DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 18/20 ĐầuĐầu ... 81617181920 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 171 tới 180 của 196
  1. #171
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 8
    __________________________________________________ ______________________________________


    3/ Khai thị phương tiện tự thệ thọ giới

    Quý vị vì không biết nguyên nhân truyền giới của bổn tự mà đến đây. Lại nữa, hiện nay tại Thượng Hải đã phát sanh rất nhiều việc rắc rối. Do đó, xin quý vị ở bên ngoài đến, sau khi thọ giới xong hãy mau mắn trở về. Nghe qua lời này, chắc chắn quý vị sẽ bị phiền muộn. Song, tôi không nhẫn tâm nhìn thấy quý vị bị tai họa.

    Những năm về trước, tôi truyền giới mất cả năm mươi ba ngày. Năm nay, vì việc sinh sống khó khăn bề bộn, nên thời gian truyền giới phải giảm xuống. Tôi định là rằm tháng mười nhập đàn truyền giới, cho đến ngày mười tám tháng mười một thì kết thúc. Tổng cộng là ba mươi hai ngày. Hiện tại, nhân duyên cũng không đủ, lại hoãn kỳ truyền giới trong nửa tháng; định đến mồng một tháng chạp mới nhập đàn truyền giới, rồi đến ngày mười tám là viên mãn.

    Hôm nay, đặc biệt vì có rất nhiều quý vị tân giới tử từ các nơi khác đến, nên khai phương tiện tự phát nguyện thọ giới. Hy vọng quý vị từ bên ngoài tới, hoan hỷ y chiếu hành theo. Đời của tôi vốn rất bất mãn người lạm thiết giới đàn, và lạm truyền giới pháp. Thật vậy, tôi thấy có vài nơi truyền giới, chỉ giống như chỗ buôn bán, mà không cần hỏi han Hòa thượng giới sư cùng Hòa thượng A Xà Lê, có làm đúng như giới pháp không. Tam đàn đại giới chỉ tổ chức trong ba ngày hoặc một ngày. Bán giới điệp khắp nơi, rồi gọi tên đẹp đẽ là Ký Giới, mà chẳng biết quy thức giới luật như thế nào. Tâm tôi thống khổ đau nhức muôn vàn khi nghĩ đến những kẻ manh tâm buôn bán đức Như Lai, hủy hoại Phật pháp. Song, tại sao tôi lại khai phương tiện tự phát nguyện thọ giới?

    Bàn về việc thọ giới, có hai loại khác nhau, tức là thọ Phật giới và thọ tăng giới. Năm chúng xuất gia, nơi chánh điện quỳ trước tượng chư Phật chư Bồ Tát. Giới sư khải thỉnh ba lần, khiến giới tử lãnh thọ Bồ Tát mười giới trọng vô tận, bốn mươi tám giới khinh. Hai chúng tại gia thọ sáu giới trọng, hai mươi tám giới khinh. Đấy là Phật giới. Đối với giới Bồ Tát, vì đã quên bản ngã, nên trước tượng chư Phật chư Bồ Tát, phát nguyện lãnh thọ giới pháp. Song, đối với người cầu thọ giới Bồ Tát, hãy tự xem xét rằng mình đã quên bản ngã chưa!

    Trong Tăng chúng, chư Sa di lễ thỉnh mười Hòa thượng, bạch bốn pháp Yết Ma, lãnh thọ hai trăm năm mươi giới, tức trở thành Tỳ kheo. Sa di ny thọ ba trăm bốn mươi tám giới, trở thành Tỳ kheo ny. Đây là tăng giới; vì chư Thanh Văn, chưa quên bản ngã, nên phải cần mười vị Hòa thượng giới sư chứng minh truyền giới.

    Bồ Tát giới bổn viết: "Nếu trong vòng ngàn dặm, không có thầy truyền giới, thì có thể quỳ trước hình tượng Phật Bồ Tát mà tự thệ thọ giới, nhưng phải thấy điềm lành tướng tốt".

    Kinh Hoa Nghiêm nói: "Tất cả nghiệp chướng, đều từ vọng tưởng sanh ra. Nếu cầu sám hối, phải ngồi niệm thật tướng. Nghiệp tội như sương mai, mặt trời trí huệ có khả năng diệt trừ. Nếu thanh tịnh được sáu căn thì thành tựu giới tướng".

    Vì vậy, nếu trong vòng ngàn dặm mà không có vị truyền giới sư thì có thể phương tiện tự thọ giới Bồ Tát, nhưng phải thấy tướng hảo. Nếu trong vòng ngàn dặm có vị giới sư thì không thể tự thệ thọ giới. Ngày nay, quý vị đến đây, không xa ngàn dặm, tức là đã phát tín tâm. Hư Vân tôi chẳng phải trốn tránh việc thuyết giới và truyền giới, mà do nghịch duyên chướng ngại, nên nơi đây đành phải khai mở phương tiện tự thọ giới Bồ Tát.

    Đối với Tăng giới, mắt phải quán thấy nghi thức giới đàn, và tai nghe thuyết giới Yết Ma, thì mới đắc giới thể. Tăng giới tức thọ giới từ chư Tăng, không thể tự thệ thọ giới. Song, lần này quý vị đến đây, ân cần khẩn cầu thọ giới. Giới đàn quý vị đã thấy; mười vị giới sư đã nhận ra. Mỗi ngày quý vị đã nghe tôi giảng phép tắc thọ giới; tuy chưa chính thức đăng đàn, nhưng quý vị có thể trở về quê quán tự thệ thọ giới. Tôi tác pháp nơi đây, sẽ hồi hướng đến quý vị. Tuy chưa được tính là làm đúng như pháp, nhưng cũng không vượt ngoài giới pháp.

    Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: "Pháp chân thường của chư Phật, nếu xưng 'lành thay, tỳ kheo đến đây', liền thành sa môn".

    Hư Vân tôi đức kém, sao sánh bằng Phật, nhưng vì gặp nhân duyên chướng ngại, nên vạn phần bất đắc dĩ mới quyền thiết phương tiện. Hào quang chư Phật thường tịch tĩnh, chắc sẽ thầm mật hứa khả. Song, quý vị nên biết, nếu không có nhân duyên đặc thù nào, thì chẳng có thể khai mở phương tiện thọ giới như vầy được.

    Hư Vân tôi nghiệp chướng thâm trọng. Vì được quý vị thỉnh mời, nên tôi phải miễn cưỡng ra thuyết giới. Do nhân duyên tiền kiếp kém cỏi, ngày nay chúng ta mới thọ những nghịch duyên không như ý. Khi trở về bổn xứ, nơi chùa chiền, am miếu, tịnh thất, phải chí thành lễ Phật, khất cầu sám hối. Phải an bài, định nhật kỳ, ngày giờ. Mồng một khai đàn, mồng tám thọ giới Sa Di. Ngày mười lăm thọ giới Tỳ Kheo. Ngày mười sáu dâng hương cúng Phật. Ngày mười bảy thọ giới Bồ Tát. Ngày mười tám thì viên mãn công đức. Lễ sám chân thành khẩn thiết, nếu thấy hảo tướng tức là đắc giới. Sau đó, thỉnh chư Trưởng lão thượng nhân chứng minh, hứa khả cho giới tử đàn tràng, chiếu phát giới điệp. Phải nên tự học tập hành trì quy củ phép tắc, oai nghi tế hạnh trong luật Tỳ Ni. Hôm nay, vì quý vị khai mở phương tiện truyền giới, chỉ vì bất đắc dĩ mới hành.

    Người xưa bảo:

    - Thà thân đọa xuống Địa ngục, chớ đem Phật pháp hành theo tình người ở thế gian.

    Hôm nay, Hư Vân tôi làm những việc như vầy, chắc phải đọa Địa ngục. Song, tôi muốn nhắn nhủ rằng nếu quý vị không lưu tâm, không hành trì đúng giới pháp, lạm dụng ăn cắp hình tướng oai nghi Phật, vọng xưng Thích Tử, chỉ có tấm giấy giới điệp, chỉ đeo quảy hư danh trống rỗng, thì đến ngày cuối gặt quả báo, cực khổ không lường. Hãy lưu tâm cẩn trọng.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  2. The Following User Says Thank You to nguoi ao lam For This Useful Post:

    minhquang (04-26-2019)

  3. #172
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 8
    __________________________________________________ ______________________________________


    4/ Y bát

    Y bát là chánh duyên thọ giới. Nay lược thuyết danh tướng của y bát cho quý vị nghe. Bảy chúng xuất gia, thọ y bát không đồng. Tổng quát, có mạn y và ba loại y của tăng chúng. Mạn y, tiếng Phạn gọi là Bát Tra. Mạn tức là tản mạn, thông mạn, tức y tướng không có sọc điều. Đây là y lễ sám, tức y của Sa Di, Sa Di Ni. Nếu là ưu bà tắc, ưu bà di, đã thọ tam quy ngũ giới hay Bồ Tát giới, thì có thể đắp y này khi làm Phật sự, lễ bái tụng kinh tại am tranh, chùa chiền. Nếu ở nhà, ra vào tới lui, đều không được đắp, mà phải để y nơi thanh tịnh.

    Ba y, tức là y năm điều, bảy điều, và đại y. Luật chế Tỳ kheo, Tỳ kheo ny, phải có đủ ba y hoại sắc, may cắt dài ngắn tùy theo kích thước để thúc liễm thân tâm, như đắp bờ ruộng, giữ nước trưởng dưỡng lúa mạ. Ruộng y biểu hiện pháp, thấm nhuần bốn loại nước lợi ích, tăng trưởng ba loại lúa mạ lành thiện, nuôi dưõng pháp thân, tích tụ huệ mạng. Thế nên, chư Tăng được gọi là phước điền Tăng. Y cũng được gọi là y phước điền. Y năm điều, tiếng Phạn gọi là y An Đà Hội, hạ y, y nhiễm tác, tức y để làm việc chấp tác.

    Y năm điều, một dài một ngắn, cắt nối làm thành. Đây là y mà Tỳ kheo, Tỳ kheo ny, thường mặc để chấp tác lao động, ra vào đến đi.

    Y bảy điều, tiếng Phạn gọi là Huất Đa La Tăng, tức y nhập chúng, hay thượng y. Bảy điều, tức hai mảnh dài, một mảnh ngắn, may cắt thành. Đây là y mà Tỳ kheo, Tỳ kheo ny thường đắp lúc lễ Phật, sám hối tụng kinh, tọa thiền, thọ trai, nghe giảng Kinh, kiết hạ an cư, tác tụ tứ, cùng họp Tăng, nhóm chúng.

    Đại y, tiếng Phạn gọi là Tăng Già Lê, và tiếng Tàu gọi là y Tán Toái, tức dùng các miếng vải nhỏ mà may kết thành. Đây là y có nhiều điều và lớn nhất của chư Tỳ kheo, nên gọi là đại y. Lúc đăng đàn thuyết pháp, nửa tháng tụng giới Bố Tát, thường đắp y này. Đại y có nhiều loại, như thượng trung hạ phẩm. Hạ phẩm có ba loại. Hạ hạ phẩm là y chín điều. Hạ trung phẩm là y mười một điều. Hạ thượng phẩm là y mười ba điều. Ba phẩm y này có hai miếng dài, một miếng ngắn, may cắt lại thành. Trung có ba phẩm. Trung hạ phẩm có mười lăm điều. Trung trung phẩm có mười bảy điều. Trung thượng phẩm có mười chín điều. Ba phẩm y này có ba miếng dài một miếng ngắn, cắt may lại thành.

    Thượng phẩm có ba loại. Thượng hạ phẩm có hai mươi mốt điều. Thượng trung phẩm có hai mươi ba điều. Thượng thượng phẩm có hai mươi lăm điều. Ba phẩm y này có bốn miếng dài, một miếng ngắn, cắt may hợp thành. Những loại y này phải dùng vải bố thô may thành, chứ không thể may bằng vải tơ lụa mỏng thưa. Lại nữa, không thể thêu may tượng ngàn vị Phật lên trên y. Có người thêu may hình Phật lên trên y, rồi gọi đó là y ngàn vị Phật. Là đệ tử Phật, phải nên tôn kính đảnh lễ hình tượng Phật. Sao lại điên đảo thêu may hình tượng Phật lên thân? Thậm chí có người lại may hình Phật bên dưới bắp đùi.

    Thiên Phật y là chỉ cho ba loại y bên trên. Chư Như Lai đạo đồng, ngàn Phật tương truyền, đều giống như nhau, chứ chẳng phải thêu ngàn Phật trên y mà gọi là Thiên Phật y.

    Lại nữa, do khí hậu ở Ấn Độ rất nóng, nên tỳ kheo chỉ đắp ba y và mặc một cái khố, chứ không có y phục nào khác. Thế nên, ba y này thường không rời thân. Ngủ cũng mặc, và chết cũng không rời bỏ. Khí hậu ở Tàu rất lạnh, nên trong mình chư tỳ kheo còn đắp thêm những đồ ấm khác. Lúc làm Phật sự, mới đắp y ca sa. Vì vậy, những y ca sa này không thường được đắp. Nếu ra ngoài hành cước, phải mang theo, vì rời ba y này tức phạm giới.

    Bàn đến y phục của Sa Di, Sa Di Ni, quyển Án Tát Bà Da, tức luận Tỳ Bà Sa, viết: "Sa Di được mặc thượng y và hạ y, tức là y An Đà Hội và y Huất Đa La Tăng, khiến được thanh tịnh nhập chúng, và đi đứng được thuận tiện".

    Bộ luận Căn Bổn bảo: "Sa Di thọ y Mạn Điều. Nếu đủ hai mươi tuổi, có thể thọ giới Cụ Túc, cầu ba y, bình bát tọa cụ".

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  4. #173
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 8
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lời bàn của luận Tỳ Bà Sa về y Sa Di ở trên, không đồng với y năm điều của Tỳ kheo. Năm điều tức một dài một ngắn. Bảy điều tức hai dài một ngắn. Cắt may thành hình thửa ruộng. Mượn tên năm điều hay bảy điều, nhưng lúc cắt may thì không dùng tướng y năm điều hay bảy điều. Y không có điều tức gọi là mạn y.

    Mạn y không có điều. Gần đến khi thọ giới cụ túc, thì mới may cắt thành tướng y có điều. Trong thời gian đó, có thể lập phương tiện. Theo giới luật, Sa Di có ba loại: Thứ nhất, từ bảy tuổi đến mười ba tuổi, gọi là Sa Di đuổi quạ. Nhỏ tuổi cầu xuất gia, ngài A Nan không dám độ. Phật bảo rằng nếu đuổi được quạ thì cho phép xuất gia. Thứ hai, từ mười bốn tuổi đến mười chín tuổi, gọi là Sa Di Ứng Pháp, tức chân chánh hợp với địa vị của Sa Di. Hạng này phải theo thầy học năm năm, để được huấn luyện thuần thục. Nếu kham khổ nổi, thì tiến thêm một bước, thọ giới cụ túc, nên gọi là Sa Di Ứng Pháp. Thứ ba, từ hai mươi tuổi đến bảy mươi tuổi, gọi là Sa Di Danh Tự. Người này vốn hợp địa vị Tăng sĩ, nhưng vì nhân duyên chưa đủ, nên chỉ làm Sa Di trên danh tự. Sa Di đuổi quạ, Sa Di Ứng Pháp, chỉ được đắp y không có điều, vì chưa thuộc địa vị Tăng sĩ. Đối với Sa Di Danh Tự, nếu đã hơn hai mươi tuổi, mà quyết chí sẽ đăng đàn thọ giới cụ túc, thì không chỉ hạn cuộc hành trì pháp thức Sa Di, mà có thể dần dần thăng tiến, nhưng không thể nhảy cấp bậc được. Hạng Sa Di này, được hứa khả y tướng phước điền tức y năm điều, nhưng không thể mặc y Tăng Già Lê.

    Bàn luận thêm đôi chút, muốn thọ giới tỳ kheo phải đủ hai mươi tuổi. Nhưng nếu chưa đủ tuổi, Phật chế rằng từ ngày ra đời cho đến hiện tại, dùng năm nhuận, lấy ra một tháng nhiều ngày nhất, rồi trong tháng đó, rút ra một ngày, bổ túc vào. Nếu tính đủ tuổi thì có thể thọ giới cụ túc. Song, mọi việc đều phải tính vào nhân cách, chớ quá câu chấp. Chư đại tổ sư xưa kia, xuất gia thọ giới tỳ kheo, chưa đủ tuổi tác, cũng không ít.

    Tọa cụ, tiếng Phạn gọi là Ni Sư Đàn, tức y tùy tọa, y phu tọa, y sấn túc. Y này giống như nền tháp. Thân người thọ giới tức là tháp của năm phần pháp thân. Do từ năm phần pháp thân mà giới thể phát sanh. Tọa cụ này, bảy chúng xuất gia đều có thể thọ trì.

    Bình bát, tiếng Phạn gọi là Bát Đa La, nghĩa là Ứng Lượng Khí, tức đầy đủ ba pháp: Thể, Sắc, Lượng. Thể tức là thể thức phép tắc, chỉ được dùng hai vật thiếc sắt, ngói vôi, mà không được dùng đồng hay gỗ chế tạo thành. Sắc tức là dùng hột Ma Tử Hanh, dầm nhuyễn rồi bôi trong ngoài. Dùng tre hun khói thành màu đen. Vẽ hình chim Cưu Linh Khổng Tước ngoài bình. Nung thành màu đen vì vào mùa hè, trong bình bát nếu chứa nhiều thức ăn thì không bị lên men, và cặn cáu không đóng. Bàn về lượng, thượng bát có thể chứa một đấu rưởi. Trung bát chứa một đấu. Hạ bát chứa năm thặng. Theo tiêu chuẩn, thượng bát chứa một đấu. Trung bát chứa bảy thặng rưởi. Hạ bát chứa năm thặng. Những loại bình bát này, chỉ có hai chúng xuất gia mới được dùng.

    Ba y, một tọa cụ, một bình bát là chánh duyên thọ giới của hai chúng xuất gia. Phải luôn giữ gìn bên thân. Nếu vay mượn hoặc không có, tức là phi pháp, y chuẩn theo giới luật thì không thể đắc pháp.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  5. #174
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 9
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẦN IX


    5/ Giới luật là nền tảng căn bản của Phật pháp

    Bên trên đã lược bàn về danh tướng của y bát. Nay nói sơ lược về ý nghĩa thọ giới. Quý vị phải chú ý lắng nghe. Bí yếu của Phật pháp nằm nơi ba pháp vô lậu học, tức giới định huệ. Trong ba pháp này, giới luật là nền tảng căn bản. Nhờ giới luật mà sanh định. Do định mà sanh huệ. Nếu trì giới thanh tịnh thì định huệ tự nhiên sẽ được viên thành. Thể theo ngôn từ, Phật chế giới luật, vốn có ba hạng: Thứ nhất là giới tại gia; giới này bao gồm năm giới và tám giới. Thứ hai là giới xuất gia; giới này bao gồm mười giới của Sa Di và Sa Di Ni, cùng giới Cụ Túc của Tỳ kheo và Tỳ kheo ny. Thứ ba là giới chung cho tu sĩ và cư sĩ (đạo tục thông hành giới), tức là tam tụ tịnh giới Bồ Tát.

    Hôm nay, quý vị cầu thọ giới, tức là phát hạnh nguyện quan trọng, cao cả bậc nhất. Hạnh nghĩa là hành trì, tức y theo giới luật mà tu hành. Nguyện nghĩa là phát nguyện, tức phát bốn hoằng thệ nguyện. Hạnh nguyện nếu tương dung đầy đủ thì sẽ thành diệu dụng. Phật chế giới luật, không ngoài việc khiến cho chúng sanh đoạn trừ thói quen tật xấu, ngưng ác hành thiện, bỏ trần lao, hợp với tánh giác. Kinh Hoa Nghiêm thuyết:" Giới là nền tảng căn bản của đạo quả Bồ Đề vô thượng. Phải nên hành trì tịnh giới đầy đủ".

    Nhờ giới mà Phật pháp mới trụ thế dài lâu. Tăng già nương vào giới mà trường tồn, phát triển.

    6/ Giới pháp, giới thể, giới hạnh, giới tướng

    Giới được phân thành bốn loại: Giới pháp, giới thể, giới hạnh, giới tướng.

    A/ Giới pháp: Phật chế năm giới, tám giới cho ưu bà tắc và ưu bà di, chế sáu giới cho thức xoa ma noa, chế mười giới cho sa di và sa di ni, và chế giới cụ túc cho tỳ kheo và tỳ kheo ny. Năm chúng Bồ Tát xuất gia, thọ mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh. Hai chúng Bồ Tát tại gia, thọ sáu giới trọng, hai mươi tám giới khinh. Một trăm tám mươi bốn loại yết ma, ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, cùng vô lượng luật nghi, được gọi là giới pháp.

    B/ Giới thể: Tức là lúc thọ giới, lãnh nạp giới pháp nơi thân tâm, khiến phát sanh một loại giới thể. Giới thể này, tuy phàm phu không thể nghe thấy biết đến, nhưng suốt đời hằng thường tương tục, có công năng phòng việc xấu ngưng việc ác. Được giới thể bậc ưu hay liệt, tùy theo sự phát tâm cao thấp trong lúc thọ giới. Người cầu giới, đầu tiên phải biết phát tâm. Phát tâm có ba phẩm vị thượng trung hạ.

    Thứ nhất, phát tâm hạ phẩm, tức ngay lúc thọ giới, trí huệ mờ mịt, hạ liệt, thệ nguyện không rộng, hoặc tâm tán loạn, duyên cảnh không chu toàn. Tuy thủ trì giới tướng, nhưng không thể phát khởi công dụng của giới thể, tức phát tâm hạ phẩm, tức chỉ được giới thể hạ phẩm.

    Thứ hai, phát tâm trung phẩm, tức ngay khi thọ giới, tâm duyên đến tất cả cảnh giới tình cùng vô tình. Song, tại những cảnh duyên này, có phát khởi phần đoạn các việc ác, phần tu các việc thiện, lại chỉ muốn tự giải thoát sanh tử, mà hoàn toàn không có thệ nguyện độ khắp chúng sanh, tức phát tâm trung phẩm, tức đắc giới thể bậc trung.

    Thứ ba, phát tâm thượng phẩm, tức ngay nơi thọ giới, tâm tâm tương tục, thấy cảnh sáng trong thanh tịnh, duyên đến tất cả cảnh giới hữu tình lẫn vô tình. Ngay nơi cảnh duyên này, có thể quyết định phát đại thệ nguyện, tức nguyện đoạn tất cả ác, nguyện tu tất cả thiện, nguyện độ tất cả chúng sanh. Đó là phát tâm bậc thượng, tức đắc giới thể bậc thượng. Vì vậy, nếu muốn đắc được giới thể thượng phẩm, phải nên phát tâm thượng phẩm.

    Do đó, trước khi thọ giới, phải khai mở tâm rộng rãi, kế đến lập chí cao viễn, thì khi thấy các tướng liền hiểu rõ. Nếu không chuẩn bị kỸ càng, chỉ mơ hồ về pháp tướng, thì làm sao đắc được giới thể thượng phẩm? Hoặc giả, hoàn toàn không phát khởi tâm cầu giới, chỉ được danh thọ giới trống rỗng, thật uổng công sức thọ giới, cùng lãng phí một đời tu. Quý vị hãy thận trọng lưu ý.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  6. #175
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 9
    __________________________________________________ ______________________________________


    Cảnh duyên tuy nhiều, nhưng không ngoài hai loại hữu tình và vô tình. Cảnh duyên loài hữu tình tức là tất cả động vật có sanh mạng như loài người, cá, chim, trùng, thú, v.v... Cảnh duyên vô tình tức là tất cả loài không có sanh mạng như thực vật, khoáng vật, đất đai, núi sông, mặt trăng, mặt trời, tinh sao, cỏ cây, nhà cửa, dụng cụ, thuốc men, v.v...

    Chúng sanh tạo nghiệp ác, do mê lầm cảnh duyên trước mắt, như vừa thấy tiền tài, liền khởi tâm muốn ăn cắp; vừa thấy sắc đẹp liền khởi niệm dâm dục. Song, nghiệp ác vốn do cảnh khởi, và nghiệp thiện cũng từ cảnh mà sanh. Cảnh là nơi nương tựa của sự chế giới, cũng chính là nền tảng căn bản phát khởi giới luật. Ví như giới cấm giết hại và dâm dục, do cảnh hữu tình phát khởi mà chế giới. Những giới này, cũng y theo cảnh mà sanh. Giới cấm ăn cắp và nói láo, do cảnh hữu tình và vô tình phát khởi mà chế giới. Thế nên, cảnh của rừng cây thâm thẩm đều là gốc của sự chế giới, và là nhân của sự phát khởi giới. Nếu hưng khởi được tâm từ quảng đại, duyên cảnh hữu tình và vô tình, rồi phát khởi ba thệ nguyện rộng lớn, tương ưng cùng giới pháp, lãnh nạp vào thân, hộ trì suốt đời, tức đắc giới thể thượng phẩm.

    C/ Giới hạnh: Tức là sau khi đắc giới thể, trong cuộc sống hằng ngày, hành vi động tĩnh, ung dung tự tại, ngừng các việc ác, tu các điều thiện, thuận trì theo giới đã thọ, không vượt ngoài luật Tỳ Ni. Nơi pháp thế gian hay pháp xuất thế gian, cùng tất cả pháp môn tu hành, đều không vượt ngoài giới hạnh, lại chẳng rời tất cả ngoại hạnh, nên đặc biệt gọi là giới hạnh.

    D/ Giới tướng: Tức là những giới do Phật chế. Nơi mỗi giới, có những phần thọ trì mà phạm và không phạm, lại có phân biệt nặng nhẹ và khai giá. Trì tức là thuận theo giới thể đã thọ mà lập danh, và được phân thành hai phần, chỉ trì cùng tác trì. Phạm tức là do vi phạm giới thể đã thọ mà lập danh, và được phân làm chỉ phạm cùng tác phạm.

    Chỉ trì, tức là phương tiện chánh niệm, hộ trì giới thể đã thọ, ngăn ngừa cấm chỉ thân tâm, không tạo việc ác, nên gọi là chỉ. Chỉ mà không vi phạm, thuận theo giới đã thọ, khiến giới thể sáng trong tinh khiết, nên gọi là trì. Trì do chỉ mà thành, tức đối với các việc phi pháp ác nghiệp, không nên làm mà chẳng hề làm, đó là chỉ trì.

    Tác trì, nghĩa là chuyên cần thúc liễm ba nghiệp thân miệng ý, tu tập giới hạnh, tức có việc thiện phát khởi thì phải hộ trì, nên gọi là tác. Tác đúng như pháp; thuận theo giới thể đã thọ, nên gọi là trì. Trì do tác mà thành, tức đối với những việc đúng như chánh pháp cùng nghiệp thiện, nên làm thì phải cố làm, đó là tác trì.

    Chỉ phạm, tức do tâm ngu si giải đãi, ngã mạn, khiến hành ngược với giới thể đã thọ. Nơi các nghiệp thiện thù thắng, chẳng muốn tu học, nên gọi là chỉ. Chỉ mà có vi phạm, tức phản lại lời nguyện thọ giới, nghĩa là phạm. Phạm do chỉ mà thành, tức ngay nơi nghiệp thiện thù thắng phải nên làm mà không chịu làm, đó là chỉ phạm.

    Tác phạm, tức là trong tâm đầy dẫy những chất độc tham sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Tâm kích thích thân miệng, tạo cảnh vi phạm luân lý, đó gọi là tác. Tác mà có vi phạm, tức ô nhiễm giới thể đã thọ, nên gọi là phạm. Phạm do tác mà thành, tức nơi nghiệp ác phi pháp không nên làm mà lại cố làm, đó là tác phạm.

    Đối với những giới khinh trọng, khai giá trong tạng luật, quý vị phải nghiên cứu tu học kỸ càng. Hiện tại, không thể giảng thuyết tường tận. Những danh tự như thế, được gọi là giới tướng.

    Bên trên, tuy phân làm bốn loại, nhưng thật ra chỉ là một. Chuyển phàm thành thánh, gọi là giới pháp. Tổng nhiếp nguồn tâm, gọi là giới thể. Tu tạo ba nghiệp, gọi là giới hạnh. Quán sát thấy khác mà phân biệt, gọi là giới tướng. Do pháp mà thành thể. Nhân thể mà khởi hạnh. Có hạnh tất y cứ vào tướng. Giới tướng tức là tướng của giới pháp, cũng là tướng của giới thể, và là tướng của giới hạnh. Pháp chẳng khác pháp, tức tướng là pháp. Thể chẳng khác thể, tức tổng tướng là thể. Hạnh chẳng khác hạnh, tức ngay nơi tướng mà thành hạnh.

    Thế nên, người tu hành phải nghiên cứu tường tận giới tướng. Gọi là giới tướng, tức những tướng trì phạm mà trong luật đã nói rõ ràng. Những tướng trì phạm tuy nhiều, nhưng không ngoài tâm cảnh. Nghiệp ác do cảnh mà phát khởi, và không ngoài tâm mà thành. Giới thiện cũng không vượt ngoài cảnh mà phát, và không ngoài tâm mà sanh. Vì vậy, Nam Sơn luật sư Đạo Tuyên bảo:

    - Trước khi chưa thọ giới, tội ác đầy khắp pháp giới. Nay muốn thọ giới, liền vượt qua cảnh ác, khởi thiện tâm. Đó là nhân phát khởi giới, khiến giới thể biến khắp pháp giới.

    Thế nên, người đắc giới thể, tức vượt qua muôn duyên ác từ bao đời vô thủy, khiến đầy đủ giới thiện, chuyển hóa báo nghiệp khổ hữu lậu, trở thành pháp thân thanh tịnh. Quý vị phát tâm thọ giới, phải nên dụng tâm lành thiện.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  7. #176
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 9
    __________________________________________________ ______________________________________


    7/ Những điểm giống nhau và khác nhau giữa giới luật Đại Thừa và Tiểu Thừa

    Giới vốn phân chia làm hai phần, giới Đại thừa và Tiểu thừa. Giới Bồ Tát gồm có mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh. Đây là giới Đại Thừa. Mười giới của Sa di và Sa di ny, cùng giới cụ túc của Tỳ kheo và Tỳ kheo ny, là giới Tiểu Thừa. Tuy là giới Tiểu Thừa, nhưng nếu người thọ giới phát tâm thượng phẩm thì đắc được giới thể thượng phẩm. Giới thể thượng phẩm này tương đồng với giới thể Bồ Tát, tức tam tụ tịnh giới của Đại thừa. Nghiêm trì giới, cấm ngăn việc ác khởi lên, tức nhiếp luật nghi giới. Dùng trí huệ quán sát, tức nhiếp thiện pháp giới. Chẳng ngoài việc hộ trì giới, tức là nhiếp chúng sanh giới. Vì thế, ngay nơi đây, giới Tiểu Thừa tương đồng với giới Đại Thừa. Thế nên bảo rằng trong tu mật hạnh Bồ Tát, ngoài hiện tướng Thanh Văn.

    Song, giới Thanh Văn vốn chế phục thân không phạm. Giới Bồ Tát chế phục tâm không khởi phạm. Vì vậy, việc kết giới và phạm giới giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa không đồng. Trong bộ luật Thập Tụng, kết giới phạm giới không ước định nơi tâm, chỉ khi thân miệng động thì mới thành phạm; đây chính là giới Tiểu Thừa. Trong bộ luật Tứ Phần, kết giới và phạm giới ước định tại tâm. Nếu dùng niệm sau liên tục truy đuổi niệm trước, tức trở thành phạm giới; đây là thông giới Đại Thừa. Giới Bồ Tát kết phạm tối trọng, ước định tại tâm. Vọng tâm khởi lên, tức đã phạm giới. Đây chính là giới Đại Thừa. Tóm lại, chiếu theo giới luật Tứ Phần của Đại Thừa thì vừa khởi niệm là đã phạm. Chiếu theo luật Thập Tụng thì khi khởi động thân miệng, mới tính là phạm giới. Giới Đại Thừa và Tiểu Thừa, phân biệt rõ ràng như thế, phải nên nhận biết.

    8/ Tam quy y, ngũ giới

    Không luận giới Tiểu Thừa hay Đại Thừa, tam quy y và ngũ giới là nền tảng căn bản. Đối với người tại gia hay xuất gia, tam quy y và ngũ giới là hai việc quan trọng tối cực. (Người tại gia chỉ giữ giới không tà dâm. Người xuất gia giữ giới hoàn toàn không dâm dục.)

    Tam quy y, tức là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.

    Thứ nhất là quy y Phật. Chữ Phật, tiếng Phạn gọi cho đủ là Phật Đà; Tàu dịch là bậc Giác Giả. Gọi bậc Giác Giả vì Ngài đã giác ngộ hết tất cả sự việc, tức những việc quan hệ với nhân quả tương sanh tương diệt, mà không hạn cuộc vào các loại sự tướng nhân quả, cùng phát hiện sự trật tự tất nhiên của lý nhân quả. Thật thế, Ngài phát hiện những thứ tự của mười hai nhân duyên, như vô minh duyên hành, cho đến sanh duyên già bịnh chết. Từ đó, Ngài chứng ngộ được chân tướng sự và lý của vũ trụ. Vì thương xót chúng sanh chưa hiểu rõ chân tướng này, và đang bị trầm luân trong biển khổ sanh tử, nên Ngài dùng vô số phương tiện, dạy dỗ giáo hóa. Người thuận theo lý này thì tất nhiên sẽ cải thiện cuộc sống, nhiếp thu tư tưởng hành vi quay về nẻo chánh, khiến xa rời mọi khổ não, đạt đến sự an lạc.

    Đó gọi là bậc Giác Giả. Phật Đà giác ngộ chân lý gì? Đạo giác ngộ vô thượng, không thể dùng lời nói mà hình dung được, chỉ đơn cử nghĩa lý để thuyết minh.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  8. #177
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 9
    __________________________________________________ ______________________________________


    Các pháp đều do duyên khởi; tánh của chúng đều là không. Các pháp tức là tất cả sự vật. Duyên, tức là bao gồm cả nhân thân thuộc và duyên hỗ trợ. Duyên khởi tức khi các pháp sanh khởi, đều do nhiều nhân duyên giả hợp tạo thành. Ví như lúa là hạt giống, rồi do ruộng đất, mưa gió, ánh sáng, vật liệu, nhân công, cùng các loại duyên khác hợp lại, khiến sanh ra thóc. Tánh, được gọi là thể, tức thể tánh của các pháp, mà mỗi mỗi đều vốn tự như thế, vĩnh hằng bất biến, không do các loại duyên hợp thành. Tánh Không, vốn chỉ là lời nói, chớ ngộ lầm với việc không có chi hết. Bất cứ sự vật nào sanh khởi, phải do các duyên hòa hợp tạo nên. Chúng vốn không được gọi là thể tánh cố định vĩnh hằng bất biến. Thể tánh không cố định vĩnh hằng bất biến, mà nhà Phật gọi là tánh Không. Do đó, Tổ thứ mười bốn ở Ấn Độ, tức Bồ Tát Long Thọ, bảo:

    - Nhân duyên sanh ra các pháp, tức vốn vô tự tánh. Pháp do nhân duyên sanh, Ta bảo chúng là "Không", cũng gọi là giả danh, cũng là nghĩa trung đạo. Chưa từng có một pháp, không từ nhân duyên sanh. Thế nên, tất cả pháp vốn là Không.

    Phật thuyết tánh Không, chẳng phải bảo rằng tất cả sự vật đều không có, mà thể tánh của chúng vốn không vĩnh hằng bất biến. Vì vậy, Phật Đà không phải là đấng chúa tể tạo ra muôn vật, mà Ngài là bậc triết nhân phát hiện ra chân lý sanh diệt liên tục của tất cả sự vật. Tuy chẳng phải là Thần, nhưng vì lòng từ bi bao la, thương xót chúng sanh khổ nạn, nên Ngài dùng thần thông vô ngã để cứu hộ. Ngài là bậc vĩ nhân mang phước lạc đến cho chúng sanh. Suốt đời, chưa từng nghỉ ngơi, Ngài luôn giáo hóa và dẫn dắt kẻ ngu, phá trừ mê tín, khiến họ thoát khỏi bùn lầy ô nhiễm, quay về nơi thanh tịnh, tức xả si mê quy nơi bờ giác.

    Thứ hai là quy y pháp. Pháp tức là lời lược thuyết của Phật, chỉ rõ chân tướng của sự vật cùng các hành vi chân chánh. Sự biểu hiện của hành vi cá nhân, quan hệ với đạo đức của nhân loại. Hành vi phân rõ tà chánh, thiện ác. Song, việc phê phán thiện ác, quan điểm và lập trường của mỗi người đều không đồng. Nếu muốn biết tiêu chuẩn xác thật, phải dùng đạo lý tự nhiên về sự tướng của nhân quả mà xem xét, và cũng phải y theo cách nhìn khách quan về sự phát triển hiện thực của quy luật tự nhiên, để phán đoán đúng sai.

    Xưa kia, xã hội Ấn Độ phân thành bốn chủng tộc: Bà La Môn (tức Phạm Chí), Sát Đế Lợi (tức vua chúa), Phệ Xá (tức thương nhân), Thủ Đà La (tức người hạ liệt). Những giai cấp tánh tộc này phân biệt rất nghiêm ngặt. Đại chúng bần khổ bị áp bức thống thiết mà không dám kêu ca. Cuộc sống khổ cực còn hơn loài vật. Song, đại chúng bần khổ kia lại nhận lầm rằng đó là do mệnh trời sắp đặt, tức đã được chủ định, không thể cải biến. Sau khi thành đạo nơi núi Tuyết Sơn, Phật Thích Ca Mâu Ni tự ta thán ba lần:

    - Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ trí huệ đức tướng của Như Lai, và có khả năng hiểu rõ các pháp đều do duyên khởi, tánh vốn không. Tất cả chúng sanh, loài hữu tình và vô tình, đều có thể thành Phật.

    Ngài kết luận rằng bốn chủng tộc trên đều bình đẳng, như các dòng sông đồng chảy về biển cả, mà không có tên con sông này, con sông nọ. Do đó, Ngài cực lực nhấn mạnh và chủ trương sự bình đẳng, đả phá phân chia giai cấp. Đây là dùng chân tướng của sự lý mà làm lệ chứng tiêu chuẩn đạo đức.

    Thứ ba là quy y tăng. Chữ Tăng, tiếng Phạn gọi là Tăng Già; Tàu dịch là Chúng Hòa Hợp. Nhiều người cùng nhau sống chung một chỗ, hòa thuận, chí đồng đạo hợp, cùng tu hạnh tự lợi lợi tha.

    Năm giới tức là giới không giết hại, ăn cắp, tà dâm, nói láo, và uống rượu.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  9. #178
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 9
    __________________________________________________ ______________________________________


    9/ Mười giới, cụ túc giới, tam tụ tịnh giới

    Bên trên đã lược thuyết tam quy y ngũ giới. Nay bàn về mười giới của sa di, sa di ny, giới cụ túc của tỳ kheo, tỳ kheo ny, cùng Bồ Tát tam tụ tịnh giới. Mười giới và giới cụ túc đều nhắm vào việc tự lợi; nghĩa là cầu tự giải thoát cho chính mình, nên chỉ là hương thơm biểu thị. Giới Bồ Tát đa phần nhắm vào việc lợi người, tức tự rèn luyện thân tâm, để chuẩn bị xả thân cứu thế; tất nhiên là hương thơm cúng dường chư Phật. Người xuất gia, tức sa di và sa di ny, đều được dự vào giới phẩm Cụ Túc; bên trong phải tu từ bi hòa nhã; bên ngoài phải đắp y khác người thế tục; cử chỉ hành động đều luôn theo oai nghi phép tắc; chuyên cần học tập luật nghi về giới sa di và sa di ni; cẩn trọng, chớ phóng dật. Tỳ kheo phải thường hành hai trăm năm mươi giới. Tỳ kheo ny phải hành ba trăm bốn mươi tám giới.

    Phòng cấm ba độc, điều phục bảy chi, đầy đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh. Ba độc tức là tham, sân, si. Bảy chi tức là bảy chi phần của thân miệng. Thân có ba chi, khiến phạm giới giết hại, ăn cắp, dâm dục. Miệng có bốn chi, khiến phạm giới nói láo, nói lời thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời ác độc. Nơi bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, đều đầy đủ hai trăm năm mươi giới, cộng thành một ngàn. Thời quá khứ, hiện tại, vị lai đều đầy đủ, nên cộng thành ba ngàn oai nghi. Nơi bảy chi của thân miệng, đều đầy đủ ba ngàn oai nghi, cộng thành hai mươi mốt ngàn. Nơi tham sân si cùng các đẳng phần, (khi tham khởi lên thì sân và si cũng theo nó mà khởi, nên gọi là đẳng phần) tức là trong bốn loại phiền não, nếu đều thanh tịnh không hủy phạm, tức là tám mươi bốn ngàn tế hạnh. Tám mươi bốn ngàn cũng chỉ cho con số lớn.

    Trong giới luật, có một điều rất quan trọng, nay muốn nói rõ cho quý vị nghe. Trong giới bổn có cấm tỳ kheo tự tay đào đất, dệt vải. Hiện tại, chúng ta đang làm ruộng, dệt vải, vậy có phạm giới không? Chúng ta phải biết, việc chế giới luật của Phật, có hai loại tánh giới và giá giới. Thiên đầu là tội ba la di, tức tánh giới, cũng là giới căn bản; nếu phạm thì không thể sám hối được. Những giới khác, đều là giá giới; nếu phạm thì có thể sám hối. Người nghiên cứu kinh tạng, luật tạng, phải nên hiểu rõ tường tận về sự khác biệt giữa các giới khinh, trọng, khai, giá.

    Đối với tánh giới, nếu làm thì vi phạm lý thể. Vô luận Phật có chế hay không chế, nếu làm thì phạm tội, như giết hại, ăn cắp, tà dâm, v.v... Giá giới, tức là lúc Phật chưa chế giới mà làm thì không có tội. Từ khi Phật chế giới ra, nếu làm thì thành tội, như giới đào đất dệt vải. Phật chế ra giá giới vì có nhiều nguyên nhân, như địa thế, sự việc, thời tiết. Ví như lập ra giới không được đào đất và dệt vải, là vì muốn tránh sự hiềm nghi của người đời. Xã hội Ấn Độ thời xưa, hành khất thức ăn y phục, vốn là việc của người xuất gia. Nếu tự mưu tính việc ăn mặc, thì bị người đời hiềm nghi. Vì vậy, Phật phải chế ra giới này. Song, xã hội và phong tục tập quán các nơi không đồng; phải thuận theo địa thế, sự việc thời tiết mà chế giới. Do đó, không thể giữ giới cứng chắc. Trong luật Ngũ Phần, Phật nói:

    - Tuy Ta chế giới như thế, nếu tại các nơi khác, không thể hành thanh tịnh, thì không nên ứng dụng. Tuy Ta chẳng chế giới, nhưng tại các nơi khác, nếu nên hành ở các nơi khác để sự tu hành được thanh tịnh, thì phải hành theo.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  10. #179
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 9
    __________________________________________________ ______________________________________


    Do đó, xưa kia tổ Bá Trượng thấy hoàn cảnh nước Tàu và Ấn Độ không đồng, nên cử ra giới: "Ngày nào không làm thì ngày đó không ăn". Nếu Phật giáng sanh nơi xứ này, thì quyết chắc sẽ không chế giới đào đất, dệt vải. Thế nên, chúng ta làm ruộng dệt vải, chẳng phải phạm giới luật. Hy vọng trong khi tu trì, quý vị chớ nên bỏ phế việc lao động. Trong lúc lao động, cũng không nên quên việc tu trì. Cả hai việc đều có thể làm cùng một lúc. Đối với việc thọ trì giá giới, quý tại tuân thủ bổn ý chế giới của Như Lai, chớ nên tử thủ chấp chặt giới điều. Nếu hiểu được ý Phật, tuy tương phản điều văn, nhưng cũng gọi là trì giới. Nếu không hiểu được ý Phật, tuy tôn thủ giới điều, nhưng cũng thành phạm giới. Song, không thể vay mượn lời tôi, mà phá giới luật Phật chế. Muốn hiểu chi tiết, quý vị phải nghiên cứu và thâm nhập sâu vào tạng luật.

    Giới Bồ Tát nhiếp hết ba tụ: Nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiếp chúng sanh giới.

    Thứ nhất, nhiếp luật nghi giới, tức là xa rời tất cả việc ác. Trong tụ giới này, chỉ tức là trì, và tác tức là phạm; phải thuận theo luật giáo mà hộ trì nghiêm túc, cẩn trọng chớ phạm.

    Thứ hai, nhiếp thiện pháp giới, tức là tích tụ tất cả việc lành. Thân miệng ý đều lành; ba huệ văn tư tu, mười ba la mật, tám muôn bốn ngàn pháp trợ đạo, đều tu hành đến cứu cánh cùng cực. Nơi tụ này, tác tức là trì, chỉ tức là phạm; phải thuận theo giáo pháp mà hành, chớ hối hận, thối tâm.

    Thứ ba, nhiếp chúng sanh giới, cũng gọi là nhiêu ích hữu tình giới, tức độ tận hết tất cả chúng sanh; dùng bốn môn vô lượng làm tâm, và dùng bốn nhiếp pháp làm hạnh. Bốn môn tâm vô lượng tức là từ, bi, hỶ, xả. Từ là ban vui. Bi là cứu khổ. HỶ là hoan hỶ vui mừng khi chúng sanh thoát rời mọi khổ não, và đắc pháp lạc sung túc. Xả là khiến chúng sanh hành hạnh Phật, đến nơi Phật địa, rồi khởi tâm xả bỏ.

    Bốn nhiếp pháp, tức là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Thứ nhất bố thí, tức là nếu có chúng sanh thích muốn tiền tài thì bố thí tiền tài; nếu thích nghe pháp thì bố thí pháp; nếu sợ hãi thì sẽ an ủi che chở, khiến họ sanh tâm thân ái, y theo mình mà thọ giáo học đạo. Thứ hai ái ngữ, tức là tùy theo chúng sanh lợi căn và độn căn mà dùng lời lành thiện khuyên lơn an ủi, khiến họ sanh tâm thân thiết, y theo mình mà học đạo. Thứ ba lợi hành, tức là khởi hành động lành thiện từ thân miệng ý, làm lợi ích chúng sanh, khiến họ sanh tâm thân mến mà thọ đạo. Thứ tư đồng sự, tức là dùng pháp nhãn quán sát căn tánh của chúng sanh, tùy theo ý thích mà thị hiện; lại nữa, cùng làm việc, tạo ích lợi, khiến họ thọ đạo. Nơi tụ này, tác tức là trì, chỉ tức là phạm.

    Ngoài ra, lúc Bồ Tát phát tâm, phải phát bốn hoằng thệ nguyện:

    Thứ nhất, chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, tức là phát tâm Bồ Tát, hành đạo Bồ Tát, y theo giáo pháp, đoạn trừ ngã ái, hy sinh thân mình cho người, lấy tâm chúng sanh làm tâm mình, lấy khổ chúng sanh làm khổ của mình, thường hành bố thí bình đẳng độ khắp chúng sanh. Bồ Tát Địa Tạng bảo:

    - Chúng sanh độ tận hết thì Ta mới thành Bồ Đề. Địa ngục chưa trống không, Ta thệ không thành Phật.

    Thứ hai, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, lưu lạc trong sanh tử, đều do chưa đoạn được phiền não. Phiền não do cội gốc sáu độc phát ra chi nhánh, tầng tầng lớp lớp vô tận. Cội gốc sáu độc tức là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Từ đó, sanh ra giải đãi, làm biếng, phóng dật, đố kỵ, chướng ngại, hôn trầm, tán loạn, xiểm khúc, cuồng vọng, không biết xấu hổ, cùng vô số chi nhánh. Tuy phiền não rất nhiều, nhưng tổng quát không vượt ngoài hai sự chấp trước, tức là chấp ngã và chấp pháp. Chúng sanh vì chưa đạt được ý nghĩa đạo lý duyên khởi tánh không, nên vọng chấp thân tâm này là thật ngã, cùng phân biệt các pháp là pháp thật. Vì dùng chúng làm nhân, nên vọng lầm, khiến thọ quả khổ sanh tử. Thế nên, đức Thế Tôn thiết giáo phương tiện, tùy theo bịnh mà cho thuốc. Ngài thuyết ra vô lượng pháp môn, để trị vô tận phiền não của chúng sanh. Chúng ta phải y theo giáo mà phụng hành, thệ nguyện đoạn tận hết phiền não.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

  11. #180
    NỤ Avatar của nguoi ao lam
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    885
    Thanks
    487
    Thanked 474 Times in 127 Posts
    PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN
    Phần 9
    __________________________________________________ ______________________________________


    Thứ ba, pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Bồ Tát vì muốn lợi ích khắp muôn loài hữu tình, nên nơi vô lượng pháp thế gian, xuất thế gian, đều tùy thuận tu học. Vì vậy, Bồ Tát luôn cầu học pháp ngũ minh. Một là thanh minh, tức hiểu rõ ngôn từ văn tự. Hai là công xảo minh, tức hiểu rõ tất cả công nghệ, chi thuật, toán số v.v... Ba là dược phương minh, tức hiểu rõ y thuật. Bốn là nhân minh, tức học về luân lý, để định quyết chánh tà, hoạch kiểm pháp chân ngụy. Năm là nội minh, tức hiểu rõ tông chỉ của Phật. Vô luận pháp thế gian hay pháp xuất thế gian, khoa học, triết học, Bồ Tát phải đều học. Lục Tổ bảo:

    - Phật pháp tại thế gian, sự giác ngộ không rời thế gian. Nếu rời pháp thế gian mà cầu Bồ Đề, thì như tìm lông rùa sừng thỏ.

    Vì vậy, không phải chỉ nhắm mắt, ngồi xếp bằng, mà tính là tu hành. Gánh nước, chặt củi, cuốc đất, trồng rau, cho đến ăn cơm, mặc áo, đi đại tiểu tiện, đều là tu hành Phật pháp. Người xuất gia chớ nên đóng cửa làm xe, tử thủ một pháp.

    Thứ tư, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành. Phật đạo, tiếng Phạn gọi là Bồ Đề; Tàu dịch là giác. Giác tức là tự tánh linh giác. Giác tánh này nơi Thánh không tăng, nơi phàm không giảm, vốn tự viên thành, ai ai cũng có. Chư Phật thánh nhân, thị hiện thế gian, làm bậc đạo sư cho trời người, làm mô phạm cho đời hậu thế. Các ngài lại chỉ dạy chúng sanh rằng nếu rời vọng tưởng chấp trước, tức có khả năng thành Phật.

    Lục Tổ bảo:

    - Phải hướng vào trong tự tánh mà tìm Phật, chớ nên hướng ngoại truy cầu. Tự tánh ngu mê, tức là chúng sanh. Tự tánh giác ngộ, tức là Phật.

    Chúng ta phải xả mê quay về giác, và thệ nguyện thành Phật đạo. Hoằng tức là thâm sâu và rộng rãi; nghĩa là thâm sâu đến tận cùng ba cõi, và rộng rãi biến khắp mười phương. Thệ tức là tự chế phục tâm mình. Nguyện tức là chí cầu đầy đủ. Bồ Tát phải phát những thệ nguyện như thế; chớ sợ, chớ thối tâm, chớ dao động, mãi đến tận đời vị lai, luôn dũng mãnh chuyên cần tu tập.

    Hư Vân tôi bất quá chỉ thuyết lại những lời của Phật, để nhắc nhở kẻ hậu lai. Đức giáo chủ cõi Ta Bà, Phật Thích Ca Mâu Ni, là hòa thượng bổn sư của quý vị. Bồ Tát Đại Trí Văn Thù là hòa thượng Yết Ma A Xà Lê. Bồ Tát Di Lặc, nhất sanh bổ xứ, là hòa thượng giáo thọ A Xà Lê. Bảy vị Phật trong đời quá khứ và mười phương chư Phật, là những bậc tôn chứng. Mười phương Bồ Tát là các bậc thầy dẫn lễ, cùng là pháp lữ đồng học của quý vị. Tuy tôi thọ thỉnh, nhưng chỉ là pháp sư giáo giới của quý vị, được gọi là Hòa thượng Bỉnh Giới.

    Xác thân nát _ Thế giới mất _ Nguyện vẫn còn.

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •