DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 5/35 ĐầuĐầu ... 3456715 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 41 tới 50 của 341
  1. #41
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 2 _ Chương 3 _ GIẢI THÍCH: BÀ-GIÀ-BÀ
    __________________________________________________ ______________________________________


    "Nay, Thích Sư tử này,

    Có Nhất thiết trí không?

    Trông thấy đều vui mừng,

    Việc ấy cũng đủ rồi.

    Quang minh sáng bậc nhất,

    Nhân mạo rất quí trọng.

    Thân tướng uy đức đủ,

    Tương xứng danh hiệu Phật.

    Tướng, tướng đều phân minh

    Uy thần cũng đầy đủ,

    Phúc đức tự rạng rỡ,

    Ai thấy cũng ái kính.

    Thân ở trong vòng sáng,

    Người xem không hề chán.

    Nếu có Nhất thiết trí,

    Tất có công đức ấy.

    Hết thảy các màu vẻ,

    Tượng châu báu trang nghiêm.

    Muốn sánh diệu thân này,

    Không thể nào sánh được.

    Làm thỏa mãn người xem,

    Khiến được vui bậc nhất,

    Thấy rồi sanh tịnh tín,

    Tức là Nhất thiết trí".


    Suy nghĩ như vậy xong, họ lễ Phật rồi ngồi xuống, hỏi Phật: "Người chăn trâu có mấy điều thành tựu để cho bầy trâu nhiều thêm và an ổn? Có mấy điều không thành tựu, khiến bầy trâu không thêm, không an ổn?" Phật đáp: "Có mười một điều để người chăn trâu làm cho bầy trâu nhiều thêm và an ổn. Những gì là mười một? Đó là biết sắc, biết tướng, biết mổ xẻ, biết che vết thương, biết hun khói, biết đường đi tốt, biết chỗ trâu thích hợp, biết khéo đưa qua sông, biết chỗ an ổn, biết giữ sữa, biết nuôi trâu chúa. Nếu người chăn trâu biết mười một điều này thì có thể làm cho bầy trâu thêm nhiều và an ổn. Tỳ-kheo cũng như thế, nếu biết mười một pháp thì có thể làm cho thiện pháp tăng trưởng.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  2. #42
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 2 _ Chương 3 _ GIẢI THÍCH: BÀ-GIÀ-BÀ
    __________________________________________________ ______________________________________


    - Sao lại gọi là biết sắc? Là biết sắc đen, sắc trắng, tạp sắc. Tỳ-kheo cũng thế, biết tất cả sắc đều là tứ đại và tứ đại sở tạo.

    - Sao lại gọi là biết tướng? Là biết trâu có tướng tốt hay không có tướng tốt, khi hợp với bầy trâu khác nhân tướng mà biết. Tỳ-kheo cũng như vậy, thấy tướng thiện nghiệp biết là người trí, thấy tướng ác nghiệp biết là người ngu.

    - Sao lại gọi là biết mổ trâu bị các loại trùng hút máu thì vết thương lở ra, mổ xẻ thời trừ hại, thời vui tươi. Tỳ-kheo cũng như vậy, bị trùng giác quán ác tà hút máu thiện căn, tăng trưởng vết thương lòng, trừ bỏ thời được an ổn.

    - Sao lại gọi là biết che vết thương? Là biết lấy vải, cỏ, lá để ngăn ngừa chỗ muỗi mòng chích đốt. Tỳ-kheo cũng như vậy, lấy pháp chánh quán để che vết thương sáu căn không để bị các ác trùng phiền não tham dục, sân nhuế châm chích, làm tổn thương.

    - Sao lại gọi là biết hun khói? Hun khói là để trừ muỗi mòng, trâu ở xa thấy khói thì nhắm theo mà về nhà. Tỳ-kheo cũng như vậy, đúng như điều được nghe mà thuyết để trừ các muỗi mòng kiết sử. Dùng khói thuyết pháp để dắt dẫn chúng sanh đi vào nhà thật tướng Không, Vô Ngã.

    - Sao lại gọi là biết đường đi? Biết con đường trâu đi về tốt hay xấu. Tỳ-kheo cũng như vậy, biết Tám thánh đạo có thể đưa đến Niết-bàn, lìa con đường ác đoạn và thường.

    - Sao lại gọi là biết chỗ trâu thích hợp? Là biết làm cho trâu sinh sôi, an ổn, ít bệnh. Tỳ-kheo cũng như vậy, lúc thuyết Phật pháp, được pháp hỷ thanh tịnh, các thiện căn tăng thịnh.

    - Sao lại gọi là biết khéo đưa qua sông? Biết chỗ dễ vào, dễ qua, không sóng dữ, trùng độc. Tỳ-kheo cũng như vậy, hay đến chỗ Tỳ-kheo đa văn hỏi pháp, người thuyết pháp biết rõ người nghe lợi căn hay độn căn, phiền não nhẹ hay nặng, khiến họ khéo léo sang bờ, qua được an ổn.

    - Sao lại gọi là biết chỗ an ổn? Biết chỗ ở không có cọp beo, sư tử, ác trùng, độc thú. Tỳ-kheo cũng như vậy, biết Bốn niệm xứ là an ổn không có ác Ma, độc thú phiền não. Tỳ-kheo vào đó thời không hoạn nạn.

    - Sao lại gọi là biết giữ sữa? Trâu mẹ ái niệm trâu con nên cho sữa. Vì sữa giữ lại một phần nên trâu mẹ vui mừng, thời tiếp nối không khô kiệt, chủ trâu và người chăn trâu ngày ngày có ích. Tỳ-kheo cũng như vậy, hàng cư sĩ áo trắng cấp thí áo mặc, thức ăn, nên biết tiết lượng, không khiến khánh kiệt, thời Đàn việt hoan hỷ, tín tâm không dứt, người thọ nhận được đầy đủ, không thiếu.

    - Sao lại gọi là biết nuôi trâu chúa? Bảo hộ trâu đực lớn, vì nó giữ gìn đàn trâu, nên phải nuôi nấng không để ốm gầy, cho uống dầu mè, trang sức bằng anh lạc, ra dấu hiệu với cái Tù-và sắt, biết cọ xát, khen ngợi v.v… Tỳ-kheo cũng như vậy. Trong chúng Tăng có bậc đại nhân uy đức, hộ trì ích lợi Phật pháp, hàng phục Ngoại đạo, hay khiến tám chúng gieo trồng các thiện căn, thì nên tùy chỗ sở nghi của bậc ấy mà cung kính cúng dường".

    Các người chăn trâu nghe nói như thế rồi, suy nghĩ: "Bọn người chăn trâu chúng ta biết được không quá ba, bốn việc, các ông thầy của chăn trâu biết nhiều hơn nữa cũng không quá năm, sáu việc". Nay nghe như vậy tán thán là chưa từng có: "Nếu biết được việc này, thì việc khác cũng thế. Thật là bậc Nhất thiết trí, không còn nghi ngờ gì nữa!"

    Như trong Kinh ấy nói rộng, vì thế nên biết có bậc Nhất thiết trí.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  3. #43
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 2 _ Chương 3 _ GIẢI THÍCH: BÀ-GIÀ-BÀ
    __________________________________________________ ______________________________________


    Như trong Kinh ấy nói rộng, vì thế nên biết có bậc Nhất thiết trí.

    Hỏi: Thế gian đúng ra không có bậc Nhất thiết trí, vì sao? Vì không ai thấy bậc Nhất thiết trí?

    Đáp: Không phải vậy. Không thấy có hai cách, không thể vì không thấy mà nói không có: Một là, việc thật có, vì nhân duyên che lấp mà không thấy. Cũng như giòng họ ban sơ của người, cân nặng của núi Tuyết, hay vô số cát bên bờ sông Hằng, thật có mà không thể biết. Hai là thật không có nên không thấy, như cái đầu thứ hai, cánh tay thứ ba của một người, không có nhân duyên che lấp mà vẫn không thể thấy. Cũng thế, bậc Nhất thiết trí ấy vì nhân duyên che lấp mà ngươi không thấy, chứ chẳng phải không có bậc Nhất thiết trí. Nhân duyên che lấp ấy là những gì? Là chưa có được bốn tín tâm, đắm trước tà ác. Người vì nhân duyên ấy che lấp nên không thấy bậc Nhất thiết trí.

    Hỏi: Vì những điều để biết thì vô lượng, nên không có bậc Nhất thiết trí. Các pháp vô lưọng vô biên, nhiều người hợp lại còn không biết nổi, huống chi một người; vì vậy không có bậc Nhất thiết trí?

    Đáp: Như các pháp vô lượng, trí tuệ cũng vô lượng vô số vô biên. Như cái hộp to thì cái nắp cũng to, hộp nhỏ thì cái nắp cũng nhỏ.

    Hỏi: Phật chỉ tự thuyết Phật pháp, không thuyết các Kinh khác như phương thuốc, tinh tú, toán số, sách vở thế gian, những pháp như thế, nếu là bậc Nhất thiết trí, tại sao không thuyết? Vì thế nên biết là chẳng phải bậc Nhất thiết trí?

    Đáp: Tuy Phật biết hết thảy các pháp, nhưng có cần dùng mới nói, không cần dùng không nói. Có người hỏi mới nói, không hỏi không nói.

    Lại nữa, hết thảy pháp lược có ba thứ: Một là pháp hữu vi, hai là pháp vô vi, ba là pháp không thể nói. Ba thứ đó gồm hết thảy pháp.

    Hỏi: Có mười bốn nạn vấn mà Phật không đáp, nên biết không phải là bậc Nhất thiết trí. Mười bốn nạn vấn là những gì? Là: (1-4) Thế giới và ngã là thường, hay vô thường? hay cũng thường cũng vô thường? hay chẳng phải thường chẳng phải vô thường? (5-8) Thế giới và ngã có biên, hay không biên? Vừa cũng có biên cũng không biên?; vừa chẳng phải có biên chẳng phải không biên? (9-12) Sau khi chết có linh hồn đi đến đời sau hay không có linh hồn đi đến đời sau? hay cũng có linh hồn cũng không linh hồn đi đến đời sau? hay cũng chẳng phải có linh hồn chẳng phải không linh hồn đi đến đời sau? (13-14) Thân là linh hồn? hay thân khác linh hồn? Nếu Phật là bậc Nhất thiết trí, vì sao không đáp mười bốn nạn vấn này?

    Đáp: Việc ấy không thật nên không đáp. Các pháp là thường, không có lẽ đó. Các pháp là đoạn diệt, cũng không có lẽ đó; vì vậy nên Phật không đáp. Ví như có người hỏi vắt sừng trâu được mấy đấu sữa. Đó không phải câu hỏi không cần đáp.

    Lại nữa, thế giới vô cùng như bánh xe, không đầu, không cuối.

    Lại nữa, đáp vấn nạn ấy, không có lợi mà có hại, là rơi vào tà ác. Phật biết mười bốn nạn vấn ấy che lấp Tứ đế, che lấp Thật tướng các pháp. Như chỗ đi qua có ác thú, không nên dẫn người đi qua, chỗ an ổn không hoạn nạn, có thể chỉ cho người đi qua.

    Lại nữa, có người nói việc ấy không phải là bậc Nhất thiết trí thời không thể hiểu. Vì người không thể hiểu nên Phật không đáp.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  4. The Following User Says Thank You to hoatihon For This Useful Post:

    vivi (01-27-2022)

  5. #44
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 2 _ Chương 3 _ GIẢI THÍCH: BÀ-GIÀ-BÀ
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lại nữa, nếu người, việc không nói có, việc có nói không, ấy gọi không phải là bậc Nhất thiết trí. Bậc Nhất thiết trí thì việc có nói có, việc không nói không. Đức Phật, việc có chẳng nói không, việc không chẳng nói có, chỉ nói: "Thật tướng các pháp, sao lại không gọi là bậc Nhất thiết trí? Ví như mặt trời, bình đẳng chiếu khắp, không tạo nên chỗ cao thấp, cũng không tạo nên bình địa. Phật cũng như thế, không khiến cho có làm thành không, không làm thành có, mà thường nói về trí tuệ chơn thật chiếu soi các pháp. Như có một đạo nhân hỏi Phật: "Mười hai nhân duyên do Phật làm hay do người khác làm." Phật nói: "Ta không làm Mười hai nhân duyên, người khác cũng không làm". Dù có Phật hay không có Phật, thì sanh vẫn làm nhân duyên cho già chết, pháp ấy quyết định thường trú. Phật thường nói sanh làm nhân duyên cho già chết, cho đến Vô minh làm nhân duyên cho các Hành.

    Lại nữa, trong mười bốn nạn vấn, nếu trả lời thì sai lầm. Như có người hỏi đứa con của người lại cái, của con gái đá là cao hay thấp, đẹp hay xấu? Điều ấy không nên trả lời vì không có đứa con ấy.

    Lại nữa, mười bốn nạn vấn ấy là tà kiến không chân thật. Phật chỉ nói những gì chân thật, nên bỏ qua không đáp.

    Lại nữa, bỏ qua không đáp tức là đáp. Có bốn cách đáp: Một là quyết định đáp, như nói Phật là an ổn nhất trong Niết-bàn. Hai là giải nghĩa đáp. Ba là đáp bằng cách hỏi trở lại. Bốn là bỏ qua không đáp. Ông nói: "không có bậc Nhất thiết trí", có lời ấy nhưng vô nghĩa, ấy là đại vọng ngữ. Thật có bậc Nhất thiết trí, vì sao? Vì đã chứng được Mười lực như: Vì biết đấy là xứ hay phi xứ, vì biết nhân duyên quả báo, vì biết các Thiền định giải thoát, vì biết căn thiện ác của chúng sanh, vì biết các thứ lạc dục, trí giải, vì biết đủ thứ vô lượng tánh của thế gian, vì biết hết thảy trú xứ của đạo, vì biết nhớ rõ hành xứ của đời trước, vì được thiên nhãn phân minh, vì biết hết thảy lậu tận, vì biết phân tịnh và bất tịnh, vì thuyết thượng pháp trong hết thảy thế giới, vì được vị cam lồ, vì được trung đạo, vì biết thật tướng của hết thảy pháp hữu vi, vô vi, vì vĩnh viễn xa lìa tham dục của ba cõi. Do các nhân duyên như thế nên Phật là bậc Nhất thiết trí.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  6. #45
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 2 _ Chương 3 _ GIẢI THÍCH: BÀ-GIÀ-BÀ
    __________________________________________________ ______________________________________


    Hỏi: Có bậc Nhất thiết trí, ai là người ấy?

    Đáp: Đó là bậc đệ nhất đại nhân (Mahapurasa), là đấng Tam giới tôn (Trailoky-yajyestha) hiệu là Phật, như kệ tán Phật:

    "Chuyển luân vương đản sanh,

    Như mặt trời, trăng, đèn

    Dòng quý tộc Thích-ca,

    Thái tử vua Tịnh-phạn.

    Khi sanh động ba ngàn,

    Tu-di và nước biển,

    Vì phá già, bệnh, chết,

    Thương xót nên ra đời.

    Sanh ra đi bảy bước,

    Ánh sáng khắp mười phương,

    Nhìn bốn phương nói lớn:

    Ta sanh, thai phần hết.

    Thành Phật thuyết diệu pháp,

    Tiếng lớn gióng trống pháp,

    Để giác tĩnh chúng sanh,

    Đời ngủ say vô minh.

    Việc hy hữu xuất hiện,

    Đủ các thứ như vậy,

    Chư thiên và người đời,

    Thấy rồi đều hoan hỷ.

    Tướng thân Phật trang nghiêm,

    Mặt như trăng rằm sáng,

    Hết thảy nam hoặc nữ,

    Nhìn thấy không biết chán.

    Sanh thân nhờ nhũ bộ.

    Mạnh hơn vạn Voi chúa,

    Sức thần túc vô thượng,

    Sức trí tuệ vô lượng.

    Thân Phật tỏa sáng lớn,

    Soi sáng quanh thân Phật,

    Phật ở giữa ánh sáng,

    Như trăng giữa ánh sáng.

    Các thứ ác hủy Phật,

    Phật cũng không ác tưởng.

    Các thứ xưng tán Phật,

    Phật cũng không hỷ tưởng.

    Đại từ, xem chúng sanh,

    Oán thân đều như nhau,

    Hết thảy loài hữu thức,

    Đếu biết rõ việc này.

    Sức nhẫn nhục từ bi,

    Nên thắng hết tất cả,

    Vì độ thoát chúng sanh,

    Đời đời chịu cần khổ.

    Mà tâm thường nhất định,

    Vì chúng làm lợi ích,

    Trí tuệ lực có mười,

    Vô úy lực có bốn.

    Bất cọng có mười tám,

    Kho công đức vô lượng,

    Có vô số như vậy,

    Công đức lực hy hữu.

    Như Sư tử vô úy,

    Phá pháp của ngoại đạo,

    Chuyển pháp luân vô thượng,

    Độ thoát hết ba cõi".


    Ấy gọi là Bà-già-bà. Nghĩa của Bà-già-bà là vô lượng, nếu nói rộng nữa thì sẽ bỏ việc khác, cho nên nói lược.

    (Hết cuốn 2 theo bản Hán)


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  7. #46
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 3 _ Chương 4 _ GIẢI THÍCH: TRÚ VƯƠNG-XÁ THÀNH
    __________________________________________________ ______________________________________


    Cuốn 3 - Chương 4

    GIẢI THÍCH: TRÚ VƯƠNG-XÁ THÀNH


    LUẬN:

    Hỏi: Sao không nói ngay pháp Bát-nhã Ba-la-mật, mà nói Phật trú ở thành ...?

    Đáp: Nói phương xứ, thời gian và nhân vật, khiến lòng người sanh tịnh tín vậy.

    Sao gọi là trú? Thân có bốn oai nghi là: Nằm, ngồi, đi, đứng, ấy gọi là trú. Lại nữa, để làm khiếp sợ bọn Ma quân và khiến chúng đệ tử hoan hỷ nhập vào các Thiền định, cho nên Phật trú ở thành Vương-xá này.

    Lại nữa, có ba thứ trú là: Thiên trú, Phạm trú và Thánh trú. Trú pháp của trời Lục dục gọi là Thiên trú. Trú pháp của Phạm-thiên cho đến Phi-phi-tưởng-thiên, ấy gọi là Phạm trú. Trú pháp của chư Phật, Bích-chi Phật, A-la-hán gọi là Thánh trú. Trong ba trú pháp ấy, đức Phật trú nơi trú pháp của bậc Thánh; vì thương xót chúng sanh nên trú ở thành Vương-xá.

    Lại nữa, làm ba việc bố thí, trì giới, thiện tâm gọi là Thiên trú. Tu bốn tâm vô lượng là Từ, Bi, Hỷ, Xả gọi là Phạm trú. Tu ba tam muội là: Không, Vô tướng, Vô tác, gọi là Thánh trú. Phật ở trong trú pháp của bậc Thánh.

    Lại nữa, có bốn thứ trú là: Thiên trú, Phạm trú, Thánh trú và Phật trú. Ba thứ như trên đã nói. Phật trú là: Vô lượng Tam muội như Thủ Lăng Nghiêm v.v… Mười lực, Mười tám pháp bất cọng, các thứ tuệ như Nhất thiết trí, v.v… và mười tám vạn bốn ngàn môn Pháp tạng độ người. Những công đức của chư Phật như vậy, là chỗ trú xứ của Phật. Phật trú ở trong đó.

    Lược nói về "Trú" đã xong.

    Nay nói về "thành Vương-xá"

    Hỏi: Các đại thành như Xá-bà-đề, Ca-tỳ-la, Ba-la-nại đều có các nhà vua, cớ sao chỉ gọi thành này là Vương-xá?

    Đáp: Có người nói: Vua nước Ma-kiệt-đà (Magadha) có người con một đầu, hai mặt, bốn cánh tay. Người thời bấy giờ cho là bất tường. Vua liền xé thân và đầu người con đem quăng ra đồng vắng. Nữ quỷ La-sát tên là Xà-la, hiệp thân nó lại đem về nuôi, sau lớn thành người, sức mạnh gồm thâu các nước, làm vua thiên hạ, bắt tám vạn bốn ngàn quốc vương, giam ở trong năm núi này. Do lực thế mạnh trị cõi Diêm-phù-đề, người Diêm-phù-đề nhân đó gọi núi này là thành Vương-xá.

    Lại nữa, có người nói rằng trong thành của vua Ma-kiệt-đà ở trước đây bị lửa cháy, mỗi lần cháy mỗi lần làm lại, như thế đến bảy lần, quốc dân mệt mỏi, vua rất lo sợ, họp các người trí hỏi ý kiến, có người nói nên đổi chỗ ở, vua liền tìm chỗ ở, thấy năm núi này bao quanh như thành, liền dựng Cung điện trong đó mà ở. Do vậy mà nó có tên là thành Vương-xá.

    Lại nữa, thời cổ đại, nước này có vua tên là Bà-tẩu, tâm nhàm chán thế pháp, xuất gia làm Tiên nhân. Lúc ấy, các Bà-la-môn tại gia cùng với các Tiên nhân xuất gia luận nghị. Bà-la-môn tại gia nói: "Kinh thơ nói: Trong khi tế trời phải giết vật và ăn thịt". Các vị Tiên nhân xuất gia lại nói: " Trong khi tế trời, không nên giết vật, ăn thịt".


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  8. #47
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 3 _ Chương 4 _ GIẢI THÍCH: TRÚ VƯƠNG-XÁ THÀNH
    __________________________________________________ ______________________________________


    Họ cùng nhau tranh cãi mãi. Các Bà-la-môn xuất gia nói: "Ở đây có vị Đại vương xuất gia làm Tiên nhân, các ngươi tin tưởng chăng?" Các Bà-la-môn tại gia nói: "Tin". Các vị Tiên nhân xuất gia nói: "Ta nhờ người này làm chứng, hôm sau sẽ hỏi". Các Bà-la-môn tại gia ngay đêm ấy, đi đến trước chỗ Tiên nhân Bà-tẩu, hỏi mọi việc xong, nói với Tiên nhân Bà-tẩu: "Ngày mai luận nghị, ông hãy giúp chúng tôi".

    Như vậy, ngày mai khi luận nghị, các Tiên nhân xuất gia hỏi tiên nhân Bà-tẩu: "Trong khi tế Trời, có nên giết vật ăn thịt chăng?" Tiên nhân Bà-tẩu đáp: "Theo pháp của Bà-la-môn, trong khi tế Trời nên giết vật ăn thịt ". Các Tiên nhân xuất gia hỏi tiếp: "Còn thật tâm ông thì sao, có nên giết vật ăn thịt chăng?" Tiên nhân Bà-tẩu nói: "Vì tế Trời nên giết vật ăn thịt. Con vật bị chết trong khi tế Trời đó, sẽ được sinh lên Trời". Các tiên nhân xuất gia nói: "Ông nói không phải, ông đại vọng ngữ!" Rồi họ liền thóa mạ, nói: "Ngươi là kẻ mắc tội, diệt đi!". Lúc ấy, Tiên nhân Bà-tẩu liền bị chôn xuống đất, lút mắt cá. Đó là cánh cửa ban đầu mở ra cho kẻ có tội lớn. Các Tiên nhân xuất gia nói: "Ngươi nên nói thật, nếu cố vọng ngữ thì thây ngươi sẽ bị chôn vào trong đất". Tiên nhân Bà-tẩu nói: "Tôi biết vì tế Trời mà giết vật ăn thịt, không tội". Tức thì lại bị chôn vào trong đất đến đầu gối. Như vậy, chôn dần đến lưng, đến cổ. Các Tiên nhân xuất gia nói: "Ngươi nay vọng ngữ, thì phải chịu quả báo hiện tại như thế; còn nếu như ngươi nói thật, tuy bị chôn xuống đất nhưng chúng tôi vẫn có thể cứu ngươi ra, tha tội cho".

    Bấy giờ Tiên nhân Bà-tẩu tự suy nghĩ: "Ta là người quý trọng, không nên nói hai lời. Lại trong bốn pháp Vệ-đà của Bà-la-môn, có nói đủ nhân duyên khen ngợi phép tế Trời; chỉ ta một người chết có gì đủ kể", nên vẫn một lòng nói: " Trong pháp tế Trời, giết vật ăn thịt không tội". Các Tiên nhân xuất gia nói: " Ngươi là kẻ trọng tội, diệt đi, không cần nhìn thấy ngươi nữa!". Khi ấy toàn thân Bà-tẩu bị chìm trong lòng đất.

    Từ đó về sau và cho đến ngày nay, thường theo vương pháp của Tiên nhân Bà-tẩu, mỗi khi tế Trời đều giết vật. Đương lúc hạ đao giết thì nói " Bà-tẩu giết ngươi".

    Con của Bà-tẩu tên là Quảng-xa, kế vị làm vua, sau cũng nhàm chán thế pháp, nhưng lại không thể xuất gia. Quảng-xa suy nghĩ như vầy: "Tiên vương cha ta xuất gia mà bị chôn sống, nếu trị vì thiên hạ, thì còn gây tội lớn. Ta nay nên tự xử thế nào đây?" Trong lúc suy nghĩ như thế, vua bỗng nghe trong hư không có tiếng nói: "Ngươi nếu đi đến gặp chỗ mà ngươi thấy hiếm có, khó gặp được, thì ngươi nên làm nhà trong đó mà ở".

    Nói lời ấy xong, liền không còn nghe tiếng nữa. Chưa bao lâu, vua đi săn, thấy một con Nai chạy mau như gió, vua đuổi theo mà không kịp, bèn đuổi mãi không dừng, bá quan tùy tùng không ai theo kịp cả. Đi dần tới trước, vua thấy có năm hòn núi bao vây nghiêm ngặt vững chắc, đất bằng phẳng, cỏ non nhỏ mịn, hoa đẹp khắp nơi, đủ thứ cây rừng, hoa quả đầy dẫy, suối ấm, ao tắm đều trong sạch. Đất ấy trang nghiêm, nơi nơi có rải hoa trời, hương trời, nghe tấu nhạc trời. Lúc bấy giờ, các kỹ nhạc Càn-thát-bà vừa thấy vua lại, đều tự rút lui, vua nghĩ: "Đây là chỗ hy hữu chưa từng thấy, vậy đúng là ta nên làm nhà mà ở đây".

    Suy nghĩ như vậy xong, quần thần bá quan tìm dấu mà đến. Vua nói với quần thần: "Trước kia, ta nghe thấy trong hư không có tiếng nói: Ngươi nếu đi đến chỗ mà thấy là chỗ hiếm có, khó gặp thì ngươi nên làm nhà mà ở đó. Nay ta đã thấy nơi hiếm có này, ta hãy làm nhà ở trong đó". Vua liền bỏ thành cũ mà ở núi đó. Vị vua ấy đầu tiên trú ở nơi đó, từ đó về sau, đời đời tiếp nối ở đó. Vị vua ấy tiên khởi tạo lập Cung xá, nên gọi là thành Vương-xá.

    Lược nói "Thành Vương-xá" đã xong.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  9. #48
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 3 _ Chương 4 _ GIẢI THÍCH: Trong núi Kỳ-xà-quật
    __________________________________________________ ______________________________________


    Trong núi Kỳ-xà-quật.

    LUẬN: "Kỳ xà" là chim Thứu, "Quật" là núi

    Hỏi: Sao gọi là Thứu đầu sơn?

    Đáp: Núi ấy đỉnh tợ chim Thứu. Người ở thành Vương-xá thấy núi ấy tợ chim Thứu, nên cùng nhau truyền miệng nói là Thứu đầu sơn, nhân đó mà gọi là Thứu đầu sơn.

    Lại nữa, trong rừng Thi-đà ở phía nam thành Vương-xá, có nhiều xác người chết, các chim Thứu thường đến ăn rồi trở lại đậu ở đầu núi, người bấy giờ bèn gọi là Thứu đầu sơn. Núi này là núi cao lớn nhất trong năm núi, có nhiều rừng đẹp, nước tốt, các bậc Thánh hay ở đó.

    Hỏi: Đã biết nghĩa của núi Kỳ-xà-quật, còn vì sao Phật trú ở thành Vương-xá? Pháp của chư Phật là từ bi đối với tất cả, như mặt trời chiếu sáng vạn vật không đâu là không tới. Có các thành lớn như Âu-kỳ-ni, Phú-lâu-na Bạt-đàn, A-lam-xa-đa-la, Phất-ca-la-bà-đa… những thành lớn như vậy, đông đúc, giàu vui, sao Phật không trú ở đó, mà thường trú ở thành Vương-xá và Xá-bà-đề (Xá-vệ)? Các thành Ba-la-nại, Ca-tỳ-la-bà, Chiêm-bà, Ta-sí-đa, Câu-diệm-tỳ, Cưu-lâu v.v… tuy có khi Phật trú ở các nơi đó, nhưng phần nhiều Phật trú ở thành Vương-xá và Xá-bà-đề. Làm sao biết Phật phần nhiều trú ở hai nơi đó? Vì thấy các Kinh Phật phần nhiều nói ở hai thành ấy, mà ít nói ở thành khác?

    Đáp: Phật tuy đại từ với khắp cả, nhưng các đại thành Âu-kỳ-ni v.v… là nơi biên quốc nên không trú ở. Lại không ở đất Di-ly-xa, vì kẻ tệ ác nhiều, thiện căn chưa thuần thục, như kệ nói:

    "Như ánh mặt trời chiếu,

    Hoa đến lúc thì nở,

    Nếu hoa chưa thể nở,

    Không thể ép phải nở.

    Phật cũng lại như thế,

    Bình đẳng mà thuyết pháp,

    Thiện căn chín thì nở,

    Chưa chín thời không nở.

    Vì vậy nên Thế Tôn,

    Trú trong ba hạng người,

    Lợi trí, thiện căn chín,

    Kiết sử phiền não mỏng".


    Lại nữa, vì tri ân nên Phật phần nhiều trú ở hai thành Vương-xá và Xá-bà-đề.

    Hỏi: Vì tri ân như thế nào mà phần nhiều trú ở hai thành ấy?

    Đáp: Nước Kiều-tát-la là nơi đức Phật đản sanh. Như Phật trả lời vua Tần-bà-ta-la (Bimbisara) rằng:

    "Có Quốc độ tốt đẹp,

    Ở tại bên núi Tuyết,

    Giàu vui, nhiều báu lạ,

    Tên gọi là Kiều-tát-la (Kosala)

    Họ Thích, giống mặt trời,

    Ta sanh trong họ đó,

    Tâm chán già, bệnh, chết

    Xuất gia cầu Phật đạo".



    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  10. #49
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 3 _ Chương 4 _ GIẢI THÍCH: Trong núi Kỳ-xà-quật
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lại, vua Ba-tư-nặc (Prasenajit), Quốc chủ nước Kiều-tát-la (Kosala) trú ở trong đại thành Xá-bà-đề (Sravatthi). Phật là Pháp chủ cũng trú ở thành này, vì hai chủ thì nên ở một nơi, nên Phật phần nhiều trú ở Xá-bà-đề (Xá-vệ).

    Lại nữa, nước Kiều-tát-la là nơi sanh thân của Phật, vì tri ân nên Phật trú ở Xá-bà-đề nhiều.

    Hỏi: Nếu vì tri ân mà ở Xá-bà-đề nhiều, thì nước Ca-tỳ-la-vệ gần chỗ Phật sanh, sao không trú ở đó nhiều?

    Đáp: Phật đã dứt hết kiết sử, không còn dư tập, nên dù gần thân thuộc cũng không sanh dị tưởng. Nhưng các đệ tử giòng họ Thích phần nhiều chưa ly dục, nếu ở gần người thân thuộc, thời tâm nhiễm trước dễ sanh.

    Hỏi: Vì sao Phật không bảo hộ cho các đệ tử người thành Xá-bà-đề, mà lại trú ở đó nhiều?

    Đáp: Đệ tử ở Ca-tỳ-la-bà nhiều. Khi Phật mới trở về nước cùng với một nghìn Tỳ-kheo của anh em Ca-diếp, họ là những người trước đã tu theo pháp Bà-la-môn, hành khổ hạnh trong núi nên thân hình tiều tụy. Lúc Phụ vương của Ngài trông thấy họ, cho rằng các Tỳ-kheo ấy không đủ để làm rạng rỡ cho đức Thế Tôn, vua liền chọn con em của các quý nhân họ Thích và các tráng niên của thường nhân, mỗi hộ một người khiến xuất gia. Trong số đó, có người thiện tâm vui đạo, có người không vui; còn các Tỳ-kheo ấy, vua giữ lại không cho họ trở về bản xứ. Còn chúng đệ tử người Xá-bà-đề thì không như vậy, vì vậy nên Phật thường trú ở Xá-bà-đề mà không thường trú ở Ca-tỳ-la-bà.

    Lại nữa, phép xuất gia không nên ở gần thân thuộc, vì gần thân thuộc tâm dễ nhiễm trước, như lửa như rắn. Như con các Bà-la-môn tại gia, vì sự học vấn mà không ở tại quê nhà, huống là hàng xuất gia Sa-môn.

    Lại nữa, thành Xá-bà-đề lớn, thành Ca-tỳ-la-bà không được như vậy. Thành ở Xá-bà-đề có chín ức nhà, nếu trú ở đó ít thời gian thì không thể độ được nhiều người, vì vậy cần phải trú ở đó lâu hơn.

    Lại nữa, thành Ca-tỳ-la-bà là nơi Phật đản sinh; người trong đó đã tập hành lâu ngày, thiện căn thuần thục, trí tuệ lanh lợi, Phật chỉ ở đó một thời gian ngắn để thuyết pháp, không cần đợi lâu, hóa độ xong rồi đi. Còn người ở Xá-bà-đề, hoặc mới tập hành, hoặc tập hành đã lâu, hoặc thiện căn thuần thục, hoặc thiện căn chưa thuần thục, hoặc lợi căn, hoặc độn căn, vì học nhiều thứ kinh thơ mà tâm lanh lợi, rơi vào các lưới tà kiến, thờ đủ hạng thầy, thuộc đủ loại Trời, và người tạp hành nhiều, vì vậy Phật ở đó lâu. Như thầy trị ung nhọt, biết mụn nhọt đã chín, phá cho vỡ mủ ra, xức thuốc rồi đi, nếu mụn nhọt chưa chín thời ở lại lâu mà bôi, chớm thuốc. Phật cũng như vậy, nếu đệ tử thiện căn thuần thục thì giáo hóa xong liền đi đến chỗ khác; nếu đệ tử có thể độ mà thiện căn chưa thuần thục thời Ngài phải ở lại lâu.

    Phật xuất hiện thế gian, chính vì muốn độ chúng sanh, đưa đến cảnh giới Niết-bàn, nơi vui sướng an ổn, cho nên phần nhiều trú ở Xá-bà-đề mà ít trú ở Ca-tỳ-la-bà.

    Phật vì chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thành tựu pháp thân là ở xóm Ưu-lâu-tần-loa bên sông Ni-liên-thuyền thuộc nước Ma-kiệt-đà, nên trú ở thành Vương-xá nhiều.

    Hỏi: Đã biết nhân duyên trú ở thành Vương-xá và Xá-bà-đề nhiều, trong hai thành ấy, sao Ngài lại trú ở thành Vương-xá nhiều hơn?

    Đáp: Vì báo ân chỗ sanh thân nên Ngài trú ở thành Xá-bà-đề nhiều. Hết thảy chúng sanh đều nhớ nghĩ đến sanh địa, như kệ nói:

    "Tất cả luận nghị sư,

    Yêu mến điều mình biết,

    Như người nhớ sanh địa,

    Tuy xuất gia còn lụy".


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  11. #50
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 3 _ Chương 4 _ GIẢI THÍCH: Trong núi Kỳ-xà-quật
    __________________________________________________ ______________________________________


    Và, vì để báo ân được thành tựu Pháp thân nên Ngài trú ở thành Vương-xá nhiều. Chư Phật đều yêu mến Pháp thân. Như kệ nói:

    "Chư Phật trong quá khứ,

    Hiện tại và vị lai,

    Đều cúng dường, thờ kính,

    Và tôn trọng Pháp thân".


    Pháp thân thù thắng hơn sanh thân, nên trong hai thành ấy, Ngài trú ở thành Vương-xá nhiều hơn.

    Lại nữa, vì ở đó, tinh xá có chỗ tọa thiền nhiều, chỗ khác không có, như Trúc Lâm (Veluvana), Bệ-bà-la-bạt-thứ, Tát-đa-ban-na-cầu-ha, Nhân-đà-thế-la-cầu-ha, Tát-bà Thứ-hồn-trực-ca-bát-bà-la. Trong năm núi Kỳ-xà-quật của thành Vương-xá có năm tinh xá như vậy, Trúc Lâm tinh xá ở bình địa, các nước khác không có nhiều tinh xá như ở đây. Thành Xá-bà-đề có một tinh xá Kỳ Hoàn và một Ma-già-la-mẫu-đường, không có nơi thứ ba. Nước Ba-la-nại có tinh xá ở trong vườn Nai, tên là Lê-sư-bàn-đà-na. Thành Tỳ-gia-lê có hai nơi là Ma-ha-bàn và Lâu-xá bên bờ ao Di-hầu. Câu-diệm-di có một nơi tên là vườn Cù-sư-la. Các nước như vậy, hoặc một nơi có tinh xá, hoặc rừng cây trống. Vì thành Vương-xá có nhiều tinh xá thích hợp cho người tọa thiền, nên Phật trú ở đó nhiều.

    Lại nữa, trong thành đó có Lục sư ngoại đạo là Phú-na-la v.v… Họ tự nói ta là người Nhất thiết trí, sánh đối với Phật. Lại có các luận nghị sư ngoại đạo như Trường trão Phạm-chí họ Bà-ta, Câu-ca-na-đại v.v… là những oan gia của Phật, không tin Phật pháp, ôm lòng tật đố. Vì có bọn người đó, nên Phật trú ở đó nhiều. Ví như chỗ có cỏ độc thì gần bên đó nhất định có thuốc hay. Lại như kệ nói:

    "Ví như con sư tử.

    Là vua trăm loài thú,

    Mà thét với sâu con,

    Tất bị chúng chê cười.

    Nếu ở giữa cọp beo,

    Là loài thú dũng mãnh,

    Mà hăng hái thét to,

    Kẻ trí nên như vậy".

    "Các thầy luận nghị như mãnh hổ,

    Ở trong chúng không còn sợ hãi.

    Bậc đại trí tuệ thấy nghe nhiều,

    Là tối đệ nhất trong chúng đó".


    Vì các người đại trí đa văn đều ở thành Vương-xá, nên Phật trú ở đó nhiều.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 2 người đọc bài này. (0 thành viên và 2 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •