PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN Phần 2 _ Khai thị tại Hồng Kông, 1947
__________________________________________________ ______________________________________
IX. Khai thị tại Đông Liên Giác Uyển, Hồng Kông, năm 1947
Tuy cơ duyên khó gặp, nhưng bảo rằng tôi nói lời khai thị thì thật rất hổ thẹn. Quý vị thiện tri thức ! Nhân duyên tới Quảng Châu lần này của tôi là do sự thỉnh mời của tướng quân Trương Phát Khuê và chủ tịch La Trác Anh đến đây kiến lập pháp hội Thủy Lục để cầu siêu độ cho các vong hồn chiến sĩ, đồng bào tử nạn trong đại chiến thế giới lần thứ hai. Lại vì ước hẹn với hội Phật giáo tại Hồng Kông cùng muốn gặp gỡ các đệ tử hộ pháp, nên nay tôi mới đến đây. Hôm nay gặp quý vị tại pháp đường, thật là một cơ duyên khó được. Nếu nói khai thị pháp yếu, tôi cảm thấy rất xấu hổ muôn phần. Thứ nhất ngôn ngữ không thông, mình người ngăn cách. Thứ hai, tự không thể khai thị cho chính mình, sao dám nói đến việc khai thị cho người ? Thế nên, chỉ có thể cùng quý vị tùy duyên mà đàm luận.
"Thường nghe được Phật pháp, người Hồng Kông quả thật có phước báu".
Chúng ta là đệ tử Phật, biết rõ Phật pháp khó được nghe. Tuy nhiên, tại Hồng Kông, thường có chư vị đại pháp sư từ các đạo tràng Phật giáo khắp nơi, qua đây giảng Kinh giảng Luận. Sao không thể bảo là người Hồng Kông có phước báo nhiều ư ? Pháp sư giảng kinh nhiều; người hiểu rõ giáo lý cũng nhiều. Tuy nhiên, trong việc hoằng pháp, điều trọng yếu là phải dạy người chẳng nên chấp trước hình tướng bên ngoài. Kinh nói: "Đối với tất cả vật có hình tướng, đều là hư vọng".
Kinh lại bảo: "Chúng sanh trên cõi đất này đều có đầy đủ trí huệ phước đức của Như Lai".
Chúng sanh đều đầy đủ đức tướng trí huệ phước đức của Như Lai, nhưng chưa có thể thành Phật chỉ vì trần lao phiền não làm mê hoặc. Phước đức và trí huệ của Phật đà viên mãn tròn đầy; chân tâm thường trụ không còn bị mê hoặc. Thường tức là bất biến. Trụ tức là bất động. Chân tức là không giả dối. Tâm bất biến, bất động, không giả dối này giác ngộ liễu tri được hết tất cả pháp, nên gọi là chân tâm thường trụ.
"Khởi hoặc tác nghiệp, tạo vô lượng bịnh khổ".
Chúng sanh vì mê mờ chân tâm thường trụ nên khởi mê hoặc mà tạo nghiệp xấu. Trong bân khuân rối rít hiện ra vô lượng thống khổ. Đại Thừa Khởi Tín Luận viết: "Vô minh bất giác sanh ba tế. Cảnh giới do duyên khởi thành sáu thô".
Thô tức là tướng sự vật có thể thấy được. Những hiện tượng trước mắt trên thế gian như tham sân si, cùng bao nghiệp ác giết hại, ăn cắp, tà dâm, nói láo, v.v... đầy dẫy khắp cả. Do những nghiệp ác này, chúng dẫn dắt chúng ta lưu chuyển thọ quả báo, cho đến có sự lưu chuyển liên tục của chúng sanh và thế giới. Truy cứu nhân duyên luân hồi, biết rõ chỉ vì tâm mê chấp ngoại cảnh. Nếu thường giác ngộ, bỏ vọng xoay về chân thì sẽ tiêu diệt bao thống khổ của dòng sanh tử luân hồi.
Vì sao có tham sân si khiến sanh khởi những nghiệp ác, giết hại, ăn cắp, tà dâm ?
"Nếu tâm mọi người đều thanh tịnh thì thế giới sẽ được thanh bình, và nhân dân được an lạc".
Như trong một gia đình, cha mẹ luôn thương mến ái hộ con cái, trai lẫn gái. Vì có ái nên có tham. Vì tham đắm ái dục này, nên thường thích hưởng thụ những việc sung sướng. Vì tham cầu không được nên tâm sân hận nổi lên. Tâm sân nổi lên hừng hực nên khởi tranh đấu. Việc nhỏ thì nhà này cùng nhà khác tranh. Việc lớn thì nước này cùng nước khác tranh, rồi khởi bao chiến tranh khốc liệt. Nếu muốn thế giới hòa bình nhân dân an lạc thì mỗi người phải tự thanh tịnh thân tâm. Có tham sân si cũng như người có tâm bịnh. Nếu muốn dẹp trừ tâm bịnh này thì phải y theo lời chỉ bảo, rồi dùng toa thuốc vi diệu của thầy thuốc. Đức Phật là vị lương y, trị tâm bịnh cho tất cả chúng sanh. Tất cả Phật pháp đều là những toa thuốc vi diệu. Tâm bịnh của chúng sanh có rất nhiều loại, nên phải có nhiều pháp môn để trị liệu.