ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬNTập 1 _ Cuốn 20 ___________________________________________________ ______________________________________
Hỏi: Nếu như vậy, sao không hoà hiệp hai tâm làm một vô lượng, mà lại chia ra làm hai pháp?
Đáp: Hành giả sơ tâm chưa nhiếp phục được, chưa có thể thương chúng sanh một cách sâu xa, nên chỉ cho vui. Khi tâm nhiếp phục, thương chúng sanh một cách sâu xa, cho nên mới cho mừng. Do vậy nên trước vui rồi sau mừng.
Hỏi: Nếu như vậy, sao không theo thứ lớp “từ” tiếp đến “hỷ”??
Đáp: Khi thực hành tâm từ, yêu chúng sanh như con đẻ, nguyện cho nó vui; ra khỏi từ Tam muội nên thấy chúng sanh chịu đủ thứ khổ, mới phát tâm thâm ái thương xót chúng sanh làm cho nó được cái vui sâu xa; ví như cha mẹ tuy thương yêu con, nếu con bị bệnh nguy cấp, khi ấy tâm thương yêu càng nặng. Bồ-tát cũng như vậy. Nhập vào tâm bi xem thấy chúng sanh khổ, sanh lòng thương xót bèn cho cái vui sâu xa. Do lẽ đó, tâm bi ở chặng giữa.
Hỏi: Nếu thâm ái chúng sanh như vậy, sao lại còn thực hành tâm xả?
Đáp: Hành giả thuờng quán sát như vậy: Thường không xả bỏ chúng sanh, mà chỉ xả bỏ ba tâm ấy; vì cớ sao, vì để phòng việc bỏ rơi các pháp môn khác. Cũng là do tâm từ muốn làm chúng sanh vui, mà thực tế không làm cho vui được; tâm bi muốn làm chúng sanh lìa khổ, mà thực tế không làm cho được lìa khổ. Khi thực hành tâm xả cũng không thể làm cho chúng sanh được đại hỷ. Đây mới chỉ là nhớ tưởng, chứ chưa có thật sự. Muốn làm cho chúng sanh được thật sự lìa khổ được vui, thì phải phát tâm làm Phật, thực hành sáu Ba-la-mật, đầy đủ Phật pháp, mới làm cho chúng sanh được thật sự vui. Do vậy nên bỏ ba tâm ấy, mà vào tâm xả này. Từ, bi, hỷ có tâm yêu thương sâu xa nên bỏ chúng sanh khó, còn tâm xả này dễ rời bỏ được.
Hỏi: Bồ-tát thực hành sáu Ba-la-mật cho đến khi thành Phật, cũng không thể làm cho hết thảy chúng sanh lìa khổ được vui; vậy tại sao chỉ nói ba tâm từ, bi, hỷ ấy chỉ là sanh tâm nhớ tưởng mà không có thật sự?
Đáp: Vị Bồ-tát khi được làm Phật, tuy không thể làm cho hết thảy chúng sanh được vui, nhưng Bồ-tát phát thệ nguyện rộng lớn, từ đại nguyện ấy được quả báo phước đức lớn; nhờ được quả báo lớn nên có thể làm lợi ích lớn. Hàng phàm phu, Thanh-văn thực hành bốn vô lượng tâm, chỉ vì tự điều phục, tự lợi ích, cũng chỉ nhớ suông đến chúng sanh; còn các Bồ-tát thực hành tâm từ là muốn làm cho chúng sanh lìa khổ được vui. Do nhân duyên của tâm từ ấy, cũng tự được phước đức, cũng giáo hoá người khác
làm phước đức. Khi thọ quả báo, hoặc Chuyển luân Thánh vương, làm được nhiều việc lợi ích. Bồ-tát hoặc xuất gia hành thiền, dẫn đạo chúng sanh, dạy cho hành thiền, được sanh vào thế giới thanh tịnh, thọ tâm vui vô lượng; hoặc khi làm Phật, cùng với vô lượng vô số chúng sanh, vào Vô-dư Niết-bàn. So với sự lợi ích của tâm nguyện suông, thì đây là lợi ích lớn; cho đến còn lưu lại Xá-lợi và pháp cũng làm lợi ích rất nhiều.
Lại nữa, tính của chúng sanh từ ngu si mà có, không có thật pháp nhất định; các đức Phật trong ba đời mười phương tìm tính chúng sanh thật không thể có được, làm sao độ hết tất cả.