PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN Phần 3 _ Khai thị tại bệnh viện Chí Đức
__________________________________________________ ______________________________________
XIV. Những điều kiện tiên quyết khi tham thiền
Mục đích của tham thiền là minh tâm kiến tánh, tức quét trừ tự tâm ô nhiễm, để chân thật thấy rõ bổn lai diện mục của tự tánh. Ô nhiễm tức là vọng tưởng chấp trước. Tự tánh tức là trí huệ đức tướng của Như Lai. Đối với đức tướng trí huệ của Như Lai, Phật và chúng sanh đều đồng có đầy đủ, không hai không khác. Nếu xa rời được vọng tưởng chấp trước thì tự mình sẽ đắc được trí huệ đức tướng của Như Lai, tức là Phật. Ngược lại thì làm chúng sanh. Chỉ vì chúng ta từ vô lượng kiếp cho đến nay, mê mờ lưu lạc trong vòng sanh tử và bị nhiễm ô đã lâu, nên không thể thoát khỏi được vọng tưởng chấp trước mau chóng được. Muốn thấy rõ bổn tánh chân thật, phải nên tham thiền. Vì thế, điều kiện tiên quyết nhất khi tham thiền là phải dẹp trừ vọng tưởng. Làm sao dẹp trừ vọng tưởng ? Phật Thích Ca thuyết pháp rất nhiều, nhưng đơn giản không ngoài chữ "ngưng". "Ngưng tức Bồ Đề".
Thiền tông do Đạt Ma Tổ Sư từ bên Ấn Độ truyền qua Đông Độ; đến đời Lục Tổ thì gió thiền lan rộng khắp nơi, chấn động chiếu sáng cổ kim. Những điều tối quan trọng mà Đạt Ma Tổ Sư cùng Lục Tổ thường dạy là "dẹp hết muôn duyên, chẳng sanh một niệm".
Dẹp hết muôn duyên, tức là xả bỏ hết các duyên. Đây là điều kiện tiên quyết cho việc tham thiền. Nếu chưa hành được hai câu này thì chẳng những tham thiền không thể thành công mà nhập vào các môn khác cũng không thể được. Muôn duyên vẫn còn ràng buộc và niệm niệm vẫn còn sanh diệt thì đàm luận đến việc tham thiền được sao !
"Xả bỏ muôn duyên, chẳng sanh một niệm" là điều kiện tiên quyết của việc tham thiền. Chúng ta phải nên biết rõ. Làm thế nào để hành được ? Trên đã nói rõ là một niệm nếu ngưng, thì đạt thẳng đến vô sanh, chứng ngay đạo Bồ Đề, không còn vương vấn tơ hào gì hết. Kế đến dùng lý mà dẹp trừ sự, tức biết rõ tự tánh bổn gốc vốn thanh tịnh, thì phiền não và Bồ Đề, sanh tử cùng Niết Bàn đều là giả danh, chẳng can hệ gì với tự tánh của chúng ta.
Sự sự vật vật đều như mộng huyễn, bong bóng nước. Sắc thân bốn đại của chúng ta cùng núi sông đất đá, đều nằm sẵn trong tự tánh. Chúng giống như bọt nước trong biển, lúc khởi lúc diệt, không ngăn ngại bổn thể. Chớ nên chạy theo tất cả sự huyễn hóa của sanh trụ dị diệt mà khởi tâm vui thích, nhàm chán, thủ xả. Phóng xả được thân này như người đã chết thì tự nhiên căn, trần, thức liền tan biến, và tham sân si dâm ái đều tiêu diệt. Tất cả nỗi thống khổ của thân như khổ vui, cơ hàn, đói khát, vinh nhục, sanh tử, phước họa, may rủi, khen chê, được mất, bình an, hiểm nạn đều là bên ngoài, phải nên xả bỏ. Xả bỏ được một, thì sẽ xả bỏ được tất cả; mãi mãi xả bỏ, đó gọi là xả bỏ muôn duyên. Xả bỏ muôn duyên được thì vọng tưởng tự tiêu mất. Nếu không khởi tâm phân biệt thì xa rời chấp trước. Một niệm chẳng sanh thì tự tánh chiếu sáng và toàn thể tánh đều được hiển lộ. Khi những điều kiện tu thiền đã đầy đủ, lại phải tiếp tục dụng công chân thật tham cứu, thì việc minh tâm kiến tánh chắc sẽ có phần.