DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 4/20 ĐầuĐầu ... 2345614 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 31 tới 40 của 196
  1. #31
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 2 _ Khai thị tại Áo Môn, 1-8-1947
    __________________________________________________ ______________________________________


    X. Khai thị tại Áo Môn, hý viện Bình An vào 1-8-1947


    Do sự yêu cầu của hội Phật giáo tại hý viện Bình An, Hư Vân tôi nay đến đây để cùng quý vị đàm luận.

    "Pháp" tức là tâm chúng sanh. Tâm chúng sanh cùng tâm Phật vốn không khác biệt. Tâm này đầy đủ tất cả pháp. Pháp tức là tâm, và tâm tức là pháp. Luận Khởi Tín viết: "Gọi là pháp, tức tâm chúng sanh. Tâm này vốn đầy đủ tất cả pháp thế gian và xuất thế gian".

    "Pháp thế gian" tức là Trời, Người, A Tu La, Địa ngục Ngạ quỷ, Súc sanh. Hết thảy loài hữu tình và vô tình hoặc những pháp y báo hay chánh báo, v.v... đều thuộc về sáu pháp giới của phàm phu.

    "Pháp xuất thế gian" tức là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, cũng được gọi là bốn pháp giới Thánh Hiền. Gom chung bốn pháp giới của Thánh Hiền và sáu pháp giới của phàm phu, thành mười pháp giới. Mười pháp giới này chẳng ngoài một tâm niệm tạo nên. Nếu chạy theo duyên điên đảo ô nhiễm mê mờ thì sanh ra sáu pháp giới của phàm phu. Nếu không chạy theo duyên điên đảo ô nhiễm mê mờ mà tịnh tâm giác ngộ thì sẽ nhập vào bốn pháp giới của Thánh Hiền. Quán sát như thế, thấy rằng Thánh Hiền hay phàm phu đều do tâm cấu uế hay thanh tịnh mà hiển hiện. Tâm cấu uế của sáu loài phàm phu khiến hiện ra tướng của sáu đường thiện ác, tội phước. Bốn pháp giới Thánh Hiền, do tâm tịnh nên hiện oai đức tự tại, quang minh sáng chói, đức tướng dung mạo từ bi. Kinh nói: "Bồ Tát như vầng trăng sáng thanh tịnh mát lành, thường đi khắp hư không. Trong tâm thanh tịnh và cấu uế của chúng sanh, Bồ Đề thường ảnh hiện".

    Thế nên khổ đau hay an lạc đều do tâm, nóng lạnh do mình. Tự tâm tạo nghiệp, rồi tự thân thọ quả báo. Cảnh Thánh cùng Phàm hãy hỏi lại tự tâm thì sẽ rõ !

    Phàm phu ngu muội hôn ám chẳng biết yếu chỉ tất cả đều do tâm tạo, nên vọng khởi nghi hoặc. Nếu gặp nghịch cảnh thì oán trời hận người. Nếu gặp thuận cảnh thì kiêu căng tự thị. Hoặc cả đời làm việc thiện nhưng lại bị quả báo ác, hoặc làm ác nhưng hưởng quả báo lành, nên hủy báng nhân quả. Phải biết rằng lý nhân quả rất thâm sâu; ví như sau khi gieo giống trồng cây, quả nào chín trước thì rụng trước. Đời nay, tuy mình luôn làm nghiệp lành, nhưng lại chiêu quả báo xấu; phải biết đó là do nghiệp ác trong đời quá khứ đã thành thục chín mùi, nên đầu tiên phải thọ quả báo xấu. Nghiệp lành làm trong đời nay, vì chưa thành thục, nên hiện tại không thể thọ quả báo lành. Nếu tin lý này thì không nghi hoặc gì hết. Từ đời vô thủy, lầm đường lạc lối, tạo bao nghiệp chướng thâm trọng. Ngày nay quả báo chín muồi, nên phải thọ biết bao đắng cay khổ nhọc, không có lối thoát. Muốn thoát khổ thì phải làm sao ? Kinh Lăng Nghiêm nói: "Tất cả chúng sanh, bị sanh tử liên tục, đều do không biết chân tâm thường trụ, tánh tịnh thể sáng. Vì sống với vọng tưởng không chân thật, nên mới bị luân hồi".

    Nếu muốn không bị thọ quả báo trong vòng sanh tử thì phải thường thanh tịnh hóa các vọng tưởng. Vọng tưởng nếu được thanh tịnh thì dòng luân hồi sẽ ngưng ngay. Do đó, tâm mê thì gọi là chúng sanh. Tâm giác gọi là Phật. Vì vậy, Phật và chúng sanh chỉ khác nhau ở mê và ngộ. Nên biết tâm giác tri linh minh sáng suốt này tức là Phật tánh tự nhiên mà ai ai cũng có đầy đủ, mỗi mỗi hiện thành. Phàm phu tuy có đủ Phật tánh, như vàng thật trong mỏ vàng, nhưng chỉ vì đất cát phiền não che lấp, nên trước mắt không thể dùng được. Đức Như Lai bao kiếp tu hành, đã đào thải cát đá hoặc nghiệp. Ngày nay, Ngài đã được một khối vàng tinh khiết, không lẫn lộn với cát đá, nên đại dụng hoàn toàn hiện rõ, và được gọi là bậc vượt khỏi chướng ngại, bậc viên minh, bậc Thế Tôn đại giác.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  2. #32
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 2 _ Khai thị tại Áo Môn, 1-8-1947
    __________________________________________________ ______________________________________


    Hiện tại, chúng ta nếu muốn tu hành thành Phật, đầu tiên phải xem thử nhân địa phát tâm tu hành của mình như thế nào. Phải trừ khử cội gốc phiền não. Gốc khổ của phiền não nếu diệt thì Phật tánh hiển hiện tròn đầy. Nếu nhân địa tu hành không chân chánh, thì sẽ chịu quả báo cong vạy.

    Luận về phương pháp tu hành, có ba thành phần: Thượng, trung, hạ khác nhau. Pháp cũng có ba thừa. Pháp môn tu học của loài người và loài trời đều không đồng. Đối với người căn cơ bậc thượng thì thuyết giảng pháp môn Đại Thừa vi diệu. Người căn cơ bậc trung thì thuyết giảng các pháp môn giải thoát xuất thế gian. Đối với những kẻ căn cơ bậc kém, thì thuyết pháp môn giải thoát khiến họ thoát khỏi những đường khổ nhọc của địa ngục, ngạ quỶ, súc sanh. Phật tuy thuyết bao pháp môn, như giới luật Đại Thừa và Tiểu Thừa, nhưng đều dùng tam quy ngũ giới làm căn bản, khiến người thọ những giới luật này, thường không làm các việc ác, và luôn hành các điều lành. Phải y theo những lời bên trên mà lập thân, tề gia, trị quốc, thì đó mới là điều rốt ráo của chủ nghĩa nhân đạo. Nếu ngừng gieo nhân khổ thì quả khổ sẽ tự diệt mất. Thoát khỏi ba đường khổ và sanh trong cõi trời người thì dễ dàng nhập vào Phật thừa. Đó là nền tảng căn bản học Phật. Tam quy ngũ giới là bờ bến của thế gian, và là diệu pháp an lạc cứu khổ. Đầu tiên giải nghĩa tam quy y, sau đó nói rõ về ngũ giới.

    Tam quy y: Thứ nhất là quy y Phật. Thứ hai là quy y Pháp. Thứ ba là quy y Tăng.

    Tại sao đầu tiên phải quy y Phật ? Phật là đấng Thế Tôn đại giác, cứu cánh thường lạc, mãi mãi xa lìa khổ não, dạy dỗ chúng sanh, xuất ra khỏi lưới mê, đi trên đường giác. Phật Thích Ca là vị giáo chủ ở cõi Ta Bà, nên đầu tiên phải quy y Phật.

    Thứ hai, quy y Pháp, tức là những pháp môn của Phật truyền dạy. Ba đời chư Phật đều y theo những giáo pháp này mà tu hành, thành tụu vô lượng công đức thanh tịnh. Ngày nay muốn xoay về cội gốc, tịnh trừ tâm cấu uế, cần phải tu trì theo Phật pháp. Vì thế, phải quy y Pháp.

    Thứ ba là quy y Tăng. Xả thân vì Phật pháp, và xiển dương chánh pháp, phải có người đảm đương hoằng truyền. Dùng phương tiện văn, tư, tu mới chứng quả thành Phật. Nếu Phật pháp không có người thuyết giảng, tuy biết mà khó có thể lãnh hội. Phật pháp thâm sâu khó hiểu, phải nghe chư tăng giảng giải, nên ân đức của các ngài vô cùng cực. Do đó, phải quy y Tăng.

    Lại nữa, nghĩa của sự quy y Tam Bảo được phân biệt thành ba. Thứ nhất là nhất thể Tam Bảo. Thứ hai là biệt tướng Tam Bảo. Thứ ba là trụ trì Tam Bảo.

    Nhất thể Tam Bảo tức là tự thể của nhất tâm. Phật đà là tiếng Phạn, dịch là Giác Giả. Nhất niệm linh minh tâm giác liễu, tức là tự tánh nhất thể Phật Bảo. Pháp đã đầy đủ ba đức Phật Pháp Tăng, Tam Bảo. Pháp nghĩa là quỸ trì. Tâm tánh này có thể giữ gìn quy tắc của tất cả pháp thế gian lẫn xuất thế gian, tức là tự tánh nhất thể Pháp Bảo. Tăng, tiếng Phạn là Tăng Già Da, nghĩa là một đoàn thể hay chúng hòa hợp. Tâm giác có khả năng hằng trì tất cả pháp. Tâm tức là pháp. Mọi pháp đều là một tâm. Pháp tức là tâm. Tâm và pháp không hai, lý sự hòa hợp, tức tự tánh nhất thể Tăng Bảo. Một tâm như thế đầy đủ Phật Pháp Tăng. Tam Bảo chỉ là một tâm, nên gọi là nhất thể Tam Bảo. Chúng sanh vì mê mờ tâm này mà hướng ngoại truy cầu, nên lưu chuyển trong sanh tử. Chư Phật nhờ giác ngộ được tâm này nên chứng được đạo Bồ Đề.

    Thứ hai là biệt tướng Tam Bảo. Danh tướng của ba danh tự Phật, Pháp, Tăng khác nhau. Phật, tiếng Phạn là Phật Đà Da, nghĩa là bậc giác ngộ. Giác ngộ tận nguồn tâm, đạt tận thật tướng, gọi là tự giác. Dùng pháp môn tự chứng mà giác ngộ cho tất cả chúng sanh, gọi là giác tha. Tự giác đã viên mãn, giác tha cũng đã đạt đến cứu cánh, nên gọi là giác hạnh viên mãn. Ba giác viên mãn, muôn đức đều tròn đầy, nên cuối cùng thành Phật. Đầu tiên, Phật Thích Ca thành đạo dưới cội Bồ Đề, thị hiện thân vàng sáu trượng. Nơi pháp hội Hoa Nghiêm, Ngài thị hiện pháp thân Phật Lô Xá Na. Đó là biệt tướng của Phật Bảo. Đức Như Lai tùy cơ thiết giáo, trong năm thời thuyết giảng các kinh điển quyền thiết và chân thật. Ba tạng mười hai phần giáo, lý, hạnh, chứng, nhân, quả, trí, đoạn, các loại không đồng, gọi là biệt tướng Pháp Bảo. Theo giáo lý mà tu hành. Do tu hành mà khế hợp, rồi chứng ba thừa, như Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, nhưng giai đoạn thứ lớp không đồng, nên gọi là biệt tướng Tăng Bảo. Nơi đây đã bàn xong về biệt tướng Tam Bảo.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  3. #33
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 2 _ Khai thị tại Áo Môn, 1-8-1947
    __________________________________________________ ______________________________________


    Thứ ba là trụ trì Tam Bảo. Sau khi Phật diệt độ, tượng Phật được đắp bằng xi măng, khắc trên gỗ, hay đúc bằng năm loại kim khí, hoặc vẽ trên giấy lụa; những tượng Phật này làm ruộng phước cho chúng sanh. Nếu cung kính như đức Phật còn tại thế thì công đức thật khó nghĩ bàn. Trụ trì mãi không tuyệt mất, gọi là trụ trì Phật Bảo. Vô luận sách màu vàng, hay lá Cụ Diệp đều là ba tạng kinh điển; mười hai phần giáo của Đại Thừa và Tiểu Thừa khiến người thấy nghe, y theo đó mà hành trì thì đều được hết khổ, đắc an lạc, cho đến thành Phật. Ba tạng kinh điển giáo hóa chúng sanh liên tục không ngừng, nên gọi là trụ trì Pháp Bảo. Cạo bỏ râu tóc, đắp y hoại sắc, hoằng tông diễn giáo, hóa độ chúng sanh, nối tiếp Phật chủng, đó gọi là trụ trì Tăng Bảo. Nơi đây, đã bàn xong về trụ trì Tam Bảo.

    Trụ trì, biệt tướng, nhất thể, đều gọi là Châu Báu mà không thể bị pháp thế gian xâm lấn tổn hại, hoặc phiền não làm nhiễm ô. Bảy loại châu báu ở thế gian tuy được gọi là quý báu, nhưng thọ hưởng trong một thời gian, cuối cùng sẽ hết, vì chỉ dưỡng sanh chứ không cứu độ cái chết. Tam Bảo có thể chấm dứt vô biên sanh tử, khiến xa rời tất cả sợ hãi lo âu, mãi mãi hưởng thọ thường lạc.

    Bàn về quy y Tam Bảo, không chỉ đặc biệt quy y trụ trì Tam Bảo, biệt tướng Tam Bảo, hay nhất thể Tam Bảo. Theo ngôn thuyết thì có ba loại Tam Bảo, nhưng thật ra chỉ sanh từ một tâm mà chẳng có pháp nào khác, vì tất cả sự vật đều do tâm tạo. Tâm nhiếp thọ hết muôn vật, viên mãn tròn đầy, như hạt châu Như Ý. Thế nên bảo rằng tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng, chứ không nói là quy y tha, tức y tựa nơi người khác.

    Lục Tổ dạy:

    - Tự tánh chẳng quy, không chỗ để nương vào.

    "Quy" nghĩa là xoay về cội gốc. Sáu căn của chúng sanh từ một tâm khởi, chỉ vì bỏ gốc mà chạy đuổi theo sáu trần. Ngày nay dùng mạng căn nhiếp sáu tình, xoay về nguồn tâm, nên gọi là quy mạng. Vì vậy, quy y cũng nghĩa là quy mạng.

    "Y" nghĩa là y chỉ. Chúng sanh luôn chạy theo âm thanh sắc tướng, niệm niệm lưu chuyển, nên bị chìm đắm trong biển khổ mà không biết chỗ ngừng và không có nơi nương tựa. Ngày nay quy y Tam Bảo, tức thân có chỗ quy về, và tâm có chỗ nương tựa. Từ nay về sau, nhờ tôn kính Tam Bảo làm thầy nên có thể xuất ra khỏi ba cõi u mê, phát tâm Bồ Đề, và quả vị Phật có kỳ chứng đắc. Nghĩa quy y Tam Bảo đã giải thích đầy đủ. Hiện tại, nói rõ về năm giới cấm.

    Quy y Tam Bảo rồi, phải y theo pháp mà tu hành, mới thoát khỏi khổ đau trong ba cõi. Nếu không y theo pháp mà tu hành thì không thể nào thoát khỏi vòng triền phược của thế gian. Nếu muốn thoát khỏi vòng sanh tử, dứt dây phiền não, ngoài năm giới ra không còn pháp nào khác. Vì vậy, có câu rằng nếu không giữ năm giới cấm thì đường sanh làm trời người bị cắt đứt.

    Thế nên, "Giới" là nền tảng căn bản, sanh ra điều thiện lành, diệt bỏ điều ác, và là cội gốc của đạo đức, cùng là công cụ vượt ra khỏi cõi phàm mà nhập vào dòng thánh. Từ giới sanh định. Từ định phát huệ. Nhờ giới định huệ, mới bước trên đường Bồ Đề mà thành chánh giác. Vì vậy, đạt được giới phẩm thì quả vị Phật sẽ có kỳ chứng đắc.

    "Giới là cội gốc của đạo Bồ Đề vô thượng".

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  4. #34
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 2 _ Khai thị tại Áo Môn, 1-8-1947
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đức Phật của chúng ta mở pháp môn phương tiện, bằng cách đầu tiên thuyết tam quy y, rồi lại dạy năm giới; cứ như thế lần lượt thiết lập giới Đại Thừa, Tiểu Thừa, v.v...

    Do căn cơ và tâm hạnh của chúng sanh không đồng nhất, nên mới lập giới từ thô thiển đến thâm sâu, từ vi tế đến hiển lộ, nhưng cứu cánh luôn xoay về nguồn, chẳng có hai hoặc ba.

    Năm giới: Thứ nhất là giới cấm giết hại. Thứ hai là giới cấm ăn cắp. Thứ ba là giới cấm tà dâm. Thứ tư là giới cấm nói láo. Thứ năm là giới cấm uống rượu. Năm giới này được gọi là học xứ và học tích. Nam nữ tại gia phải nên học theo. Những giới này cũng được gọi là đường lộ, vì nếu đi trên đường đó có thể thăng lên cung điện trí huệ. Tất cả luật nghi diệu hạnh thiện pháp đều xuất phát từ con đường này. Chúng cũng được gọi là học bổn mà người người phải học theo, nên gọi là căn bổn; chúng cũng được gọi là năm đại thí. Năm giới này nhiếp thọ vô lượng chúng sanh, khiến họ thành tựu vô lượng công đức. Năm giới này nơi trời thì gọi là năm tinh sao; nơi núi thì gọi là năm ngọn; nơi con người thì gọi là năm tạng, trong nhà Nho thì gọi là ngũ thường. Người nhân đức không giết hại. Người nghĩa khí không ăn cắp. Người lễ mạo không tà dâm. Người trí không uống rượu. Người tín không nói láo. Nếu giữ năm giới hoàn toàn thì không cầu thành bậc nhân đức cũng vẫn thành người nhân đức. Không thích nghĩa mà nghĩa vẫn vẹn toàn. Không cầu lễ mà lễ vẫn lập. Không hành mà trí vẫn sáng. Không mong được tin tưởng mà chữ tín vẫn nổi. Thế nên, "giăng lưới thì được lưới" cần gì gia công sức thêm. Đây là nói tổng quát về năm giới.

    Hiện tại, bàn về nghĩa của năm giới. Thứ nhất là bàn về giới không giết hại. Chủng tử giết hại nằm ẩn tàng trong tâm của mỗi người mà ai ai cũng có. Mạnh Tử còn bảo:

    - Nghe tiếng kêu la của con vật, không đành lòng ăn thịt chúng.

    Huống chi người học Phật, sao lại hàm hồ có tâm niệm giết hại, để chịu quả khổ sau này ? Thế nên, đức Phật chế giới không giết hại cho các đệ tử; nếu muốn hành đạo nhân từ thì đầu tiên phải giữ giới không giết hại. Nếu giữ được giới không giết hại thì đường luân hồi sẽ chấm dứt. Nghiệp giết hại khởi đầu không ngoài việc Ỷ sức mạnh mà giết hại kẻ yếu. Hoặc vì tham đắm mùi vị thức ăn, hoặc vì tiền tài mà giết hại kẻ khác. Người giết hại người, và súc vật giết hại súc vật v.v... đều do tâm sân hận, kiêu căng ngã mạn. Nếu vì tham đắm mùi vị thơm ngon mà giết hại loài vật thì đó là do ngu si. Dùng thịt loài khác để tẩm bổ cho thân mình, người quân tử sao lại nhẫn tâm ? Sao không biết rằng nếu tạo nghiệp giết hại bừa bãi thì cừu oán tự khởi ? Kinh Lăng Nghiêm thuyết: "Sau khi ăn thịt dê, dê chết trở lại thành người. Người chết trở lại thành dê. Mười loài như thế. Chết rồi lại sanh. Ăn nuốt lẫn nhau. Ác nghiệp đầy dẫy, cho đến cùng tận đời vị lai, cũng chỉ vì gốc tham lam trộm cướp".

    Bị quả báo xấu, trải qua bao số kiếp khó mà tránh khỏi. Giết người hại mạng thì phải đền mạng. Giết súc vật cũng phải đền mạng. Tích xưa, khi vua Lưu Ly giết sạch dòng họ Thích Ca, đức Thế Tôn bị đau đầu nhức nhối; quả báo này do nhân nào tạo ? Trong thời quá khứ, vua Lưu Ly vốn là một con cá lớn. Lúc đó, dòng họ Thích Ca bắt giết, rồi ăn thịt con cá lớn. Đức Phật thuở đó là đồng tử, giỡn chơi lấy cây côn đánh vào đầu con cá lớn ba lần, nên nay mới thọ quả báo nhức đầu. Dòng họ Thích Ca vì ăn thịt con cá lớn, nên ngày nay bị vua Lưu Ly, tức tiền thân của con cá lớn, giết sạch hết.

    Quán sát kỹ càng, nhân quả vay trả lẫn nhau, thật rất đáng sợ. Kinh Lăng Nghiêm bảo: "Trên thế gian, những loại thai sanh, thấp sanh, noãn sanh, hóa sanh tùy theo sức mạnh yếu mà ăn nuốt lẫn nhau. Đó là do gốc tham ăn nên mới giết hại."

    Không những đức Phật khởi lòng từ bi đến với nhân loại, mà Ngài còn trải lòng từ đến với loài trùng kiến. Phật pháp vốn bình đẳng, không có cao hay thấp. Theo mắt đức Phật quán sát thì chúng sanh trên cõi đất đều có thể thành Phật. Kinh Phạm Võng bảo: "Tất cả người nam là cha mình. Tất cả người nữ là mẹ mình. Chúng sanh trong sáu đường thọ sanh trong đời này, đều là cha mẹ của mình. Nếu giết hại ăn nuốt chúng sanh, tức là giết hại ăn nuốt cha mẹ mình".

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  5. #35
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 2 _ Khai thị tại Áo Môn, 1-8-1947
    __________________________________________________ ______________________________________


    Người thế gian không biết nên ăn nuốt lẫn nhau. Vì vậy, đức Thế Tôn mới chế ra giới không giết hại sanh mạng chúng sanh. Tất cả sanh linh động vật đều có Phật tánh. Ngay cả côn trùng còn không thể giết hại, sao lại nỡ lòng tương tàn tương sát đồng loại ? Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Đời vị lai họ sẽ thành Phật. Họ là cha mẹ chúng ta trong đời quá khứ, và sẽ là những vị Phật trong đời tương lai. Sao lại dám giết hại ? Phàm phu tục tử chúng ta nếu muốn được lợi lạc chớ nên giết hại đồng loại. Mạnh Tử nói:

    - Kẻ thất nhân chỉ lo sợ không hại được người.

    Hiện nay, người người luôn tranh thắng bại, nên tạo vũ khí giết hại lẫn nhau ở trên đất liền, trên hư không và dưới nước. Nhân tâm ngày càng hiểm ác. Thế đạo ngày càng cuồng loạn. Tương sát tương tàn đến khi nào mới ngưng ? Nếu không tìm cách cứu vãn thì thế gian này mãi mãi biến thành biển khổ. Kẻ sĩ quán sát thế đạo nhân tâm không khỏi buồn thương. Phải nên nỗ lực cầu hòa bình, cứu vãn nhân tâm mê muội, khiến họ quay về đường chánh. Trọng nhân từ, chứ không trọng võ lực. Chẳng tham đắm mùi vị ngon hay thấy lợi mà quên nghĩa, thì tâm giết hại không thể khởi lên. Nghiệp giết hại nếu ngưng thì vận kiếp hoại sẽ ngừng. Sao lại lo tâm không hợp với người xưa ? Nghe đến lý nhân quả liền thấu rõ nghĩa thâm sâu, như hình với bóng, như âm với hưởng. Nếu thâm tín nghĩa lý nhân quả thì nhân tâm không cần sửa đổi mà vẫn luôn lành thiện. Gặp cảnh thuận nghịch, tâm không ưu sầu hay vui thích. Nên biết những nghiệp khổ trong đời hiện tại, như nạn binh đao, kiếp hỏa tai, lụt lội v.v... đều do tự mình tạo ra trong đời quá khứ. Như trong hai đại chiến thế giới, chiến tranh lan tràn khắp nơi, chỉ có các người Tàu cư ngụ tại Úc Châu là được bình an, vì do đời tiền kiếp, không gieo nghiệp giết hại thâm trọng. Những người thường gặp tai nạn, đều do biệt nghiệp chiêu cảm. Phải nên thấu triệt lý nhân quả, thật không thể nghĩ bàn. Nếu thâm tín lý này thì tâm giết hại sẽ ngừng. Nếu người thế gian thường trì giới không giết hại thì tất cả khí giới sát cụ đều là vô dụng.

    Đức Như Lai đầu tiên chế ra giới không giết hại vì muốn khiến cho người người đều khởi lòng nhân từ, thương người thương vật, tự trừ khổ cho mình và người, đồng chứng cảnh giới an lạc thường hằng. Đây là sơ lược giảng giải về nghĩa của giới không giết hại.

    Thứ hai là bàn về giới không ăn cắp. Ăn cắp do từ tâm tham phát khởi. Đức Phật dạy hàng đệ tử rằng ngay cả một cây kim cọng cỏ mà người khác không cho thì mình chẳng dám lấy, còn nói chi đến việc trộm cướp. Tuy nhiên, chúng sanh chỉ vì thấy lợi trước mắt nên lập bao chước mưu, không cho mà lấy. Tìm kiếm lợi lộc, ác cầu đa cầu, không bao giờ biết đủ, đều do tâm tham lam sai sử. Hình tướng vi tế của tâm trộm cắp là như thế. Phạm tội nặng nề nhất là ăn cắp và lạm dùng vật dụng của mười phương tăng chúng, vật dụng của hiện tiền tăng, cho đến vật dụng của Phật, Pháp, Tăng. Tuy vật chỉ nhỏ như cây kim cọng cỏ mà lấy càn, rồi tự mình dùng hay cùng người dùng, đều là phạm tội trộm cắp nặng nề. Đại sĩ Hoa Thủ nói:

    - Đối với năm tội nghịch hay mười nghiệp nặng, tôi đều có thể cứu hộ. Tuy nhiên, nếu ăn cắp mười phương tăng vật thì tôi không thể cứu được.

    Đối với vật dụng của cha mẹ hay sư trưởng, không được cho chớ lấy, nếu lấy thì phạm tội nặng. Nếu thâm tín nhân quả, chẳng phạm tơ hào, thì tuy chẳng trì giới không trộm cắp mà vẫn tự hành trì. Nếu được như thế thì cùng đạo chẳng đổi dời. Tối ngủ chẳng cần đóng cửa. Người người trên thế gian đều kết nghĩa với nhau thì làm sao bị gông cùm lao ngục ? Đây là bàn xong về giới không ăn cắp.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  6. #36
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 2 _ Khai thị tại Áo Môn, 1-8-1947
    __________________________________________________ ______________________________________


    Thứ ba là bàn về giới không tà dâm. Đệ tử Phật xuất gia hay tại gia đều phải nghiêm thủ giới này. Người tại gia giữ năm giới. Tuy được có vợ chồng chánh thức, nhưng không thể tà dâm. Đối với vợ của người khác, được họ bảo bọc, không nên nói lời bậy bạ hàm hồ, còn nói chi đến việc xâm phạm tiết trinh, làm ô nhiễm phạm hạnh ? Đức Phật chế giới cho người tại gia là không được tà dâm. Đối với đệ tử xuất gia, chánh dâm hay tà dâm đều ngăn cấm hẳn. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Người khác thương mến mình. Mình mến yêu hình sắc của người.

    Vì do nhân duyên này, trải qua trăm ngàn kiếp thường bị triền phược trói buộc. Vì ba nghiệp giết hại trộm cướp dâm dục làm cội gốc, nên mới có nhân duyên nghiệp quả liên tục".

    Nếu thường trì giới này thì không cầu mà lễ vẫn lập, không răn nhắc mà vẫn uy nghiêm, oai nghi tự thủ. Pháp đình không cần xử án lao hình. Đây là nghĩa của giới tà dâm.

    Thứ tư là bàn về giới không nói láo. Việc nói láo phải nên dứt hẳn. Thấy thì nói thấy. Nghe thì nói nghe. Lời nói không giả dối. Những việc nhỏ nhít còn phải nói thật, huống hồ là những việc quan trọng ! Quán sát nhân duyên nói láo, đa số do cầu danh thơm lợi dưỡng, hoặc vì giấu diếm dục tình mà tráo trở, hoặc vì che tâm giấu mặt. Lại nữa, chưa chứng thánh quả mà nói là đã chứng, hay chưa chứng tâm Phật mà bảo đã chứng đắc, tức khi dễ thánh hiền, làm mê hoặc thế nhân, đó gọi là đại vọng ngữ. Nếu tạo tội đại vọng ngữ thì sẽ bị đọa lạc vào Địa ngục Vô gián. Thế nên, phải cẩn trọng, chớ phạm giới này. Phật giáo dùng tâm chánh trực làm đạo tràng. Tại sao không y đó mà tu học ? Nếu trì giới này thì sẽ được người người tín nhiệm; không cầu danh mà danh tự đến; không cầu lợi mà phước tự về. Đây là bàn về giới nói láo.

    Thứ năm là bàn về giới không uống rượu. Rượu tuy không phải là thức ăn mặn, nhưng thường khiến cho mê tâm loạn tánh. Luận Đại Trí Độ nói uống rượu có ba mươi sáu điều tội lỗi. Kinh Phạm Võng nói: "Đưa rượu cho người uống thì năm trăm đời không có tay, hà huống tự uống cùng dạy người uống ?"

    Thuở xưa, một vị tỳ kheo có khả năng hàng phục độc long, nhưng lại thích uống rượu. Ngày nọ, thầy uống rượu say sưa, nằm trên đường lộ, ói mửa hôi hám, không ai muốn đến gần, chỉ có một con cóc nhảy đến liếm mép. Sau đó, thầy lảo đảo trở về chùa. Phật thấy liền mắng:

    - Ông có thần lực, hàng phục được độc long. Hôm nay say sưa nằm trên đường lộ, lại bị con cóc hàng phục. Thần thông của ông ở đâu rồi ?

    Kể từ đó, Phật cấm các tỳ kheo không được uống rượu. Rượu khiến làm loạn tâm tánh và chiêu vời tai họa. Như thuở xưa, có một đệ tử tại gia của Phật, vì phạm giới uống rượu nên phạm luôn bốn giới giết hại ăn cắp tà dâm nói láo. Thật rất đáng thương !

    Rượu khiến làm nhân duyên tạo tội, sao lại tham uống ? Nếu người thế gian trì được giới này thì họa do say sưa không thể đến mình. Đây là giải thích xong về giới cấm uống rượu.

    Nếu muốn không phạm năm giới này, điều quan trọng là phải nhiếp tâm. Vọng tâm nếu được nhiếp phục, không khởi phân biệt, không còn thương yêu oán ghét, thì bao loại nghiệp ác, do đâu mà sanh ? Kinh Lăng Nghiêm nói: "Nhiếp tâm là giới. Nhân giới mà sanh định. Từ định mà phát huệ".

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  7. The Following User Says Thank You to nguoi ao lam For This Useful Post:

    hoatihon (09-08-2018)

  8. #37
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 2 _ Khai thị tại Áo Môn, 1-8-1947
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nên biết hai chữ "Nhiếp Tâm" bao hàm ba môn học vô lậu: Giới, định, huệ. Đoạn trừ tham, sân, si thì các việc ác không thể khởi, và tự mình luôn hành những việc lành. Hai chữ "Nhiếp Tâm" đơn độc có thể cứu hộ nhân tâm, duy trì được thế đạo; chỉ việc nhiếp tâm một chỗ thì chẳng có việc gì là không thể giải quyết được; nếu nhiếp tâm được thì công phu ngày càng thâm sâu, và đạo Bồ Đề càng sáng tỏ.

    Nhờ hồng ân của chư Phật, trước xướng tam quy y, sau lại ban năm giới. Dùng phương tiện này để cứu khổ chúng sanh. Thâm ân chư Phật lớn lao vô ngần; dẫu đập nát thân này thì chỉ báo đền được một trong muôn phần.

    Nghe thuyết nghĩa của năm giới rồi, phải do từ liễu giải mà thực hành. Trăm gia đình trong làng nếu có mười người trì năm giới thì mười người đó được an vui. Trăm người tu mười điều thiện thì trăm người hòa kính. Nếu mọi nhà đều y theo cách thức tu trì giáo pháp này thì trăm vạn người đều nhân từ. Hành một việc lành thì bỏ một việc ác, và tiêu một hình phạt. Một hình phạt tiêu mất trong một nhà thì trăm hình phạt tiêu mất trong một quốc gia. Vị nguyên thủ quốc gia không cần trị mà vẫn ngồi hưởng thái bình. Thế nên, thọ trì năm giới, tức là không những y theo lời Phật dạy, được thọ hưởng quả lành, mà còn trợ người khác y theo luật lệ quốc gia, khiến nước nhà thạnh trị, nhân dân an lạc.

    Đây là hành tướng cùng danh đức của tam quy y và năm giới cấm. Quý vị nếu thường chân thật hành trì thì gieo trồng được chủng tử thành Phật. Hạnh và giải tương ưng thì sẽ đạt đến bờ giác. Xin cầu nguyện cho quý vị, từ đây về sau do nghe mà sanh kiến giải. Do có kiến giải mà sanh tư duy. Do tư duy mà phát tâm tu hành, thì thành Phật sẽ có kỳ. Mọi người phải nên thường chuyên cần tinh tấn, rồi chỉ bảo người khác, thì mới mong báo được ân Phật. Hy vọng quý vị, mỗi người luôn luôn nỗ lực, khiến giải trừ tai ách, tiêu trừ hoạn nạn. Nếu thọ tam quy y và năm giới cấm, tức là các việc ác chẳng làm, mà luôn hành các điều thiện, thì tự có khả năng cùng đạo tương ưng và có thể đạt thành tựu Phật đạo vô thượng viên mãn.

    XI. Bài diễn thuyết tại xã Liên Nghĩa ở Quảng Châu vào ngày hai mươi bảy tháng chín năm 1947

    Quý vị thiện tri thức ! Hư Vân tôi lần này trên lộ trình từ Hồng Kông trở về núi Vân Cư, ghé ngang qua đây. Hôm nay do lời mời của quý vị, nên tôi mới ở lại đàm luận, chứ chẳng vì lụy duyên trần thế.

    Quý vị thiện tri thức ! Hai chữ "Phật Pháp" thật cùng tất cả thiện pháp nơi thế gian đều đồng không khác. Chư hào kiệt do tu dưỡng học vấn mà tiên tri tiên giác, thành tựu kiến thức siêu việt thường tình, vượt hơn sở học kẻ khác, khiến an định thế gian.

    Chư Phật tổ do bao kiếp tu hành mà thành tựu, chánh tri chánh giác, phát tâm từ bi rộng lớn, độ khắp ba cõi. Chư thánh hiền tại thế gian hay xuất thế gian, do tu hành mà chứng được thánh vị và an lạc nơi đạo.

    Quý vị thiện tri thức ! Phật pháp tức là pháp thứ và bổn phận của mọi người. Điều quan trọng là phải đi từng bước vững chắc, xa rời vọng tưởng chấp trước thì mới đạt đến đạo Bồ Đề vô thượng.

    Cổ đức nói:

    - Tâm bình thường là đạo.

    Đạo của ông Khổng Tử không ngoài "Trung Dung". Bàn về lý thuyết thì không thiên chấp tức là "Trung". Không biến đổi tức là "Dung". Bàn về sự thì "Trung" tức là trung đạo. Việc gì cũng không thái quá hay không thiếu thốn. Dung tức là dung thường, xa rời tất cả quái lực loạn thần, thuận theo bổn phận làm người, chẳng làm điều kỳ lạ. Phật pháp cũng như thế. Chúng ta phải vận dụng tâm bình thường chân thật mà xem xét thì mới thấy chân tâm thân thiết. Nhờ làm việc bình thường chân thật mà thấy được chân tâm thân thiết, nên mới có ít phần tương ưng, khiến không phạm tội nói khoác.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  9. The Following User Says Thank You to nguoi ao lam For This Useful Post:

    homeless (09-09-2018)

  10. #38
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 2 _ Khai thị tại Áo Môn, 1-8-1947
    __________________________________________________ ______________________________________


    Pháp của tâm bình thường chân thật, không khác mười điều thiện, tức trì giới không tham lam, sân hận, si mê, giết hại, ăn cắp, tà dâm, Ỷ ngữ, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu. Mười việc thiện này, lão tăng đã từng đàm luận rồi. Nếu có thể hành trì thật tiễn thì đó là nền tảng căn bản của việc tu hành thành Phật Tổ, cũng khiến cho thế giới

    thái bình, tạo nên nhân gian Tịnh Độ. Lục Tổ bảo:

    - Tâm bình thì nhọc gì trì giới.

    Đó là nói về bậc thượng căn lợi trí; các ngài nghe một lời đạo pháp thì hạnh giải đều tương ưng, như voi vượt sông theo dòng mà qua đến bờ kia. Tướng thiện lành còn không có, hà huống có tướng ác !

    Đối với người trung căn và hạ căn, họ thường bị gió chuyển. Hai chữ "Tâm Bình", đàm luận thì dễ. Gió có tám loại: Lợi ích, suy đồi, hủy hoại, khen ngợi, tán thán, chửi mắng, khổ nhọc, an lạc. Phàm phu gặp gió lợi lạc thì sanh tâm tham trước. Gặp gió sầu thảm thì sanh tâm bi lụy khổ sở. Gặp gió hủy báng thì sanh tâm sân hận. Gặp gió khen ngợi thì sanh tâm vui thích. Gặp gió tán thán thì tâm trụ không nghi. Gặp gió quở trách thì sanh tâm xấu hổ, khiến trở thành hờn oán. Gặp gió khổ đau thì tâm đầy bi thương. Gặp gió an lạc thì liên tục chạy theo vọng tưởng. Tám gió khởi lên, tâm liền theo đó mà chuyển. Lúc sanh lúc chết, làm sao đối kháng được ? Phải đi từng bước, tức từ sự tướng mà nhận thức thể tánh; khi khởi tâm động niệm, luôn tu hành mười điều lành. Sự tướng tuy là cành lá, nhưng phải nhiếp thọ cành lá trở về cội gốc, thì mới mau đạt đạo Bồ Đề.

    Lại nữa, Phật giáo lược khai có mười tông và hơn bốn mươi phái mà bốn tông như Thiền, Tịnh, Luật, Mật nhiếp căn cơ chúng sanh rất rộng rãi.

    Quý vị thiện tri thức ! Cảnh giới của chư Phật như vương đô, mà các tông phái như những đại lộ. Dẫu đại lộ nào cũng dẫn về vương đô. Chúng sanh phân tán khắp bốn phương, do điểm xuất phát không đồng, nhưng khi đến nơi vua trú thì đồng một dạng giao cảm. Kinh Kim Cang nói: "Pháp này bình đẳng, không có cao thấp !"

    Tuy nhiên, nếu hôm nay đi đại lộ này, rồi ngày mai lại chạy qua đại lộ khác, cứ chạy qua đường này lộ nọ, nên cuối cùng chẳng đi đến đâu.

    Lục Tổ bảo:

    - Rời đạo mà tìm đạo, thì cả đời chẳng thấy đạo. Lang thang suốt cuộc đời, chẳng đạt được gì, phải nên tự trách.

    Thật là lời răn nhắc thâm sâu ! Vì vậy, chúng ta phải thâm nhập vào một pháp môn mà không để phân tâm, hay thối chuyển. Như chuột gặm quan tài, phải từ một nơi mà dụng công thì hồi lâu sẽ đục thủng. Nếu muốn thông đạt hết các tông, phải nên nhận ra chủ bạn. Người hành Thiền tông, phải nên lấy pháp môn của Thiền tông làm chủ (chính), còn giáo lý của những tông khác, phải xem là bạn (phụ). Người hành tông Tịnh Độ, phải lấy pháp môn Tịnh Độ làm chủ, và xem giáo lý của các tông khác là bạn. Luật tông và Mật tông cũng như thế, thì mới tránh việc Hàn Lô tranh khoảnh đất bùn.

    Đối với giới luật trong nhà Phật, các tông phái đều phải nghiêm trì. Biết chủ bạn như đi trên đường biết phương hướng. Trì giới luật như đi trên đường có lương thực. Yếu chỉ của các tông phái tuy không đồng, nhưng lên đến đảnh thì cùng một dạng. Thế nên bảo:

    - Trở về nguồn tánh không hai, nhưng phương tiện thì lại có nhiều môn.

    Hôm nay, trong chúng hội đều là những bậc thượng thiện nhân, cùng Phật có phần. Hư Vân tôi nói nhiều lời, bất quá chỉ như vạch hư không mà thôi. Trân trọng !

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  11. The Following User Says Thank You to nguoi ao lam For This Useful Post:

    homeless (09-09-2018)

  12. #39
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 3 _ Khai thị tại bệnh viện Chí Đức
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẦN III


    XII. Bài giảng tại bệnh viện Chí Đức, hội Phật giáo tỉnh Quảng Châu

    Quý vị thiện tri thức ! Hôm nay là ngày thành lập của hội Phật giáo tại bệnh viện Chí Đức. Thể theo lời mời của quý vị thỉnh cầu, Hư Vân tôi đến đây chủ trì buổi lễ. Việc này thật rất hy hữu.

    Trên đầu bản hiệu của bệnh viện Quảng Châu có khắc hai chữ Phật Giáo, khiến người vừa xem qua bèn vừa ý.

    Quý vị thiện tri thức ! Đời người có tám việc khổ mà bịnh hoạn là khổ bậc nhất. Đức Phật của chúng ta xuất hiện ra trên thế gian này chỉ vì muốn chúng sanh xa rời khổ não và được an lạc. Y dược vốn là một phương minh nằm trong ngũ minh. Trong quyển Thiền Môn Nhật Tụng ghi: "Vì bệnh tật của thế nhân mà ban lương dược".

    Bồ Tát cứu bịnh khổ trầm kha của chúng sanh, không tiếc thân mạng. Ví như Bồ Tát Dược Vương, Ngài dùng hương trầm tẩm thân, rồi tự thiêu cúng dường chư Phật. Cúng dường chư Phật tức là cúng dường chúng sanh.

    "Tâm, Phật, và chúng sanh, tuy là ba nhưng thật không khác biệt".

    Đây là câu liễu nghĩa của kinh Hoa Nghiêm; nơi lý này phải nên suy nghĩ. Chư Phật luôn luôn niệm nhớ chúng sanh, như mẹ nhớ con. Chúng sanh vì có ba căn bệnh tham sân si, nên chư Phật thuyết ra ba pháp giới, định, huệ để trị. Do thân của chúng sanh bị bịnh phong hàn thấp v.v..., nên Phật y theo đó mà cho toa "Y Phương Minh" để trị liệu. Kinh Tịnh Danh viết: "Vì chúng sanh bệnh nên Bồ Tát bệnh".

    Chư Phật và chư Bồ Tát đồng thể đại bi, mắt từ nhìn chúng sanh. Quý vị thiện tri thức ! Các bậc hiền thánh ở thế gian cũng có tâm địa và lý giải đồng như thế. Ví như Thần nông cũng vì chúng sanh mà thử trăm loại cỏ. Tại nhân địa, Bồ Tát tu hành hiện các loại thân để thuyết pháp. Thần nông cũng như Bồ Tát, hiện thân Dược Vương mà thuyết pháp.

    Quý vị thiện tri thức ! Đối với căn bệnh của nhân loại, năm món dục lạc là nhân chính. Những nghiệp tội trong đời vô thủy cũng do từ năm món dục lạc mà sanh. Khi bệnh tật phát ra, phải cần được chữa trị. Trước mắt, người bịnh hoạn vô lực, cần cầu lương y thật không ít. Quý vị trưởng lão thiện nhân phát tâm thành lập bệnh viện này, tặng y dược cho bệnh nhân; tâm này thật là tâm Bồ Đề, cũng chính là bổn hoài từ bi của Phật.

    Quý vị thiện tri thức ! Bồ đề tức là Chánh giác ! Tâm Chánh giác không lạc vào hai bên nhân ngã, thiện ác mà chỉ bình đẳng bố thí, không phân biệt kẻ thân người oán. Trị bệnh cho thân bằng quyến thuộc của mình thì cố nhiên phải lưu tâm. Trị bịnh cho những người khác cũng phải tận tình. Dẫu có người lành hay kẻ ác ra vào bệnh viện, phải dùng tâm bình đẳng mà cứu hộ chữa trị. Đức Phật của chúng ta trong đời quá khứ đã từng xả bỏ thân mạng cho hổ đói. Ý nghĩa này phải nên suy tư.

    Do sự nỗ lực của sư trưởng Thâm Lại Lương Trọng cùng viện trưởng họ Trần, nên hôm nay bệnh viện này mới được thành tựu. Cổ nhân bảo:

    - Chớ cho làm việc thiện trong buổi ban đầu mà không ảnh hưởng về sau. Chớ cho việc hay lúc cuối mà không xiển dương.

    Nói chung, đối với đại chúng ngồi đây, từ nay về sau, người có tiền thì xuất tiền, và người có công sức thì bỏ công sức. Lục Tổ bảo:

    - Phật pháp tại thế gian. Không rời thế gian mà tìm giác ngộ. Rời thế gian mà tìm cầu Bồ Đề, thì như tầm cầu lông rùa sừng thỏ.

    Đại chúng nỗ lực, khai mở bệnh viện này tức là làm công tác thật đại từ đại bi. Đây chính là biểu hiện chân đế "dùng phương tiện để đạt đến cứu cánh" của đức Phật. Hư Vân tôi không thể sánh bằng mùi hương thơm bay trên đỉnh núi.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  13. The Following 2 Users Say Thank You to nguoi ao lam For This Useful Post:

    homeless (09-09-2018),Thanh Trúc (09-10-2018)

  14. #40
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 3 _ Khai thị tại bệnh viện Chí Đức
    __________________________________________________ ______________________________________


    XIII. Tham thiền cùng niệm Phật

    Người niệm Phật, ai ai cũng hủy báng tham thiền. Người tham thiền, ai ai cũng hủy báng niệm Phật. Ví như khi đối đầu với cái chết, chúng ta lại muốn đối phương sớm chết theo mình. Đây là hiện tướng xấu xa trong nhà Phật, thật rất đau lòng ! Thế tục có câu: "Gia đình hòa hợp thì muôn sự đều hưng thịnh. Gia đình ai oán thì miệng chẳng ngon."

    Huynh đệ chửi mắng lẫn nhau, chẳng lẽ không bị người đời cười chê cùng khinh khi hay sao ! Tham thiền, niệm Phật cùng các pháp môn khác đều do kim khẩu của Phật Thích Ca thuyết ra. Đạo vốn không hai, chỉ do căn khí nghiệp duyên của chúng sanh không đồng, nên Phật tùy theo bịnh mà cho thuốc. Vì phương tiện nên đức Phật thuyết ra nhiều pháp môn để nhiếp thọ giáo hóa quần sanh. Sau này, chư đại đức y theo giáo lý mà phân tông phái; bất quá chỉ do tùy căn cơ mà thuyết pháp. Nếu người muốn tu trì để trở về tự tánh thì chỉ cần bước vào một cửa là có thể nhập đạo diệu môn, vì bổn gốc vốn không phân biệt cao thấp. Các pháp xưa nay vốn hỗ tương lẫn nhau và viên dung không ngại.

    Nếu như niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, thì có khác gì với tham thiền ! Tham thiền đến độ cả hai năng và sở đều mất thì có khác gì với thật tướng niệm Phật ! Thiền tức là Thiền trong Tịnh Độ. Tịnh Độ tức là Tịnh trong Thiền. Thiền và Tịnh Độ vốn tương trợ lẫn nhau. Sao người đời khởi tâm chấp trước một bên, thấy cửa này nhà nọ, tự tán thán mà hủy báng kẻ khác, giống như nước với lửa chẳng bao giờ tương dung, khiến phản lại thâm ý phân tông khác giáo của Phật Tổ ! Lại nữa, có thể vô ý phạm trọng tội hủy báng Phật pháp. Thật có đáng thương lắm không ! Hy vọng quý vị đồng nhân, không luận tu trì pháp môn nào, đều phải thể hội thâm sâu yếu chỉ vô tranh của Phật Tổ, chớ múa gậy đánh nhau trong nhà. Mọi người phải hợp lực đồng tâm, cứu độ con thuyền Bát Nhã trên sóng ba đào.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 2 người đọc bài này. (0 thành viên và 2 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •