ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN Tập 1 _ Cuốn 1 _ Duyên Khởi Luận
__________________________________________________ ______________________________________
* Lại nữa, có người đáng được độ mà hoặc vì rơi vào chấp kiến nhị biên, hoặc vì vô trí nên chỉ cầu cái khoái lạc nơi thân; hoặc có người vì đạo mà tu theo khổ hạnh. Những người như thế, đối với Đệ nhất nghĩa, họ bị mất phần Niết-bàn chánh đạo. Phật muốn phá hai lối cực đoan đó, đưa họ vào Trung đạo, nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật.
* Lại nữa, để phân biệt quả báo cúng dường Sanh thân và Pháp thân nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật. Như đã nói trong phẩm Xá-lợi tháp.
* Lại nữa, vì muốn giảng thuyết A-bệ-bạt-trí và tướng của A-bệ-bạt-trí. Lại vì muốn nói rõ Ma huyễn, Ma ngụy, Ma sự. Lại vì nhân duyên để người ở đời đương lai cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật. Lại vì muốn thọ ký cho hàng Tam thừa, nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật. Như Phật bảo A-nan: "Sau khi Ta bát Niết-bàn, Bát-nhã Ba-la-mật này sẽ truyền đến phương Nam, từ phương Nam truyền đến phương Tây. Sau đó năm trăm năm (Phật lịch) sẽ truyền đến phương Bắc. Ở đây có nhiều thiện nam, thiện nữ nhơn tin pháp cúng dường các thứ hoa hương, anh lạc, tràng phan, kỹ nhạc, đèn sáng, trân bảo, cùng các tài vật khác; hoặc tự chép, hoặc khuyên người khác chép, hoặc đọc tụng, hoặc nghe giảng thuyết, chơn chánh ghi nhớ, tu hành, đúng pháp mà cúng dường. Người này nhờ nhân duyên đó mà hưởng thụ các thứ cực lạc của thế gian và đến đời cuối cùng thì chứng Tam thừa mà vào Vô dư Niết-bàn". Những việc nhân duyên như vậy, xem trong tác phẩm của Kinh. Thế nên thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật.
* Lại nữa, vì muốn thuyết tướng Đệ nhất nghĩa Tất-đàn, nên Phật thuyết Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật. Có bốn thứ Tất-đàn: Một là Thế giới Tất-đàn, hai là Các các vị nhân Tất-đàn, ba là Đối trị Tất-đàn, bốn là Đệ nhất nghĩa Tất-đàn. Trong bốn Tất-đàn đã tổng nhiếp hết thảy mười hai bộ Kinh, tám vạn bốn ngàn Pháp tạng, đều là thật không trái ngược nhau. Trong Phật pháp tất cả đều thật. Có pháp thật vì theo Thế giới Tất-đàn, có pháp thật vì theo Các các vị nhân Tất-đàn, có pháp thật vì theo Đối trị Tất-đàn, có pháp thật vì theo Đệ nhất nghĩa Tất-đàn.
- Sao gọi là Thế giới Tất-đàn? (Tất đàn theo nghĩa phổ thông). Vì có những pháp theo nhân duyên hòa hợp nên có, chứ không có tính biệt lập. Ví như xe, do có càng, nhịp, trục, bánh hoà hợp lại nên có, chứ không có chiếc xe riêng. Con người cũng như thế, do năm uẩn (ngũ chúng) hòa hợp nên có, chứ không có con người riêng.
Hỏi: Như Phật nói: "Ta dùng Thiên nhãn thanh tịnh thấy các chúng sanh chết chỗ này sanh chỗ kia, chịu quả báo tùy theo nghiệp thiện ác. Người có nghiệp thiện thì sanh trong loài Trời, Người; người có nghiệp ác thì bị đọa vào ba đường ác". Lại nữa, Kinh nói: "Một người ra đời, mà nhiều người được nhờ phúc lạc lợi ích; đó là Phật Thế Tôn vậy". Như trong Pháp Cú nói: "Tự mình cứu lấy mình, người khác làm sao cứu được. Tự mình thực hành thiện trí là tự cứu hay nhất".
Như trong Kinh Bình Sa Vương Nghinh Phật nói: "Người phàm không nghe pháp, ngươì phàm đắm trước nơi ngã". Lại trong Kinh Phật Nhị Dạ nói: "Phật từ đêm Đắc đạo, đến đêm Bát Niết-bàn, những Kinh giáo Phật thuyết khoảng thời gian giữa hai đêm ấy, tất cả đều thật, không điên đảo". Nếu thật không có người thì tại sao Phật lại nói người (trong câu: Ta dùng Thiên nhãn thanh tịnh thấy các chúng sanh) ?
Đáp: Người v.v… vì theo Thế giới Tất-đàn nên có, vì theo Đệ nhất nghĩa Tất-đàn nên không. Còn như như, pháp tánh , thật tế, vì theo Thế giới Tất-đàn nên không, vì theo Đệ nhất nghĩa Tất-đàn nên có. Người … cũng như thế , vì theo Đệ nhất nghĩa Tất-đàn nên không, vì theo Thế giới Tất-đàn nên có; vì có các nhân duyên năm uẩn nên có người. Ví như sữa do nhân duyên của sắc, hương, vị, xúc cho nên có, nếu sữa thật không thì nhân duyên của sữa cũng phải là không, nay nhân duyên của sữa thật có, nên sữa cũng phải là có. Chẳng phải như cái đầu thứ hai, cánh tay thứ ba của một người, là không có nhân duyên mà chỉ có giả danh. Các tướng (hình thức) như thế nên gọi là Thế giới Tất-đàn.
-Sao gọi là Các các vị nhân Tất-đàn? (Tất đàn trong ý nghĩa cá biệt với từng người). Quán sát tâm hành của từng người mà nói pháp cho họ. Đối trong một việc mà hoặc có người nghe được, có người không nghe được. Như trong Kinh nói: "Do nghiệp tạp báo mà tạp sanh ra trong thế gian, được tạp xúc, tạp thọ". Lại trong Kinh Phá-quần-na nói: "Không có người xúc, không có người thọ".