DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 13/35 ĐầuĐầu ... 3111213141523 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 121 tới 130 của 341
  1. #121
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 7 _ Chương 11 _ GIẢI THÍCH: PHẬT THẾ GIỚI NGUYỆN
    __________________________________________________ ______________________________________


    Cuốn 7

    Chương 11


    GIẢI THÍCH: PHẬT THẾ GIỚI NGUYỆN


    KINH: Nguyện lãnh thọ vô lượng thế giới của chư Phật.

    LUẬN: Các Bồ-tát thấy các thế giới của các chư Phật độ trang nghiêm vô lượng, phát các lời nguyện: Có thế giới Phật hoàn toàn không có các khổ, cho đến không có tên ba đường ác. Bồ-tát thấy rồi tự phát nguyện: "Khi ta thành Phật, thế giới ta không có các khổ, cho đến không có ba đường ác, cũng sẽ như vậy".

    Có thế giới Phật trang nghiêm bằng bảy báu, ngày đêm thường có ánh sáng thanh tịnh, mặc dầu không có mặt trời mặt trăng. Bồ-tát bèn phát nguyện: "Khi ta thành Phật, thế giới ta thường có ánh sáng thanh tịnh cũng sẽ như vậy".

    Có thế giới Phật, hết thảy chúng sanh đều thực hành mười thiện, có đại trí tuệ, y phục ẩm thực nghĩ đến liền có, bèn phát nguyện: "Khi ta thành Phật, chúng sanh trong Quốc độ ta, y phục ẩm thực cũng sẽ như vậy".

    Có thế giới Phật thuần các vị Bồ-tát, sắc thân như Phật, với ba mươi hai tướng tốt quang minh chiếu suốt, cho đến không có tên Thanh-văn, Bích-chi Phật, cũng không có nữ nhân. Hết thảy đều thực hành Phật đạo thâm diệu, du hành đến mười phương giáo hóa hết thảy, rồi phát nguyện: "Khi ta thành Phật, chúng sanh trong Quốc độ ta cũng sẽ như vậy".

    Như vậy v.v… vô lượng Phật thế giới đủ thứ trang nghiêm, Bồ-tát nguyện đều được cả; vì vậy nên gọi là nguyện thọ vô lượng thế giới Phật.

    Hỏi: Các Bồ-tát hạnh nghiệp thanh tịnh, thì tự được quả báo thanh tịnh, vì sao cần phải lập nguyện rồi sau mới được? Cũng như nhà nông được lúa, há lại chờ ước nguyện?

    Đáp: Làm phước mà không có ước nguyện thì không có mục tiêu, vì có nguyện dẫn lối mới thành tựu được, cũng như vàng nấu chảy, tùy theo thợ làm vàng không nhất định. Như Phật dạy: Có một người tu được một ít phước bố thí, một ít phước trì giới, mà không biết pháp Thiền định, thế nhưng khi nghe nói trong loài người có kẻ giàu vui, tâm thường niệm tưởng, ái trước, nguyện ước không bỏ, nên sau khi mệnh chung sanh làm người giàu vui. Lại có người tu một ít phước bố thí, một ít phước trì giới, mà không biết pháp Thiền định, thế nhưng khi nghe nói có các cõi trời: Tứ-thiên-vương thiên, Tam-thập-tam thiên, Dạ-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa-lạc thiên, Tha-hóa-tự-tại thiên, tâm thường nguyện ước, nên khi mệnh chung, đều được sinh lên cõi ấy. Đó là đều do nguyện lực mà được. Bồ-tát cũng như vậy, tu theo lời nguyện "tịnh Quốc độ", vậy sau mới thành; vì vậy nên biết nhân nguyện mà được thọ quả báo thù thắng.

    Lại nữa, trang nghiêm Phật độ là việc lớn, chỉ tu hành công đức không thể thành được, phải cần có nguyện lực; cũng như sức bò tuy hay kéo xe, nhưng phải có người cầm cương mới có chỗ đến. Nguyện "thanh tịnh Quốc độ" cũng như vậy, phước như xe bò; nguyện như người cầm cương.

    Hỏi: Nếu không phát nguyện, không được phước ư?

    Đáp: Tuy được nhưng không bằng có nguyện: Nguyện thường giúp cho phước, thường nhớ nghĩ sở hành, phước đức được tăng trưởng.

    Hỏi: Nếu phát nguyện mà được quả báo, thì như người làm mười nghiệp ác, không nguyện sanh địa ngục, chắc cũng không bị quả báo địa ngục?

    Đáp: Tội phước tuy có quả báo nhất định, nhưng người có phát nguyện , tu một ít phước mà nhờ có nguyện lực, nên được quả báo lớn. Như trước nói, trong khi mắc quả báo khổ, mà hết thảy chúng sanh đều nguyện được vui, chứ không ai nguyện được khổ, thế nên không nguyện sanh địa ngục; vì vậy nên phước thì có vô lượng báo mà tội thì hữu lượng.

    Có người nói: "Tội lớn nhất thì đọa A-tỳ địa ngục, thọ báo một kiếp. Phúc to nhất thì sanh lên Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ, thọ báo trong tám vạn đại kiếp. Các Bồ-tát nguyện thanh tịnh thế giới, cũng vô lượng kiếp, nhập đạo được Niết-bàn", ấy là thường, lạc.

    Hỏi: Như trong phẩm Nê-lê (Địa ngục) nói: Tội hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật, bị ở trong địa ngục phương này kiếp tận, lại đến trong địa ngục phương khác, thế vì sao ở đây nói đến tội to nhất thọ báo chỉ trong một kiếp?

    Đáp: Phật pháp vì chúng sanh nên có hai đạo giáo hóa: Một là Phật đạo, hai là Thanh-văn đạo. Trong Thanh-văn đạo, người tạo tội ngũ nghịch, Phật nói họ chịu địa ngục một kiếp; trong Bồ-tát đạo, người phá Phật pháp, thì nói họ ở phương này kiếp tận lại đến phương khác chịu vô lượng tội. Trong pháp Thanh-văn, phước to nhất thọ báo tám vạn kiếp; trong Bồ-tát đạo, phước lớn nhất thọ báo vô lượng A-tăng-kỳ kiếp; vì vậy nên phước đức cần có nguyện.

    Ấy là nguyện thọ vô lượng thế giới chư Phật.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  2. #122
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 7 _ Chương 11 _ GIẢI THÍCH: PHẬT THẾ GIỚI NGUYỆN
    __________________________________________________ ______________________________________


    KINH: Niệm vô lượng Phật độ, chư Phật tam muội, thường hiện trước mặt.

    LUẬN: Vô lượng Phật độ là các Phật độ trong mười phương. Niệm Phật tam muội là thường lấy tâm và mắt thấy mười phương ba đời các đức Phật như hiện ở trước mặt

    Hỏi: Sao gọi là niệm Phật tam muội?

    Đáp: Niệm Phật tam muội có hai: 1- Trong pháp Thanh văn, đối với một Phật thân, tâm và mắt thấy ở khắp mười phương. 2- Trong Bồ-tát đạo, niệm ba đời Phật mười phương chư Phật ở trong vô lượng Phật độ; vì vậy nên nói niệm vô lượng Phật độ, chư Phật tam muội, thường hiện ở trước.

    Hỏi: Như Bồ-tát tam muội có chủng chủng vô lượng, sao chỉ tán thán Bồ-tát ấy được niệm Phật tam muội hiện ở trước mặt?

    Đáp: Vì Bồ-tát ấy niệm Phật nên được vào trong Phật đạo, vì vậy nên niệm Phật tam muội thường hiện ở trước.

    Lại nữa, niệm Phật tam muội hay trừ các thứ phiền não và tội chướng đời trước. Các thứ tam muội khác có thứ trừ được dâm không thể trừ được sân, có thứ trừ được sân không thể trừ được dâm, có thứ trừ được si không thể trừ được dâm, sân, có thứ trừ được ba độc không trừ được tội đời trước; còn niệm Phật tam muội này trừ được tất cả các phiền và các tội.

    Lại nữa, niệm Phật tam muội có đại phúc đức, có thể độ sanh. Các Bồ-tát ấy muốn độ chúng sanh, các tam muội khác không bằng phúc đức của niệm Phật tam muội này, có thể chóng hết các tội. Như nói: Xưa có năm trăm khách buôn, vào biển tìm châu báu, gặp Ngư-vương Ma-già-la hả miệng, nước biển chảy vào trong đó, thuyền đi rất mau, sắp trôi dạt vào miệng Ngư-vương; thuyền sư hỏi người ở trên lầu: "Ngươi thấy gì?" Đáp: "Thấy ba mặt trời xuất hiện, núi bạc la liệt, nước chảy dồn đến như vào hang lớn". Thuyền sư nói: "Ngư-vương Ma-già-la ấy hả miệng, một mặt trời là thật, hai mặt trời kia là hai mắt của cá, núi bạc là răng của cá, nước chảy gấp đến là vào miệng cá. Chúng ta thôi xong rồi! Vậy ai nấy đều phải cầu xin các thiên thần cứu vớt". Khi ấy mọi ngưởi đều lo cầu việc đó mà vẫn không thấy ích gì. Bấy giờ ở đó có Ưu-bà-tắc thọ ngũ giới, nói với mọi người: "Chúng ta hãy cùng xưng niệm "Nam Mô Phật", Phật là đấng vô thượng, hay cứu vớt khổ ách". Tức thời ai nấy đều nhất tâm xưng "Nam Mô Phật".

    Chuyện về cá ấy, đời trước nó là đệ tử phá giới của Phật, được trí túc mạng, khi nghe xưng tiếng Phật, tâm tự hối ngộ, liền ngậm miệng lại, người trên thuyền được thoát. Chỉ nhờ niệm Phật mà trừ được trọng tội, thoát khỏi các khổ ách, huống gì niệm Phật tam muội.

    Lại nữa, Phật là Pháp vương, Bồ-tát là Pháp tướng, chỉ có Phật Thế Tôn được tôn trọng, thế nên, nên thường niệm Phật.

    Lại nữa, thường niệm Phật, được các thứ công đức lợi lạc, cũng như đại thần, đặc biệt mong ân sủng mà thường niệm đến chủ. Bồ-tát cũng như vậy, biết các thứ công đức và vô lượng trí tuệ đều từ nơi Phật mà được; và biết ân Phật rất nặng nên thường niệm Phật.

    Ông hỏi vì sao thường niệm Phật, mà không thực hành các tam muội khác? Nay nói thường niệm, cũng không nói là không thực hành các tam muội khác; vì thực hành niệm Phật tam muội nhiều cho nên nói là thường niệm.

    Lại nữa, trước tuy nói Không, Vô tướng, Vô tác tam muội mà chưa nói niệm Phật tam muội, cho nên nay nói.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  3. #123
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 7 _ Chương 11 _ GIẢI THÍCH: PHẬT THẾ GIỚI NGUYỆN
    __________________________________________________ ______________________________________


    KINH: Hay khuyến thỉnh vô lượng chư Phật.

    LUẬN: Khuyến thỉnh có hai: Một là lúc Phật mới thành đạo, Bồ-tát ngày đêm sáu thời lễ thỉnh, bày vai áo bên phải, chấp tay nói: "Vô lượng chư Phật trong mười phương Phật độ, lúc mới Thành đạo, chưa Chuyển pháp luân, tôi tên … kính thỉnh hết thảy chư Phật, vì chúng sanh chuyển xe pháp, độ thoát hết thảy".. Hai là lúc chư Phật muốn xả bỏ vô lượng thọ mạng để vào Niết-bàn, Bồ-tát cũng đêm ba thời, ngày ba thời, bày vai áo bên phải, chấp tay nói: "Vô lượng chư Phật trong mười phương Phật độ, tôi tên … thỉnh Phật trụ lâu ở thế gian vô lượng số kiếp, để độ thoát hết thảy, lợi ichúng sanh", ấy gọi là thường khuyến thỉnh vô lượng chư Phật.

    Hỏi: Theo lệ của chư Phật, hẳn là phải thuyết pháp, rộng độ chúng sanh. Lẽ ấy tự nó phải như vậy, cớ sao lại cần phải thỉnh, nếu chư Phật ở trước mặt thời có thể thỉnh được, còn nay như Phật trong mười phương vô lượng Phật độ, mắt cũng không thấy được, làm sao mà thỉnh?

    Đáp: Chư Phật tuy hẳn phải thuyết pháp không đợi người khuyến thỉnh, nhưng ai thỉnh cũng được phước, như Đại quốc vương, tuy được nhiều đồ ăn ngon, mà có người thỉnh mời chắc được ân phước, để ghi nhận tâm người kia vậy. Lại như tâm từ niệm tưởng chúng sanh, khiến được khoái lạc, chúng sanh tuy không được gì, nhưng người niệm tưởng được phước rất lớn. Thỉnh Phật thuyết pháp cũng như vậy.

    Lại nữa, có các đức Phật, không có ai thỉnh, bèn nhập Niết-bàn mà không thuyết pháp. Như trong kinh Pháp Hoa, đức Thế Tôn Đa Bảo, vì không có người thỉnh, bèn vào Niết-bàn. Về sau, hóa thân Phật và Tháp bảy báu, vì để làm chứng việc nói kinh Pháp Hoa, mà xuất hiện cùng một lần. Cũng như Phật Tu-phiến-đa, vì bản hạnh của đệ tử chưa thuần thục, nên bỏ mà vào Niết-bàn, lưu lại hóa Phật một kiếp để độ chúng sanh.

    Nay Đức Thích-ca Văn Phật sau khi đắc đạo năm mươi bảy ngày, im lặng không thuyết pháp, tự nói: "Pháp của Ta sâu xa khó hiểu khó biết. Hết thảy chúng sanh bị ràng buộc theo pháp thế gian không thể hiểu được, chẳng bằng Ta im lặng vào Niết-bàn là vui".

    Bấy giờ các Bồ-tát và Thích-đề-hoàn-nhơn (trời Đế-thích), Phạm-thiên vương chư thiên, chấp tay thỉnh lễ, thỉnh Phật vì chúng sanh, bắt đầu Chuyển pháp luân. Phật im lặng nhận lời. Sau đó Ngài đi đến trong rừng Nai thuộc thành Ba-la-nại Chuyển pháp luân. Như vậy, sao nói thỉnh Phật không có ích chi?

    Lại nữa, Phật pháp xem chúng sanh đều bình đẳng, không quý không tiện, không khinh, không trọng. Có người thỉnh thì Ngài vì lời thỉnh ấy mà thuyết pháp cho họ. Tuy chúng sanh không thấy Phật, mà Phật thường thấy tâm chúng sanh, cũng nghe lời họ thỉnh. Giả sử chư Phật không nghe không thấy, người thỉnh Phật cũng có phước đức, huống gì Phật đều nghe thấy, mà thỉnh Phật lại không ích sao?

    Hỏi: Đã biết thỉnh Phật là có ích, vì sao chỉ thỉnh có hai việc?

    Đáp: Các việc khác không cần thỉnh, hai việc này mới thiết yếu phải thỉnh, nếu không thỉnh mà Phật tự thuyết, sẽ có bọn ngoại đạo nói: "Thể đạo thường định, cớ sao ái trước pháp, đa ngôn đa sự?" Vì vậy nên cần có thỉnh mới thuyết.

    Hoặc có người nói: "Nếu biết các pháp tướng thì không nên ham sống, trụ lâu ở thế gian nên sớm vào Niết-bàn". Vì vậy nên cần có thỉnh.

    Hoặc không thưa thỉnh mà thuyết, người ta sẽ nói Phật ái trước pháp, muốn cho người ta biết, nên phải đợi người ta thưa thỉnh mới Chuyển pháp luân. Các hàng ngoại đạo tự đắm trước vào pháp, hoặc thưa thỉnh, hoặc không thưa thỉnh, vẫn tự nói pháp cho người; còn Phật đối với pháp không ái trước, mà vì thương xót chúng sanh nên có thỉnh Phật thuyết, Phật mới vì họ thuyết. Chư Phật không do không thưa thỉnh mà bắt đầu Chuyển pháp luân, như kệ nói:

    "Phật nói cái gì thật,

    Cái gì là bất thật,

    Thật cùng với bất thật,

    Cả hai đều không thật.

    Chân thật tướng như vậy,

    Không hý luận các pháp,

    Vì thương xót chúng sanh,

    Phương tiện Chuyển pháp luân".


    Lại nữa, nếu không thưa thỉnh mà Phật tự thuyết pháp, ấy là tự hiển bày chỗ tự chấp trước pháp, tất phải đáp mười bốn vấn nạn. Nay chư Thiên thỉnh mà Phật thuyết pháp, chỉ vì các đoạn khổ, già, bệnh, chết, không vì hý luận cho nên Phật không đáp mười bốn vấn nạn, mà không lỗi; vì nhân duyên ấy, nên cần có thỉnh mới Chuyển pháp luân.

    Lại nữa, Phật sanh ở trong loài người, dùng theo pháp của bậc đại nhân, tuy có tâm đại bi, nhưng không thỉnh thời không nói. Nếu không thỉnh mà nói, ngoại đạo sẽ chê; vì vậy nên ban đầu cần phải có thỉnh.

    Lại nữa, hàng ngoại đạo tôn thờ Phạm thiên, nay Phạm thiên tự thỉnh Phật, thời Ngoại đạo sẽ tâm phục.

    Lại nữa, phép Bồ-tát ngày ba thời, đêm ba thời, thường hành ba việc: 1- Sáng sớm bày vai áo bên phải, chắp tay lễ mười phương Phật nói: "Tôi tên … hoặc đời nay, hoặc đời quá khứ trong vô lượng kiếp thân, khẩu, ý tạo tội ác nghiệp, xin sám hối trước Phật hiện tại trong mười phương, nguyện được diệt trừ, không làm trở lại; trưa, chiều và đêm ba thời cũng như vậy. 2- Nghĩ đến công đức sở hành của chư Phật trong ba đời mười phương, và công đức của chúng đệ tử Phật, mà tùy hỷ khuyến trợ. 3- Khuyến thỉnh các đức Phật hiện tại trong mười phương, bắt đầu Chuyển pháp luân và thỉnh chư Phật trụ lâu ở thế gian vô lượng kiếp, để độ thoát hết thảy.

    Bồ-tát thực hành ba việc ấy, công đức vô lượng, dần dần được gần Phật; vì vậy nên cần khuyến thỉnh.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  4. #124
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 7 _ Chương 11 _ GIẢI THÍCH: PHẬT THẾ GIỚI NGUYỆN
    __________________________________________________ ______________________________________


    KINH: Hay đoạn các thứ kiến, triền và các phiền não.

    LUẬN: Kiến có hai: Một là thường, hai là đoạn. Thường kiến là thấy năm ấm thường, tâm tin nhận, vui thích. Đoạn kiến là thấy năm ấm đoạn, tâm tin nhận, vui thích. Hết thảy chúng sanh, phần nhiều rơi vào trong hai kiến đó. Bồ-tát tự dứt hai kiến đó, cũng trừ hai kiến cho hết thảy chúng sanh, khiến ở vào Trung đạo.

    Lại có hai kiến: Hữu kiến và Vô kiến.

    Lại có ba kiến: Hết thảy pháp đều chấp nhận, hết thảy pháp đều không chấp nhận, hết thảy cũng chấp nhận cũng không chấp nhận.

    Lại có bốn kiến là chấp thế gian thường, thế gian vô thường, thế gian cũng thường cũng vô thường, thế gian cũng phi thường cũng phi vô thường. Hoặc chấp ngã và thế gian hữu biên, vô biên, cũng hữu biên cũng vô biên, cũng phi hữu biên cũng phi vô biên. Hoặc chấp có kẻ sau khi chết như đi, có kẻ sau khi chết không như đi, có kẻ sau khi chết như đi không như đi, có kẻ sau khi chết cũng chẳng như đi cũng chẳng không như đi.

    Lại có năm kiến là thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. Như vậy v.v… các thứ kiến chấp, cho đến sáu mươi hai kiến đều dứt hết.

    Các kiến như vậy, do các thứ nhân duyên sanh, các thứ trí môn quán sát, hoặc ở bên các bậc Thầy nghe được. Các thứ tướng như vậy, có thể làm nhân cho các kiết sử, đem đến mọ褐thứ khổ cho chúng sanh, ấy gọi là các thứ kiến. Nghĩa chữ kiến sau sẽ nói rộng.

    Triền là mười triền: Sân, dấu tội, ngủ say, ngủ gật, giỡn cợt, giao động, không tàm, không quý, xan tham, tật đố. Lại nữa, hết thảy phiền não trói buộc tâm, đều gọi là triền.

    Phiền não là thứ có thể khiến tâm phiền muộn, vì có thể não loạn tâm nên gọi là phiền. Phiền não có hai: Là đắm trước ở bên trong và đắm trước ở bên ngoài. Thứ đắm trước ở bên trong là năm kiến, nghi, mạn v.v… Thứ đắm trước ở bên ngoài là dâm, sân v.v… vô minh chung cả trong lẫn ngoài.

    Lại có năm thứ kiết, một thuộc ái và một thuộc kiến.

    Lại có ba thứ, một thuộc dâm, một thuộc sân và một thuộc si, ấy gọi là phiền não.

    Triền, có người nói mười triền, có người nói năm trăm triền.

    Phiền não là hết thảy kiết sử. Kiết có chín, sử có bảy, hiệp thành chín mươi tám kiết (ba mươi ở Dục giới, ba mươi mốt ở Sắc giới, ba mươi mốt ở Vô Sắc giới). Như Ca-chiên-diên ở trong A-tỳ-đàm nghĩa thuyết: Mười triền và chín mươi tám kiết là một trăm lẻ tám phiền não. Trong A-tỳ-đàm của Độc tử thì số kiết sử cũng đồng, còn triền có năm trăm.

    Các phiền não như vậy, Bồ-tát dùng mọi phương tiện để tự dứt, cũng có phương tiện khôn khéo dứt các phiền não cho người khác. Như lúc Phật tại thế, có ba anh em nhà nọ nghe ở nước Tỳ-gia-ly có người kỹ nữ tên Yêm-la-bà-lở thành Xá-bà-đề có người kỹ nữ tên Tu-mạn-na, ở thành Vương-xá có người kỹ nữ tên Ưu-bát-la-ban-na. Cả ba người sau khi nghe người ta ca ngợi ba người con gái đoan chánh không ai bằng, thì ngày đêm chuyên nhớ, tâm đắm đuối không rời, bèn ở trong mộng thấy cùng hành sự, khi thức dậy suy nghĩ: "Người con gái kia không đến, ta cũng không đi, mà sao dâm sự được thành?" Nhân đó mà tỉnh ngộ: "Hết thảy các pháp đều như vậy chăng?" Liền đi đến chỗ Bồ-tát Bạt-đà-ba-la hỏi việc ấy. Bạt-đà-ba-la đáp: "Các pháp thật như vậy, đều từ tâm niệm sanh". Như vậy, các thứ, vì ba người ấy mà phương tiện khéo nói các pháp Không. Khi ấy, ba người liền chứng được A-bệ-bạt-trí.

    Các Bồ-tát ấy cũng như vậy, vì các chúng sanh mà dùng các cách khéo léo thuyết pháp, dứt các kiến, triền, phiền não cho họ.

    Ấy gọi là hay đoạn các kiến, triền và các phiền não.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  5. #125
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 7 _ Chương 11 _ GIẢI THÍCH: PHẬT THẾ GIỚI NGUYỆN
    __________________________________________________ ______________________________________


    KINH: Du hý và xuất sanh trăm ngàn tam muội.

    LUẬN: Các Bồ-tát tâm Thiền định điều hòa, có trí tuệ thanh tịnh và các phương tiện nên hay xuất sanh các thứ Tam muội.

    Thế nào là Tam muội? Thiện tâm trụ một chỗ không giao động, ấy gọi là Tam muội.*

    Lại có ba thứ Tam muội: Có giác có quán, không giác có quán, không giác không quán.

    Lại có bốn thứ Tam muội: Tam muội hệ thuộc Dục giới, Tam muội hệ thuộc Sắc giới, Tam muội hệ thuộc Vô Sắc giới, Tam muội không hệ thuộc. Trong ấy được dùng đến là Bồ-tát tam muội. Như trước nói, đối với Phật tam muội chưa được viên mãn, phải siêng hành siêng tu, nên nói là hay phát sanh.

    Hỏi: Bồ-tát vì sao xuất sanh và dạo chơi trong năm ngàn Tam muội ấy?

    Đáp: Chúng sanh vô lượng, tâm hạnh chẳng đồng, có kẻ lợi căn có kẻ độn căn, đối với các kiết sử, có dày có mỏng. Thế nên Bồ-tát thực hành trăm ngàn Tam muội để dứt trần lao cho họ, cũng như muốn làm cho người nghèo trở nên giàu to, thì phải chuẩn bị các thứ tài vật, tất cả được đầy đủ vậy sau mới có thể cứu vớt người nghèo. Lại như người muốn trị bệnh cho mọi người, thì phải chuẩn bị các thứ thuốc vậy sau mới trị được. Bồ-tát cũng như vậy, muốn rộng độ chúng sanh nên thực hành các thứ Tam muội.

    Hỏi: Chỉ nên xuất sanh các thứ Tam muội ấy, cớ gì lại dạo chơi trong đó?

    Đáp: Tâm Bồ-tát xuất sanh các Tam muội, lại vui thích ra vào tự tại nên gọi là chơi, chứ không phải lối chơi giỡn theo ái kiết.

    Hý (chơi giỡn) tức là tự tại, như sư tử giữa bầy nai, tự tại không sợ nên gọi là hý. Các Bồ-tát ấy đối với các tam muội có sức tự tại, hay ra hay vào cũng như vậy. Các người khác đối với Tam muội, có thể tự tại vào mà không thể tự tại trú, và tự tại ra; có thể tự tại trú, không thể tự tại vào, tự tại ra; có thể tự tại ra, không thể tự tại trú, tự tại vào; có thể tự tại vào, tự tại trú, không thể tự tại ra; có thể tự tại trú, tự tại ra, không thể tự tại vào. Bồ-tát ấy có thể tự tại đủ ba cách, nên nói là du hý và xuất sanh trăm ngàn Tam muội.

    * Góp ý : Luận sư đã định nghĩa sai về từ TAM MUỘI, TAM MUỘI là CHÁNH ĐỊNH, chớ không phải là TÀ ĐỊNH (như Luận sư đã nói)

    KINH: Các Bồ-tát thành tựu vô lượng các thứ công đức như vậy.

    LUẬN: Các Bồ-tát ấy thành tựu vô lượng công đức như vậy, là các Bồ-tát cộng trú với Phật.

    Muốn tán thán công đức kia, trải vô lượng ức kiếp, không thể cùng tận; vì vậy nên nói thành tựu vô lượng công đức.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  6. #126
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 7 _ Chương 11 _ GIẢI THÍCH: PHẬT THẾ GIỚI NGUYỆN
    __________________________________________________ ______________________________________


    KINH: Các ngài tên là Kiền-đà-la Bồ-tát (Tàu dịch Thiện Thủ), Lạt-na-na-già-la Bồ-tát (Tàu dịch Bảo Tích), Đạo sư Bồ-tát, Na-la-đạt Bồ-tát, Tinh-đắc Bồ-tát, Thủy Thiên Bồ-tát, Chủ Thiên Bồ-tát, Đại-ý Bồ-tát, Ích-Ý Bồ-tát, Tăng-ý Bồ-tát, Bất-hư-kiến Bồ-tát, Thiện-tấn Bồ-tát, Thế Thắng Bồ-tát, Thường cần Bồ-tát, Bất-xả-tinh-tấn Bồ-tát, Nhật-tạng Bồ-tát, Bất-khuyến-ý Bồ-tát, Quán-Thế-Âm Bồ-tát, Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát (Tàu dịch Diệu-đức), Chấp-bảo-ấn Bồ-tát, Thường-cử-thủ Bồ-tát, Di-lặc Bồ-tát … Vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha các Bồ-tát Ma-ha-tát như vậy đều là bậc bổ xứ kế thừa Tôn vị.

    LUẬN: Các Bồ-tát như vậy cùng trú với Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật thành Vương-xá.

    Hỏi: Các Bồ-tát như vậy rất nhiều, vì sao chỉ kể tên hai mươi hai vị Bồ-tát?

    Đáp: Các Bồ-tát có vô lượng trăm ngàn vạn ức, không thể nói hết, nếu nói hết thì văn tự không chép đủ. Trong đây Bồ-tát có hai hạng là cư gia và xuất gia. Mười sáu Bồ-tát như Thiện thủ v.v… là Bồ-tát cư gia. Bạt-đà-bà-la là Bồ-tát cư gia, người cũ ở thành Vương-xá. Bảo-tích Vương tử Bồ-tát là người nước Tỳ-xá-ly. Tinh đắc trưởng giả tử Bồ-tát là người nước Chiêm-ba. Đạo sư sư sĩ Bồ-tát là người Xá-bà-đề. Từ thị, Diệu-đức Bồ-tát v.v… là Bồ-tát xuất gia. Quán Thế Âm Bồ-tát v.v… từ Phật độ tha phương đến. Nếu nói cư gia là đã gần hết thảy Bồ-tát cư gia. Nói Bồ-tát xuất gia, Bồ-tát tha phương cũng như vậy.

    Hỏi: Thiện Thủ Bồ-tát có gì thù thắng mà kể ra trước hết? Nếu vì lớn nên kể trước, thì nên kể đến Bồ-tát Biến-cát, Quán Thế Âm, Đắc Đại Thế Chí v.v… Nếu vì nhỏ nên kể trước, thì nên kể các Bồ-tát nhục thân sơ phát ý (tâm)?

    Đáp: Không vì lớn, không vì nhỏ, mà vì Thiện Thủ Bồ-tát là người cũ của thành Vương-xá, lớn hơn cả trong hàng Bạch y Bồ-tát. Phật ở thành Vương-xá, muốn thuyết Bát-nhã Ba-la-mật, vì vậy nên nói đến Thiện Thủ trước hết. Lại nữa, Thiện Thủ Bồ-tát có vô lượng các thứ công đức, như trong Ban-châu tam muội, Phật tự hiện ra ở trước tán thán công đức kia.

    Hỏi: Nếu Di-lặc Bồ-tát đáng xưng là bổ xứ, thì các Bồ-tát khác sao cũng nói là kế thừa tôn vị?

    Đáp: Các Bồ-tát ấy ở Phật độ mười phương, đều là vị Phật bổ xứ.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  7. #127
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 7 _ Chương 12 _ GIẢI THÍCH: TAM MUỘI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Chương 12

    GIẢI THÍCH: TAM MUỘI


    KINH: Bấy giờ Thế Tôn tự trải tòa Sư tử, ngồi kiết-già, mình thẳng, buộc niệm ở trước, vào Tam muội vương tam muội, hết thảy Tam muội đều nhập vào trong đó.

    LUẬN:

    Hỏi: Phật có thị giả và các Bồ-tát, vì sao Ngài tự trải toà Sư tử?

    Đáp: Việc ấy là Phật hóa thành, muốn để cho thích hợp với đại chúng; vì vậy nên A-nan không thể được trải.

    Lại nữa, tâm Phật hóa làm cho nên nói là tự trải.

    Hỏi: Sao gọi là toà Sư tử? Ấy là Phật tự hóa làm Sư tử hay là có Sư tử thật đến, hay là vàng bạc cây đá làm Sư tử? Lại Sư tử không phải là giống thú hiền, Phật không cần đến, cũng không nhân duyên, cho nên nó không nên đến?

    Đáp: Đây hiệu là Sư tử chứ không phải là thật Sư tử . Phật là Sư tử trong loài nguời, nên chỗ Phật ngồi, hoặc giường, hoặc trên đất, đều gọi là tòa Sư tử . Cũng như nay chỗ Quốc vương ngồi cũng gọi toà Sư tử.

    Lại nữa, vua gọi người dũng kiện cũng gọi là nhân Sư tử, người xưng hô Quốc vương cũng gọi là nhân Sư tử. Lại như Sư tử, giữa loài thú bốn chân, đi một mình không sợ, chiết phục được hết thảy. Phật cũng như vậy, ở trong chín mươi sáu thứ ngoại đạo, hàng phục tất cả mà không sợ sệt, nên gọi là Sư tử người.

    Hỏi: Có nhiều cách ngồi, sao Phật chỉ dùng cách ngồi kiết-già?

    Đáp: Trong các cách ngồi, cách ngồi kiết-già an ổn nhất, không mệt mỏi. Ấy là cách ngồi của người tọa thiền nhiếp trú tay chân, tâm cũng không tán loạn.

    Lại là cách an ổn nhất trong bốn oai nghi của thân. Thiền tọa ấy là cách ngồi để thủ đạo, Ma vương trông thấy, tâm nó lo sợ. Ngồi như vậy là pháp của người xuất gia, ngồi kiết-già phu tọa dưới rừng cây, chúng nhân trông thấy đều rất hoan hỷ, cho rằng đạo nhân như vậy chắc chắn được đạo, như kệ nói:

    "Nếu kiết già phu tọa,

    Thân an vào Tam muội,

    Oai đức người kính ngưỡng,

    Như mặt trời chiếu thiên hạ.

    Trừ ngủ, biếng, che tâm,

    Thân nhẹ không mệt mỏi,

    Giác ngộ cũng dễ dàng,

    Yên như rồng cuộn khúc,

    Thấy vẻ ngồi kiết già,

    Ma vuơng cũng sầu sợ,

    Huống gì người nhập đạo,

    Ngồi yên không lay động".


    Vì vậy nên ngồi kiết-già phu.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  8. #128
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 7 _ Chương 12 _ GIẢI THÍCH: TAM MUỘI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lại nữa Phật dạy đệ tử nên ngồi như thế. Có bọn ngoại đạo, hoặc thường co chân để cầu đạo, hoặc thường đứng, hoặc vác chân, điên cuồng nông nỗi như vậy, tâm chìm biển tà, tình không an ổn; vì vậy Phật dạy đệ tử kiết-già thân ngồi thẳng. Vì sao thân thẳng? Vì tâm dễ chánh, thân ngồi thẳng thời tâm không biếng nhác, đoan tâm chánh ý, buộc niệm ở trước, nếu tâm chạy loạn, nhiếp nó trở lại; vì muốn vào Tam muội nên các niệm chạy loạn cũng đều nhiếp nó lại. Buộc niệm như vậy vào Tam muội vương tam muội.

    Sao gọi là Tam muội vương tam muội? Tam muội ấy tự tại bậc nhất giữa các Tam muội, có thể duyên vô lượng các pháp tướng, như vua là bậc nhất giữa mọi người, Chuyển luân Thánh vương là bậc nhất giữa các vua, Phật là bậc nhất giữa hết thảy trên trời dưới trời. Tam muội này cũng như vậy, là bậc nhất giữa các Tam muội.

    Hỏi: Nếu do Phật lực thì hết thảy Tam muội đều nên bậc nhất, cớ sao chỉ gọi Tam muội vương là bậc nhất?

    Đáp: Tuy là nói do thần lực của Phật, mà các Tam muội của Phật hành trì đều bậc nhất, nhưng trong các pháp phải có sự sai khác. Như các trân bảo của Chuyển luân Thánh vương, tuy hơn châu báu của các vua, nhưng trong đó trân bảo ấy tự có sai khác, quý tiện rất khác nhau.

    Tam muội vương tam muội ấy nhiếp vào định nào? Có tướng gì? Có người nói: Tam muội vương tam muội gọi là tướng tự tại, nhiếp thuộc năm uẩn hiện ở trong Thiền thứ tư, vì sao? Vì chư Phật ở trong Thiền thứ tư thực hành Kiến đế đạo, chứng được A-na-hàm, tức thời trong mười tám chi thiền tâm mà chứng được Phật đạo, ở trong Thiền thứ tư mà xả thọ mạng, và từ trong Thiền thứ tư khởi lên mà nhập Vô-dư Niết-bàn. Ở trong Thiền thứ tư có Tám sanh trú xứ, Tám bội xả, Tám thắng xứ, Mười nhất thiết nhập, phần nhiều ở trong Thiền thứ tư. Thiền thứ tư gọi là bất động, pháp thiền đị.nh không ngăn ngại. Ở trong Dục giới, các dục ngăn ngại tâm thiền định. Trong Sơ thiền, giác quán làm tâm động. Trong Nhị thiền, sự mừng lớn làm tâm động. Trong Tam thiền, sự vui lớn làm tâm động. Trong Tứ thiền thì không động.

    Lại nữa, ở Sơ thiền bị lửa đốt; ở Nhị thiền bị nước ngập; ở Tam thiền bị gió thổi; ở Tứ thiền không bị ba thứ hoạn nạn đó. Ở đây không còn hơi thở ra vào, xả niệm thanh tịnh; vì vậy nên Vương tam muội nếu ở trong Thiền thứ tư, thời như vật báu tốt cất trong kho tốt.

    Lại có người nói: Tam muội của Phật, ai biết được tướng đó? Hết thảy các Phật pháp, nhất tướng vô tướng, vô lượng vô số, không thể nghĩ bàn. Các Tam muội khác còn không thể lường, không thể đếm, không thể nghĩ bàn, huống gì Tam muội vương tam muội? Tam muội như thế, duy có Phật biết được. Như thần túc, sự trì giới của Phật còn không thể biết, huống là Tam muội vương tam muội?

    Lại nữa, Tam muội vương tam muội, hết thảy các Tam muội đều vào trong đó, nên gọi là Tam muội vương tam muội. Cũng như ở Diêm-phù-đề, ngàn sông muôn dòng đều chảy vào biển, cũng như tất cả nhân dân đều thuộc Quốc vương.

    Hỏi: Phật có Nhất thiết trí, không gì không biết; cớ sao phải vào Tam muội vương tam muội này, vậy sau mới biết?

    Đáp: Vì muốn chỉ rõ trí tuệ từ nhân duyên sanh, để ngăn bọn ngoại đạo mà nói trí tuệ của chúng ta trong tất cả thời là thường có, thường biết; vì vậy nên nói Phật nhập vào Tam muội vương tam muội thời biết, không vào thời không biết.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  9. #129
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 7 _ Chương 12 _ GIẢI THÍCH: TAM MUỘI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Hỏi: Nếu như vậy, thời Phật lực giảm yếu?

    Đáp: Lúc muốn nhập Tam muội vương tam muội, không phải là khó, nghĩ đến liền được, không phải như hàng Thanh-văn, Bích-chi Phật, các tiểu Bồ-tát, gắng sức cầu nhập.

    Lại nữa, nhập vào trong Tam muội vương tam muội ấy, khiến sáu thần thông thhông suốt mười phương, không hạn không lượng.

    Lại nữa, Phật nhập vào Tam muội vương tam muội, thời biến hóa đủ thứ, hiện đại thần lực. Nếu không nhập vào Tam muội vương tam muội mà hiện thần lực, thời có người tâm nghĩ: "Đó là Phật dùng huyễn lực, chú thuật, hoặc là đại lực long thần, hoặc là trời chứ không phải người", vì sao? Vì thấy một thân xuất ra vô lượng thân, các thứ quang minh biến hóa nên cho là không phải người; vì để đoạn chỗ nghi đó, nên Phật nhập vào Tam muội vương tam muội.

    Lại nữa, Phật nếu vào các tam muội khác thời hàng chư thiên, Thanh-văn, Bích-chi Phật có thể lường biết. Tuy nói Phật thần lực là lớn mà còn có thể biết, thời tâm cung kính không nặng, vì vậy nên vào trong Tam muội vương tam muội, để hết thảy chúng Thánh, cho đến Thập trụ Bồ-tát không thể lường biết, không biết tâm Phật nương ở đâu, duyên ở đâu; vì vậy nên Phật nhập vào Tam muội vương tam muội.

    Lại nữa, Phật có khi phóng ánh sáng lớn, hiện thần lực lớn, như khi sanh, khi đắc đạo, khi bắt đầu Chuyển pháp luân, khi chư thiên, Thánh nhân hòa hiệp tập hội lớn, hoặc khi tồi phá mgoại đạo đều phóng hào quang lớn. Nay muốn hiện sự thù thắng đó nên phóng ánh sáng lớn, khiến mười phương hết thảy trời, người, chúng sanh, và các A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát đều được thấy, biết; vì vậy nên Phật nhập vào Tam muội vương tam muội.

    Lai nữa, ánh sáng, thần lực có hạ, trung, thượng. Chú thuật, huyễn thuật làm ra ánh quang, biến hóa là hạ. Chư thiên, Long thần được quả báo có ánh sáng, thần lực là trung. Vào các tam muội, do tâm lực và công đức đời nay, mà phóng ánh sáng lớn, hiện thần lực lớn là thượng; vì vậy nên Phật vào Tam muội vương tam muội.

    Hỏi: Như các Tam muội có mỗi mỗi tướng, thế nào hết thảy tam muội đều vào trong đó?

    Đáp: Khi được Tam muội vương tam muội, thì hết thảy Tam muội đều được, nên nói đều vào trong đó. Do sức của Tam muội ấy, mà hết thảy các Tam muội đều được, vô lượng vô số, không thể nghĩ bàn, vì vậy gọi là vào.

    Lại nữa, vào trong Tam muội vương tam muội ấy, thời hết thảy Tam muội, hễ muốn vào liền vào.

    Lại nữa, vào trong Tam muội vương tam muội ấy thời có thể quán hết thảy tướng Tam muội, như ở trên núi nhìn xuống.

    Lại nữa, Phật vào trong Tam muội vương tam muội ấy, thời có thể quán hết thảy mười phương thế giới, cũng có thể quán hết thảy chúng sanh; vì vậy nên Phật vào Tam muội vương tam muội.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  10. #130
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
    Tập 1 _ Cuốn 7 _ Chương 12 _ GIẢI THÍCH: TAM MUỘI
    __________________________________________________ ______________________________________


    KINH: Bấy giờ, Thế Tôn từ Tam muội an lành mà khởi, dùng Thiên nhãn quán xem thế giới, toàn thân mỉm cười.

    LUẬN:

    Hỏi: Sao Thế Tôn vào Tam muội vương tam muội, không thi tác gì, mà từ định khởi dậy, quán xem thế giới?

    Đáp: Phật vào Tam muội vương tam muội thời hết thảy Phật pháp bảo tạng đều khai mở, đều xem thấy. Ở trong Tam muội vương tam muội ấy xem xong, tự nghĩ "Pháp tạng này của ta vô lượng vô số, không thể nghĩ bàn", vậy sau mới từ Tam muội an tường mà khởi, dùng Thiên nhãn quán xem chúng sanh, biết chúng sanh nghèo khổ, Pháp tạng này từ nhân duyên mà được, hếy thảy chúng sanh cũng đều có thể được, chỉ vì ở trong si mê, không biết cầu tìm; vì vậy nên toàn thân mỉm cười.

    Hỏi: Phật có Phật nhãn, Huệ nhãn, Pháp nhãn hơn Thiên nhãn, sao lại dùng Thiên nhãn quán xem thế giới?

    Đáp: Vì Nhục nhãn thì thấy không khắp. Tuệ nhãn thì biết thật tướng của các pháp, Pháp nhãn thì thấy người ấy dùng phương tiện gì, hành pháp gì mà đắc đạo. Phật nhãn thì hết thảy pháp hiện tiền đều biết rõ ràng; còn Thiên nhãn thì thấy thế giới và chúng sanh không bị chướng ngại, các nhãn khác không như vậy. Tuệ nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn tuy thắng song không phải để thấy chúng sanh. Muốn thấy chúng sanh, chỉ dùng hai nhãn là Nhục nhãn và Thiên nhãn; vì Nhục nhãn thấy không khắp bởi có chướng ngại, nên dùng Thiên nhãn mà xem.

    Hỏi: Nay mắt ấy ở nơi Phật, sao gọi là Thiên nhãn?

    Đáp: Mắt ấy phần nhiều ở chư Thiên. Thiên nhãn trông thấy không bị chướng ngại núi vách, cây cối. Nếu người do sức tu hành tinh tấn, trì giới, thiền định mà có được, không phải phần có được từ khi sanh ra; vì vậy nên gọi là Thiên nhãn.

    Lại nữa, người phần nhiều tôn quí Trời, lấy Trời làm chúa. Phật theo lòng người; vì vậy nên gọi là Thiên nhãn.

    Lại nữa, Trời có ba thứ là: Danh thiên, Sanh thiên, Tịnh-thiên. Danh thiên (Trời trên danh xưng) như Thiên vương, Thiên tử. Sanh thiên (Trời theo nơi sanh) là Đế thích, Phạm vương, chư Thiên. Tịnh-thiên (Trời theo nghĩa có đức thanh tịnh) là Phật, Bích-chi Phật, A-la-hán. Tôn quý nhất trong hàng Tịnh-thiên là Phật, nên nay nói Thiên nhãn, cũng không lỗi.

    Thiên nhãn quán xem thế giới là, vì chúng sanh thường cầu an vui mà lại bị khổ, tâm đắm trước tự ngã mà tâm ấy thật không tự ngã. Chúng sanh thường sợ khổ mà thường hành khổ, như người mù tìm con đường tốt lại bị sa hố sâu. Quán các thứ như vậy song, toàn thân mỉm cười.


    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 3 người đọc bài này. (0 thành viên và 3 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •