Hỏi :
_ Thấy tánh là thế nào?

Đáp :
_ Tánh tức là thấy, thấy tức là tánh, chẳng thể lấy tánh thấy thêm tánh. Nghe tức là tánh, chẳng thể lấy tánh nghe thêm tánh. Chỉ vì ngươi cho là có cái tánh thấy, nghe, tánh ấy năng thấy, năng nghe, nên mới có những pháp đồng, dị sanh khởi.

Kinh nói rõ ràng cái sở thấy đó chính là tánh ngươi rồi chẳng thể thấy nữa, nếu thấy nữa tức là ngươi ở trên đầu lại sanh thêm đầu. Trong Kinh nói rõ ràng đủ thứ hạt châu trong mâm, lớn thì tròn theo lớn, nhỏ thì tròn theo nhỏ, mỗi mỗi chẳng biết nhau, mỗi mỗi chẳng ngại nhau. Những hiện tượng thế giới lúc khởi chẳng nói ta khởi, lúc diệt chẳng nói ta diệt, cho nên tứ sinh lục đạo chưa có pháp nào chẳng trụ như thời.

Lược Giải:

Tứ sanh lục đạo chưa có pháp nào chẳng trụ như thời :
Kinh Pháp Hoa nói :
Pháp đó trụ ngôi pháp
Thế gian tướng thường trụ.


Nghĩa là pháp nào trụ theo ngôi pháp đó, cũng như pháp sanh trụ ngôi sanh, pháp diệt trụ ngôi diệt. Tướng thế gian sanh diệt từng sát na, những pháp sanh diệt ấy trụ theo thời điểm của sát na đó, cho nên nói chưa có pháp nào chẳng trụ như thời.

Lại chúng sanh chẳng thấy Phật, Phật chẳng thấy chúng sanh tứ quả chẳng thấy tứ hướng (1),tứ hướng chẳng thấy tứ quả, tam Hiền thập Thánh chẳng thấy Đẳng Giác Diệu Giác, Đẳng Giác Diệu Giác chẳng thấy tam Hiền thập Thánh, cho đến thủy chẳng thấy hỏa, hỏa chẳng thấy thủy, địa chẳng thấy phong, phong chẳng thấy địa, chúng sanh chẳng nhập pháp giới, chư Phật chẳng xuất pháp giới, cho nên pháp tánh chẳng khứ lai, chẳng năng sở. Tánh đã như thế vì sao còn nói ta thấy ta nghe?

Thiện tri thức thuyết pháp cho ta, chư Phật ra đời thuyết pháp cho chúng sanh, đều muốn chúng ta ngay đó khế ngộ tánh này. Ca Chiên Diên chỉ vì dùng tâm sanh diệt để truyền pháp thực tướng nên bị Duy Ma Cật quở. Kinh nói rõ ràng tất cả pháp vốn chẳng có trói đâu cần mở nó, vốn chẳng có nhiễm đâu cần tịnh nó. Nên nói :” Thực tướng như thế há có thể thuyết ư!”.

Nay ngươi chỉ tự lập tâm thị phi, tâm nhiễm tịnh, học được một tri một giải, đi dạo khắp thiên hạ tự đắc khoe tài gặp ai cũng muốn làm thầy cho họ. Thực ra thì ai có tâm có mắt, ai mạnh ai yếu ? Nếu chấp như thế thì cách xa như trời với đất, còn nói gì thấy tánh!

Ghi chú:

(1)Tứ Hướng : Từ nhân hướng đến quả gọi là hướng, như từ sơ cơ hướng đến sơ quả, từ sơ quả hướng đến nhị quả, nhị quả hướng đến tam quả, tam quả hướng đến tứ quả, gọi là tứ hướng.