ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬNTập 1 _ Cuốn 19 ___________________________________________________ ______________________________________
Hỏi: Bảy giác phần này, sao chỉ nói lược?
Đáp: Trong Bảy giác phần, Niệm, Tuệ, Tinh tấn, Định trên kia đã nói rộng, ba giác phần còn lại nay sẽ nói: Bồ-tát thực hành Hỷ giác phần, quán hỷ ấy không thật, vì cớ sao? Vì hỷ nấy do nhân duyên sanh, là pháp tạo tác, pháp có, pháp vô thường, pháp có thể ưa đắm. Nếu sanh tâm ưa đắm, khi tướng vô thường ấy biến hoại thì sanh lo, kẻ phàm phu vì tâm điên đảo nên sanh tâm đắm trước. Nếu biết các pháp thật là không, bấy giờ tâm sanh hối hận rằng, ta phải chịu hư dối; ví như người ở trong chỗ tối, bị đói khát bức bách, ăn nhằm vật bất tịnh, ban ngày quán biết, mới biết đó là lầm. Nếu quán như vậy ở trong thật trí tuệ sanh mừng; ấy là chơn hỷ. Được chơn hỷ này, trước hết trừ được thân thô trọng, thứ đến trừ được tâm thô trọng, sau mới trừ hết thảy pháp tướng, được sự khoái lạc biến hết trong thân tâm; ấy là trừ giác phần (khinh an giác chi). Đã được hỷ và trừ giác phần thì bỏ các quán hạnh, là vô thường quán, khổ quán, không, vô ngã quán, sanh diệt quán, bất sanh bất diệt quán, hữu quán, vô quán, phi hữu phi vô quán. Như vậy xả hết các hý luận; vì cớ sao, vì vô tướng, vô duyên., vô tác, vô hý luận, thuờng tịch diệt là pháp tướng thật . Nếu không thực hành việc xả bỏ, liền có các tranh cãi. Nếu cho có là thật, thời cho không là hư dối; nếu cho không là thật, thời cho có là hư dối. Đối với thật thì ưa đắm, đối với hư thì giận ghét. Nơi sanh ra lo mừng như vậy cớ sao không xả?
Được hỷ, trừ, xả giác phần như vậy thời bảy giác phần được đầy đủ viên mãn.
Tám thánh đạo phần thì chánh kiến, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định như trên đã nói.
Chánh tư duy nay sẽ nói: Bồ-tát đối với các pháp không, vô sở đắc. Trú ở trong chánh kiến như vậy, quán xét tướng của chánh tư duy; biết tất cả tư duy đều là tà tư duy, cho đến tư duy Niết-bàn, tư duy Phật, đều cũng như vậy, vì cớ sao? Vì dứt hết thảy tư duy phân biệt; ấy gọi là Chánh tư duy
Các tư duy phân biệt đều do bất thật hư dối điên đảo nên có, tướng phân biệt tư duy đều không. Bồ-tát trụ trong Chánh tư duy như vậy, không còn thấy là chánh là tà, vượt qua mọi tư duy phân biệt; ấy gọi là chánh tư duy. Hết thảy tư duy phân biệt đều bình đẳng, đều bình đẳng cho nên tâm không đắm trước; như vậy là tướng chánh tư duy của Bồ-tát.
Chánh ngữ là Bồ-tát biết hết thảy ngôn ngữ đều do phân biệt thủ tướng hư vọng bất thực điên đảo mà sanh ra. Khi ấy Bồ-tát nghĩ rằng: Trong ngôn ngữ không có tướng ngôn ngữ, dứt hết thảy các khẩu nghiệp, biết thật tướng các ngôn ngữ; ấy là chánh ngữ. Các ngữ ấy không từ đâu lại, diệt cũng không đi về đâu; ấy là Bồ-tát thực hành chánh ngữ. Có nói năng gì đều trú ở trong thật tướng mà nói ra, do vậy nên các kinh nói: Bồ-tát trụ ở trong chánh ngữ, hay khởi các khẩu nghiệp thanh tịnh; biết chơn tướng của hết thảy ngữ ngôn, tuy nói mà không bị rơi vào tà ngữ.
Chánh nghiệp là Bồ-tát biết hết thảy tà tướng của nghiệp, hư vọng không thật, đều không có tướng tạo tác; vì cớ sao, vì không có một nghiệp nào được có tướng nhất định.
Hỏi: Nếu hết thảy nghiệp đều không, tại sao Phật nói bố thí v.v... là thiện nghiệp, sát sanh v.v... là bất thiện nghiệp; siêng làm các việc khác là nghiệp vô ký?
Đáp: Trong các nghiệp còn không có một huống gì có ba. Vì cớ sao? Như lúc đi đã đến thời không có nghiệp đi (sự đi), chưa đến cũng không có nghiệp đi, hiện tại đang đi cũng không có nghiệp đi. Do vậy nên không có nghiệp đi.
Hỏi: Đã đến nơi thời có thể không, chưa đến nơi thời có thể không, còn hiện tại chỗ đang đi thì phải là có đi chứ?
Đáp: Chỗ hiện đang đi cũng không có đi, vì cớ sao? Vì trừ nghiệp đi, chỗ hiện đang đi không thể có được. Nếu trừ nghiệp đi, có chỗ hiện đang đi, thì trong đó có thể có đi, nhưng không phải vậy. Trừ chỗ hiện đang đi thời không có nghiệp đi, trừ nghiệp đi thời không có chỗ hiện đang đi; vì cùng làm duyên chung với nhau nên không được chỉ nói chỗ hiện đang đi là có đi. Lại nữa, nếu chỗ hiện đang đi có nghiệp đi, thời lìa nghiệp đi nên phải có chỗ hiện đang đi, lìa chỗ hiện đang đi nên phải có nghiệp đi.
Hỏi: Nếu như vậy có lỗi gì?
Đáp: Vì trong một lúc có hai nghiệp đi. Nếu có hai nghiệp đi thời có hai người đi; vì cớ sao, trừ người đi thời không có đi. Nếu trừ người đi, chỗ hiện đang đi không thể có được; không có chỗ hiện đang đi thời cũng không có người đi.
Lại nữa, người không đi cũng không đi, cho nên không có nghiệp đi. Nếu trừ người đi và người không đi, thì lại không có người đi thứ ba.
Hỏi: Người không đi, thì không đi là như vậy; còn người đi cớ sao nói là không đi?
Đáp: Trừ nghiệp đi, người đi không thể có được. Trừ người đi, nghiệp đi không thể có được. Như vậy, hết thảy pháp nghiệp đều không; ấy gọi là Chánh nghiệp.
Các Bồ-tát chứng nhập lý các nghiệp bình đẳng, không cho tà nghiệp là ác, không cho chánh nghiệp là thiện. Không tạo tác gì, không tác chánh nghiệp, không tác tà nghiệp; ấy gọi là thật trí tuệ, tức là chánh nghiệp.
Lại nữa, trong các pháp bình đẳng, không chánh không tà, như thật biết các nghiệp, biết như thật rồi không tạo tác, không ngừng nghỉ, như vậy người trí thường có chánh nghiệp, không có tà nghiệp; ấy gọi là chánh nghiệp của Bồ-tát.
Chánh mạng là hết thảy đồ giúp nuôi mạng sống đều chánh chứ không tà. Trụ trong trí bất hý luận, không thủ chánh mạng, không xả tà mạng, cũng không ở trong chánh pháp, cũng không ở trong tà pháp, mà thường ở trong trí thanh tịnh, chứng nhập lý bình đẳng chánh mạng, không thấy mạng, không thấy phi mạng. Thực hành thật trí tuệ như vậy, nên gọi là Chánh mạng.
Nếu Bồ-tát quán được Ba mươi bảy đạo phẩm ấy thời vượt qua Thanh-văn, Bích-chi Phật địa mà vào trong địa vị Bồ-tát, dần dần thành được Nhất thiết chủng trí.
(Hết cuốn 19 theo bản Hán)