PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
Phần 2 _ Khai thị tại Áo Môn, 1-8-1947
__________________________________________________ ______________________________________


X. Khai thị tại Áo Môn, hý viện Bình An vào 1-8-1947


Do sự yêu cầu của hội Phật giáo tại hý viện Bình An, Hư Vân tôi nay đến đây để cùng quý vị đàm luận.

"Pháp" tức là tâm chúng sanh. Tâm chúng sanh cùng tâm Phật vốn không khác biệt. Tâm này đầy đủ tất cả pháp. Pháp tức là tâm, và tâm tức là pháp. Luận Khởi Tín viết: "Gọi là pháp, tức tâm chúng sanh. Tâm này vốn đầy đủ tất cả pháp thế gian và xuất thế gian".

"Pháp thế gian" tức là Trời, Người, A Tu La, Địa ngục Ngạ quỷ, Súc sanh. Hết thảy loài hữu tình và vô tình hoặc những pháp y báo hay chánh báo, v.v... đều thuộc về sáu pháp giới của phàm phu.

"Pháp xuất thế gian" tức là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, cũng được gọi là bốn pháp giới Thánh Hiền. Gom chung bốn pháp giới của Thánh Hiền và sáu pháp giới của phàm phu, thành mười pháp giới. Mười pháp giới này chẳng ngoài một tâm niệm tạo nên. Nếu chạy theo duyên điên đảo ô nhiễm mê mờ thì sanh ra sáu pháp giới của phàm phu. Nếu không chạy theo duyên điên đảo ô nhiễm mê mờ mà tịnh tâm giác ngộ thì sẽ nhập vào bốn pháp giới của Thánh Hiền. Quán sát như thế, thấy rằng Thánh Hiền hay phàm phu đều do tâm cấu uế hay thanh tịnh mà hiển hiện. Tâm cấu uế của sáu loài phàm phu khiến hiện ra tướng của sáu đường thiện ác, tội phước. Bốn pháp giới Thánh Hiền, do tâm tịnh nên hiện oai đức tự tại, quang minh sáng chói, đức tướng dung mạo từ bi. Kinh nói: "Bồ Tát như vầng trăng sáng thanh tịnh mát lành, thường đi khắp hư không. Trong tâm thanh tịnh và cấu uế của chúng sanh, Bồ Đề thường ảnh hiện".

Thế nên khổ đau hay an lạc đều do tâm, nóng lạnh do mình. Tự tâm tạo nghiệp, rồi tự thân thọ quả báo. Cảnh Thánh cùng Phàm hãy hỏi lại tự tâm thì sẽ rõ !

Phàm phu ngu muội hôn ám chẳng biết yếu chỉ tất cả đều do tâm tạo, nên vọng khởi nghi hoặc. Nếu gặp nghịch cảnh thì oán trời hận người. Nếu gặp thuận cảnh thì kiêu căng tự thị. Hoặc cả đời làm việc thiện nhưng lại bị quả báo ác, hoặc làm ác nhưng hưởng quả báo lành, nên hủy báng nhân quả. Phải biết rằng lý nhân quả rất thâm sâu; ví như sau khi gieo giống trồng cây, quả nào chín trước thì rụng trước. Đời nay, tuy mình luôn làm nghiệp lành, nhưng lại chiêu quả báo xấu; phải biết đó là do nghiệp ác trong đời quá khứ đã thành thục chín mùi, nên đầu tiên phải thọ quả báo xấu. Nghiệp lành làm trong đời nay, vì chưa thành thục, nên hiện tại không thể thọ quả báo lành. Nếu tin lý này thì không nghi hoặc gì hết. Từ đời vô thủy, lầm đường lạc lối, tạo bao nghiệp chướng thâm trọng. Ngày nay quả báo chín muồi, nên phải thọ biết bao đắng cay khổ nhọc, không có lối thoát. Muốn thoát khổ thì phải làm sao ? Kinh Lăng Nghiêm nói: "Tất cả chúng sanh, bị sanh tử liên tục, đều do không biết chân tâm thường trụ, tánh tịnh thể sáng. Vì sống với vọng tưởng không chân thật, nên mới bị luân hồi".

Nếu muốn không bị thọ quả báo trong vòng sanh tử thì phải thường thanh tịnh hóa các vọng tưởng. Vọng tưởng nếu được thanh tịnh thì dòng luân hồi sẽ ngưng ngay. Do đó, tâm mê thì gọi là chúng sanh. Tâm giác gọi là Phật. Vì vậy, Phật và chúng sanh chỉ khác nhau ở mê và ngộ. Nên biết tâm giác tri linh minh sáng suốt này tức là Phật tánh tự nhiên mà ai ai cũng có đầy đủ, mỗi mỗi hiện thành. Phàm phu tuy có đủ Phật tánh, như vàng thật trong mỏ vàng, nhưng chỉ vì đất cát phiền não che lấp, nên trước mắt không thể dùng được. Đức Như Lai bao kiếp tu hành, đã đào thải cát đá hoặc nghiệp. Ngày nay, Ngài đã được một khối vàng tinh khiết, không lẫn lộn với cát đá, nên đại dụng hoàn toàn hiện rõ, và được gọi là bậc vượt khỏi chướng ngại, bậc viên minh, bậc Thế Tôn đại giác.