PHÁP NGỮ CỦA THIỀN SƯ HƯ VÂN Phần 5 _ XXII. Thiền thất khai thị lần thứ hai
__________________________________________________ ______________________________________
Đại Sư hỏi:
- Ông có thể khiến mặt trời mọc ở hướng Tây, lặn ở hướng Đông không?
- Không thể.
- Ông có thể lấy đất năm đảnh núi mà kết thành bốn biển không?
- Không thể.
- Phật có thể chuyển tất cả tướng Không thành muôn pháp Trí, mà không thể diệt định nghiệp. Phật có thể biết sự việc của chúng sanh cùng tận ức kiếp, mà không thể giáo hóa những kẻ vô duyên. Phật có thể độ vô lượng loài hữu tình mà không thể diệt tận pháp giới chúng sanh. Đó là ba việc mà Phật không thể làm được. Định nghiệp cũng không lâu. Kẻ vô duyên cũng có kỳ. Pháp giới chúng sanh vốn không tăng không giảm. Không ai có thể làm chủ tất cả pháp. Có pháp mà vô chủ, nên gọi là vô pháp. Vô pháp vô chủ, cũng gọi là vô tâm. Nay giải thích về Phật, Ta cũng chẳng có thần thông, chỉ dùng vô tâm mà thông đạt hết muôn pháp.
- Con thật rất ngu muội, chưa từng được nghe nghĩa không. Đại Sư truyền giới, con vâng giữ phụng hành. Ngày nay, con nguyện muốn báo đáp ân đức từ bi của Đại Sư, nên sẽ hiển hiện chút ít thần thông.
- Ta quán thân vô vật, quán pháp vô thường, sao cần cầu chi nữa?
- Nếu Đại Sư cho phép, con sẽ triển chuyển chút ít thần thông, để khiến người đã phát tâm, vừa phát tâm, chưa phát tâm, chẳng có tín tâm, đã có tín tâm, biết được có Phật, có thần có năng lực thần thông, không có năng lực thần thông, có tự nhiên, không có tự nhiên.
- Không được! Không được!
- Phật cũng sử dụng thần thông để truyền pháp, sao Đại Sư chẳng làm theo? Xin Đại Sư rũ lòng dạy bảo.
Đại Sư bất đắc dĩ bảo:
- Chùa Đông Nham có chướng ngại là cỏ dại rậm rạp mà chẳng có cây cối to lớn; đằng sau lưng chùa lại không có chỗ tựa. Ngọn núi phía Bắc có rất nhiều cây cối. Ông có thể di chuyển cây cối bên hướng Bắc qua đỉnh núi phía Đông không?
Thần thưa:
- Xin vâng mạng! Giữa khuya, con sẽ thổi chúng đi, mong Đại Sư chớ sợ!
Nói xong, Thần liền đảnh lễ tạ từ lui ra. Tăng chúng trong chùa, vừa đưa Thần ra cửa, thì thấy có rất nhiều người, đứng hai hàng dài, đi theo hầu. Tướng Thần oai vệ uy nghi như vua chúa, xung quanh thân sương khói xông lên mù mịt, mây ngũ sắc quấn chằng chịt, trên đầu có tràng phan ngọc bội. Thần bay lên hư không rồi biến mất. Tối đến, quả nhiên mây kéo đến ùn ùn, mưa to gió lớn, sấm sét nổi lên, mái nóc đều lung lay rung động, khiến chim chóc cầm thú la hoảng. Đại Sư bảo đại chúng:
- Chớ sợ! Chớ sợ! Thần làm theo ý ta.
Sáng hôm sau, trời trong mưa tạnh; tất cả cây cối bên phía Bắc đều được dời hết qua đỉnh núi phía Đông, mọc tủa xum xuê khắp nơi. Đại Sư thấy thế, bảo đệ tử:
- Sau khi Ta mất, chớ kể chuyện này cho người ngoài nghe. Nếu họ biết được, sẽ cho Ta là yêu quái.
Quý vị hãy xem, Thần tuy có thần thông, nhưng không bằng người có đạo đức. Thế nên bảo rằng "đức trọng Quỷ Thần khâm". Người không có đạo đức, bị Quỷ Thần quản chế, thọ bao hiểm họa. Người có đạo đức, lại muốn minh tâm kiến tánh, thì tự nhiên sẽ cảm động Quỷ Thần. Chư thiền sư đại đức xưa nay, tu hành kinh thiên động địa, khiến hươu nai dâng hoa, khỉ vượn cúng trái. Thiên ma ngoại đạo, chư Tiên Quỷ Thần, đều đến quy y, như Chân tổ sư quy y Quán Âm, Tài Thần quy y Phổ Hiền, Động Tân tiên sư quy y Hoàng Long, Vương Linh Quang quy y Địa Tạng, vua Văn Xương quy y Phật Thích Ca, v.v... Do đó, hoàng đế Nhân Tông triều Tống viết bài kệ phú tán thán chư Tăng đại đức: "Những bậc tôn quý nhất trên thế gian, không ai bằng những vị xả tục xuất gia".