DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 3/20 ĐầuĐầu 1234513 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 196
  1. #21
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 1 _ Khai thị : 18-1-1943
    __________________________________________________ ______________________________________


    V. Khai thị tại chùa Từ Vân ở Trùng Khánh vào ngày mười tám tháng giêng, năm 1943

    Hôm nay cùng quý vị đàm luận. Đối với hai chữ khai thị, thật tình tôi rất xấu hổ, không dám đảm nhận. Hư Vân tôi, ngay chính mình cũng chẳng rõ, sao dám hàm hồ dạy người !

    Lời Phật dạy trong các Kinh điển nhiều vô số. Tại các tùng lâm những lúc tọa hương ngồi thiền, đả Quán Âm thất, Phật thất v.v..., các vị ban thủ luân phiên khai thị. Tuy nhiên, việc bái sám lễ lạy thì không như ngồi thiền đả thất. Khi lễ sám, năm thể phải chạm đất và ba nghiệp phải thanh tịnh mà không nên tăng thêm những lời tán ngôn loạn ngữ. Trên đàn sám không ban những lời khai thị. Lúc lễ sám phải quán tưởng: "Người lễ, bậc thọ lễ, tánh không tịch. Cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn. Nay con đảnh lễ Bồ Tát Quán Thế Âm, cảm ứng đạo giao tự hiện tiền".

    Thân tâm mình lễ. Phật và Bồ Tát là những vị thọ nhận lễ. Tâm mình vừa lễ vừa quán tưởng thâm sâu về quá khứ, hiện tại, vị lai, nơi mọi thời, đều không thể đắc được. Tất cả đều không tịch, thì tạng tánh Như Lai sẵn có, tự nhiên hiển lộ. Kinh Kim Cang nói: "Nếu lấy sắc cầu Ta, lấy âm thanh cầu Ta, người này hành Tà đạo, không thể thấy Như Lai... Nếu thấy các tướng mà không phải tướng, tức thấy Như Lai".

    Đây là hai ý nghĩa vừa ẩn vừa hiển. Không chẳng phải không và sắc chẳng phải sắc, thì mới là không chân thật và là sắc chân thật.

    Chúng ta đều là những người xuất gia. Nơi trong lửa bỏng dầu sôi, nước non loạn lạc, không gặp đạn dược cũng gặp phi cơ. Thật không may mắn. Tuy nhiên, trong việc không may mắn lại có những sự may mắn. Vì sao ? Người xuất gia vốn: "Một bình bát, ăn cơm ngàn nhà. Thân đơn độc, đi muôn vạn dặm".

    Tuy nhiên, hiện tại không thể hành được những hạnh này.

    Chúng ta phải nên xả bỏ tất cả, cùng thúc liễm thân tâm. Thân vốn là gốc khổ. Tâm nguyên là nguồn tội. Hiện tại, nếu không nỗ lực tu hành thì đợi đến chừng nào ? Một khi mất thân này thì muôn kiếp khó hoàn phục. Xả bỏ vọng tưởng thì bản tâm như như; muốn được như thế, phải tu hành ngay từ tự tâm, chứ không thể hành từ bên ngoài mà đắc được. Nếu luôn tinh cần tu trì thì lo gì không cắt đứt dòng sanh tử ? Nhà Nho có câu: "Từ thiên tử (nhà vua) đến thứ dân, mọi người phải lấy việc tu thân làm gốc".

    Tâm người đời hiện nay khác xưa. Họ không biết sự quan hệ giữa chánh trị và tôn giáo. Dùng chánh trị để sửa thân. Dùng tôn giáo để chuyển hóa nội tâm. Những ý nghĩa này, họ đều không biết đến. Gần đây, chắc có nhiều vị trí thức biết rõ rằng nếu không nhờ sự nỗ lực nhất chí của chánh phủ và tôn giáo thì không thể cứu tế được thiên tai hoạn nạn trong đại kiếp nầy. Hiện tại, tổng thống cùng các vị bộ trưởng, đồng phát tâm kiến lập pháp hội Đại Bi Hộ Quốc Giải Trừ Thiên Tai Hoạn Nạn, cũng không ngoài ý này.

    Xưa kia, việc kiến lập pháp hội là việc thường. Đối với pháp hội Thập Luân, Kim Cang v.v..., tôi nhớ không hết, nhưng biết rõ rằng sự dụng tâm tại những pháp hội đó không giống nhau. Các vị Lạt Ma Tây Tạng gần đây hoằng pháp tại Trung Nguyên rất nhiều. Chánh phủ rất mực tôn sùng kính trọng. Không biết có phải là tín ngưỡng đặc biệt của chánh phủ hay không ? Tăng sĩ áo xanh ngày càng lộng hành. Họ phá chùa đuổi tăng áo vàng. Tăng chúng áo xanh hay áo vàng đều là đệ tử Phật. Mật tông được truyền từ Nhật Bổn gọi là Đông Mật. Mật tông được truyền từ Tây Tạng, gọi là Tạng Mật. Những năm gần đây, Mật giáo tại Trung Quốc được thịnh hành một thời, vì đều có thể hiển hiện bao loại thần thông biến hóa. Tuy nhiên, vào lúc nhàn rỗi không chịu thắp hương. Gặp lúc khẩn cấp mới chạy đến ôm chân Phật thì không thể nào thành tựu được.

    Hư Vân tôi đi khất thực khắp nhân gian; những nước lân cận hầu như đã đến. Tôi vốn là phàm phu, không có thần thông, không biết biến hóa, nên không dám ăn thịt, cũng không dám ăn quá giờ. Có một số người chẳng hiểu Phật pháp, chưa quên danh lợi, và thường cầu thần thông biến hóa. Tồn trữ những vọng tưởng như thế, chẳng là tà cũng tức là ma. Phải nên biết rằng Phật pháp tại tâm mình, nên không thể đem tâm hướng ngoại cầu pháp. Thần thông phát khởi do trình độ dụng công thì cớ sao khởi tâm hy vọng mong cầu ? Dụng tâm như thế, làm sao khế hợp với chân lý vô sở trụ ? Đức Phật bảo rằng những người này thật đáng thương hại !

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  2. The Following User Says Thank You to nguoi ao lam For This Useful Post:

    honglien (08-30-2018)

  3. #22
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 1 _ Khai thị : 18-1-1943
    __________________________________________________ ______________________________________


    Hiện tại, quý vị Bồ Tát đại tâm phát nguyện tu trì Đại Bi Sám Pháp, vì muốn hộ quốc tiêu tai, nên yêu cầu Hư Vân tôi ra làm chủ trì. Công đức Hộ Quốc Tiêu Tai, mọi người đều nên thành tâm nhất ý, cùng làm cùng tạo. Chúng ta bái sám, xưng dương thánh hiệu; Bồ Tát Quán Âm linh cảm vô vàn. Duyên lành của ngài Quán Âm đối với cõi này thật rất thâm sâu. Tuy nhiên, tâm nếu không chân thành thì không thể đạt được cảm ứng. Nếu thành tâm xưng thánh hiệu thì Bồ Tát Quán Âm sao không tầm thanh cứu khổ ? Giữa hai mươi lăm vị thánh trong kinh Lăng Nghiêm, duy chỉ có Bồ Tát Quán Âm là chứng quả vị viên thông vi diệu nhất.

    Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát Quán Âm trình bày cách tu chứng viên thông của mình:

    - Đức Phật kia (Phật Quán Âm) dạy con từ văn tư tu để nhập vào Tam ma địa. Ngay trong cái nghe, không chạy theo âm thanh của trần cảnh, mà xoay cái nghe trở vào chân tánh. Nhập vào liền được tịch tĩnh, khiến hai tướng động tịnh, chấm dứt không sanh.

    Thứ nhất, bên trên khế hợp và đồng một lực Từ với mười phương chư Phật. Thứ hai, bên dưới đồng một Bi ngưỡng với mọi loài chúng sanh. Bồ Tát Quán Thế Âm thật đại vô úy. Ngài luôn dùng ba mươi hai ứng thân để hóa độ chúng sanh. Kinh lại bảo: "Giáo thể chân thật này, thanh tịnh tại âm thanh".

    Niệm danh hiệu của sáu mươi ức Hằng hà sa Pháp Vương Tử cũng đồng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.

    Bộ "Đại Bi Sám Pháp" do đại sư Tứ Minh Pháp Trí soạn. Bi nguyện thật không thể nghĩ bàn. Năng lực cảm ứng cũng không thể nghĩ bàn. Những câu chuyện cảm ứng được ghi trong sử sách rõ ràng tường tận. Từ sáng đến tối, năm thể chạm đất lễ sám, ba nghiệp thanh tịnh, thì đoạn được tội giết hại, ăn cắp, tà dâm, tham sân si, và chuyển mười việc ác thành mười việc lành. Tất cả đều phải phù hợp với diệu lý của sám pháp. Lại nữa, phát bốn lời đại nguyện, rồi dùng hương hoa, tự trang nghiêm phước đức trí huệ. Những sự lợi lạc như thế, sao lại không làm ? Lời nói là giả mà hành trì mới là chân. Hôm nay, đại khái đàm luận Phật pháp đôi chút. Phải nhớ rằng đức Phật là đấng trượng phu và mình cũng sẽ như thế. Tự tôn tự quý thì tự nhiên sẽ được cảm ứng.

    Đời vua Khang Hy, hòa thượng Nguyên Thông trụ trì chùa Tây Vực. Ngày nọ, một vị tăng đắp y vàng đến chùa. Nhà vua rất tôn sùng kính trọng mà bảo hòa thượng Nguyên Thông ra tiếp đãi. Hòa thượng Nguyên Thông bảo rằng đó chẳng phải là tăng hay người, mà là con nhái tinh. Nó có thần thông vi diệu. Bấy giờ, gặp lúc trời hạn hán. Nhà vua ra lịnh cho vị tăng mặc áo vàng kia cầu mưa. Quả nhiên có mưa, nên nhà vua lại càng cung kính. Hòa thượng Nguyên Thông bảo:

    - Hãy lấy nước mưa mà đem so với cức rái của các con nhái !

    Quả nhiên thật giống nhau; tà chánh rõ ràng. Phải biết rõ ràng về năm mươi ấm ma trong kinh Lăng Nghiêm, bằng không thì sẽ bị chúng chuyển, khiến nhập vào đường ma. Xin đại chúng hãy lưu ý !

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  4. The Following User Says Thank You to nguoi ao lam For This Useful Post:

    honglien (08-30-2018)

  5. #23
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 1 _ Khai thị : 19-1-1943
    __________________________________________________ ______________________________________


    VI. Khai thị tại chùa Từ Vân ở Trùng Khánh vào ngày mười chín tháng giêng, năm 1943

    Chư Bồ Tát ! Trong pháp hội này, Hư Vân tôi thật không biết tự lượng sức mình, lại không biết quý vị lên chánh điện, đến Tổ đường, làm việc Phật sự, khổ nhọc muôn phần. Tối đến, lại thỉnh quý vị ra niệm Phật, nghe khai thị. Tôi có thật cản trở sự tu hành của quý vị không ? Trong lòng tôi còn vài việc, chưa thổ lộ được. Có một số cư sĩ tại pháp hội này, muốn nghe khai thị. Chư Phật và chư Bồ Tát khó làm mãn nguyện chúng sanh.

    Tối hôm qua, tôi đã nói về sự khác biệt giữa bái sám và hành Phật thất, nhưng chưa bàn về những điểm then chốt. Quý cư sĩ đó phát tâm thật khó ai bì được. Hiện tại, tôi không phải là Hư Vân mà trở thành Hư Danh; thật tình thổ lộ không ra lời. Tôi đã từng nói với thầy trụ trì rằng kỳ pháp hội này, quý vị thọ khổ rất nhiều. Ngày ngày, ai ai cũng tự tu đạo và tạo công đức, như dự các tịnh thất và làm công quả, nên không có thời gian nghỉ ngơi. Nơi ngôi chùa này, không có một mảnh ruộng, miếng ngói. Nếu không làm Phật sự thì không thể thành công. Tuy nhiên, nếu làm Phật sự thì không thể dụng công, đả Thiền thất. Vì Phật sự quá bận rộn, nên đến tối mới làm lễ Phóng Diệm Khẩu tại đại điện. Thế nên, tại nơi đây tôi thiết phương tiện giảng Kinh thuyết pháp trong ban ngày, để quý vị cư sĩ có thể băng sông, trở về nhà sớm. Trên đàn sám có bốn mươi chín người bái sám. Họ không thể dừng lại nửa chừng để nghỉ ngơi, mà phải cần có người khác đến luân phiên. Thường trụ lại quá bận rộn, nên hai mươi bốn người không thể xuống đàn.

    Bàn về chữ khai thị. Khai tức là khai khải. Thị nghĩa là biểu thị, tức giảng giải việc thiện ác của con người, cùng khai mở bổn lai diện mục của mọi người. Tuy nhiên, sắc tướng vốn không có tướng lớn nhỏ, vuông tròn, phàm thánh, nam nữ, v.v... Phàm tất cả tướng đều là hư vọng. "Nếu thấy tướng mà không phải tướng, tức là thấy Như Lai". Dẹp hết tình phàm, thật không có giải thoát của chư Thánh. Người học đạo phải chân thật, chớ treo đầu dê mà bán thịt chó. Phải tự tầm cầu bên trong, chớ tìm tòi bên ngoài. Lời nói không có nghĩa chân thật, đều giả dối. Hành trì mới là chân thật. Nếu được như thế thì triển chuyển dây chuyền, từ một người đến nhiều người, từ một nhà đến một quốc gia, từ một quốc gia đến nhiều quốc gia, toàn thế giới không cần trị mà an.

    Không luận tu học pháp môn nào, phải lấy việc trì giới làm căn bản. Nếu không trì giới mà trí huệ lại tinh xảo, thì tất cả việc làm đều là việc ma. Hai mươi lăm pháp môn trong kinh Lăng Nghiêm đều có thể tu chứng viên thông. Vì vậy bảo rằng phương tiện thì nhiều pháp môn, nhưng quy về cội nguồn thì không hai.

    Tự mình chọn lấy một pháp môn làm chánh hạnh, còn những hạnh khác thì chỉ làm phụ. Phải tu cả hai phước và huệ. Nếu chỉ tu phước thì sẽ hưởng phước hữu lậu ở cõi trời người. Nếu chỉ lo tu trí huệ thì sẽ thành trí huệ khô khan. Tu hành mà không đoạn trừ tâm giết hại, đời sau nếu không làm thành hoàng thì sẽ làm thổ địa. Tôi thấy rất nhiều người, nửa ăn chay nửa ăn mặn. Tu học Mật tông lại ăn thịt. Thật rất đau lòng vì hoàn toàn trái ngược với tâm từ bi. Mạnh Tử nói:

    - Nghe âm thanh, không nhẫn ăn thịt của chúng.

    Mạnh Tử còn nói như thế, huống hồ gì chúng ta đã là Phật Tử ! Cướp giựt sanh mạng của loài vật để thỏa lòng mình sao ? Miệng chỉ hưởng được chút ít vị ngon, mà tạo vô biên nghiệp ác. Gì là giữ và gì là xả ? Gì là nhẹ và gì là nặng ? Tôi thấy không ít các người Thích Tử xuất gia thường ăn thịt. Miệng mồm tôi không được hay, nên mỗi lần thấy những việc như thế thì không thể chẳng nói được. Xin quý vị hãy cố gắng tu hành!

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  6. #24
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 1 _ Khai thị : 1-2-1943
    __________________________________________________ ______________________________________


    VII. Khai thị tại chùa Kiềm Minh, Quý Dương, vào mồng một tháng hai, năm 1943

    Hư Vân tôi lại y theo lời thỉnh mời của Thủ tướng chánh phủ cùng quý đại cư sĩ để đến đây giảng thuyết và chủ trì pháp hội Đại Bi Hộ Quốc Tiêu Tai. Vì thời gian có hạn, nên không thể đến các đạo tràng khác bái kiến vấn đáp. Xin hãy niệm tình bỏ qua !

    Quý vị đều là các bậc Thượng tọa tu hành lâu năm. Đối với Phật pháp đã từng nghiên cứu tu học thâm sâu, đâu cần nghe nhiều lời của tôi. Tuy nhiên, vì quý vị nhất định muốn tôi ra thuyết giảng, nên không thể chẳng nói vài lời.

    Hiện tại, các nước trên thế giới đang gây chiến tranh, giết hại lẫn nhau. Nhân dân đang sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng. Vì vậy nói: "Nhân dân không biết nương đâu mà sống".

    Nơi đây may mắn có Hòa thượng Quảng Diệu đang hoằng dương Phật pháp, độ khắp chúng sanh.

    Hôm nay, Hư Vân tôi cùng quý vị hợp mặt tại chánh điện này thật chẳng phải là nhân duyên ngẫu nhiên. Tuy nhiên, bất quá Hư Vân tôi chỉ lớn tuổi hơn quý vị đôi chút, còn những việc khác thì chẳng hay ho chút nào.

    Sau khi thành lập Dân Quốc, chánh phủ vốn đã chấp thuận cho tự do tín ngưỡng. Lời di chúc của Quốc Phụ (Tôn Trung Sơn) đã được ban bố rõ ràng. Nhận thấy những tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Gia Tô giáo, Hồi Giáo đều được chánh phủ bảo hộ. Tuy nhiên, việc phá chùa đuổi tăng lại xảy ra trong toàn quốc. Bị oan ức, sao chẳng có nơi giải bày ? Việc này quý vị hãy suy nghĩ đôi chút. Họ phá chùa đuổi tăng cố nhiên là không đúng. Nhưng vì vật tự thúi rữa, nên mới sanh ra trùng. Hiện tại, các Phật tử phần nhiều bỏ bê trách nhiệm, không biết rằng nếu là người Phật tử thì phải luôn làm Phật sự. Phật sự là gì ? Phật sự tức giới định huệ, là việc mà Phật tử phải tu hành. Nếu nhận chân tu trì, thì tự nhiên sẽ biết cách cảm hóa bọn ác ma, chuyển chúng thành những người hộ trì Phật pháp.

    Ngày nay, các Tăng Ni phạm luật pháp thế gian, khiến làm lụy đến chư Phật. Chánh quyền chiếm chùa miếu, đuổi Tăng Ni. Họ không biết chùa chiền đâu có can hệ chi với những Tăng Ni bất hảo ! Một đảng viên bất hảo, đâu có can hệ gì với toàn đảng. Nếu một Tăng Ni bất hảo thì đi phá chùa chiền, còn nếu một đảng viên bất hảo thì có nên hủy diệt toàn đảng không ? Lý này, tôi hy vọng mọi người đều nên hiểu rõ. Mọi người hãy giúp một tay, lật đổ bồn cát này. Chớ nên bảo người Quý Châu chỉ lo Phật pháp ở Quý Châu. Phải nên biết Phật giáo là một hợp nhất. Mọi người không nên phân biệt oán thù hay thân thuộc, như đất chẳng phân biệt biên cương. Phải nên vì chủ nghĩa đại đồng chân chánh. Phải tự nhớ rằng sanh tử là việc lớn. Từ văn tư tu, nhập Tam ma địa. Mọi người phải tự tinh tấn tiến bước. Chớ để một đời trôi qua vô ích.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  7. #25
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 2 _ Khai thị : 18-8-1946
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẦN II


    VIII. Khai thị tại Đại Hội Hoan Nghinh Các Giới Chức, tại hội quán Trung Sơn ở Quảng Châu vào ngày 18-8-1946

    Lần này, bốn chúng cùng quý vị đại hộ pháp tại các tỉnh hội mời Hư Vân tôi đến đây để hoằng dương Phật pháp. Hư Vân tôi tri thức cạn cợt, thẹn thùng chẳng dám đảm nhận. Hôm nay cùng quý vị đại biểu phân rõ ba điều: Thứ nhất, cung kính hoan nghinh quý vị đến đây. Thứ hai cám ơn quý vị đã cúng dường trai tăng. Thứ ba, không thể ở đây lâu được. Do quý vị đại biểu yêu cầu, Hư Vân tôi mới xuống núi. Đến đây, lại được sự ân cần tiếp đãi của quý vị. Chùa Lục Dong nhỏ hẹp. Người đến đây không phải ai ai cũng được tiếp đón nồng hậu. Hôm nay, đại chúng đồng thỉnh tôi đến đây giảng vài lời. Có vị bảo rằng người như Hư Vân tôi thật rất khó gặp. Thật ra, tôi chỉ là một cây gỗ già nua mục nát rất vô dụng, chẳng có tài cán, lời hay ho, hoặc pháp gì để nói.

    Hôm nay, các giới chức đồng phát tâm kiến lập pháp hội Thủy Lục để truy điệu các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn. Vì vậy, tôi sẽ giảng thuyết sơ về duyên khởi của sự kiến lập đàn tràng Thủy Lục.

    Sao gọi là Thủy Lục ? Thủy tức là nước tại sông biển ao hồ. Lục tức là đất đai tại núi non, cao nguyên, đồng bằng. Thủy Lục (đất nước) bao hàm cả hư không. Nếu là vật có hình tướng thì không vượt ngoài ba vật này (đất, nước, hư không).

    Đấng Như Lai của chúng ta khởi tâm đại từ bi, cứu tế khắp loài hữu tình, nên mới lập ra pháp môn này. Duyên khởi của pháp hội Thủy Lục là khi tôn giả A Nan tu tập thiền định trong rừng, có một con Quỷ chúa đến cầu xin cứu độ. Tôn giả A Nan liền trở về núi Linh Thứu, cầu Phật dạy bảo. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhân đó mà thuyết pháp Thủy Lục. Con Quỷ chúa vốn là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Vì thương xót chúng sanh trên đất liền đang chịu bao thống khổ, và muốn giúp cho âm hồn trong cõi Địa ngục U Minh được vãng sanh lên cõi Cực Lạc, nên thiết pháp siêu độ.

    Pháp hội này khởi đầu từ đời vua Lương Võ Đế ở nước Tàu. Nhà vua phát tâm Bồ Đề rất mực chân thành mà cung thỉnh Hòa thượng Chí Công, định chế nghi thức lập đàn tràng "Thủy Lục" để làm lợi ích cho các oan hồn uổng tử. Sắp đặt đèn cầy xong, vua Lương Võ Đế lễ một lạy; kế đến thắp đèn "Tận Minh", rồi lễ thêm một lạy. Khi đó, cung điện chấn động. Vua lễ lần thứ ba thì trời mưa hoa báu. Công đức đàn tràng "Thủy Lục" như thế.

    Đời Đường, tại chùa Pháp Hải, thiền sư Anh Công lại kiến lập đàn tràng Thủy Lục để cầu siêu độ cho vua Tần Trang Nhượng, Phạm Tuy, Bá Khởi, Vương Long Vũ, Trương Nghị, Chẩn Muội, v.v... đã bị trầm luân cả ngàn năm, khiến họ siêu thăng cõi trời. Cư sĩ Tô Đông Pha đời Tống, đại sư Liên Trì đời Minh, v.v..., cùng chư Thánh hiền bao đời bổ sung thêm vào, khiến cho nghi thức lập đàn tràng Thủy Lục ngày một hoàn bị. Muôn pháp do tâm tạo. Mọi người đều thành tâm, tất sẽ có cảm ứng.

    Hư Vân tôi thể theo lời khẩn thỉnh của các vị đại hộ pháp mà làm pháp chủ cho đàn tràng này, thật khó từ chối được.

    Các chiến sĩ trận vong trong thời kỳ kháng chiến, xả thân báo quốc, nhưng hồn họ vất vưỡng, không nơi nương tựa. Vì tôn sùng ân đức này, chúng ta kiến lập đàn tràng để cầu siêu độ cho họ. Nghĩa dân bất khuất, lưu lạc đường hoang, nhà tan người mất, không hàng phục quân địch, trung thành vì nước. Cô hồn vô chủ, lang thang khắp nơi. Lại có những vong hồn uổng tử, chết vì bị trúng đạn, xe cán, bịnh dịch, chết đuối, chết oan v.v... Chúng ta phải đều cầu siêu độ hết để an ủi chúng sanh ở cõi u linh. Kẻ chết được an, người sống được ích lợi, tức là làm lợi ích khắp cõi dương và cõi âm.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  8. #26
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 2 _ Khai thị : 18-8-1946
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đây là lý nhân quả tuần hoàn. Xoay lại đạo lý nhân tâm, không ngoài các việc ác chớ làm mà phải hành theo những việc lành. Bao việc khổ sở trên thế gian đều do đã trồng nhân xấu đời trước. Nếu tán tận lương tâm, bỏ quên hiếu để, trung tín, lễ nghĩa, khiêm, sĩ, cứ làm càn làm bậy, thì khiến lụy đến người hiền, và thế giới mãi mãi vẫn còn loạn lạc. Đất nước vừa được trùng quang độc lập, phải cực lực hưng thiện dẹp trừ việc xấu, cải ác theo lành, thì mới không bị nước ngoài xâm lăng. Nếu không lo chuyện đại cuộc mà vẫn cứ khởi nội loạn, thì nhân dân không biết sẽ chết nơi nào. Lúc này, nếu người có lương tâm phải sớm giác ngộ, biết đoàn kết, giải trừ kiếp vận cho đất nước. Nước Tàu từ lúc Hoàng Đế khởi binh đánh vua nước Cửu Lệ cho đến ngày nay, chiến tranh mãi không dừng.

    Nếu muốn hòa bình mãi mãi thì mọi người phải nên phát tâm Bồ Đề, và tâm đại từ đại bi. Bồ Đề là chữ Phạn, nghĩa tức là Giác. Giác tức là đất tâm sáng chiếu. Sự khác biệt giữa chư Phật và chúng sanh là việc Giác ngộ hay chưa Giác ngộ. Những vị đã Giác ngộ tất cả các pháp trên thế gian đều do duyên sanh như mộng như huyễn, và thể tánh vốn không, chẳng bị nhiễm ô, được gọi là Thánh hiền. Bất giác tức là vô minh. Một khi vô minh khởi lên thì mê mờ sự lý. Từ tự tâm của chúng ta, sanh ra mười pháp giới. Mười pháp giới đều do tâm tạo. Mười pháp giới gồm có bốn pháp giới Thánh hiền và sáu pháp giới Phàm phu. Bốn pháp giới Thánh hiền là pháp giới của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Gọi là cảnh giới thánh hiền vì nơi đó các ngài đã vượt ngoài ba cõi, không còn thọ luân hồi. Nếu phân biệt thì giữa bốn pháp giới thánh hiền có phân chia cao thấp. Pháp giới tối thượng tức là pháp giới của chư Phật. Kế tiếp là pháp giới của Bồ Tát, rồi đến pháp giới của Duyên Giác, và cuối cùng là pháp giới của Thanh Văn. Sáu pháp giới phàm phu vẫn còn nằm trong biển khổ luân hồi là pháp giới của Trời, Người, A Tu La, Súc sanh, Địa ngục, Ngạ quỷ. Pháp giới của cõi Trời có ba mươi hai tầng Trời. Sau khi thọ hết phước báu, chư Thiên vẫn bị luân hồi như thường. Con người từ đế vương, tể tướng cho đến nông dân, công thương, sĩ thứ, đều thọ hết tất cả khổ của sanh già bịnh chết. Loài A Tu La có phước nhưng không có đức như chư Thiên nên cuối cùng vẫn phải bị hoại diệt. Trong loài Súc sanh, cũng có sự khác nhau về việc hưởng lạc và thọ khổ, như loài Rồng Phượng, Sư tử, Lân giác thì thường hưởng lạc, và ít thọ khổ hơn loài trùng kiến thấp sanh, hóa sanh. Khổ nhọc hay an lạc trong loài Quỷ cũng không đồng. Các Quỷ vương như Diêm Vương và Thành Hoàng đều hưởng lạc nhiều mà thọ khổ ít hơn những loài Quỷ cô hồn vô chủ. Khổ nhất là loài Ngạ Quỷ. Chúng sanh trong Địa ngục thường thọ vô biên khổ cực, chẳng hề được sung sướng.

    Mười pháp giới không ngoài một tâm. Giác ngộ hay chưa Giác ngộ cũng từ tâm này ra. Đức Phật của chúng ta thật rất đại từ đại bi. Ngài giảng Kinh thuyết pháp để khiến cho mọi người phát tâm Bồ Đề. Phát tâm Bồ Đề cũng sai khác. Bậc lớn thì phát tâm tu hành thành Phật. Bậc trung thì phát tâm tu hành thành Bồ Tát. Bậc nhỏ thì phát tâm tu hành thành Thanh Văn Duyên Giác. Chư Thiên cũng có vị phát tâm Bồ Đề. Do sự phát tâm rộng hẹp, lớn nhỏ, nên việc thành tựu đạo quả mau chậm không đồng. Chúng ta đang sống trong cõi người, phải nên phát tâm Bồ Đề rộng lớn, cứu độ chúng sanh, thay họ chịu khổ. Lại nữa, nên nguyện rằng sẽ dẹp trừ khổ lụy và khiến chúng sanh được siêu thăng. Nếu người người đều phát tâm như thế thì cõi nhân gian sẽ không còn khổ đau.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  9. #27
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 2 _ Khai thị : 18-8-1946
    __________________________________________________ ______________________________________


    Có người hỏi tôi về thần thông biến hóa, thế giới chừng nào hòa bình, vận nước tốt xấu như thế nào ? Tuy nhiên, tôi vốn là Phàm phu, không biết việc chi, lại chỉ là cây gỗ già nua khô mục, không thể chạm khắc. Bất quá, so với quý vị thì ăn cơm hơn nhiều năm, ngu si hơn nhiều năm, nghe các ngôn ngữ lời nói nhiều hơn, xem nhiều quyển Kinh hơn. Nhận biết làm người là khổ đau, nên tôi mới nói ra những lời này. Quý vị chớ nên hỏi việc quốc gia có hòa bình an lạc hay không, mà chỉ nên tự hỏi ngay tâm địa của mình. Ngày đêm sáng tối, chớ nên phân biệt quan dân, nam nữ. Tự khắc phục tâm tánh, chớ để tự tâm mê mờ. Phải thật hành hiếu để trung tín, và cùng mọi người hỗ tương khích lệ. Phải nên trung thành với quốc gia, giáo dục con cái đàng hoàng, hòa thuận vợ chồng, lễ kính thân bằng quyến thuộc bà con láng giềng, có tín nghĩa khi giao hảo với bạn bè. Nếu người người làm được như thế thì thế gian tự nhiên thái bình. Ngược lại, nếu biết sai mà không sửa đổi thì khổ não tất sẽ chạy theo, không thể tránh được. Dầu nhân tâm có phức tạp như thế nào, vẫn tự giữ bổn phận của mình, không chìm đắm trong muôn ngàn mong cầu.

    Hôm nay, tôi bàn đến việc nước nhà bị ngoại xâm. Từ đời Thanh niên hiệu Đạo Hàm cho tới nay, người ngoại quốc đến nước Tàu, không phải hoàn toàn muốn chiếm đất đai mà chỉ có mục đích quan trọng nhất là muốn thông thương vì tiền tài lợi lộc. Chúng ta phải tự giữ bổn phận của người quân tử: Thân không cầu an, ăn không cầu no, mến đạo không sợ nghèo, chẳng ham hưởng nhàn. Lịch sử mấy ngàn năm đều có những bậc quân tử như thế. Tại sao hiện nay lại không có được những vị như vầy ? Nếu mọi người đều đồng tâm nhất chí, giữ bổn phận của mình, dùng đồ nội hóa thì người ngoại quốc không thể mưu đồ lợi ích gì cả, và tự nhiên sẽ không sanh tâm xâm lược. Vàng bạc tiền tài nếu không mang ra nước ngoài thì dân giàu nước mạnh mà không cần phải dùng đến máy bay, bom đạn.

    Hiện tại, con người tham dục vô cùng. Ai ai cũng đều bỏ quên, khinh rẻ học đạo đức làm người. Kẻ có lương tâm, ưu sầu sống ẩn dật, vì sợ không có cách dạy bảo kẻ hậu lai, nhưng cũng không tránh được kiếp đao binh chiến nạn. Chúng ta chớ bị truyền thống phong tục của người thế gian lôi cuốn; phải rõ nhân quả, biết báo ứng; trồng nhân xấu tức gặt quả ác; cố đề xướng đạo đức. Thế nên, nhà nào tích tụ hạnh lành thì luôn có việc vui, và tự nhiên được trời rồng ủng hộ, khiến con cháu đầy đàn sung túc; người người nếu an phận thủ thường thì quốc gia cũng nhờ đó mà được thái bình an lạc.

    Hư Vân tôi tri thức cạn cợt, nay chỉ nhờ duyên khởi của thắng hội tế trai, lược nói đại khái, khiến quý vị thêm mệt nhọc.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  10. #28
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 2 _ Khai thị tại Hồng Kông, 1947
    __________________________________________________ ______________________________________


    IX. Khai thị tại Đông Liên Giác Uyển, Hồng Kông, năm 1947

    Tuy cơ duyên khó gặp, nhưng bảo rằng tôi nói lời khai thị thì thật rất hổ thẹn. Quý vị thiện tri thức ! Nhân duyên tới Quảng Châu lần này của tôi là do sự thỉnh mời của tướng quân Trương Phát Khuê và chủ tịch La Trác Anh đến đây kiến lập pháp hội Thủy Lục để cầu siêu độ cho các vong hồn chiến sĩ, đồng bào tử nạn trong đại chiến thế giới lần thứ hai. Lại vì ước hẹn với hội Phật giáo tại Hồng Kông cùng muốn gặp gỡ các đệ tử hộ pháp, nên nay tôi mới đến đây. Hôm nay gặp quý vị tại pháp đường, thật là một cơ duyên khó được. Nếu nói khai thị pháp yếu, tôi cảm thấy rất xấu hổ muôn phần. Thứ nhất ngôn ngữ không thông, mình người ngăn cách. Thứ hai, tự không thể khai thị cho chính mình, sao dám nói đến việc khai thị cho người ? Thế nên, chỉ có thể cùng quý vị tùy duyên mà đàm luận.

    "Thường nghe được Phật pháp, người Hồng Kông quả thật có phước báu".

    Chúng ta là đệ tử Phật, biết rõ Phật pháp khó được nghe. Tuy nhiên, tại Hồng Kông, thường có chư vị đại pháp sư từ các đạo tràng Phật giáo khắp nơi, qua đây giảng Kinh giảng Luận. Sao không thể bảo là người Hồng Kông có phước báo nhiều ư ? Pháp sư giảng kinh nhiều; người hiểu rõ giáo lý cũng nhiều. Tuy nhiên, trong việc hoằng pháp, điều trọng yếu là phải dạy người chẳng nên chấp trước hình tướng bên ngoài. Kinh nói: "Đối với tất cả vật có hình tướng, đều là hư vọng".

    Kinh lại bảo: "Chúng sanh trên cõi đất này đều có đầy đủ trí huệ phước đức của Như Lai".

    Chúng sanh đều đầy đủ đức tướng trí huệ phước đức của Như Lai, nhưng chưa có thể thành Phật chỉ vì trần lao phiền não làm mê hoặc. Phước đức và trí huệ của Phật đà viên mãn tròn đầy; chân tâm thường trụ không còn bị mê hoặc. Thường tức là bất biến. Trụ tức là bất động. Chân tức là không giả dối. Tâm bất biến, bất động, không giả dối này giác ngộ liễu tri được hết tất cả pháp, nên gọi là chân tâm thường trụ.

    "Khởi hoặc tác nghiệp, tạo vô lượng bịnh khổ".

    Chúng sanh vì mê mờ chân tâm thường trụ nên khởi mê hoặc mà tạo nghiệp xấu. Trong bân khuân rối rít hiện ra vô lượng thống khổ. Đại Thừa Khởi Tín Luận viết: "Vô minh bất giác sanh ba tế. Cảnh giới do duyên khởi thành sáu thô".

    Thô tức là tướng sự vật có thể thấy được. Những hiện tượng trước mắt trên thế gian như tham sân si, cùng bao nghiệp ác giết hại, ăn cắp, tà dâm, nói láo, v.v... đầy dẫy khắp cả. Do những nghiệp ác này, chúng dẫn dắt chúng ta lưu chuyển thọ quả báo, cho đến có sự lưu chuyển liên tục của chúng sanh và thế giới. Truy cứu nhân duyên luân hồi, biết rõ chỉ vì tâm mê chấp ngoại cảnh. Nếu thường giác ngộ, bỏ vọng xoay về chân thì sẽ tiêu diệt bao thống khổ của dòng sanh tử luân hồi.

    Vì sao có tham sân si khiến sanh khởi những nghiệp ác, giết hại, ăn cắp, tà dâm ?

    "Nếu tâm mọi người đều thanh tịnh thì thế giới sẽ được thanh bình, và nhân dân được an lạc".

    Như trong một gia đình, cha mẹ luôn thương mến ái hộ con cái, trai lẫn gái. Vì có ái nên có tham. Vì tham đắm ái dục này, nên thường thích hưởng thụ những việc sung sướng. Vì tham cầu không được nên tâm sân hận nổi lên. Tâm sân nổi lên hừng hực nên khởi tranh đấu. Việc nhỏ thì nhà này cùng nhà khác tranh. Việc lớn thì nước này cùng nước khác tranh, rồi khởi bao chiến tranh khốc liệt. Nếu muốn thế giới hòa bình nhân dân an lạc thì mỗi người phải tự thanh tịnh thân tâm. Có tham sân si cũng như người có tâm bịnh. Nếu muốn dẹp trừ tâm bịnh này thì phải y theo lời chỉ bảo, rồi dùng toa thuốc vi diệu của thầy thuốc. Đức Phật là vị lương y, trị tâm bịnh cho tất cả chúng sanh. Tất cả Phật pháp đều là những toa thuốc vi diệu. Tâm bịnh của chúng sanh có rất nhiều loại, nên phải có nhiều pháp môn để trị liệu.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  11. #29
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 2 _ Khai thị tại Hồng Kông, 1947
    __________________________________________________ ______________________________________


    "Học Phật pháp phải nên chú ý phần thực hành".

    Nếu tin tưởng sự chẩn bịnh và toa thuốc của thầy thuốc, rồi tự dùng thuốc đó thì bịnh tất sẽ tiêu trừ. Ngược lại, tuy tin thầy thuốc và toa thuốc vi diệu, nhưng lại không uống thì bịnh vẫn y nhiên còn mãi. Cũng như thế, người tu học Phật pháp nếu muốn tự thanh tịnh thân tâm thì phải chú trọng phần thực hành. Vì tâm bịnh của chúng sanh không đồng, nên Phật thiết lập ra bao loại pháp môn. Đối với người có tâm sân hận nặng nề thì dạy tu quán từ bi. Để trị tâm tán loạn, phải dạy tu chỉ quán. Để trị bịnh nghiệp chướng nặng nề, phải dạy niệm Phật. Đức Như Lai thuyết ba tạng Kinh điển, mười hai phần giáo mà không thiên vị gì là trọng (nặng) hay gì là khinh (nhẹ); thật không thể nghĩ bàn !

    "Bất ly bổn tông, chuyên tâm tín lại".

    Chỉ nên chọn lựa pháp môn nào thích hợp cho chính mình, rồi dùng pháp môn đó làm chính, còn những pháp môn khác thì làm phụ. Trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi thường chuyên tâm tu học mà không rời tông chính. Ví dụ, niệm Phật thì lúc nào cũng không quên niệm. Kinh nói: "Thọ trì danh hiệu sáu mươi hai ức hằng hà sa số chư Bồ Tát cũng đồng như nhất tâm niệm một danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát. Công đức trì niệm này, thật không khác biệt".

    Vì miễn cưỡng, muốn khích lệ chúng sanh chuyên tâm tin tưởng tông này, nên đức Phật mới thuyết như thế. Người học Phật, nếu không biết gì là chủ bạn, và không chuyên tu học, thì kết quả nhất định sẽ không đạt chi cả.

    "Nỗ lực phá trừ tất cả vọng tưởng".

    Lại nữa, người học Phật phải y theo giới luật Phật chế. Giới là cội gốc của đạo Bồ Đề vô thượng. Nếu y theo giới luật của Phật chế thì không luận tham thiền, niệm Phật, giảng kinh, v.v... tất cả đều là Phật pháp. Nếu không y theo giới luật Phật chế mà cuống quẩn tham thiền, niệm Phật, giảng kinh, thì cùng đạo cách xa muôn trùng, và dễ dàng lạc vào ngoại đạo. Người tu hành học Phật, chớ hướng ngoại truy cầu, chỉ nên tự trừ khử nghiệp chướng, thì sẽ không lưu chuyển trong dòng sanh tử. Nếu cắt đứt được dòng sanh tử thì không cần hành trì chi nữa.

    Kinh thuyết: "Phật thuyết hết thảy pháp, để đối trị hết thảy tâm. Nếu không có tất cả tâm, thì không có tất cả pháp".

    Tâm này chỉ cho tâm vọng tưởng. Ý của đoạn kinh này là nếu không có bịnh thì cần gì đến thuốc.

    Lại nữa, người học Phật phải có đầy đủ niềm tự tin. Trong kinh Phạm Võng, đức Phật nói:

    - Ta đã thành Phật. Các ông trong tương lai cũng sẽ thành Phật. Phải có niềm tin như thế thì giới phẩm mới đầy đủ.

    Đoạn Kinh này bảo rằng nếu người người tự tin là mình có đầy đủ đức tánh của chư Phật thì đời tương lai sẽ thành Phật. Vì thế, phải nỗ lực giải trừ hết tất cả vọng tưởng khách trần.

    "Lại như một tuồng kịch, đời người vốn là mộng huyễn".

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  12. #30
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 2 _ Khai thị tại Hồng Kông, 1947
    __________________________________________________ ______________________________________


    Phải tự tin tâm mình vốn là Phật. Tất cả phiền não, tất cả tướng, tất cả chướng ngại, đều là vọng tưởng điên đảo. Do đó, người tu đạo chớ nên chấp trước mà phải xả bỏ hết tất cả. Vì thế bảo rằng muôn pháp đều là không, nên chẳng thể chứng đắc một pháp gì. Kinh Kim Cang thuyết:

    "Tất cả pháp hữu vi,

    Như mộng huyễn, như bong bóng nước

    Như sương mai, như điện chớp

    Phải nên quán sát như thế".


    Tại sao tất cả pháp hữu vi trên thế gian đều như mộng huyễn không thật ? Lấy một ví dụ để hiểu rõ ràng. Như trong một tuồng kịch cải lương, khi đánh trống khởi nhạc lên, các nghệ sĩ nam nữ già trẻ y theo vai tuồng của mình mà lên sân khấu diễn xuất. Trong khi diễn xuất, có bao tình tiết vui buồn, nóng giận, ghen ghét, v.v... Có người đóng vai làm Hoàng Đế oai phong lẫm liệt, nhưng khi xuống sân khấu thì trở lại làm người dân bình thường. Khi lên sân khấu thì diễn xuất bao cảnh giết người phạm pháp, hung ác, cùng bao cảnh tượng kinh hoàng khủng khiếp, hay ưu sầu buồn bã. Tuy nhiên, khi xuống sân khấu thì cười bảo:

    - Chỉ đóng tuồng thôi.

    "Phải nên hiểu rõ, vì sao có khổ đau sung sướng ?"

    Khi diễn tuồng thì những tình tiết trên sân khấu trông giống như thật, nhưng lúc hạ màn thì chẳng có một tình tiết nào là thật cả. Chúng sanh cũng như thế. Lúc chưa cắt đứt hết phiền não thì vinh hoa phú quý, vui buồn giận tức, xuất hiện rõ ràng. Ai ai cũng vốn là Phật, giống như người đóng kịch. Lúc lưu chuyển theo phiền não, cũng giống như đang đóng tuồng trên sân khấu. Phải nên hiểu rõ cảnh tượng thế gian giống như kịch trường sân khấu. Được lên tận Thiên đường chưa phải là vui. Bị đọa xuống Địa ngục chẳng phải là khổ. Người nam vốn chẳng phải nam. Người nữ vốn chẳng phải nữ. Phật tánh đồng một thể. Người thế gian không biết, trong mộng tự phân biệt rằng đây là mình, đây là người, đây là thân, đây là oán, nên mê muội không ngừng nghỉ. Người xuất gia tuy xả bỏ thân bằng quyến thuộc, nhưng vẫn phân biệt chấp trước mê muội rằng đây là chùa viện, là thầy, là đệ tử, là pháp hữu, và là bạn thân của tôi.

    "Bỏ vọng xoay về chân. Tự lợi chính mình và làm lợi ích cho người".

    Người tại gia bị ái dục thế tình làm mê mờ. Người xuất gia cũng bị pháp hữu, và pháp quyến thuộc làm mê hoặc. Những người như thế, vẫn chưa đắc được giác ngộ chân thật. Nếu cố gắng thoát ly hết tất cả mê hoặc, bỏ vọng xoay về chân thì mới thành Phật. Do đó, Lục Tổ đại sư khi nghe đến đoạn "ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm" trong kinh Kim Cang liền đột nhiên đốn ngộ. Tám chữ này, nếu dùng ngôn từ để giải thích thì không thể được mà nội tâm phải lãnh hội. Chân lý Phật giáo tuy không thể dùng ngôn ngữ để biểu thị, nhưng nếu phế bỏ hoàn toàn thì không thể được. Phải y theo văn tự mới có thể hiểu rõ nghĩa lý. Ngày nay, người học Phật phải nghiên cứu tất cả giáo lý, nhưng vẫn lấy sự hành trì làm căn bản, rồi hoằng dương Phật pháp, khiến ngọn đuốc chánh pháp mãi mãi tiếp tục lan truyền.

    "Tương thử thâm tâm phụng trần sát. Thị tắc danh vi báo Phật ân", tức là dùng thâm tâm này để phụng sự chúng sanh như số cát vi trần. Đây gọi là báo ân chư Phật".

    Hy vọng tất cả người học Phật, nên lấy hai câu này làm tiêu chuẩn cho việc tự lợi và lợi người.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 3 người đọc bài này. (0 thành viên và 3 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •