiều ảnh hưởng trong dân chúng Tây Tạng cũng như Mông Cổ và Trung Hoa.

    Trước khi viên tịch vào năm 1283, ngài gọi vị đệ tử lớn nhất là Orgyenpa đến và dạy rằng ngài sẽ tái sinh ở miền tây Tây Tạng. Ngài cũng giao phó cho Orgyenpa việc đứng đầu tông phái cho đến khi hậu thân tái sinh của ngài xuất hiện.

    Orgyenpa là một đệ tử xuất sắc nhất của vị Karmapa thứ hai. Ông sinh vào năm Mộc Dần, tức là năm 1230 theo Tây lịch, tại Latư, thuộc miền bắc Tây Tạng, trong một gia đình mà cha mẹ đều là các hành giả tu tập Tan-tra.

    Từ khi còn rất trẻ tuổi, ông đã tinh thông giáo pháp Kim cương thừa và nhiều phần giáo pháp khác do chính cha ông trực tiếp chỉ dạy. Ông có một năng khiếu bẩm sinh ưa thích việc thực hành thiền định, nhưng tự quyết định rằng cần phải học tập và nghiên cứu giáo pháp cho thật tinh thông trước khi thực hành các công phu thiền định sâu xa.


    Om Mani Padme Hum !

  3. #23
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ hai: KARMA PAKSHI (1206-1283)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ông thọ giới ưu-bà-tắc (upsaka) với ngài Gưtsangpa. Từ năm 7 tuổi, ông đã say mê việc học tập và nghiên cứu các giáo pháp căn bản. Năm 16 tuổi, ông bắt đầu theo học và nghiên cứu nhiều bản Kinh văn sâu sắc như Thắng pháp luận (Abhidharma), Trung quán luận (Madhyamaka), Luật tạng (Vinaya), cùng nhiều bộ môn học thuật tinh vi khác tại một tu viện nổi tiếng ở tỉnh Tsang.

    Trong suốt thời gian theo học, ông tỏ ra vượt trội so với tất cả các bạn đồng học và tinh thông tất cả các môn học. Ông cũng được ngài Golungpa Namkha Gyaltsen truyền thụ và cho phép thực hành sâu sắc pháp môn Kalachakra Tantra. Sau đó, ông tiếp tục được ngài Gưtsangpa chỉ dạy để tiến xa hơn.

    Sau đó, ông lên đường hành hương đến rất nhiều thánh tích và tự viện ở Nepal, Ấn Độ, Trung Hoa, Pakistan, Tsari, Kailash, Jalandara, and Odiyana để chiêm ngưỡng và cầu học, cũng như thực hành một cách sâu xa các giáo pháp đã học. Ông đạt được những kết quả phi thường trong việc tu tập và trở thành một bậc thầy Tan-tra nổi tiếng.

    Vào năm 53 tuổi ông mới được gặp đức Karmapa thứ hai, Karma Pakshi, và ngay lập tức được vị này nhận làm đệ tử, truyền thụ cho toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu. Sau khi được thầy truyền dạy mật pháp, ông đạt được sự chứng ngộ ở mức độ rất cao và từ đó luôn theo hầu hạ bên thầy.

    Sự nghiệp giáo hóa lợi sinh của Orgyenpa lan rộng nhiều nơi trên khắp nước Tây Tạng. Trong khi chỉ dạy cho các đệ tử, ông thường tập trung chủ yếu vào các phần giáo pháp Đại thủ ấn thuộc truyền thống của ngài Gampopa.

    Ông có rất nhiều đệ tử. Trong số đó, các vị nổi bật hơn cả là Nyedowa, Chưje Kharchuwa, Jamyang Sưnam Ưser. Ngoài ra còn có rất nhiều các vị học giả cũng như hành giả Du-già ở cả Tây Tạng và Ấn Độ. Nhưng người đệ tử quan trọng nhất mà sau này ông đã trao lại cương vị đứng đầu phái Karma Kagyu chính là Rangjung Dorje, hậu thân của đức Karmapa đời thứ hai tái sinh.

    Ông viên tịch vào năm 1312 sau khi đã hoàn tất trọng trách được thầy giao phó.

    Đức Karmapa thứ hai sau khi thể hiện một cuộc đời giáo hóa siêu việt đã tiếp tục thực hiện lời đại nguyện từ tiền kiếp bằng cách tái sinh tại miền tây Tây Tạng đúng như lời dự báo, để rồi nhận lại vai trò dẫn dắt tông phái Karma Kagyu từ chính người đệ tử trước đây của mình.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #24
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ ba: RANGJUNG DORJE (1284-1339)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đại sư thứ ba: RANGJUNG DORJE (1284-1339)



    Đại sư Rangjung Dorje sinh tại Dingri Langkor ở vùng Tsang thuộc miền trung Tây Tạng, vào năm Mộc Thân, tức năm 1284 theo Tây lịch, trong một gia đình mà cha mẹ đều là các hành giả Tan-tra tu tập theo truyền thống tông Nyingma (Ninh-mã).

    Năm đại sư lên 3 tuổi, điều kỳ lạ đã xảy ra. Một hôm, trong khi đang chơi đùa với những đứa trẻ khác, ngài bỗng ngồi lại trong tư thế ngay ngắn và dõng dạc tuyên bố rằng mình là một vị Karmapa.

    Khi lên 5 tuổi, ngài tự ý tìm đến gặp Orgyenpa. Trong đêm trước đó, Orgyenpa có một giấc mộng báo trước việc này nên đã chuẩn bị sẵn sàng để đón tiếp cậu bé hóa thân này. Ngay khi gặp nhau, Orgyenpa nhận ra ngay đây chính là hóa thân tái sinh của thầy mình, nên ông trao cho cậu bé một vương miện kim cương màu đen – biểu tượng của một vị Karmapa hóa thân – cùng với tất cả những vật sở hữu trước đây của ngài Karma Pakshi mà ông còn giữ lại.

    Từ đó, ngài Rangjung Dorje được đưa đến nuôi dưỡng và dạy dỗ tại Tsurphu. Ngài không chỉ được truyền dạy toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu mà còn được học cả những giáo pháp truyền thống của phái Nyingma (Ninh-mã).

    Vào năm 17 tuổi (1301), ngài được truyền thụ những giáo pháp và nghi lễ cần thiết để chuẩn bị xuất gia. Sau đó, ngài trải qua một thời gian ẩn cư tu tập trên sườn núi Everest, rồi chính thức thọ giới cụ túc để trở thành một vị Tỳ-kheo. Thời gian sau, ngài đến học tập nghiên cứu chuyên sâu ở một trung tâm tu học lớn thuộc dòng Khadampa.

    Không tự hài lòng với những gì đã học được, ngài tiếp tục tìm đến cầu học với nhiều bậc danh sư và học giả đương thời thuộc nhiều truyền thống khác nhau. Khi hoàn tất quá trình tham học, ngài trở thành vị học giả đầu tiên của Tây Tạng tinh thông hầu như tất cả các học thuyết và Kinh điển hiện có tại Tây Tạng vào thời đó. Ngài chứng tỏ một năng lực học tập siêu phàm và một sự khát khao kiến thức chưa từng có về đủ mọi phương diện học thuật.

    Trong một lần nhập định vào năm 34 tuổi (1318), ngài nhìn thấy một số linh ảnh và qua đó nhận được sự truyền dạy về giáo pháp Thời luân (Klacakra). Sau đó, ngài là người đã cải tổ lại hệ thống Thiên văn học của Tây Tạng để trở nên chính xác và hoàn chỉnh hơn. Hệ thống này cho đến nay vẫn còn được sử dụng với tên gọi là hệ thống Tsur-tsi, hay còn gọi là hệ thống thiên văn theo truyền thống Tsurphu. Hệ thống này được sử dụng làm nền tảng cho việc tính toán lịch pháp ở Tsurphu. Ngài cũng nghiên cứu tinh thông nền y học đương thời của Tây Tạng.

    Đặc biệt, ngài học tập thông thạo cả giáo pháp truyền thống Đại cứu cánh (Vimalamitra) của tông Nyingma (Ninh-mã). Qua đó, ngài hợp nhất giáo pháp Đại thủ ấn (phyachen) của dòng Karma Kagyu và giáo pháp Đại cứu cánh (dzogchen) của dòng Nyingma để hình thành một chi phái mới là Karma Nyingtik.

    Sự uyên bác của ngài được tất cả các học giả đương thời thừa nhận và kính phục, bởi ngài đã đạt đến mức tinh thông hầu như tất cả các giáo pháp khác nhau được các bậc thầy khác nhau truyền dạy, cả trong giai đoạn cổ sơ cũng như vào thời kỳ chấn hưng Phật giáo tại Tây Tạng. Ngài cũng nghiên cứu sâu và so sánh tất cả các phần giáo pháp đã học để rút ra những phần tinh túy nhất và biên soạn thành nhiều tác phẩm luận giải cực kỳ quý giá. Nổi tiếng nhất trong số đó là cuốn luận Nội pháp vi diệu nghĩa (zab-mo-nang-don), trong đó nêu lên những điểm tinh yếu nhất của giáo pháp Kim cương thừa (Vajra¬yna).

    Om Mani Padme Hum !

  5. #25
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ ba: RANGJUNG DORJE (1284-1339)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Về sau, ngài đi khắp nước Tây Tạng để truyền dạy giáo pháp. Danh tiếng của ngài vang xa đến tận triều đình Trung Hoa. Lúc bấy giờ, Mông Cổ đã chiếm Trung Hoa (kể từ năm 1279) và lập nên nhà Nguyên. Hoàng đế nhà Nguyên khi ấy là Văn Tông sai người sang thỉnh cầu ngài đến Trung Hoa truyền pháp. Nhằm mở rộng sự giáo hóa, ngài chấp nhận lời thỉnh cầu đó và lên đường đến Trung Hoa. Tuy nhiên, trên đường đi ngài nhìn thấy một số linh ảnh và biết là Văn Tông đã băng hà. Khi ngài đến triều đình Trung Hoa vào tháng 10 năm 1332 thì quả thật vua Văn Tông đã mất. Tuy nhiên, triều đình vẫn đón tiếp ngài rất trọng thể, và ngài làm lễ truyền pháp cho một đệ tử ở đó là Thiếp Mộc Nhĩ, người sẽ kế vị ngai vàng. Ngài đã khuyên ông này nên chờ đợi trong 6 tháng trước khi lên ngôi. Khi làm lễ truyền pháp cho ông này, ngài đã dự báo rằng ông sẽ là vị vua cai trị lâu dài nhất so với tất cả các vị vua triều Nguyên. Quả nhiên, sau khi lên ngôi, Thiếp Mộc Nhĩ lấy hiệu là Thuận Đế và trị vì đến 35 năm, lâu nhất trong số các vua triều Nguyên.

    Ngài ở lại Trung Hoa trong 2 năm sau đó và thành lập nhiều tự viện, trung tâm tu học. Sau đó, ngài lên đường trở về Tây Tạng.

    Về đến Tây Tạng, ngài tiếp tục công việc hoằng hóa khắp nơi và thành lập được rất nhiều tu viện. Sau đó, nhận lời mời của Nguyên Thuận Đế, ngài lên đường sang Trung Hoa một lần nữa.

    Chuyến đi này trở thành cuộc hoằng hóa cuối cùng của ngài. Trên suốt chặng đường đi, ngài dừng lại rất nhiều nơi để giảng dạy giáo pháp và tiếp nhận rất nhiều đệ tử. Khi đến Trung Hoa, ngài cũng thành lập tại đây một ngôi chùa lớn, về sau trở thành trụ xứ của phái Karma Kagyu tại nước này. Tương truyền ngài đã dùng sức chú nguyện để hóa giải một trận thiên tai dữ dội, giúp nhân dân thoát khỏi nạn đói kém.

    Vua Thuận Đế và hoàng hậu hết mực tôn kính ngài như bậc thầy vĩ đại nhất nên thường xuyên đến thăm viếng để được nghe những lời dạy bảo của ngài.

    Ngày 14 tháng 6 năm 1339, ngài nói với vua Thuận Đế và hoàng hậu là mình sắp viên tịch. Sau đó, ngài nhập định và viên tịch trong tư thế đại định. Vào đêm hôm đó, tất cả mọi người đều nhìn thấy hình ảnh của ngài hiện ra giữa mặt trăng sáng rõ trên bầu trời trong xanh.

    Trước khi viên tịch, đức Karmapa đời thứ ba đã giao lại vai trò đứng đầu dòng Karma Kagyu cho vị đệ tử lớn của mình là Gyalwa Yungtưnpa, cùng với trách nhiệm tìm ra và giao lại cương vị này cho hóa thân tái sinh của ngài là vị Karmapa đời thứ tư.

    Gyalwa Yungtưnpa ra đời vào năm Mộc Tỵ (1296), trong một gia đình tu tập theo truyền thống Tan-tra của phái Nyingma (Ninh-mã), tại Tsongdu Gurmo thuộc miền nam Tây Tạng. Ông được cha mẹ đặt tên là Dorje Bm.

    Từ thuở nhỏ ông đã bắt đầu theo học đầy đủ các ngành học và chứng tỏ một khả năng xuất chúng trong việc tiếp nhận Kinh điển và giáo pháp Tan-tra. Phần lớn thời gian học tập của ông là ở Shalu. Ông được Zur Champa Senge truyền dạy các phần giáo pháp Du-già của pháp môn Đại cứu cánh (Dzogchen). Sau đó ông cũng được Shangpa Shakbum truyền dạy các giáo pháp Yamantaka Abhisheka. Ông học hỏi và tu tập một cách chuyên cần dưới sự dẫn dắt của nhiều bậc thầy danh tiếng.

    Khi còn trẻ, Gyalwa Yungtưnpa đã cúng dường nhiều khoản tiền lớn cho các tự viện ở Sakya, Trophu, Shalu, và Sangphu. Ông đã lập gia đình theo ý muốn của mẹ ông, nhưng ngay khi đứa con đầu tiên vừa chào đời, ông đã xin phép được xuất gia. Yêu cầu của ông được gia đình chấp nhận, và ông trở thành một vị Tỳ-kheo với pháp hiệu là Dorje Pal.

    Sau đó, ông gặp được đức Karmapa đời thứ ba là Rangjung Dorje và được ngài nhận làm đệ tử, truyền thụ cho toàn bộ giáo pháp truyền thống của dòng Karma Kagyu. Không bao lâu sau đó, ông đã đạt được sự chứng ngộ sâu xa. Ông tiếp tục tu tập tại Tây Tạng cũng như ở các vùng Paro và Bhutan trong nhiều năm sau đó.

    Ông đã biên soạn nhiều bản luận văn trình bày những nhận thức mới về tánh Phật trong Kinh điển và các Tan-tra. Điều này đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với các học giả đương thời. Nhiều Luận sư đã cùng ông tranh biện và bị ông khuất phục, chẳng hạn như Luận sư Yakde Panchen, sau đó đã trở thành đệ tử của ông.

    Ông bộc lộ những phẩm chất của một bậc ẩn sĩ Du-già và tấm lòng vị tha quảng đại lợi ích cho muôn loài. Ông viên tịch vào năm Mộc Tỵ (1376) khi được 82 tuổi, sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ được đức Karmapa đời thứ ba giao phó. Đó là tìm ra và giao lại vai trò dẫn dắt tông phái cho hóa thân tái sinh của ngài: đức Karmapa đời thứ tư Rolpe Dorje. Có nhiều hiện tượng mầu nhiệm cho thấy sự chứng ngộ của ông đã xảy ra ngay trong ngày ông viên tịch.


    Om Mani Padme Hum !

  6. #26
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ tư:ROLPE DORJE (1340-1383)
    __________________________________________________ ______________________________________



    Đại sư thứ tư: ROLPE DORJE (1340-1383)


    Đại sư Rolpe Dorje sinh ngày 8 tháng 3 năm Kim Thìn (1340), tại tỉnh Kongpo thuộc miền trung Tây Tạng. Trong khi mang thai ngài, người mẹ thường xuyên nghe thấy âm thanh tụng đọc câu chân ngôn “Án ma ni bát di hồng” vang lên từ trong bụng, và ngay khi vừa sinh ra ngài đã tụng đọc được câu chân ngôn này. Khi vừa lên 3 tuổi, ngài đã tuyên bố rằng mình là một vị Karmapa tái sinh.

    Những năm tháng tuổi thơ của ngài là một chuỗi dài những điều kỳ diệu. Ngay từ rất sớm, ngài đã chứng tỏ năng lực của một vị Karmapa tái sinh qua việc thực hiện những việc phi thường mà không ai có thể ngờ được. Chẳng hạn, ngài có thể cầm lên một quyển Kinh sách bất kỳ rồi đọc qua và giảng giải những ý nghĩa sâu xa trong đó; hoặc ngài thường xuyên tiếp nhận những phần giáo lý cao siêu trong giấc mơ của mình.

    Từ khi còn ở độ tuổi thiếu niên, ngài đã nhận được sự truyền thừa chính thức của cả dòng Karma Kagyu và dòng Nyingma (Ninh-mã) từ bậc thầy Gyalwa Yungtưnpa, vị đại đệ tử của đức Karmapa đời thứ ba.

    Năm 14 tuổi, ngài thọ giới sa-di với Dondrup Pal Rinpoche và được ban pháp danh là Dharmakirti. Đến năm 18 tuổi, ngài cũng thọ giới cụ túc với vị này để chính thức trở thành một vị Tỳ-kheo.

    Năm ngài được 19 tuổi (1359), vua Thuận Đế nhà Nguyên gửi lời thỉnh cầu ngài đến hoằng hóa tại Trung Hoa. Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu đó và lên đường sang Trung Hoa. Đây là một chuyến đi gian khổ và lâu dài, vì ngài quyết định nhân dịp này cũng dừng lại ở rất nhiều nơi để truyền dạy giáo pháp. Khi đến Trung Hoa, ngài ở lại hoằng hóa trong 3 năm và thành lập tại đây rất nhiều chùa chiền, tu viện. Dân chúng nhận được sự giáo hóa của ngài đã mang đến cúng dường rất nhiều tiền bạc và của cải. Ngài sử dụng tất cả những thứ ấy để phân phát cho người nghèo cũng như dành một phần cho việc xây dựng các tu viện.

    Trên đường trở về Tây Tạng sau đó, ngài dừng chân ở vùng Tsongkha và làm lễ quy y cho một cậu bé rất đặc biệt mà ngài đã nhìn thấy trước sau này sẽ trở thành một nhân vật quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng. Cậu bé này chính là Kunga Nyingpo, sau này được biết đến với tên gọi Tông-khách-ba (Tsongkhapa) người sáng lập phái Cách-lỗ (Gelugpa) hay Hoàng phái của Tây Tạng. Đây chính là tông phái sản sinh ra các vị Đạt-lai Lạt-ma nổi tiếng của Tây Tạng.

    Thuận Đế là vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyên. Khi Chu Nguyên Chương thành công trong việc xua đuổi người Mông Cổ ra khỏi đất Trung Hoa và lập nên nhà Minh (1368), tức Minh Thái Tổ, ông này cũng có lời thỉnh cầu ngài sang truyền pháp. Tuy nhiên, lần này ngài đã cử một vị Lạt-ma sang Trung Hoa thay mình.

    Đức Karmapa đời thứ tư là một nhà thơ và nhà soạn nhạc thiên tài. Trong suốt cuộc đời mình, ngài sáng tác rất nhiều bài ca để ngợi ca và truyền bá giáo pháp, được phổ biến rộng rãi. Ngài cũng để lại nhiều tập thơ mà ngài ngẫu hứng viết ra trong nhiều dịp khác nhau, chẳng hạn như khi ngài chứng ngộ được các phần giáo pháp khác nhau hoặc khi ngài viếng thăm và lễ bái các thánh tích.

    Ngài đặc biệt yêu thích thơ ca Ấn Độ. Tuy nhiên, sáng tạo nghệ thuật vĩ đại nhất trong đời ngài là một bức tranh lụa khổng lồ (thangka) lấy cảm hứng từ một giấc mơ được một đệ tử của ngài kể lại.

    Trong giấc mơ, người đệ tử này nhìn thấy hình tượng đức Phật Thích-ca với chiều cao hơn trăm mét. Sau khi được nghe mô tả lại, đức Karmapa đã chọn một khu đất trống rộng lớn và cưỡi ngựa chạy trên đó, dùng những dấu chân ngựa để vẽ thành bức tranh theo cảm hứng sáng tạo của ngài. Sau đó, người ta dùng một tấm lụa khổng lồ để sao chép bức tranh này lên đó bằng cách đo chính xác khoảng cách giữa những dấu chân ngựa.

    Phải mất hơn một năm với sự làm việc cật lực của 500 người thợ để hoàn thành bức tranh. Nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại chưa từng có, trên đó miêu tả đức Phật Thích-ca cùng với Bồ Tát Di-lặc và Bồ Tát Văn-thù.

    Ngài viên tịch vào tháng 7 năm Thủy Hợi (1383) tại miền đông Tây Tạng. Tro cốt và xá-lợi của ngài sau lễ hỏa táng được đưa đến Tsurphu và được thờ phụng tại đó.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #27
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ tư:ROLPE DORJE (1340-1383)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Trong số rất nhiều đệ tử của ngài, nổi bật nhất là vị Shamar Rinpoche tái sinh, Khachư Wangpo. Ngài đã truyền lại cương vị đứng đầu dòng Karma Kagyu cho vị này trong thời gian chờ đợi sự tái sinh của ngài theo đại nguyện.

    Khachư Wangpo sinh ra ở Chema-lung thuộc Namshung, miền bắc Tây Tạng, vào năm Kim Dần (1350). Ông được đức Karmapa đời thứ tư xác nhận chính là hậu thân tái sinh của vị Shamar Rinpoche đời thứ nhất. Vị này sinh năm 1283 và viên tịch năm 1349.

    Từ thuở nhỏ, ông đã thường được thấy rất nhiều linh ảnh. Năm lên 7 tuổi, ông được gặp đức Karmapa đời thứ tư là Rolpe Dorje và được truyền giới ưu-bà-tắc cùng với Bồ Tát giới. Đức Karmapa cũng truyền dạy cho ông giáo pháp Kim cương thừa và giáo pháp Đại thủ ấn, cùng với sáu pháp Du-già của ngài Naropa và mật pháp của dòng Karma Kagyu.

    Khachư Wangpo cũng nghiên cứu kinh điển và giáo pháp Tan-tra với rất nhiều bậc thầy danh tiếng của dòng Karma Kagyu và dòng Nyingma (Ninh-mã).

    Đức Karmapa đời thứ tư là Rolpe Dorje đã xác nhận và tổ chức lễ thụ phong cho ông là vị Shamar thứ hai. Khi đức Karmapa đời thứ tư viên tịch, ông được giao trách nhiệm tiếp tục điều hành mọi hoạt động của dòng Karma Kagyu. Ông cũng được dự kiến sẽ là vị thầy truyền pháp cho đức Karmapa đời thứ năm.

    Khachư Wangpo là một trong số những bậc thầy đầu tiên đã biên soạn và ghi chép những giáo pháp căn bản để truyền cho đời sau. Ông để lại cả thảy 8 bộ sách lớn.

    Ông viên tịch vào năm Mộc Dậu (1405), khi được 55 tuổi. Người ta đã chứng kiến rất nhiều hiện tượng mầu nhiệm xảy ra vào lúc ông viên tịch, cho thấy rõ sự chứng ngộ của ông.

    Khachư Wangpo có rất nhiều đệ tử. Nổi bật trong số đó là Sokwưn Rikpe Raldri, người mà về sau trở thành vị thầy truyền pháp của đức Karmapa đời thứ sáu là Thongwa Dhưnden. Bản thân ông là vị thầy truyền pháp cho đức Karmapa đời thứ năm là Dezhin Shekpa.


    Om Mani Padme Hum !

  8. #28
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ năm: DEZHIN SHEKPA (1384-1415)
    __________________________________________________ ______________________________________

    Đại sư thứ năm

    DEZHIN SHEKPA (1384-1415)

    Đại sư sinh năm 1384 tại vùng Nyang Dam thuộc miền nam Tây Tạng, trong một gia đình mà cha mẹ đều thực hành pháp Du-già. Trong thời gian mang thai ngài, người ta thường nghe thấy tiếng tụng đọc các mẫu tự Phạn ngữ (Sanskrit) trong bụng người mẹ, cùng với tiếng niệm chú Om Ah Ham. Không bao lâu sau khi sinh ra, đứa bé bỗng ngồi thẳng dậy, đưa tay vuốt mặt và dõng dạc nói: “Ta là một vị Karmapa.” Và sau đó đứa bé đọc lớn câu thần chú: “Án ma ni bát di hồng.” (Om Mani Padme Hum)

    Khi đứa bé được mang đến Tsawa Phu ở Kongpo, vị đệ tử của đức Karmapa thứ tư, ngài Khachư Wangpo ngay lập tức nhận ra đây chính là hóa thân tái sinh của thầy mình là ngài Rolpe Dorje. Ông liền trao cho đứa bé chiếc vương miện kim cương màu đen – biểu tượng của một vị Karmapa – và tất cả những vật sở hữu của đức Karmapa đời thứ tư mà ông còn giữ được. Sau đó, chính ông là người truyền thụ toàn bộ giáo pháp mật truyền của dòng Karma Kagyu, và vị Karmapa tái sinh này nhanh chóng nắm hiểu tất cả những gì được chỉ dạy.

    Vào thời nhà Minh ở Trung Hoa, vua Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) có lần cho người sang Tây Tạng thỉnh cầu đức Karmapa đời thứ tư sang Trung Hoa truyền pháp, nhưng ngài đã từ chối và cử một vị Lạt-ma đi thay. Vào năm 1406, hoàng đế nhà Minh bấy giờ là Minh Thành Tổ nằm mộng thấy đức Karmapa hiện ra trong hình dạng của Bồ Tát Quán Thế Âm, vị Bồ Tát của lòng đại bi. Sau đó, ông liền sai sứ sang Tây Tạng thỉnh cầu đức Karmapa đời thứ năm sang viếng thăm Trung Hoa.

    Năm đó, đức Karmapa đời thứ năm được 22 tuổi (1406), ngài quyết định nhận lời thỉnh cầu của hoàng đế nhà Minh và thực hiện một chuyến đi dài 3 năm sang Trung Hoa để truyền pháp. Vua Thành Tổ nhà Minh được tin hết sức vui mừng, tổ chức việc tiếp đón ngài rất trọng thể, với sự quy tụ của 10.000 vị tăng Trung Hoa. Sau đó, vị hoàng đế này tôn ngài làm đạo sư và trở thành một đệ tử hết sức thuần thành.

    Tài liệu ở Trung Hoa ghi lại rằng vào dịp này đức Karmapa đã đáp lại nhiệt tâm và sự thành tín của hoàng đế bằng cách hiển lộ cho tất cả mọi người đều được thấy nhiều phép mầu vi diệu trong suốt 100 ngày. Hoàng đế đã ra lệnh ghi lại các hiện tượng mầu nhiệm này bằng cách vẽ những bức tranh lụa với lời ghi chép cặn kẽ về từng hiện tượng, chẳng hạn như cầu vồng ngũ sắc, những đám mây lành vây phủ không trung với hình ảnh các vị Thánh chúng hiện ra, mưa nhẹ với hương thơm tràn ngập trong không khí, hào quang chiếu sáng từ chỗ ngài cư ngụ, và sau đó là phát ra từ pho tượng Phật trên chánh điện, cùng với vô số những hiện tượng nhiệm mầu và kỳ lạ khác. Một trong những bức tranh lịch sử này hiện vẫn còn được lưu giữ tại Tsurphu, Tây Tạng. Hoàng đế đã ngự bút đề thơ trên những bức tranh lụa đó, và những lời ghi chép thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ như Trung Hoa, Tây Tạng, Mông Cổ...

    Tuy nhiên, hiện tượng mầu nhiệm để lại nhiều ấn tượng nhất đối với Minh Thành Tổ là vào khi kết thúc lễ cúng dường kéo dài nhiều ngày, ông nhìn thấy đức Karmapa trong tư thế thiền định với một vương miện kim cương màu đen hiện ra trên đầu ngài. Vương miện này trước đây do các vị không hành nữ (ḍkinỵ) dâng cúng cho đức Karmapa đời thứ nhất, và từ đó luôn xuất hiện trên đầu các vị Karmapa tái sinh như một biểu tượng riêng đặc biệt của các ngài. Tuy nhiên, những người bình thường không ai có thể nhìn thấy được. Khi hoàng đế Minh Thành Tổ nhìn thấy được vương miện kim cương cực kỳ trang nghiêm xinh đẹp này, ông đã vô cùng xúc động. Vì thế, ông ra lệnh tuyển chọn những người thợ kim hoàn khéo léo nhất và quyết định mô phỏng theo hình ảnh đã nhìn thấy để làm ra một vương miện tương tự như thế, được trang điểm bằng vàng ròng và nhiều loại ngọc quý nhất trong thiên hạ. Sau đó, ông dâng cúng vương miện này cho vị đạo sư của mình và đề nghị ngài đội vương miện này trong những buổi lễ truyền pháp cho các đệ tử. Đây chính là khởi đầu của nghi lễ này trong dòng Karma Kagyu. Hoàng đế cũng tôn xưng ngài danh hiệu Đại Bảo Pháp Vương.


    Om Mani Padme Hum !

  9. #29
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ năm: DEZHIN SHEKPA (1384-1415)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Trong thời gian lưu lại Trung Hoa, đức Karmapa đời thứ năm cũng có một cuộc hành hương đến thánh tích Ngũ Đài Sơn để lễ bái và thăm viếng các tu viện dòng Karma Kagyu đã được các vị Karmapa thành lập từ trước kia.

    Với lòng tin tưởng nhiệt thành vào đức Karmapa, Minh Thành Tổ đã bí mật chuẩn bị xua quân tấn công Tây Tạng để thống nhất tất cả các tông phái ở đó. Ông cho rằng làm như thế sẽ giúp phái Karma Kagyu trở thành tông phái duy nhất ở Tây Tạng, vì ông cho rằng chỉ có giáo pháp do vị đạo sư của ông truyền dạy là cao siêu nhất.

    Đức Karmapa thứ năm biết được tin này liền lập tức đến gặp hoàng đế và chỉ rõ rằng quan điểm của ông là hoàn toàn sai lầm. Ngài nói, chỉ một tông phái duy nhất thì không thể tiếp nhận và dạy dỗ tất cả mọi người, bởi vì bao giờ cũng có nhiều hạng người khác nhau cần đến những sự dạy dỗ, giáo hóa khác nhau. Minh Thành Tổ hiểu ra được vấn đề và quyết định bãi bỏ việc tấn công Tây Tạng. Hơn thế nữa, dưới sự dẫn dắt của đức Karmapa, không bao lâu bản thân hoàng đế đã đạt được những sự chứng ngộ nhất định. Vì thế, càng ngày ông càng tin tưởng tuyệt đối vào vị đạo sư của mình.

    Năm 1408, đức Karmapa Dezhin Shegpa ngài lên đường trở về Tây Tạng. Hoàng đế Minh Thành Tổ hết lòng muốn lưu giữ ngài lại Trung Hoa nhưng ngài vẫn quyết tâm trở về. Tại Tây Tạng, ngài chủ trì việc tu sửa lại tu viên ở Tsurphu, lúc đó đã bị đổ nát sau một cơn động đất. Ngài cũng khơi dậy công cuộc truyền bá giáo pháp tại nơi đây bằng cách dành trọn 3 năm nỗ lực tu tập và hành trì tại đó.

    Sau đó, ngài báo trước với các đệ tử về sự viên tịch sớm của mình, để lại những lời chỉ dẫn về hậu thân sẽ tái sinh của ngài ở Ngomtư Shakyam, gần Karma Gưn thuộc miền đông Tây Tạng.

    Ngài viên tịch vào năm 1415, khi mới vừa 31 tuổi. Sau lễ hỏa táng, các vị đệ tử nhặt được nhiều mẩu xương còn lại có hình tượng của các vị Phật.

    Vị đệ tử của ngài được giao lại trọng trách đứng đầu dòng Karma Kagyu là Ratnabhadra, cũng được tôn xưng là Rikpe Raltri, với tên chính thức và đầy đủ là Sokwưn Rinchen Sangpo, sống vào thế kỷ 15 nhưng không rõ năm sinh và năm mất.

    Ratnabadra sinh ra trong gia đình Soksam-khar Drongbu Goshir nổi tiếng ở vùng Soksam. Ông xuất gia và sống trong tu viện ngay từ khi còn trẻ. Ông đã học tập tất cả những phần giáo lý cao siêu nhất của đạo Phật cũng như các bộ môn triết học, luận lý học và nhiều môn học khác tại Palden Sangphu.

    Sau đó, ông thực hiện một chuyến đi dài, thăm viếng hầu hết các trung tâm tu học lớn ở Tây Tạng và tham gia những cuộc tranh biện về bốn chủ đề lớn là Trung quán luận, Bát-nhã, Kim cương thừa và A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận. Ông trở thành một trong các vị học giả nghiên cứu về Kinh điển và Tan-tra lớn nhất Tây Tạng. Vì thế, ông được tôn xưng là Rikpe Raltri, có nghĩa là: “lưỡi gươm triết học và lý luận”.

    Ông được đức Karmapa đời thứ năm nhận làm đệ tử và truyền thụ toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu. Thông qua việc thực hành giáo pháp này, ông đạt đến sự chứng ngộ hoàn toàn về thực tại tối thượng và trở thành một trong các bậc thầy về thiền định lỗi lạc nhất của Tây Tạng.

    Ratnabhadra là người đã truyền lại giáo pháp cũng như vai trò lãnh đạo dòng Karma Kagyu cho vị Karmapa đời thứ sáu là Thongwa Dhưnden.


    Om Mani Padme Hum !

  10. #30
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
    Đại sư thứ sáu: THONGWA DHÖNDEN (1416-1453)
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đại sư thứ sáu:

    THONGWA DHÖNDEN (1416-1453)

    Đại sư Thongwa Dhonden sinh năm 1416 ở Ngomtư Shakyam, gần Karma Gưn thuộc miền đông Tây Tạng, trong một gia đình mà cha mẹ đều là những người chuyên cần thực hành pháp môn Du-già. Không lâu sau khi sinh ngài ra, một hôm người mẹ đang dắt ngài đi trên đường thì tình cờ gặp đại sư Ngompa Chadral, một trong số các vị đệ tử của đức Karmapa đời thứ năm. Bấy giờ, cậu bé bỗng có dấu hiệu phấn khích kỳ lạ, khiến người mẹ lấy làm ngạc nhiên phải dừng lại. Đại sư Ngompa Chadral chú ý ngay đến cậu bé và bước đến hỏi: “Tên em là gì?” Cậu bé mỉm cười đáp: “Ta là Karmapa.”

    Đại sư Ngompa Chadral liền xin phép cha mẹ cậu bé kỳ lạ ấy để được nuôi dưỡng em trong 7 tháng rồi đưa đến Karma Gưn.

    Cậu bé Thongwa Dưnden ngay sau đó đã chứng tỏ khả năng giảng dạy của mình. Vị Shamar Rinpoche đời thứ ba là Chopal Yeshe đã tìm đến Karma Gưn trong giai đoạn này để tiến hành nghi lễ công nhận đây là hóa thân tái sinh của vị Karmapa đời thứ sáu. Sau đó, Thongwa Dưnden được học tập Kinh điển cũng như nhận sự truyền thừa giáo pháp của dòng Karma Kagyu từ các vị Shamar Chopal Yeshe, Jamyang Drakpa, và Khenchen Nyephuwa. Đặc biệt, ngài được nhận truyền thừa toàn bộ giáo pháp mật truyền của dòng Karma Kagyu từ Ratnabhadra, người đang giữ cương vị đứng đầu Tông phái.

    Ngay từ những năm tuổi trẻ, Thongwa Dưnden đã bắt đầu biên soạn nhiều quyển Luật nghi quy định lại một cách rõ ràng các nghi thức Tan-tra mà trước đó dòng Karma Kagyu thường chỉ vay mượn từ các Tông phái khác. Các nghi thức này về sau được sử dụng trong truyền thống tu tập của phái Kamtsang. Ngài cũng là người đã hợp nhất các dòng Shangpa Karma Kagyu và Shijay vào với dòng Karma Kagyu.

    Là một người hoạt động tích cực và năng nổ, ngài đã dành phần lớn công sức vào việc trước tác, biên soạn và giảng thuyết, khôi phục được nhiều trung tâm tu học tại Tây Tạng, xúc tiến việc in ấn kinh sách và củng cố Tăng đoàn. Ngài cũng bắt đầu phát triển hệ thống Shedra trong dòng Karma Kagyu, một hệ thống đào tạo Tăng sĩ tương tự như các Phật học cao cấp hiện nay.

    Trước khi viên tịch một năm, đức Karmapa đời thứ sáu đã báo trước với các đệ tử của mình. Ngài ẩn cư trong một thời gian tại Kongpo, thuộc miền nam Tây Tạng. Trong thời gian đó, ngài chính thức giao quyền dẫn dắt tông phái cho vị Gyaltsab thứ nhất là Goshir Paljor Dưndrup trách nhiệm dẫn dắt phái Karma Kagyu trong thời gian chờ đợi ngài tái sinh, và để lại một di thư nói rõ nơi ngài sẽ tái sinh.

    Đại sư Thongwa Dưnden, đức Karmapa đời thứ sáu của dòng Karma Kagyu, đã viên tịch vào năm 1453, khi ngài được 37 tuổi. Sau lễ hỏa táng, các vị đệ tử tìm được rất nhiều xá-lợi trong tro cốt của ngài.

    Một trong các đệ tử kế thừa giáo pháp của đức Karmapa đời thứ sáu là Pengar Jampal Zangpo, tác giả tập “Nghi thức cầu nguyện Đại thủ ấn” được truyền tụng rộng rãi về sau, và tập “Lược tụng Kim cương thừa” được sử dụng trong tất cả các tự viện thuộc dòng Karma Kagyu.



    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 2 người đọc bài này. (0 thành viên và 2 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Thầy THÍCH THANH TỪ, Thầy cũ của Thích Chân Quang lên tiếng
    Gửi bởi lamebay trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-17-2019, 01:25 PM
  2. Thông báo ngưng sinh hoạt
    Gửi bởi Thanh Trúc trong mục Nội quy -Thông báo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 11-17-2017, 03:18 PM
  3. Phim Phật Giáo Về Luân Hồi _ Đi Tìm Vị Tiểu Phật Tái Sinh
    Gửi bởi trangsoiduong trong mục Giao lưu tư tưởng
    Trả lời: 2
    Bài cuối: 07-26-2016, 10:08 AM
  4. Canh dưỡng sinh
    Gửi bởi socnho trong mục Chia sẻ những bài thuốc hay
    Trả lời: 97
    Bài cuối: 01-28-2016, 04:31 PM
  5. Câu chuỵên tái sinh
    Gửi bởi muabuon trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 7
    Bài cuối: 08-30-2015, 11:21 AM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •