DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 21/35 ĐầuĐầu ... 11192021222331 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 201 tới 210 của 341
  1. #201
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 11 _ Chương 19
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lại nữa, lấy bảy báu, nhân dân, xe cộ, vàng bạc, đèn đuốc, phòng xá hương hoa mà bố thí nên được làm Chuyển luân Thánh vương, bảy báu đầy đủ.

    Lại nữa, bố thí đúng thời nên quả báo cũng tăng thêm nhiều. Như Phật dạy: "Bố thí cho người đi xa, cho người từ xa đến, cho người bệnh, cho người nuôi bệnh, bố thí khi gặp nạn gió rét, ấy là bố thí đúng thời.

    Lại nữa, khi bố thí tùy theo sự cần thiết theo địa phương mà thí, nên được quả báo tăng nhiều.

    Lại nữa, ở giữa đường trống mà thí, được phước tăng nhiều. Thường bố thí không bỏ, thì được quả báo tăng nhiều. Theo chỗ ưa muốn của người xin mà thí, thì được phước tăng nhiều. Bố thí vật nặng, thì được phước tăng nhiều, như thí tinh xá,vườn rừng, ao tắm v.v... nếu thí cho người làng thì được quả báo thêm nhiều. Nếu thí cho tăng thì được quả báo thêm nhiều. Nếu người cho và người nhận đều có đức thì quả báo thêm nhiều. Đủ thứ nghinh đón cung kính người thọ nhận, thì được quả báo thêm nhiều. Thí vật khó kiếm được thì được phước thêm nhiều. Tùy vật có được đều có thể thí hết, thì được phước thêm nhiều. Ví như ở trong thành Phất-ca-la của nước Đại-nhục-chi, có một thợ vẽ tên là Thiện-na, đi đến nước Đa-lợi-đà-na ở phương đông, làm khách vẽ suốt mười hai năm, được ba mươi hai lượng vàng, đem về nước cũ, ngang qua thành Phất-ca-la, nghe có tiếng trống mở đại hội, đi đến trông thấy Tăng chúng, liền sanh lòng tin thanh tịnh, hỏi thầy Duy-na rằng: "Trong chúng này cần bao nhiêu vật thì đủ một ngày ăn?" Thầy Duy-na đáp: "Ba mươi lượng vàng thì đủ một ngày ăn".

    Người thợ vẽ liền lấy ba mươi lượng vàng có được, giao thầy Duy-na và nói: "Giúp tôi làm một ngày ăn, sáng mai tôi sẽ đi về nhà".

    Người thợ vẽ với hai tay không mà trở về nhà, vợ anh ta hỏi: "Mười hai năm làm nên được thứ gì?" Đáp: "Được ba mươi lượng vàng". Người vợ liền hỏi: "Ba mươi lượng vàng nay đâu rồi?" Đáp: "Đã gieo trong ruộng phước". Vợ hỏi: " Ruộng phước gì?" Đáp: "Thí cho chúng Tăng". Người vợ liền trói chồng đem đến cho quan trị tội. Đại quan xử đoán hỏi cớ sự. Người vợ đáp: "Chồng tôi si cuồng, suốt mười hai năm làm được ba mươi lượng vàng, không thương xót vợ con mà lại đem cho hết người khác. Y như luật quan, bèn trói đưa đến". Đại quan hỏi người chồng: "Ngươi sao không cung cấp vợ con, mà lại đem cho người khác?" Đáp: "Đời trước tôi không làm công đức nên đời này nghèo chịu đủ cay đắng, đời này gặp ruộng phước, nếu không gieo phước thì đời sau còn nghèo nữa; cứ nghèo tiếp nghèo mãi không biết ngày nào thoát khỏi. Tôi nay muốn dứt ngay sự nghèo cùng, cho nên đem hết vàng mà thí cho Tăng chúng".

    Đại quan là một vị Ưu-bà-tắc, có lòng tin Phật thanh tịnh, nghe lời ấy xong, khen rằng: "Ấy là rất khó! Siêng năng khó nhọc mới có được một ít vật ấy, mà đem thí cho hết chúng Tăng, ngươi thật là người thiện!" Liền cởi chuỗi Anh lạc trên thân và xe ngựa, với một thôn đem cho người nghèo ấy, mà nói rằng: "Người mới thí chúng Tăng, chúng Tăng chưa ăn, ấy là hạt lúa chưa gieo mà mầm đã mọc, quả báo lớn đương ở kế sau vậy!" Do vậy nên nói thí hết vật khó kiếm được, thì phước rất nhiều.

    Lại nữa, có thứ bố thí của thế gian, có thứ bố thí của xuất thế gian, có thứ bố thí được Thánh nhân khen ngợi, có thứ bố thí không được Thánh nhân khen ngợi, có thứ bố thí của Phật Bồ-tát, có thứ bố thí của Thanh-văn.

    Thế nào là bố thí của thế gian? Người phàm phu bố thí, cũng như Thánh nhân khởi tâm hữu lậu bố thí; ấy gọi là thế gian thí.

    Lại nữa, có người nói: "Người phàm phu bố thí; ấy là thế gian thí. Thánh nhân tuy tâm hữu lậu bố thí, nhưng vì để dứt kiết sử nên gọi là xuất thế gian thí, vì cớ sao? Vì Thánh nhân ấy được Vô tác Tam muội vậy.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  2. #202
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 11 _ Chương 19
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lại nữa, thế gian thí là không thanh tịnh, xuất thế gian thí là thanh tịnh. Hai thứ kiết sử một thuộc ái, một thuộc kiến. Bị hai thứ kiết sử sai khiến là thế gian thí; không bị hai thứ kiết sử ấy, là xuất thế gian thí. Nếu có ba thứ (người cho, người nhận, tài vật) chướng ngại ràng buộc tâm, là thế gian thí, vì cớ sao? Các pháp nhân duyên thật không có tự ngã, mà nói là ta cho, kia nhận, cho nên gọi là thế gian thí.

    Lại nữa, ta không có chỗ nhất định. Lấy ta làm kia, kia cho là không phải, lấy kia làm ta, ta cho là không phải. Vì là không nhất định, nên thật không có ngã (ta). Vật thí là do nhân duyên hòa hợp mà có, không một vật nào đơn độc tự có; như lụa, vải, do các duyên hợp lại mà thành, bỏ tơ bỏ sợi thời không có lụa. Các pháp cũng như vậy. Nhất tướng vô tướng, tướng thường tự không, nhưng người ta móng tưởng niệm, chấp cho là có, điên đảo không thật, ấy là thế gian thí. Tâm không có ba chướng ngại, thật biết rõ pháp tướng, tâm không điên đảo; ấy là xuất thế gian thí. Xuất thế gian thí được Thánh nhân khen ngợi, thế gian thí không được Thánh nhân khen ngợi.

    Lại nữa, thanh tịnh thí thì không lẫn lộn các kiết sử ô cẩn, đúng như thật tướng các pháp, là được Thánh nhân khen ngợi. Không thanh tịnh thí, thì lẫn lộn các kiết sử, tâm điên đảo chấp đắm, là không được Thánh nhân khen ngợi.

    Lại nữa, thật tướng và trí tuệ hòa hợp mà bố thí, là được Thánh nhân khen ngợi; nếu không như vậy, là không được Thánh nhân khen ngợi.

    Lại nữa, không vì chúng sanh cũng không vì biết thật tướng các pháp, mà chỉ cầu thoát khỏi sanh già bệnh chết nên thí; ấy là Thanh-văn thí. Vì chúng sanh, cũng vì biết thật tướng các pháp nên thí; ấy là chư Phật Bồ-tát thí. Đối với các công đức không thể đầy đủ, chỉ mưốn được chút ít phần; ấy là Thanh-văn thí. Muốn đầy đủ viên mãn hết thảy các công đức; ấy là chư Phật Bồ-tát thí. Vì sợ già bệnh chết nên thí; ấy là Thanh-văn thí. Vì bảo trợ Phật đạo, vì hóa độ chúng sanh, không vì sợ già bệnh chết mà thí; ấy là chư Phật Bồ-tát thí. Trong đây nói về Bồ-tát Bản Sanh kinh. Như trong kinh A-bà-đà-na nói: "Xưa trong châu Diêm-phù-đề, có vị vua tên là Bà-la-bà. Bấy giờ có Bà-la-môn Bồ-tát tên là Vi-la-ma, là thầy của Quốc vương, dạy vua thực hành pháp Chuyển luân Thánh vương. Vi-la-ma giàu có vô lượng, trân châu bảo đầy đủ, suy nghĩ rằng: "Người đời cho ta là sang, tài của giàu có vô lượng, làm lợi ích chúng sanh. Nay chính là đúng lúc hãy nên bố thí lớn. Giàu sang tuy vui mà hết thảy vô thường, tài của là chung của cả năm nhà (nước, lửa, vua quan, đạo tặc, con bất hiếu) khiến lòng người tán loạn, khinh động không yên định. Giống như con khỉ không chút ở yên. Mạng người chóng qua nhanh hơn điển chớp. Thân nngười vô thường, là chỗ tụ đọng các thứ khổ. Vì vậy nên thực hành bố thí.

    Suy nghĩ như vậy, tự tay viết lời tỏ bày, phổ cáo cho các Bà-la-môn và hết thảy người xuất gia trong cõi Diêm-phù-đề: Mong đều đến họp tại nhà tôi, tôi muốn mở đại hội suốt mười hai năm, cơm, nước, thuyền đi, lấy cao sữa làm ao, bún gạo làm núi; váng dầu làm ngòi rạch; y phục, ăn uống, đồ thuốc thang đều sắm rất tốt. Quá mười hai năm lại muốn đem bố thí tám muôn bốn ngàn voi trắng; lấy mai tê giác và vàng trang sức, quấn bằng danh bảo, dựng cờ lớn bằng vàng, có bốn báu trang nghiêm. Tám muôn bốn ngàn ngựa; cũng lấy mai tê giác và vàng trang sức, có bốn báu quấn quanh. Tám muôn bốn ngàn xe đều bằng bạc, lưu ly, pha lê, châu báu trang sức, phủ bằng da sư tử, cọp beo, hoặc bạch kiếm bà-la, bảo hiến trang sức xen lộn để cho trang nghiêm. Tám muôn bốn ngàn giường tủ bảo tạp sắc chằng chịt; các thứ mền nệm, mềm mại mịn láng, để trang sức; gối đỡ, mền gấm, đặt ở hai đầu giường; y phục tốt đẹp, đều có đủ cả. Tám muôn bốn ngàn cái bát vàng đựng đầy lúa bạc. Bát lưu ly đựng lúa pha lê, bát pha lê đựng lúa lưu ly. Tám muôn bốn ngàn bò sữa, mỗi con bò lấy ra một hộc sữa, móng sừng nó thì trang sức bằng vàng, đắp bằng lụa trắng. Tám muôn bốn ngàn mỹ nữ, đoan chánh phước đức, đều lấy ngọc bạch, danh bảo, anh lạc đeo thân. Đây lược nêu vài điều cốt yếu như vậy, không thể kể xiết.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  3. #203
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 11 _ Chương 19
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bấy giờ, vua Bà-la-bà và tám muôn bốn ngàn tiểu quốc vương, cùng các thần dân, hào hiệt, trưởng giả, đều lấy mười vạn tiền vàng củ, di tặng, khuyến trợ, để thiết bày cuộc tế như pháp đó. Bố thí đầy đủ rồi, Thích-đề-bà-na-dân (Thích-đề-hoàn-nhơn) đến nói với Bồ-tát Vi-la-ma bằng bài kệ rằng:

    "Vật khó được trong trời đất,

    Hay làm cho vui tất cả,

    Ông nay đều đã có được,

    Vì Phật đạo mà bố thí."


    Bấy giờ chư Thiên Tịnh-cư hiện thân mà tán thán nói kệ:

    "Mở cửa đại bố thí,

    Việc ông làm ấy là,

    Vì thương xót chúng sanh,

    Để mà cầu Phật đạo"


    Khi ấy chư Thiên suy nghĩ rằng: "Ta sẽ bít bình vàng kia lại, không cho nước chảy xuống, vì sao? Vì có người bố thí mà không có phước điền". Khi ấy Ma vương nói với trời Tịnh-cư: "Các Bà-la-môn ấy đều xuất gia trì giới, thanh tịnh vào đạo; sao lại nói là không có phước điền"? Trời Tịnh-cư nói: "Bồ-tát ấy vì Phật đạo nên bố thí, còn nay các người Bà-la-môn ấy đều là tà kiến, cho nên ta nói không có phước điền". Ma vương nói với Trời: "Sao biết người ấy vì Phật đạo nên bố thí?" Bấy giờ trời Tịnh-cư liền hóa thân làm Bà-la-môn, ôm bình vàng, cầm gậy vàng, đi đến chỗ Bồ-tát Vi-la-ma, nói rằng: "Ông bố thí lớn, xả vật khó xả, để cầu cái gì? Muốn Chuyển luân Thánh vương có đủ bảy báu, ngàn con trai, cai trị bốn châu thiên hạ ư?" Bồ-tát đáp: "Không cầu chuyện đó".

    - Hay là ông muốn làm Thích-đề-bà-na-dân, để làm chủ 80 Na-do-tha Thiên nữ?

    - Không!

    - Hay ông cầu làm chủ trời Lục dục?

    - Không!

    - Hay ông cầu làm Phạm-thiên vương để làm chủ ba ngàn đại thiên thế giới, làm tổ phụ của chúng sanh?

    - Không!

    - Vậy ông muốn cầu cái gì?

    Khi ấy Bồ-tát liền nói bài kệ:

    "Ta cầu chỗ vô dục,

    Lìa sanh già bệnh chết,

    Khắp độ các chúng sanh,

    Cầu Phật đạo như vậy".


    Hoá thân Bà-la-môn hỏi rằng: "Ông chủ bố thí! Phật đạo khó được, phải chịu tân khổ lắm, mà ông tâm mềm yếu, quen thói vui, chắc không thể cầu thành đạo ấy được. Như tôi vừa nói: Chuyển luân Thánh vương, Thích-đề-bà-na-dân, vua trời Lục dục, Phạm-thiên vương, là điều dễ cầu được. Vậy chi bằng ông hãy cầu nơi đó!"

    Bồ-tát đáp rằng: "Ông hãy nghe tôi nhất tâm thề nguyện:

    "Giả sử vành sắt nóng,

    Xoay ở trên đầu tôi,

    Nhất tâm cầu Phật đạo,

    Không bao giờ hối hận!

    Hoặc bị vô lượng khổ

    Ba đường ác, cõi người.

    Nhất tâm cầu Phật đạo,

    Không bao giờ lay chuyển".



    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  4. #204
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 11 _ Chương 19
    __________________________________________________ ______________________________________


    Hoá thân Bà-la-môn nói: "Ông chủ bố thí! Lành thay! Cầu Phật đạo như vậy!" Liền tán thán kệ rằng:

    "Ông sức tinh tấn lớn,

    Thương xót đối tất cả,

    Trí tuệ không chướng ngại,

    Thành Phật hẳn không lâu".


    Khi ấy trời mưa các hoa cúng dường Bồ-tát. Các trời Tịnh-cư bít bình nước liền ẩn mất không hiện.

    Bồ-tát khi ấy đi đến trước Ba-la-môn thượng tọa, đem bình vàng rót nước, nước bị bít không chảy. Mọi người lấy làm lạ nghi ngờ: "Các thứ đại thí, tất cả đầy đủ, chủ nhân bố thí và công đức cũng lớn. Nay tại sao nước trong bình không chảy xuống?" Bồ-tát cũng suy nghĩ: "Đó phải chăng vì cớ sự khác, hay vì tâm ta không thanh tịnh? Cớ sao xảy ra như vậy?" Tự xem kinh tế tự mười sáu loại sách thanh tịnh không tì vết. Khi ấy chư thiên nói với Bồ-tát rằng: "Ông chớ nghi ngờ hối hận! Ông không có điều chi không thành tựu. Đó là do các Bà-la-môn ác tà bất tịnh mà ra vậy. Liền nói bài kệ rằng:

    "Người ấy lưới tà kiến,

    Phiền não phá chánh trí,

    Lìa các thanh tịnh giới,

    Luống khổ sa bị đọa".


    Do vậy mà nước bị bít không chảy xuống! Nói như vậy xong bỗng không xuất hiện.

    Bấy giờ trời Lục Dục phóng các thứ ánh sáng, chiếu đến các chúng hội nói với Bồ-tát bài kệ rằng:

    "Đi trong biển ác tà,

    Không thuận chánh đạo ông,

    Trong các người thọ thí,

    Không có ai bằng ông".


    Nói lời ấy xong, bỗng không hiện. Khi Bồ-tát nghe nói kệ ấy, tự nghĩ: "Trong chúng hội thật sự không có ai bằng ta. Tại sao nước bị bít không chảy xuống, phải làm sao đây?" Liền nói kệ rằng:

    "Nếu ở trong đất mười phương,

    Có những người hảo tâm thanh tịnh,

    Tôi nay quy mạng cúi đầu lễ,

    Tay phải cầm bình rưới tay trái,

    Mà tự lập nguyện: Tôi một người,

    Đang thọ đại bố thí như vậy!"



    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  5. #205
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 11 _ Chương 19
    __________________________________________________ ______________________________________


    Khi ấy nước trong bình vọt lên hư không, từ trên chảy xuống mà rưới vào tay trái của Bà-la-môn thượng tọa kia. Vua Bà-la-bà thấy sự cảm ứng ấy, tâm sanh cung kính mà nói kệ rằng:

    "Đại Bà-la-môn chủ,

    Nước trong màu lưu ly,

    Từ trên chảy xuống dưới,

    Rơi đến trong tay ông".


    Khi ấy chúng đại Bà-la-môn sanh cung kính, chấp tay tác lễ, quy mạng Bồ-tát, Bồ-tát nói kệ:

    "Nay điều ta bố thí

    Không cầu phước ba cõi

    Chỉ vì các chúng sanh

    Để mong cầu Phật đạo".


    Nói kệ ấy xong, hết thảy đại địa, núi sông, cây cỏ, đều rung động sáu lần. Vi-la-ma vốn cho rằng chúng ấy đáng thọ cúng dường cho nên bố thí; nhưng nay đã biết không có ai kham thọ nhận được, mà vì thương xót nên lấy vật thọ lãnh được mà bố thí. Nhân duyên các thứ bố thí như trong Bổn Sanh truyện đã nói rộng nên biết. Ấy là bố thí bên ngoài.

    Thế nào là bố thí bên trong? Không tiếc thân mạng đem thí cho các chúng sanh. Như trong Nhân duyên Bổn sanh nói: "Đức Phật Thích-ca Văn trước vốn là Bồ-tát, trong khi làm đại Quốc vương, gặp thời không có Phật, không có pháp, không có chúng Tăng, vua ấy đi ra bốn phương tìm cầu Phật pháp, cuối cùng không tìm được. Khi ấy có một Bà-la-môn nói: "Ta biết bài kệ Phật. Cúng dường cho ta, ta sẽ trao cho". Vua liền hỏi: "Đòi cúng dường gì?" Người ấy đáp: "Ngươi có thể trên thân ngươi khoét thịt làm bấc đèn cúng dường ta, ta sẽ trao cho ngươi". Tâm vua suy nghĩ: "Nay thân này của ta, mong manh bất tịnh, đời đời chịu khổ không thể kể hết, chưa từng vì pháp, nay mới đắc dụng không tiếc vật". Nghĩ như vậy xong, bảo người Chiên-đà-la khoét khắp trên thân làm bấc đèn, mà lấy lụa trắng quấn thịt, dầu bơ rưới lên trên. Một lúc cháy khắp, lửa đỏ cả thân, mới được cho một bài kệ.

    Lại một kiếp khác, Thích-ca Văn Phật làm một con chim Bồ câu ở trong núi tuyết gặp khi mưa tuyết lớn, có một người lạc đường, cùng khổ nguy ách, đói rét dồn đến, mạng sống chỉ còn trong giây lát. Bồ câu thấy người ấy, liền bay đi tìm lửa, chất thành đống đốt lên, rồi gieo thân vào lửa, thí cho người đói ấy.

    Như vậy v.v... đem đầu, mặt, tủy não cấp thí cho chúng sanh, ở trong các kinh nói về hai Nhân duyên Bổn sanh, trong đó đã nói rộng nên biết. Các thứ như vậy, gọi là bố thí bên trong.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  6. #206
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 11 _ Chương 20
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHƯƠNG 20

    GIẢI THÍCH: ĐÀN BA-LA-MẬT PHÁP THÍ


    Hỏi: Thế nào gọi là bố thí Pháp?

    Đáp: Có người nói thường dùng lời nói hay đem lại lợi ích, ấy là Pháp thí.

    Lại nữa, có người nói đem pháp hay lành của chư Phật đã nói mà giảng cho người, ấy là Pháp thí.

    Lại nữa, có người nói đem ba thứ pháp dạy người: Một là Tu-đố-lộ (Kinh), hai là Tỳ-ni (Luật), ba là A-tỳ-đàm (Luận), ấy là Pháp thí.

    Lại nữa, có người nói đem bốn pháp tạng dạy người: Kinh tạng, Luật tạng , Luận tạng, Tạp tạng, ấy là Pháp thí.

    Lại có người nói lược đem hai pháp dạy người: 1- Pháp Thanh-văn, 2- Pháp Đại thừa, ấy là Pháp thí.

    Hỏi: Như Đề-bà-đạt-đa(Devadhata), Ha-đa, cũng đem ba tạng, bốn tạng, pháp Thanh-văn, pháp Đại-thừa dạy người, mà thân bị sa vào Địa ngục, việc ấy thế nào?

    Đáp: Đề-bà-đạt-đa tội tà kiến nhiều, Ha-đa tội vọng ngữ nhiều, chẳng phải vì đạo thanh tịnh pháp thí, mà chỉ cầu danh lợi cung kính cúng dường. Vì tội ác tâm nên Đề-bà-đạt-đa đang sống bị sa vào Địa ngục, Ha-đa chết đọa Địa ngục

    Lại nữa, chẳng phải nói suông mà gọi là Pháp thí, nhưng thường đem tâm thanh tịnh, tâm lành giáo hóa hết thảy, ấy là Pháp thí. Ví như tài thí, mà không do thiện tâm, thì không gọi là phước đức. Pháp thí cũng như vậy, không do tịnh tâm suy nghĩ thiện thời chẳng phải Pháp thí.

    Lại nữa, người thuyết pháp, hay đem tịnh tâm suy nghĩ thiện tán thán Tam Bảo, mở bày cửa tội phước, chỉ rõ Bốn chơn đế, giáo hóa chúng sanh, khiến vào Phật đạo, ấy là chơn tịnh Pháp thí.

    Lại nữa, lược nói pháp có hai cách: 1- Không bức não chúng sanh, thiện tâm thương xót, ấy là nhơn duyên của Phật đạo. 2- Quán các pháp chơn không, ấy là nhơn duyên của Niết-bàn đạo, ở giữa đại chúng, khởi tâm thuơng xót nói hai pháp ấy, chẳng vì tiếng tăm, lợi dưỡng, cung kính, ấy là pháp thí thanh tịnh Phật đạo. Như nói: "Vua A-dục làm một ngày tám vạn tranh vẽ Phật, tuy chưa thấy đạo, mà đối với Phật pháp đã có một phần tin vui, ngày ngày mời các Tỳ-kheo vào cung cúng dường, ngày ngày ngày tuần tự lưu vị Pháp sư ở lại thuyết pháp. Có một Tam tạng Pháp sư tuổi trẻ, thông minh đoan chánh, đến lược thuyết pháp, ngồi ở bên vua, miệng có mùi thơm lạ. Vua rất lấy làm lạ nghi ngờ, cho là không đoan chánh, muốn dùng mùi thơm làm lay động người trong cung vua, mới nói với Tỳ-kheo: "Trong miệng Ngài có gì? Há miệng cho xem!". Tỳ-kheo ấy há miệng không có gì cả. Bảo lấy nước rửa, mùi thơm vẫn như cũ. Vua hỏi: ""Đại đức mới có mùi thơm ấy hay có lâu rồi?" Tỳ-kheo đáp: "Mùi thơm như vậy có lâu rồi, chứ chẳng phải mới có. Lại hỏi: "Có mùi thơm ấy lâu như thế nào?" Tỳ-kheo dùng kệ đáp:

    "Thời Phật Ca-diếp,

    Nhóm hương pháp ấy

    Như vậy đã lâu,

    Mà thường như mới"


    Vua nói: "Đại đức! Ngài nói lược tôi chưa hiểu, xin hãy giảng rộng cho". Tỳ-kheo đáp: "Vua hãy nhất tâm, khéo nghe tôi nói: Xưa tôi ở trong pháp Phật Ca-diếp, làm vị Tỳ-kheo thuyết pháp, thường ở giữa đại chúng, hoan hỷ diễn nói về vô lượng công đức của Ca-diếp Thế Tôn, về thật tướng các pháp, vô lượng pháp môn; ân cần tán thán diễn giảng, dạy bảo hết thảy. Từ đó đến nay, thường có mùi thơm vi diệu từ trong miệng ra, đời đời không dứt, thường như ngày nay", và nói kệ rằng:


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  7. #207
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 11 _ Chương 20
    __________________________________________________ ______________________________________


    "Hương các hoa, cây, cỏ,

    Mùi hương này tuyệt vời,

    Làm vui lòng tất cả,

    Đời đời thường không dứt"


    Bấy giờ Quốc vương, vừa thẹn vừa mừng lẫn lộn, bạch Tỳ-kheo rằng: "Điều chưa từng có! Công đức thuyết pháp có quả báo lớn như vậy!" Tỳ-kheo nói: "Ấy gọi là hoa, chưa gọi là quả". Vua nói: "Quả nó thế nào, xin hãy nói cho nghe". Tỳ-kheo đáp: "Quả lược nói có mười, vua khéo nghe cho kỹ, liền nói kệ:

    "Tiếng tăm lớn, đoan chánh,

    Được vui và cung kính,

    Oai sáng như mặt trời,

    Được hết thảy yêu thích.

    Biện tài, có trí lớn,

    Sạch tất cả kiết sử,

    Khổ diệt, được Niết-bàn,

    Như thế gọi là mười"


    Vua nói: "Đại đức! Tán thán công đức Phật sao mà được quả báo như vậy?" Bấy giờ Tỳ-kheo đáp kệ:

    "Khen công đức chư Phật,

    Cho hết thảy đều nghe,

    Do vì quả báo ấy,

    Mà được danh dự lớn.

    Khen thật công đức Phật,

    Cho hết thảy hoan hỷ,

    Do vì công đức ấy,

    Đời đời thường đoan chánh.

    Vì người thuyết tội phước,

    Cho được chỗ an vui,

    Do vì công đức ấy,

    Thọ vui thường hoan hỷ.

    Sức khen công đức Phật,

    Khiến hết thảy tâm phục,

    Do vì công đức ấy,

    Thường được báo cung kính.

    Hiển hiện đèn thuyết pháp

    Chiếu ngộ các chúng sanh,

    Do vì công đức ấy,

    Oai sáng như mặt trời.

    Đủ cách khen Phật đức,

    Làm vui cho hết thảy,

    Do vì công đức ấy,

    Thừơng được người yêu thích.

    Lời khéo khen Phật đức,

    Vô lượng vô cùng tận,

    Do vì công đức ấy,

    Biện tài không thể tận.

    Khen các diệu pháp Phật,

    Tất cả không gì hơn,

    Do vì công đức ấy,

    Đại trí tuệ thanh tịnh.

    Khi khen công đức Phật,

    Khiến người mỏng phiền não,

    Do vì công đức ấy,

    Các cấu kiết sử dứt.

    Hai thứ kiết sử hết,

    Thân Niết-bàn đã trọn,

    Thí như rưới mưa lớn,

    Lửa tắt không còn nóng".



    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  8. #208
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 11 _ Chương 20
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lại nói với vua: "Nếu còn chỗ nghi ngờ nào chưa rõ, nay là lúc hỏi, tôi sẽ đem mũi tên trí tuệ phá đội quân nghi ngờ của vua". Vua thưa: "Pháp sư! Tâm tôi vui vẻ hiểu rõ, không còn nghi ngờ. Đại đức là người phước khéo hay khen ngợi Phật".

    Các nhân duyên thuyết pháp độ người như vậy, gọi là Pháp thí.

    Hỏi: Tài thí, Pháp thí; thứ nào hơn ?

    Đáp: Như lời Phật dạy, trong hai thứ ấy, Pháp thí là hơn, vì cớ sao? Quả báo của Tài thí, được quả báo ở trong Dục giới; quả báo của Pháp thí thì hoặc ở trong ba cõi, hoặc ra ngoài ba cõi.

    Lại nữa, Tài thí có hạn lượng; Pháp thí không hạn lượng, ví như lấy củi thêm vào lửa, ánh sáng càng thêm nhiều.

    Lại nữa, quả báo của Tài thí sạch ít dơ nhiều; quả báo của Pháp thí nhơ ít sạch nhiều.

    Lại nữa, Tài thí lớn phải đợi sức nhiều người; còn Pháp thí thì xuất từ tâm, không đợi người khác.

    Lại nữa, Tài thí có thể làm cho các sắc căn bốn đại tăng trưởng; Pháp thí có thể làm cho Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Tám thánh đạo vô lậu học đầy đủ.

    Lại nữa, Tài thí có Phật hay không Phật; còn như Pháp thí chỉ trong đời Phật mới có. Cho nên nên biết, Pháp thí rất khó. Thế nào là khó? Là vì cho đến hữu tướng Bích-chi Phật, không thể thuyết pháp, chỉ trực tiếp đi khất thực, bay lên, biến hóa để độ người.

    Lại nữa, từ trong Pháp thí mà xuất sanh Tài thí và các Thanh-văn, Bích-chi Phật, Bồ-tát và Phật.

    Lại nữa, Pháp thí có thể phân biệt các pháp: Pháp hữu lậu, vô lậu; pháp sắc, pháp vô sắc; pháp hữu vi, pháp vô vi; pháp thiện, bất thiện, vô ký; pháp thường, pháp vô thường; pháp có, pháp không. Thật tướng hết thảy các pháp là thanh tịnh, không thể phá, không thể hoại. Những pháp như vậy, lược nói có tám muôn bốn ngàn pháp tạng, nói rộng thời vô lượng. Các pháp ấy đều từ Pháp thí mà phân biệt biết rõ, vì thế nên Pháp thí là hơn.

    Hai cách thí ấy hòa hợp gọi là hạnh bố thí. Hai cách thí ấy để nguyện cầu làm Phật, thời có thể làm cho người ta đến được Phật đạo, huống gì cầu việc khác.

    Hỏi: Bốn thứ xả gọi là bố thí, đó là xả tài, xả pháp, xả vô úy, xả phiền não; sao trong đây không nói đến hai thứ xảsau?

    Đáp: Xả vô úy với trì giới không khác cho nên không nói. Vì có Bát-nhã nên không nói xả phiền não. Nếu không nói sáu Ba-la-mật, thời phải nói đủ bốn xả.

    (Hết cuốn 11 theo bản Hán)


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  9. #209
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 12
    __________________________________________________ ______________________________________


    Cuốn 12


    Hỏi: Thế nào là Đàn Ba-la-mật được viên mãn?

    Đáp: Nghĩa chữ Đàn như trên đã nói. Ba-la-mật (Tàu dịch là Đáo bỉ ngạn - Đến bờ bên kia). Ấy gọi là bố thí được đến bờ kia.

    Hỏi: Thế nào gọi là không đến bờ kia?

    Đáp: Ví như vượt qua sông chưa đến bờ mà trở lui, gọi là không đến bờ kia. Như khi ngài Xá-lợi-phất, trong sáu mươi kiếp hành đạo Bồ-tát, muốn vượt qua sông bố thí, bấy giờ có kẻ ăn xin đến xin con mắt. Xá-lợi-phất nói: "Con mắt không dùng được chi, xin nó làm gì? Nếu cần thân tôi và tài vật, thời tôi sẽ đem cho !" Người kia đáp: "Không cần thân ông và tài vật, chỉ muốn được con mắt thôi. Nếu ông thực hành bố thí, hãy lấy con mắt cho tôi". Bấy giờ, Xá-lợi-phất móc một con mắt cho, người ăn xin được mắt, liền ở trước mặt Xá-lợi-phất, ngửi rồi chê thúi, nhổ nước miếng mà quăng xuống đất; lại lấy chân chà đạp. Xá-lợi-phất suy nghĩ rằng: "Hạng người tệ như vậy, khó có thể độ được. Con mắt thật vô dụng, mà cố xin cho được, được rồi quăng đi, lại lấy chân chà đạp, sao tệ lắm thế. Hạng người như vậy, không thể độ được; chẳng bằng tự điều phục, sớm thoát vòng sanh tử". Suy nghĩ thế xong, thối đạo Bồ-tát mà xoay hướng Tiểu thừa; ấy gọi là không đến bờ kia. Nếu có thể thẳng tiến không lùi, thành tựu Phật đạo; ấy gọi là đến bờ kia.

    Lại nữa, làm công việc được thành tựu cũng gọi là đến bờ kia.

    Lại nữa, bờ này là xan tham, bố thí là giữa sông, bờ kia là Phật đạo.

    Lại nữa, chấp có chấp không là bờ này; trí tuệ phá chấp có chấp không là bờ kia, siêng tu bố thí gọi là giữa sông.

    Lại nữa, bố thí có hai: 1- Ma bố thí, 2- Phật bố thí. Nếu bị giặc kiết sử cướp đoạt, lo buồn sợ hãi (mà bố thí); ấy gọi là Ma bố thí, gọi là ở bờ này. Nếu có tâm thanh tịnh bố thí, không bị giặc kiết sử, không sợ hãi, đến được Phật đạo; ấy là Phật bố thí, gọi là đến bờ kia, ấy là Ba-la-mật. Như Phật nói trong kinh Độc xà dụ rằng: "Có người mắc tội với vua, vua sai giữ một cái hòm có bốn con rắn độc, vua bảo người tội chăm sóc nuôi nấng. Người ấy suy nghĩ: "Bốn con rắn ấy khó gần, gần thời bị hại, một con còn không nuôi được, huống là bốn con?" Liền quăng hòm mà chạy, vua sai năm người cầm đao rượt theo. Lại gặp một người, miệng thì nói thuận theo mà trong lòng muốn người kia bị thương, nên nói với người ấy rằng: "Biết nuôi Rắn đúng cách, ấy cũng không khó". Nhưng người kia biết rõ, vẫn rong chạy thục mạng, đến một xóm trống vắng, gặp một người lành, mới nói rằng: "Xóm này tuy trống vắng, nhưng là chỗ giặc ở, nay ngươi ở đây chắc chắn bị giặc hại, chớ có ở". Lại chạy nữa, đến một con sông lớn, bờ bên kia là một nước khác, nước đó an vui, thản nhiên thanh tịnh, không có hoạn nạn. Bấy giờ, gom các cỏ cây, buộc lại làm chiếc bè, lấy tay chân bơi tới, hết sức mong vượt qua, khi đã đến được bờ, an vui không còn hoạn nạn.

    Vua là ví cho Ma vương, cái hòm là thân người, bốn con rắn độc là bốn đại, năm kẻ giặc cầm đao là năm ấm, một người miệng lành tâm ác là sự nhiễm trước. Xóm trống vắng là sáu căn, giặc là sáu trần, một người thương xót nói cho là vị thầy lành, con sông lớn là ái, chiếc bè là tám Thánh đạo, tay chân siêng bơi qua là tinh tấn. Bờ này là thế gian, bờ kia là Niết-bàn. Vượt qua là A-la-hán sạch hết lậu hoặc. Trong pháp của Bồ-tát cũng như vậy. Nếu bố thí còn có ba thứ chướng ngại là chấp có ta cho, kia nhận và tài vật bố thí, thì ấy là rơi vào cảnh giới Ma, chưa lìa khỏi các nạn. Còn như Bồ-tát bố thí, ba thứ đều thanh tịnh không chướng ngại, thì được chư Phật khen ngợi; ấy là đến bờ kia. Sáu Ba-la-mật này có thể làm cho người ta qua khỏi biển lớn phiền não nhiễm trước và xan tham v.v... đến nơi bờ kia. Thế cho nên gọi là Ba-la-mật.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  10. #210
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 12
    __________________________________________________ ______________________________________


    Hỏi: A-la-hán, Bích-chi Phật cũng có thể đến bờ kia; tại sao không gọi là Ba-la-mật?

    Đáp: A-la-hán, Bích-chi Phật qua đến bờ kia, cùng với Phật qua đến bờ kia, danh đồng mà thật thì khác. A-la-hán, Bích-chi Phật cho sanh tử là bờ này, Niết-bàn là bờ kia, nên không thể vượt qua đến bờ kia của bố thí, vì cớ sao? Vì không thể dùng hết thảy vật, hết thảy thời, hết thảy thứ bố thí. Dầu có thể bố thí cũng không có tâm lớn, hoặc đem tâm vô ký, tâm hữu lậu thiện; hoặc là tâm vô lậu bố thí mà không có tâm đại bi, không thể vì hết thảy chúng sanh mà bố thí. Còn Bồ-tát bố thí thì biết bố thí là bất sanh bất diệt, vô lậu vô vi, như tướng Niết-bàn, vì hết thảy chúng sanh mà bố thí, ấy gọi là Đàn Ba-la-mật.

    Lại nữa, có người nói: "Hết thảy vật, hết thảy vật trong ngoài thân đều đem bố thí, mà không cầu quả báo. Bố thí như vậy, gọi là Đàn Ba-la-mật.

    Lại nữa, không thể cùng tận, nên gọi là Đàn Ba-la-mật, vì cớ sao? Vì biết vật bố thí là rốt ráo không, như tướng Niết-bàn. Dùng tâm ấy mà bố thí cho chúng sanh, thế nên quả báo không thể cùng tận; gọi là Đàn Ba-la-mật. Như ngũ thông tiên nhân, đem bảo vật tốt chứa để trong đá, muốn giữ gìn bảo vật ấy, mài kim cương mà bôi lên trên, để không bị phá. Bồ-tát bố thí cũng như vậy. Mài trí tuệ về Niết-bàn thật tứơng mà bôi lên bố thí, làm cho không thể cùng tận.

    Lại nữa, Bồ-tát vì hết thảy chúng sanh nên bố thí, số chúng sanh không thể cùng tận nên bố thí cũng không thể cùng tận.

    Lại nữa, Bồ-tát vì Phật pháp mà bố thí. Phật pháp vô lượng vô biên nên bố thí cũng vô lượng vô biên. Do vậy, A-la-hán và Bích-chi Phật, tuy đồng đến bờ kia; mà không gọi là Ba-la-mật.

    Hỏi: Thế nào gọi là đầy đủ viên mãn?

    Đáp: Như trước đã nói, Bồ-tát bố thí tất cả vật, trong, ngoài, lớn nhỏ, nhiều ít, thô tế; ưa đắm, không ưa đắm; dùng không dùng. Đủ các thứ như vậy, tất cả có thể xả thí, tâm không lẩn tiếc, bình đẳng cho tất cả chúng sanh. Không khởi lên quan niệm người lớn nên cho, người nhỏ không nên cho; người xuất gia nên cho, người không xuất gia không nên cho. Người nên cho, cầm thú không nên cho. Đối với tất cả chúng sanh, tâm bình đẳng bố thí, bố thí không cầu quả báo, lại rõ thật tướng của bố thí, ấy gọi là đầy đủ viên mãn.

    Cũng không kể thời, không ngày, không đêm, không đông, không hạ, không tốt, không xấu, tất cả thời thường bình đẳng bố thí, tâm không lẩn tiếc, cho đến đầu mắt tủy não, bố thí mà không lẩn, ấy gọi là đầy đủ viên mãn.

    Lại nữa, có người nói: "Bồ-tát từ khi phát tâm cho đến khi đủ ba mươi bốn tâm ở tại cội Bồ-đề. Ở vào khoảng trung gian ấy, gọi là đầy đủ viên mãn.

    Lại nữa, Thất trụ Bồ-tát được trí tuệ về thật tướng hết thảy các pháp, bấy giờ trang nghiêm Phật độ, giáo hoá chúng sanh, cúng dường chư Phật, được đại thần thông, có thể phân một thân làm vô số thân, mỗi mỗi thân đều mưa xuống bảy báu, hoa hương, phan lọng, hóa làm đèn lớn như núi Tu-di, cúng dường mười phương chư Phật và Bồ-tát Tăng. Lại dùng diệu âm tán tụng đức của Phật, lễ bái, cúng dường, cung kính nghinh tiếp.

    Lại nữa, Bồ-tát ấy đối với trong hết thảy mười phương vô lượng cõi ngạ quỷ, mưa xuống các thứ ẩm thực, y phục, khiến cho đầy đủ. Được đầy đủ rồi, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Lại đi đến trong đường súc sanh, khiến nó tự cải thiện, không còn có ý hại nhau, trừ sự sợ hãi, theo chỗ nó cần thiết, đều làm cho đầy đủ. Được đầy đủ rồi, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đối với trong Địa ngục vô lượng khổ, có thể làm cho lửa địa ngục tiêu diệt, nước sôi hóa lạnh, tội dứt, tâm lành, trừ hết đói khát. Được sanh vào cõi trời cõi người, nhờ nhân duyên ấy, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 3 người đọc bài này. (0 thành viên và 3 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •