DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 2/3 ĐầuĐầu 123 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 30
  1. #11
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    Sư khai thị cho Bùi Công Mỹ rằng :

    _ Chư Phật với tất cả chúng sanh chỉ là một tâm, chẳng có pháp khác. Tâm này từ vô thủy đến nay chưa từng sanh chưa từng diệt, chẳng xanh chẳng vàng, vô hình vô tướng, chẳng thuộc hữu vô, chẳng phải mới cũ, không dài không ngắn, không lớn không nhỏ, siêu việt tất cả hạn lượng, tên gọi, dấu tích, đối đãi. Vật nào ngay bản thể đó là phải, động niệm liền sai. Cũng như hư không chẳng có biên giới, chẳng thể đo lường, chỉ một tâm này tức là Phật. Phật với chúng sanh chẳng có sai biệt mà chúng sanh thì chấp tướng hướng ngoại tìm cầu. Tìm cầu trở thành lạc lối, đem Phật tìm Phật, dùng tâm bắt tâm, trọn đời suốt kiếp cũng chẳng đắc được. chẳng biết ngưng niệm dứt tưởng thì Phật tự hiện tiền. Tâm này tức là Phật, Phật tức là chúng sanh, lúc làm chúng sanh tâm này chẳng bớt, lúc làm chư Phật tâm này chẳng thêm, cho đến lục độ vạn hạnh Hằng sa công đức vốn tự đầy đủ, chẳng nhờ tu tập. Gặp duyên thì làm, hết duyên thì thôi. Nếu chẳng quả quyết tin tự tâm Phật này mà muốn chấp tướng tu hành để cầu công dụng đều là vọng tưởng, đều trái với đạo. Tâm này tức là Phật chẳng còn Phật khác, cũng chẳng tâm khác. Tâm này sáng tỏ trong sạch như hư không chẳng có tướng mạo. Nếu cử tâm động niệm liền trái pháp thể, gọi là chấp tướng. Từ vô thủy đến nay chẳng có Phật chấp tướng. Nếu tu lục độ vạn hạnh muốn cầu thành Phật tức là thứ lớp. Từ vô thủy đến nay chẳng có Phật thứ lớp. Hễ ngộ được tâm này thì không có một mảy may pháp để đắc, ấy tức là chân Phật, Phật với chúng sanh tất cả không khác. Cũng như hư không chẳng tạp nhiễm chẳng hủy hoại, như mặt trời chiếu khắp bốn thiên hạ, khi mặt trời lên sáng khắp thiên hạ, hư không chưa từng sáng, khi mặt trời lặn tối khắp thiên hạ, hư không chưa từng tối. Cái cảnh sáng tối tự đoạt lẫn nhau mà tánh của hư không thì rõ ràng chẳng biến đổi. Phật và chúng sanh tâm cũng như thế.

    Nếu xem tướng Phật cho là thanh tịnh, quang minh, giải thoát, xem tướng chúng sanh cho là ô trược, ám muội, sanh tử, nếu hiểu theo như thế thì trải qua Hằng sa kiếp cũng chẳng đắc Bồ đề, tại vì chấp tướng. Thực ra chỉ có một tâm này, không có một chút pháp bằng vi trần cho mình đắc được. Tức tâm là Phật, người học đạo đời nay chẳng ngộ tâm thể này, cứ ở nơi tâm sanh tâm, hướng bên ngoài cầu Phật, chấp theo tướng tu hành, đều là pháp Tà chẳng phải đạo Bồ đề.

    Nói cúng dường mười phương chư Phật không bằng cúng dường một đạo nhân vô tâm. Tại sao? Kẻ vô tâm là vô tất cả tâm, chẳng phải tuyệt không. Cái bản thể như như bên trong như gỗ đá chẳng lay chẳng động, bên ngoài như hư không chẳng nghẽn chẳng ngại, vô năng sở, vô phương sở, vô tướng mạo, vô đắc thất. Kẻ tu chẳng dám vào pháp này, e sợ đọa vào rỗng không chẳng chỗ đứng chân, nên cảm thấy khó, rồi lui sụt. Trái lại đều rộng cầu tri kiến, cho nên kẻ cầu tri kiến thì rất nhiều, kẻ ngộ đạo thì rất ít.


    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  2. #12
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    Nói Văn Thù là xứng với lý, nói Phổ Hiền là xứng với hạnh, nói lý là lý chân không vô ngại, nói hạnh là hạnh lìa tướng vô tận.

    Quan Âm xứng với đại Từ, Thế Chí xứng với đại Trí.Duy Ma Cật dịch là Tịnh Danh. Tịnh là Tánh, Danh là Tướng, Tánh Tướng chẳng khác nên gọi là Tịnh Danh.

    Những biểu hiện của chư đại Bồ Tát, con người đều sẵn có, thật chẳng lìa một tâm này, hễ ngộ thì đủ. Nay người học đạo chẳng hướng ngay tự tâm mà ngộ lại ở bên ngoài lấy cảnh chấp tướng, đều trái với đạo.

    Phật nói Hằng hà sa, sa tức là cát, chư Phật Bồ Tát Thích Phạm chư Thiên đi qua cát cũng không vui, trâu dê trùng kiến bò qua cát cũng không giận. Châu báu hương thơm cát cũng không tham, phẩn nước tiểu hôi thối cát cũng không ghét. Dụ như tâm này, tức cái tâm của vô tâm, lìa tất cả tướng, chúng sanh chư Phật chẳng có khác biệt, hễ được vô tâm thì đến cứu kính. Người học đạo nếu chẳng ngay đó vô tâm, dù nhiều kiếp tu hành cũng chẳng thành đạo, vì bị công hạnh của Tam Thừa trói buộc chẳng được giải thoát. Nhưng chứng ngộ tâm này có nhanh chậm, có kẻ nghe pháp trong một niệm liền được vô tâm, có kẻ đến Thập Địa mới được vô tâm. Lâu mau cũng phải đến vô tâm mới xong (chẳng phải tuyệt không). Lúc ấy mới biết vô tu vô chứng, thật vô sở đắc. Sự chân thật bất hư trong một niệm mà được với Thập Địa mới được công dụng bằng nhau không có sâu cạn, chỉ là trải qua nhiều kiếp uổng chịu lao nhọc mà thôi. Tạo ác tạo thiện đều là chấp tướng. Chấp tướng tạo ác thì uổng chịu luân hồi, chấp tướng tạo thiện thì uổng chịu lao nhọc, đều không bằng ngay đó tự nhận lấy bản pháp. Pháp này tức Tâm, ngoài Tâm chẳng Pháp, Tâm này tức Pháp, ngoài Pháp chẳng Tâm. Tâm tự vô tâm, cũng chẳng có kẻ vô tâm, nếu đem Tâm làm cho vô tâm thì Tâm lại thành Có. Kẻ ngộ dứt tuyệt tư nghì chỉ mặc khế (âm thầm khế ngộ) mà thôi, nên nói ”Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt” (đường ngôn ngữ dứt, nơi suy nghĩ diệt). Bổn nguyên của tâm này vốn thanh tịnh, chư Phật Bồ Tát trời người cho đến sâu bọ hàm linh, bản thể Phật tánh đều chẳng khác, chỉ vì vọng tưởng phân biệt tạo đủ thứ nghiệp, trên bản thể Phật tánh thật chẳng một vật, miễn cưỡng nói là hư không tịch tịnh minh diệu an lạc mà thôi. Nếu tự ngộ nhập thì ngay đó đầy đủ chẳng gì thiếu sót, dẫu cho trải qua vô số kiếp tinh tấn tu hành được nhiều quả vị, khi một niệm chứng đắc chỉ chứng bổn lai tự tánh Phật, hướng thượng chẳng thêm được một vật, khi ấy trở lại xem công dụng của nhiều kiếp đều là việc vọng trong chiêm bao, nên Như Lai nói : ”Ta ở nơi Vô Thượng Bồ Đề thật vô sở đắc. Nếu có sở đắc thì Nhiên Đăng Phật không thọ ký cho ta thành Phật “.


    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  3. #13
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    Hỏi :
    _Thế nào là Phật?

    Sư nói :
    _Tâm ngươi là Phật, Phật tức là Tâm. Tâm với Phật chẳng khác nên nói tức Tâm tức Phật. Nếu lìa nơi Tâm thì chẳng có Phật nào khác.

    Hỏi :
    _Nếu tự Tâm là Phật, Tổ Sư từ Ấn Độ đến truyền thọ như thế nào?

    Đáp :
    _Tổ Sư đến chỉ truyền Tâm Phật, chỉ thẳng Tâm của các ngươi vốn là Phật. Tâm Tâm chẳng khác nên gọi là Tổ. Nếu ngay đó thấy ý này tức đốn siêu Tam Thừa. Tất cả quý vị bản Tâm là Phật, chẳng nhờ tu mới thành.

    Hỏi :
    _Nếu như thế mười phương chư Phật ra đời thuyết pháp gì?

    Đáp :
    _Mười phương chư Phật ra đời chỉ cùng thuyết một Tâm pháp, cho nên Phật mật phó cho Ma Ha Ca Diếp bản thể một Tâm pháp này cùng hư không khắp pháp giới. Dù gọi là giáo lý Phật pháp, cái pháp này đâu phải cho ngươi ở trên lời nói mà hiểu được nó, cũng không thể ở trên một cơ một cảnh mà thấy được nó. Kẻ ngộ chỉ là mặc khế ý này. Môn này gọi là pháp môn vô vi, nếu muốn hiểu chỉ cần vô tâm, bỗng ngộ liền được. Nếu dùng tâm muốn học lấy thì lại càng xa cách. Nếu chẳng có tâm đi đường tẽ, chẳng có tất cả tâm thủ xả, tâm như gỗ đá, mới có phần học đạo.

    Hỏi :
    _Hiện có đủ thứ vọng niệm đâu thể nói vô?

    Đáp :
    _Vọng vốn chẳng bản thể, chỉ do tâm ngươi sở khởi. Ngươi nếu biết tâm là Phật thì tâm vốn chẳng vọng, đâu thể khởi tâm nhận tâm là vọng. Ngươi nếu chẳng sanh tâm động niệm, tự nhiên chẳng vọng. Cho nên nói tâm sanh thì mỗi mỗi pháp sanh, tâm diệt thì mỗi mỗi pháp diệt.

    Hỏi :
    _Nay khi đang khởi vọng niệm thì Phật ở đâu?

    Đáp :
    _Ngay khi ngươi giác vọng khởi, giác chính là Phật. Hễ không có vọng niệm thì Phật cũng không. Tại sao như thế? Vì ngươi khởi tâm tác Phật-Kiến (tri kiến) thì nói có Phật để thành, tác chúng sanh kiến thì nói có chúng sanh để độ. Khởi tâm động niệm đều là chỗ tri kiến của ngươi. Nếu chẳng có tất cả tri kiến thì Phật đâu có xứ sở. Cũng như Văn Thù mới sanh khởi Phật-kiến pháp-kiến liền bị đày đi hai núi Thiết Vi.


    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  4. #14
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    Hỏi :
    _Nay ngay khi ngộ thì Phật ở đâu?

    Đáp :
    _Cái hỏi từ đâu đến? Cái giác từ đâu khởi? Động tịnh nói nín, tất cả thanh sắc đều là Phật sự, còn nơi nào tìm Phật? Đâu thể trên đâù lại thêm đầu, trên miệng laị thêm miệng. Nếu chẳng sanh tri kiến khác biệt thì núi là núi, sông là sông, tăng là tăng, tục là tục. Sơn hà đại địa, nhật nguyệt tinh tú, trọn chẳng ở ngoài tâm ngươi. Đại thiên thế giới đều là cái tự kỷ của ngươi, chỗ nào còn vật này vật nọ? Ngoài tâm chẳng pháp, đầy mắt núi xanh. Cả hư không thế giới rõ ràng chẳng có mảy may để cho ngươi làm kiến giải. Nên nói tất cả thanh sắc đều là huệ nhãn của Phật.

    Pháp chẳng tự khởi, nhờ cảnh mới sanh. Vì tiếp vật độ sanh mới nói có nhiều trí tuệ. Thực ra suốt ngày nói đâu từng nói, suốt ngày nghe đâu từng nghe, cho nên Phật Thích Ca bốn mươi chín năm thuyết pháp chưa từng nói một chữ là vậy.

    Hỏi :
    _Nếu như thế chỗ nào là Bồ-Đề?

    Đáp :
    _Bồ-Đề chẳng có chỗ. Phật cũng chẳng đắc Bồ-Đề, chúng sanh cũng chẳng mất Bồ-Đề. Chẳng thể dùng thân đắc, chẳng thể dùng tâm cầu. Tất cả chúng sanh tức là tướng Bồ-Đề.

    Hỏi :
    _Làm sao phát Bồ-Đề tâm?

    Đáp :
    _Bồ-Đề vô sở đắc, nay ngươi hãy phát tâm vô sở đắc, quyết định chẳng đắc một pháp tức là Bồ-Đề tâm. Bồ-Đề chẳng có chỗ trụ cho nên chẳng có kẻ đắc, nên Phật Thích Ca nói :”Ta ở nơi Phật Nhiên Đăng chẳng có chút pháp nào để đắc mới được thọ ký thành Phật”. Đã biết rõ tất cả chúng sanh vốn là Bồ-Đề, không nên lại đắc thêm Bồ-Đề. Nay ngươi nghe nói phát Bồ Đề tâm thì muốn dùng tâm đi học để thành Phật, dẫu cho ngươi trải qua ba vô số kiếp tu cũng chỉ được cái báo thân, hóa thân Phật còn đối với cái bản nguyên tự tánh Phật của ngươi chẳng dính dáng gì cả. Nên nói cầu Phật hữu tướng bên ngoài đâu bằng Phật của chính ngươi.

    Lại nói pháp ấy bình đẳng chẳng có cao thấp gọi là Bồ-Đề. chính cái tâm bổn nguyên thanh tịnh này với chúng sanh chư Phật, thế giới sơn hà, hữu tướng vô tướng, khắp mười phương cõi, tất cả bình đẳng, chẳng có tướng ta tướng ngươi. Cái tâm bổn nguyên thanh tịnh này thường tự tròn đầy sáng tỏ chiếu soi khắp nơi, người đời chẳng ngộ chỉ nhận kiến văn giác tri là tâm, bị kiến văn giác tri che khuất cho nên chẳng thấy cái bản thể tinh diệu sáng tỏ. Nếu ngay đó vô tâm thì bản thể tự hiện như mặt trời trên hư không chiếu khắp mười phương chẳng gì chướng ngại. Người học đạo chớ nên chỉ nhận kiến văn giác tri, động tác làm việc, cho đó là tâm, cũng chớ nên bỏ hẳn kiến văn giác tri khiến cho đường tâm bị bít tuyệt chẳng có chỗ nhập. Hãy ngay nơi kiến văn giác tri nhận bản tâm, nhưng bản tâm chẳng thuộc kiến văn giác tri cũng chẳng lìa kiến văn giác tri. Chớ nên ở nơi kiến văn giác tri sanh khởi kiến giải, nghĩa là chớ ở nơi kiến văn giác tri động niệm. Cũng chớ lìa kiến văn giác tri tìm tâm, cũng chớ bỏ kiến văn giác tri lấy pháp. Bất tức bất ly, chẳng trụ chẳng chấp,tung hoành tự tại đều là đạo tràng.

    Nếu muốn biết yếu quyết chỉ cần ở nơi tâm chớ dính mắc một vật. Kinh nói chân pháp thân của Phật cũng như hư không, ấy là dụ pháp thân tức hư không,hư không tức pháp thân. Người thường cho pháp thân khắp nơi hư không, nói trong hư không hàm chứa pháp thân, chẳng biết pháp thân tức là hư không, hư không tức là pháp thân vậy. Nếu nhất định nói có hư không, hư không chẳng phải pháp thân, nếu nhất định nói có pháp thân, pháp thân chẳng phải hư không, ấy là bệnh lớn. Khi thấy hư không chớ cho là hư không, hư không tức pháp thân, nhưng cũng chớ chấp cho là pháp thân. Vì pháp thân tức hư không, hư không với pháp thân chẳng khác tướng, Phật với chúng sanh chẳng khác tướng, sanh tử với niết bàn chẳng khác tướng, phiền não với bồ đề chẳng khác tướng. Lìa tất cả tướng tức là Phật.

    Phàm phu chấp cảnh, ngoại đạo chấp tâm, tâm cảnh đều quên, mới là chân pháp. Quên cảnh còn dễ, quên tâm rất khó. Người thường chẳng dám quên tâm, e sợ đọa vào rỗng không, chẳng chỗ đứng chân. Chẳng biết Không vốn chẳng không, chỉ là nhất chân pháp giới mà thôi.


    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  5. #15
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    Hỏi :
    _ Thấy tánh là thế nào?

    Đáp :
    _ Tánh tức là thấy, thấy tức là tánh, chẳng thể lấy tánh thấy thêm tánh. Nghe tức là tánh, chẳng thể lấy tánh nghe thêm tánh. Chỉ vì ngươi cho là có cái tánh thấy, nghe, tánh ấy năng thấy, năng nghe, nên mới có những pháp đồng, dị sanh khởi.

    Kinh nói rõ ràng cái sở thấy đó chính là tánh ngươi rồi chẳng thể thấy nữa, nếu thấy nữa tức là ngươi ở trên đầu lại sanh thêm đầu. Trong Kinh nói rõ ràng đủ thứ hạt châu trong mâm, lớn thì tròn theo lớn, nhỏ thì tròn theo nhỏ, mỗi mỗi chẳng biết nhau, mỗi mỗi chẳng ngại nhau. Những hiện tượng thế giới lúc khởi chẳng nói ta khởi, lúc diệt chẳng nói ta diệt, cho nên tứ sinh lục đạo chưa có pháp nào chẳng trụ như thời.

    Lược Giải:

    Tứ sanh lục đạo chưa có pháp nào chẳng trụ như thời :
    Kinh Pháp Hoa nói :
    Pháp đó trụ ngôi pháp
    Thế gian tướng thường trụ.


    Nghĩa là pháp nào trụ theo ngôi pháp đó, cũng như pháp sanh trụ ngôi sanh, pháp diệt trụ ngôi diệt. Tướng thế gian sanh diệt từng sát na, những pháp sanh diệt ấy trụ theo thời điểm của sát na đó, cho nên nói chưa có pháp nào chẳng trụ như thời.

    Lại chúng sanh chẳng thấy Phật, Phật chẳng thấy chúng sanh tứ quả chẳng thấy tứ hướng (1),tứ hướng chẳng thấy tứ quả, tam Hiền thập Thánh chẳng thấy Đẳng Giác Diệu Giác, Đẳng Giác Diệu Giác chẳng thấy tam Hiền thập Thánh, cho đến thủy chẳng thấy hỏa, hỏa chẳng thấy thủy, địa chẳng thấy phong, phong chẳng thấy địa, chúng sanh chẳng nhập pháp giới, chư Phật chẳng xuất pháp giới, cho nên pháp tánh chẳng khứ lai, chẳng năng sở. Tánh đã như thế vì sao còn nói ta thấy ta nghe?

    Thiện tri thức thuyết pháp cho ta, chư Phật ra đời thuyết pháp cho chúng sanh, đều muốn chúng ta ngay đó khế ngộ tánh này. Ca Chiên Diên chỉ vì dùng tâm sanh diệt để truyền pháp thực tướng nên bị Duy Ma Cật quở. Kinh nói rõ ràng tất cả pháp vốn chẳng có trói đâu cần mở nó, vốn chẳng có nhiễm đâu cần tịnh nó. Nên nói :” Thực tướng như thế há có thể thuyết ư!”.

    Nay ngươi chỉ tự lập tâm thị phi, tâm nhiễm tịnh, học được một tri một giải, đi dạo khắp thiên hạ tự đắc khoe tài gặp ai cũng muốn làm thầy cho họ. Thực ra thì ai có tâm có mắt, ai mạnh ai yếu ? Nếu chấp như thế thì cách xa như trời với đất, còn nói gì thấy tánh!

    Ghi chú:

    (1)Tứ Hướng : Từ nhân hướng đến quả gọi là hướng, như từ sơ cơ hướng đến sơ quả, từ sơ quả hướng đến nhị quả, nhị quả hướng đến tam quả, tam quả hướng đến tứ quả, gọi là tứ hướng.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  6. #16
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    Hỏi :
    _Đã nói tánh tức thấy, thấy tức tánh, thế thì tánh tự chẳng chướng ngại, chẳng giới hạn. Tại sao cách vật thì không thấy? Lại ở nơi hư không, gần thì thấy, xa thì không thấy, ấy là tại sao?

    Đáp : Ấy là vọng sanh dị kiến (cái thấy có khác) của ngươi. Nếu nói cách vật chẳng thấy hoặc thấy có xa gần, thì nói bản tánh có cách ngại. Thật ra đều chẳng dính dáng, vì bản tánh phi kiến phi bất kiến, pháp cũng phi kiến phi bất kiến, nếu ngươi thấy bản tánh cùng khắp không gian thời gian thì ở đâu chẳng phải bản tánh của ngươi. Cho nên lục đạo tứ sinh sơn hà đại địa đều là tánh thể trong sạch sáng tỏ của ta. Nên nói thấy sắc thì thấy tâm, sắc tâm chẳng khác, chỉ vì chấp tướng đuổi theo kiến văn giác tri, nếu xóa bỏ vật trước mắt mới cho là chứng đắc, ấy là đọa vào kiến giải y-thông (dựa theo thần thông ) của người Nhị thừa. Còn nói trong hư không gần thì thấy xa thì chẳng thấy, ấy là thuộc về Ngoại đạo. Kinh nói rõ ràng :”chẳng trong cũng chẳng ngoài, chẳng gần cũng chẳng xa”. Gần mà chẳng thể thấy ấy là tánh của vạn vật (như lông mi ở sát ngay mắt mà mắt không thấy). Gần còn chẳng thể thấy huống là nói xa mà chẳng thấy, vậy có ý nghĩa gì đâu?

    Hỏi :
    _Phật hết sạch vô minh chăng?

    Đáp :
    _Vô minh tức là chỗ đắc đạo của tất cả chư Phật cho nên nói duyên khởi là đạo tràng, vì có vô minh mới có đắc đạo. Sở thấy một trần một sắc đều hợp với lý tánh vô biên, giở chân đặt chân chẳng lìa đạo tràng. Nói đạo tràng tức là vô sở đắc, ta nói với ngươi ngay cái vô sở đắc đó gọi là tọa đạo tràng.

    Hỏi :
    _Nói vô minh là sáng hay là tối?

    Đáp :
    _Chẳng sáng chẳng tối. Sáng tối là pháp sanh diệt, vô minh lại chẳng sáng cũng chẳng tối. Nói chẳng sáng vì tự tánh vốn minh, do chấp tâm sanh ra phân biệt mới có minh với vô minh. Lời nói chẳng sáng chẳng tối này đã nhiễu loạn biết bao nhiêu con mắt của thiên hạ! Nên Kinh nói :”Giả sử khắp thế gian, đều như Xá Lợi Phất, tận sức cùng suy lường, chẳng thể thấu trí Phật”.

    Trí huệ Phật là trí huệ vô ngại, siêu việt hư không, chẳng có chỗ cho ngươi luận bàn. Cũng như đại thiên thế giới rất rộng lớn có một Bồ Tát chỉ bước một bước thì qua khỏi, nhưng cũng chẳng ra khỏi một lỗ chân lông của Phổ Hiền. Vậy ngươi nay lấy bản lĩnh gì mà muốn học nó.

    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  7. #17
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    Hỏi :
    _Đã là học không được tại sao còn nói ”về cội tánh chẳng hai, phương tiện có nhiều lối ” là thế nào?

    Đáp :
    _”Về cội tánh chẳng hai” nghĩa là : thực tánh của vô minh tức là Phật tánh. “Phương tiện có nhiều lối” nghĩa là: sở thấy của bậc Thánh có nhiều lối khác nhau, bậc Thanh Văn thấy vô minh sanh vô minh diệt, bậc Duyên Giác chỉ thấy vô minh diệt chẳng thấy vô minh sanh, niệm niệm chứng tịch diệt, còn chư Phật thì thấy chúng sanh suốt ngày sanh mà vô sanh, suốt ngày diệt mà vô diệt, vô sanh vô diệt tức là quả Đại Thừa cho nên nói :”Quả mãn Bồ-Đề viên, hoa khai thế giới khởi".

    Giở chân là Phật, đặt chân là chúng sanh. Nói chư Phật lưỡng túc tôn nghĩa là lý túc, sự túc, chúng sanh túc, sanh tử túc, tất cả đều túc. Túc nên chẳng cầu, nay ngươi niệm niệm muốn học Phật tức là chê bai chúng sanh. Nếu chê bai chúng sanh tức là phỉ báng mười phương chư Phật. Cho nên Phật ra đời cầm đồ trừ phẩn để trừ phẩn của hý luận, chỉ là bảo ngươi trừ bỏ cái tâm ham học ham thấy từ xưa nay. Hễ trừ hết sạch thì chẳng đọa hý luận cũng gọi là đem phẩn ra, nghĩa là bảo ngươi chẳng sanh tâm. Tâm nếu chẳng sanh tự nhiên thành người đại trí, quyết định chẳng phân biệt Phật với chúng sanh. Tất cả đều chẳng phân biệt mới được vào cửa Tào Khê ta. Nên bậc Thánh nói :”Nếu hành pháp môn ta, phải biết ta lấy vô hành làm pháp môn của ta. Pháp môn này gọi là nhất tâm môn (cửa một tâm). Mọi người đến cửa này đều chẳng dám vào nên chẳng đắc đạo. Chẳng phải không ai đắc chỉ là ít người đắc. Kẻ đắc tức là Phật”.

    Người học đạo trước tiên nên bỏ các duyên tạp học, quyết định chẳng cầu, quyết định chẳng chấp, nghe pháp thâm sâu giống như gió thoảng qua lỗ tai, qua rồi thì thôi chẳng truy tầm nữa, ấy mới gọi là thâm sâu. Tức là vào Như Lai Thiền, lìa “sanh Thiền tưởng”(sanh tâm cho là Thiền gọi là sanh Thiền tưởng). Tổ Sư từ xưa nay chỉ truyền một tâm, chẳng có hai Phật, chỉ thẳng tâm ngươi tức là Phật, đốn siêu Đẳng Giác Diệu Giác. Chỉ một tâm bản niệm, quyết định chẳng chảy ra niệm thứ hai mới vào được thiền môn ta.

    Pháp vốn như thế, các ngươi đối với chỗ này tính làm sao mà học? Cho nên nói khi tâm tính muốn thì bị ma của tâm tính muốn trói buộc, khi tâm chẳng tính muốn lại bị ma của tâm chẳng tính muốn trói buộc, ma chẳng từ ngòai đến, từ tự tâm ngươi ra. Chỉ có Bồ Tát Vô Thần Thông dấu tích chẳng thể tìm. Trong bất cứ lúc nào, nếu tâm cho là thường tức là Ngoại đạo thường kiến, nếu xem tất cả pháp không, trụ nơi không kiến, tức là Ngoại đạo đoạn kiến. Cho nên nói tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Ấy còn là đối với người tà kiến ngoại đạo mà nói. Nếu nói Pháp thân là quả cùng tột, ấy còn là đối với tam Hiền thập Thánh mà nói. Nên Phật phải đoạn dứt hai thứ ngu, một là vi tế sở tri ngu, hai là cực vi tế sở tri ngu. Phật đã như thế còn nói gì đến Đẳng Giác Diệu Giác nữa.

    Nay mọi người chỉ muốn sáng, không muốn tối, chỉ muốn cầu ngộ không muốn phiền não vô minh, cứ cho Phật là giác, chúng sanh là vọng. Nếu sanh kiến giải như thế thì muôn ngàn kiếp phải chịu luân hồi lục đạo không thể đoạn dứt được. Tại sao vậy? Vì phỉ báng bổn nguyên tự tánh của chư Phật. Kinh nói rõ ràng :”Phật cũng chẳng sáng, chúng sanh cũng chẳng tối vì pháp chẳng sáng tối, Phật cũng chẳng mạnh, chúng sanh cũng chẳng yếu, vì pháp chẳng mạnh yếu, Phật cũng chẳng trí, chúng sanh cũng chẳng ngu, vì pháp chẳng trí ngu“. Tất cả chỉ vì ngươi tự đắc khoe tài, ló đầu ra cho là hiểu thiền hiểu đạo, không biết rằng mở miệng ra liền mắc bệnh, chẳng nói gốc chỉ nói ngọn, chẳng nói mê chỉ nói ngộ, chẳng nói thể chỉ nói dụng. Thực ra đâu có chỗ để cho ngươi luận bàn, vì tất cả pháp xưa vốn chẳng có, nay cũng chẳng không, duyên khởi chẳng có, duyên diệt chẳng không. Bản thể cũng chẳng có, vì bản thể tức phi bản thể, tâm cũng chẳng tâm vì tâm tức phi tâm, tướng cũng chẳng tướng, vì tướng tức phi tướng. Cho nên nói :”Vô pháp vô bản tâm, mới hiểu tâm tâm pháp, pháp tức phi pháp, phi pháp tức pháp, vô pháp vô phi pháp, nên gọi tâm tâm pháp”.


    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  8. #18
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    Thình lình sanh khởi một niệm liễu tri như huyễn như hóa liền chảy vào Phật quá khứ. Phật quá khứ lại chẳng có, Phật vị lai lại chẳng không, lại cũng chẳng gọi là Phật vị lai. Hiện tại niệm niệm chẳng trụ cũng chẳng gọi là Phật hiện tại. Nếu khi chư Phật sanh khởi không nên cho đó là giác, là mê, là thiện, là ác, không được chấp trước chướng ngại nó, đoạn dứt nó. Như một niệm bỗng khởi, ngàn lớp cửa khóa khóa chẳng được, muôn sợi dây cột cột chẳng được. Nếu đã như thế sao lại còn muốn diệt nó, ngưng nó. Kinh nói rõ ràng : Cái thức huyễn hóa của ngươi, ngươi làm sao tính muốn đoạn dứt nó, dụ như dương diệm (ánh sáng mặt trời rọi trên mặt đất, ở xa trông như có nước, đến gần thì không có gì cả, gọi là dương diệm) ngươi nói gần thì mười phương thế giới tìm chẳng được, ngươi nói xa thì lúc xem lại ngay trước mắt, ngươi muốn đuổi theo, nó lại rời xa, ngươi muốn tránh nó thì nó trở lại đuổi theo ngươi. Lấy chẳng được, bỏ cũng chẳng được. Nếu pháp đã như thế thì nên biết tất cả pháp tánh tự nó vốn như vậy thì chẳng cần lo âu cho nó. Cũng như nói tiền niệm là phàm, hậu niệm là thánh, như bàn tay trở qua lật lại ấy còn là giáo lý cao tột của Tam Thừa. Nếu theo Thiền tông ta thì tiền niệm cũng chẳng phải phàm, hậu niệm cũng chẳng phải Thánh, tiền niệm chẳng phải Phật, hậu niệm chẳng phải chúng sanh. Cho nên nói : tất cả sắc là sắc Phật, tất cả thanh là thanh Phật. Hễ đề ra một lý thì tất cả lý đều vậy, thấy một sự là thấy tất cả sự, thấy một Tâm là thấy tất cả Tâm, thấy một đạo là thấy tất cả đạo. Tất cả nơi không nơi nào chẳng phải đạo. Thấy một trần như vầy thì mười phương thế giới núi sông đất đai đều vậy. Thấy một giọt nước tức là thấy tất cả nước trong mười phương thế giới.

    Lại nữa, thấy tất cả pháp tức thấy tất cả Tâm. Tất cả pháp vốn không, Tâm thì chẳng không, chẳng không tức diệu hữu, hữu cũng chẳng hữu, chẳng hữu tức hữu, ấy là chân không diệu hữu. Nếu tất cả pháp đã như thế thì mười phương thế giới chẳng ra ngoài một tâm của ta, tất cả quốc độ cũng chẳng ra ngoài một niệm của ta. Nếu vậy thì còn nói gì trong với ngoài. Cũng như tánh mật là ngọt thì tất cả mật đều vậy, chẳng thể cho mật này ngọt mật kia đắng. Đâu có việc như thế! Cho nên nói :”Hư không chẳng trong ngoài, pháp tánh tự như vậy, hư không chẳng chính giữa, pháp tánh tự như vậy”. Vậy thì chúng sanh tức Phật, Phật tức chúng sanh, chúng sanh với Phật vốn đồng một thể. Sanh tử Niết bàn, hữu vi vô vi vốn đồng một thể. Thế gian xuất thế gian cho đến lục đạo tứ sanh, sơn hà đại địa, hữu tánh vô tánh cũng đồng một thể. Dù nói là đồng nhưng danh tướng đều không, hữu cũng không, vô cũng không, Hằng sa thế giới trọn là một không. Nếu pháp đã như thế thì nơi nào có Phật độ chúng sanh, nơi nào có chúng sanh được Phật độ. Tại sao vậy? Tự tánh của vạn pháp vốn tự như vậy. Nếu cho là tự nhiên thì đọa vào ngọai đạo tự nhiên, nếu cho là vô ngã và ngã sở thì đọa vào ngôi tam Hiền thập Thánh. Nay ngươi sao lại muốn đem thước kẻ để đo lường hư không.


    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  9. #19
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    Kinh nói rõ ràng : Pháp với pháp chẳng đến với nhau vì pháp tự tịch diệt. Ngay đó tự trụ, ngay đó tự chân. Vì thân không nên gọi pháp không, vì tâm không nên gọi tánh không, thân tâm đều không nên gọi pháp tánh không. Cho đến học thuyết ngàn lối khác biệt đều chẳng lìa bản tâm của ngươi. Nay nói những danh từ Bồ-Đề, Niết-Bàn, Chân Như, Phật Tánh, Nhị Thừa, Bồ Tát đều là đem lá cây vàng cho là vàng ròng để lừa gạt trẻ con, cũng như nắm tay không khi mở ra thì tất cả trời người đều thấy trong bàn tay chẳng có một vật. Nên Lục Tổ nói :”Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai ?”. Bổn lai đã vô vật thì tam tế (quá khứ, hiện tại, vị lai) vốn chẳng có, người học đạo nên thẳng tay đâm vào ngay đó ngộ ý này mới được.

    Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ đến trải qua bao nhiêu quốc độ chỉ tìm được một mình Huệ-Khả mật truyền tâm ấn. Nói ấn là ấn chứng bản tâm của ngươi, lấy tâm ấn pháp, lấy pháp ấn tâm, tâm đã như thế, pháp cũng như thế. Đồng thực tế, đẳng pháp tánh, trong pháp tánh đã là không thì ai là người thọ ký, ai là người thành Phật, ai là người đắc pháp. Kinh nói rõ ràng Bồ Đề chẳng thể dùng thân đắc, vì thân vốn vô tướng, chẳng thể dùng tâm đắc, vì tâm vốn vô tướng, chẳng thể dùng tánh đắc, vì tánh tức là bổn nguyên tự tánh thiên chân Phật, nên chẳng thể đem Phật để đắc thêm Phật, chẳng thể đem vô tướng để đắc thêm vô tướng, chẳng thể đem không để đắc thêm không, chẳng thể đem đạo để đắc thêm đạo. Vốn vô sở đắc, cái vô đắc cũng bất khả đắc, cho nên nói : Vô nhứt pháp khả đắc. Nếu có đắc tức là trên đầu lại mọc thêm đầu.

    Nay chỉ bảo ngươi liễu đạt bản tâm, ngay khi liễu đạt rồi cũng chẳng thấy tướng liễu hay chẳng liễu. Cái pháp liễu này cũng bất khả đắc, kẻ đắc tức đắc, kẻ đắc chẳng tự biết, kẻ chẳng đắc cũng chẳng tự biết. Cái pháp như thế từ xưa đến nay đâu có mấy người được biết, nên nói khắp thiên hạ kẻ quên mình đâu có mấy ai? Nay những người ở nơi một cơ một cảnh, một Kinh một giáo, một thế một thời, một danh một tự, ở trước cửa lục căn mà lãnh hội được, những người ấy so với người múa rối đâu có khác.

    Lược giải:

    Chư Tổ nói ”Y văn giải nghĩa tam thế Phật oan“. Vì lời nói của chư Phật, chư Tổ chỉ là phương tiện tạm thời, nghĩa là tùy bệnh cho thuốc, ý của Phật chẳng phải ở trong văn tự. Nếu cứ y theo lời văn, rồi đem ý mình (vọng tâm) mà tìm hiểu thì nghịch với ý Phật, tức là làm oan cho Phật.


    Giả sử nếu có một ngừơi nào chẳng ở nơi một danh một tướng lập kiến giải thì ta nói khắp mười phương thế giới muốn tìm kẻ như người này trọn chẳng thể được, vì chẳng có người thứ hai để kế thừa ngôi Tổ. Cũng nói dòng Thích Ca thuần nhất vô tạp. Nói tóm lại tất cả tự tánh sẵn đủ chớ nên tìm cầu nữa, hễ tìm cầu thì liền mất cả thể dụng của chính mình, cũng như kẻ ngu ở trên núi kêu một tiếng, nghe tiếng vang ở dưới núi đáp lại liền chạy xuống núi đi tìm, tìm không được lại kêu một tiếng nữa, nghe tiếng vang trên núi đáp lại rồi lại chạy lên núi tìm. Cứ vậy lên lên xuống xuống tìm mãi trải qua muôn ngàn kiếp, chỉ là một người đuổi theo âm thanh, rốt cuộc lãng phí cuộc đời của chính mình một cách oan uổng. Ngươi phải biết vô thanh tức vô tiếng vì Niết bàn vốn vô thanh vô văn vô tri, tuyệt tông tuyệt tích, kẻ được như thế mới là ở sát cạnh bên Tổ Sư.


    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  10. #20
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    Ngài thượng đường rằng :

    _Tức tâm là Phật, trên từ chư Phật, dưới đến sâu bọ hàm linh đều có Phật tánh, đồng một tâm thể, nên Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ đến chỉ truyền một tâm pháp, chỉ thẳng tất cả chúng sanh vốn là Phật, chẳng nhờ tu hành, chỉ cần nhận lấy tự tâm, thấy tự bản tánh, chớ nên tìm cầu cái khác. Thế nào là nhận lấy tự tâm? Cũng như cái hiện đang nói năng chính là tâm ngươi, nếu chẳng nói năng lại chẳng tác dụng thì tâm thể giống như hư không, chẳng có tướng mạo cũng chẳng phương sở cũng chẳng phải tuyệt không có, vì có mà chẳng thể thấy, nên Tổ Sư nói :”Tâm địa tức chân tánh, chẳng đầu cũng chẳng đuôi, ứng duyên mà giáo hóa, phương tiện gọi là trí”. Nếu khi chẳng ứng duyên chẳng thể nói hay không, đang khi ứng duyên cũng chẳng dấu tích, đã biết như thế nay chỉ cần đi theo đường vô trụ của chư Phật. Kinh nói :”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

    Tất cả chúng sanh dùng ý căn phan duyên tạo tác, trôi lăn trong lục đạo, sanh tử luân hồi chẳng ngừng, uổng chịu đủ thứ khổ như Duy Ma Cật nói :”Người khó hóa độ tâm như con khỉ phải dùng bao nhiêu thứ pháp kềm chế tâm họ rồi mới điều phục được”. Nên nói tâm sanh thì mỗi mỗi pháp sanh, tâm diệt thì mỗi mỗi pháp diệt. Phải biết tất cả các pháp từ Trời, Người, A tu la cho đến Địa ngục, lục đạo đều do tâm tạo, nay chỉ cần học vô tâm, các duyên bỗng ngưng, chớ sanh vọng tưởng phân biệt, vô nhân vô ngã vô tham sân, vô yêu ghét, vô thắng bại. Chỉ cần trừ bỏ đủ thứ vọng tưởng, bản tánh vốn tự thanh tịnh, tức là tu hành đúng theo Phật pháp, Bồ Đề v.v… Nếu chẳng ngộ ý này dẫu cho ngươi siêng năng học rộng, khổ hạnh tu tập, ăn mặc cực khổ mà chẳng nhận thức tự tâm đều gọi là hạnh Tà, đều thành Thiên ma Ngoại đạo, thủy lục chư Thần. Tu hành như thế có ích lợi gì!

    Bảo Chí Công nói :”Bản thể là tự tâm, đâu thể cầu nơi văn tự. Nay chỉ cần nhận thức tự tâm, ngưng nghỉ tư duy, vọng tưởng trần lao tự nhiên chẳng khởi”.

    Duy Ma Cật nói :”Chỉ để một giường nằm bệnh dụ cho tâm chẳng khởi. Hôm nay nằm bệnh phan duyên đều dứt, vọng tưởng tiêu diệt tức là Bồ Đề “.

    Nếu trong tâm lăng xăng tìm hiểu này nọ, dẫu cho ngươi học đến các bậc Tam thừa, Tứ quả, Thập địa, chỉ là ham ngồi trên thánh phàm đối đãi. Chẳng biết chư hạnh đều quy vô thường, thế lực đều có ngày tàn, cũng như bắn tên lên hư không, sức hết thì phải rơi xuống trở lại, vẫn về nơi sanh tử luân hồi. Tu hành như thế là chẳng hiểu ý Phật, uổng chịu cay đắng, sai lầm biết bao Bảo Chí Công nói :”Chưa gặp minh sư ra đời oan uổng pháp thuốc Đại thừa”.

    Bất cứ lúc nào đi đứng nằm ngồi hãy học vô tâm, chẳng còn phân biệt, cũng chẳng nhờ cậy ai và dựa vào nơi nào, chẳng trụ chẳng chấp, suốt ngày thong thả tùy duyên, ngây ngây như người khờ ngốc. Người đời trọn chẳng biết được ngươi, ngươi cũng chẳng cần người ta biết hay không biết. Tâm như tảng đá chẳng có chút kẽ hở, tất cả pháp thấu tâm ngươi chẳng lọt, ngây thơ chẳng dính mắc chỗ nào, như thế mới có ít phần tương ưng, mới thấu qua được cõi tam giới, gọi là Phật ra đời. Tâm tướng vô lậu, gọi là vô lậu trí. Chẳng làm nghiệp Trời Người, chẳng làm nghiệp Địa ngục, chẳng khởi tất cả tâm, các duyên đều chẳng sanh, ngay thân tâm này là người tự do, không phải luôn luôn chẳng sanh, chỉ là tùy ý mà sanh. Kinh nói :” Bồ Đề có Ý Sanh Thân” là nghĩa này vậy. Nếu chưa ngộ vô tâm, chấp theo tướng mà tạo tác đều thuộc về nghiệp Ma, cho đến làm Phật sự nào cũng đều thành nghiệp, gọi là chướng Phật vì chướng ngại tâm ngươi, bị nhân quả quản thúc, đi ở chẳng có phần tự do.


    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Cội Nguồn Truyền Thừa
    Gửi bởi cunconmocoi trong mục THIỀN TÔNG
    Trả lời: 85
    Bài cuối: 05-26-2018, 09:18 AM
  2. Kể truyện đêm khuya
    Gửi bởi muabuon trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 21
    Bài cuối: 06-29-2017, 04:12 PM
  3. Truyện tiền thân đức Phật Thích Ca
    Gửi bởi ongmat trong mục Gương sáng tu học Phật pháp
    Trả lời: 4
    Bài cuối: 07-14-2015, 03:08 PM
  4. Trích đăng Truyền Đăng Lục Quyển 4
    Gửi bởi lavinhcuong trong mục THIỀN TÔNG
    Trả lời: 45
    Bài cuối: 06-23-2015, 09:22 AM
  5. Truyền đăng lục ~ Hoạt hình Phật giáo
    Gửi bởi minhquang trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-17-2015, 10:03 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •