PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
Phần 8
__________________________________________________ ______________________________________


38/ Ngày hai mươi bảy tháng sáu

Tại Ấn Độ, lúc Phật chưa ra đời, các tà sư ngoại đạo phân nhóm với nhau, thường được gọi là lục sư ngoại đạo. Mỗi ngoại đạo có mười lăm đệ tử. Thầy trò tính chung, tổng cộng thành chín mươi sáu, tức xưng là chín mươi sáu ngoại đạo. Trong đó, có một tông phái rất tương đồng với Phật giáo, nên trừ ra chỉ còn chín mươi lăm tông. Trong chín mươi lăm tông phái, tông chỉ cách thức tu hành của mỗi tông phái không đồng. Tuy nói tu hành, nhưng lý lẽ đều không rõ ràng, chỉ nghị luận điên điên đảo đảo. Song, vẫn có nhiều người theo học. Xưa kia, ở nước Tàu có hoàng đế Hiên Viên, nhân đi dạo chơi nơi núi Không Động tại Quảng Thành, bảo rằng đến đó để tu hành. Vua Phục Hy vẽ hình bát quái, cũng bảo là tu đạo. Lý Lão Quân vì nhà Chu mà đóng cột trụ làm sự tích, cũng bảo là giảng đạo. Xưa nay, trong và ngoài nước có rất nhiều vị tự xưng là giảng đạo tu hành, nhưng trình độ sâu cạn không đồng, và cùng đạo Phật cách xa diệu vợi.

Luận bàn về nhân duyên khai sáng Phật giáo: Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni, dòng họ Sát Lợi. Cha tên Tịnh Phạn. Mẹ tên Ma Da. Dòng họ Sát Lợi, từ lúc khai thiên lập địa, đời đời đều làm vua chúa tại cõi Diêm Phù Đề. Bồ Tát trải qua bao kiếp tu hành, được Phật Nhiên Đăng thọ ký thành Phật. Sau đó, trong đời Phật Ca Diếp, Bồ Tát thành đạo, sanh lên nội viện cung trời Đâu Suất, hiệu đại sĩ Hộ Minh. Kế đến, ứng vận giáng thần vào thai hoàng hậu Ma Da. Mồng tám tháng tư năm giáp dần, Thái tử đản sanh tại bắc Ấn Độ. Đương thời, tại nước Tàu chính là đời vua Chu Chiêu Vương, niên hiệu thứ hai mươi bốn. Lúc hạ sanh từ lưng sườn bên phải của hoàng hậu Ma Da, Bồ Tát phóng luồng hào quang sáng chói, chiếu khắp mười phương. Từ dưới đất vọt lên hoa sen vàng đỡ chân Bồ Tát. Khi đó, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, đi bảy bước, mắt nhìn bốn phương, Bồ Tát nói:

- Trên trời dưới đất, không ai sánh bằng Ta!

Ngày mồng tám tháng hai năm mười chín tuổi, Bồ Tát đi qua bốn cửa thành, thấy các việc sanh, già, bịnh, chết, nên khởi tâm bi thương ai thán, muốn xuất gia thoát ly sanh tử, tự nghĩ: "Sanh lão bệnh tử này thật rất chán chường".

Đến tối, trời Tịnh Cư, hiện xuống bảo:

- Thời điểm xuất gia đã đến. Ngài hãy nên đi!

Lúc đó, Bồ Tát cỡi ngựa vượt thành Ca Tỳ La. Được chư Thiên đỡ chân, ngựa bay lên hư không. Bồ Tát lại bảo:

- Nếu chưa đoạn tám khổ, chưa chứng đạo Bồ Đề, chưa Chuyển pháp luân, thề không bao giờ trở lại thành này.