DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 21
  1. #1
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts

    Trích đăng Truyền Đăng Lục Quyển 6

    Trích đăng Truyền Đăng Lục Quyển 6

    Bài 86.

    ĐỜI THỨ NHẤT SAU THIỀN SƯ HOÀI NHƯỢNG


    THIỀN SƯ ĐẠO NHẤT 道一 GIANG TÂY.


    Người huyện Thập Phương Hán Châu, họ Mã. Dung mạo kỳ dị, dáng đi vững chãi như trâu, mắt nhìn sắc như cọp, lưỡi thè quá mũi, dưới bàn chân có hai hoa văn hình bánh xe. Tuổi nhỏ nương Hòa thượng Đường ở Tư Châu xuất gia, thọ cụ túc giới nơi luật sư Viên ở Du Châu.
    Trong khoảng năm Khai Nguyên (713 – 741, Đường Huyền Tông), Sư thực tập thiền định ở viện Truyền Pháp Hành Nhạc, gặp Hòa thượng Hoài Nhượng. Sáu người đồng tham học (nhập thất), chỉ mình Sư thầm nhận tâm ấn.

    (Đạo Nhất tiếp nối Hoài Nhượng còn Hy Thiên tiếp nối Hành Tư, cùng nguồn khác phái, thế nên thiền pháp bắt đầu hưng thạnh từ hai Sư. Lưu Kha nói “Đại Tịch (Mã Tổ) pháp chủ Giang Tây, Thạch Đầu pháp chủ Hồ Nam. Qua lại lăng xăng mà không biết hai vị đại sĩ, thật là ngốc”. Ở Tây Thiên Tổ Bát nhã Đa la sấm ký với Đạt ma “Nước Chấn Đán (Trung Hoa) tuy xa mà không khác đường, cần đến bàn chân cháu trai tiếp bước, gà vàng há miệng một hạt gạo, cúng dường mười phương La hán tăng”. Lại nữa Hòa thượng Huệ Năng Lục Tổ nói với Hoài Nhượng “Về sau Phật pháp hướng về ông, con ngựa tợ ông đạp chết người trong thiên hạ”, về sau pháp tự Mã Tổ Giang Tây truyền khắp thiên hạ nên thời nhân gọi Sư là Mã Tổ).

    Mới đầu Sư từ núi Phật Tích ở Kiến Dương, kế dời đến Lâm Xuyên, rồi sau đó đến núi Cung Công ở Nam Khang. Trong năm Đại Lịch (766 – 779, Đường Đại Tông), tên Sư gắn liền với chùa Khai Nguyên ở Chung Lăng, Giang Tây. Bấy giờ Liên soái Lộ Từ Cung nghe đạo phong mà kính mộ, đích thân đến Sư thọ tông chỉ. Từ đó học giả bốn phương vân tập dưới tòa.

    Một hôm Sư dạy chúng:

    Những người các ông, mỗi người tin tâm mình là Phật, tâm mình đó chính là tâm Phật. Đạt ma Đại sư từ nước Nam Thiên Trúc đến đây, đích thân tới Trung Hoa để truyền pháp thượng thừa nhất tâm, khiến các ông khai ngộ. Lại dẫn văn kinh Lăng Già để ấn chứng tâm địa chúng sanh, sợ các ông điên đảo chẳng tự tin pháp nơi tâm này, mỗi người đều có, nên kinh Lăng Già nói “Phật nói Tâm là Tông, vô môn là pháp môn”, lại nói : Phàm cầu pháp nên không có sở cầu, ngoài tâm không có Phật khác, ngoài Phật không có tâm khác, chẳng lấy thiện chẳng bỏ ác, hai bên sạch dơ đều chẳng nương cậy, đạt đến tánh tội rỗng không niệm niệm bất khả đắc. Vì vô tự tánh cho nên tam giới duy Tâm, sum la vạn tượng là sở ấn của nhất pháp, phàm là sắc được thấy đều là tâm hay thấy, tâm chẳng tự là tâm nhân sắc mới có tâm. Các ông chỉ cần tùy lúc nói năng, ngay sự là lý đều không chỗ ngại, đạo quả Bồ đề cũng lại như thế. Cái được sanh nơi tâm thì gọi là sắc, biết sắc rỗng không nên sanh tức chẳng sanh, liễu ngộ tâm này như thế thì có thể tùy lúc mặc áo ăn cơm, trưởng dưỡng thánh thai tùy duyên qua ngày tháng, còn có việc gì nữa?

    Nhữ đẳng chư nhân các tín tự tâm thị Phật, thử tâm tức thị Phật tâm. Đạt ma Đại sư tùng Nam thiên trúc quốc lai, cung chí Trung hoa, truyền thượng thừa nhất tâm chi pháp, linh nhữ đẳng khai ngộ, hựu dẫn Lăng già Kinh văn, dĩ ấn chúng sinh tâm địa, khủng nhữ điên đảo bất tự tín, thử tâm chi pháp các các hữu chi, cố Lăng già kinh vân: “Phật ngữ tâm vi tôn, vô môn vi pháp môn”, hựu vân : Phu cầu pháp giả ưng vô sở cầu, tâm ngoại vô biệt Phật, Phật ngoại vô biệt tâm, bất thủ thiện bất xả ác, tịnh uế lưỡng biên câu bất y hỗ, đạt tội tính không niệm niệm bất khả đắc. Vô tự tính cố, cố tam giới duy tâm, sâm la vạn tượng nhất pháp chi sở ấn, phàm sở kiến sắc giai thị kiến tâm, tâm bất tự tâm nhân sắc cố hữu. Nhữ đãn tùy thời ngôn thuyết, tức sự tức lí đô vô sở ngại, Bồ đề đạo quả diệc phục như thị. Ư tâm sở sinh tức danh vi sắc, tri sắc không cố sinh tức bất sinh, nhược liễu thử tâm, nãi khả tùy thời trước y khiết phạn, trường dưỡng thánh thai nhâm vận quá thời, canh hữu hà sự?

    汝等諸人各信自心是佛,此心即是佛心. 達磨大師從南天竺國來,躬至中華,傳上 乘一心之法,令汝等開悟,又引楞伽經文 ,以印眾生心地,恐汝顛倒不自信,此心 法各各有之,故楞伽經云,佛語心為宗, 門為法門. 又云:夫求法者應無所求,心外無別佛, 外無別心,不取善不捨惡,淨穢兩邊俱 依怙,達罪性空念念不可得. 無自性故,故三界唯心,森羅萬象一法之 所印,凡所見色皆是見心,心不自心因色 故有. 汝但隨時言說,即事即理都無所礙,菩提 道果亦復如是. 於心所生即名為色,知色空故生即不生, 若了此心,乃可隨時著衣喫飯,長養聖胎 任運 過時,更有何事 ?


    Các ông nhận ta dạy, hãy nghe ta nói kệ:

    Tâm địa tùy thời thuyết,
    Bồ đề diệc chỉ ninh.
    Sự lý câu vô ngại,
    Đương sanh tức bất sanh.

    心地隨時說  
    菩提亦只寧
    事理俱無礙  
    當生即不生


    Tâm địa tùy thời nói,
    Bồ đề cũng vậy thôi.
    Sự lý đều vô ngại,
    Đương sanh tức bất sanh.

    -----------

    Tăng hỏi:
    - Hòa thượng vì cái gì nói tức tâm là Phật (tức tâm tức Phật)?
    Sư đáp:
    - Vì vỗ con nít khóc.
    Tăng hỏi:
    - Hết khóc rồi làm gì?
    Sư đáp:
    - Chẳng phải tâm chẳng phải Phật (phi tâm phi Phật).
    Tăng hỏi:
    - Trừ hai hạng người đó ra, chỉ dạy thế nào?
    Sư đáp:
    - Nói với y chẳng phải vật (bất thị vật).
    Tăng hỏi:
    - Chợt gặp người trong ấy đến thì thế nào?
    Sư đáp:
    - Cứ bảo y thể hội đại đạo.

    -----------

    Tăng hỏi:
    - Thế nào là ý Tây Lai?
    Sư hỏi:
    - Ngay bây giờ là ý gì?

    -----------

    Bàng cư sĩ hỏi:
    - Như nước không có gân xương hay nâng nổi chiếc thuyền muôn hộc, lý đó thế nào?
    Sư đáp:
    - Ở đây không có nước cũng không có thuyền, nói gân xương nào?

    ----------

    Một hôm Sư thượng đường. Một lát Bá Trượng cuốn chiếu lui ra trước mặt. Sư bèn hạ đường. Bá Trượng hỏi:
    - Thế nào là chỉ thú Phật pháp?
    Sư đáp:
    - Đang là chỗ ông buông bỏ thân mạng.
    Sư hỏi Bá Trượng:
    - Ông dùng pháp gì dạy người?
    Bá Trượng đưa cây phất tử lên. Sư hỏi:
    - Chỉ có cái này hay còn cái nào khác?
    Bá Trượng buông cây phất tử xuống.

    ---------

    Tăng hỏi:
    - Làm sao được hợp đạo?
    Sư đáp:
    - Ta từ lâu chẳng hợp đạo?

    ----------

    Tăng hỏi:
    - Thế nào là ý Tây Lai?
    Sư liền đánh, bảo:
    - Nếu ta không đánh ông, các nơi sẽ cười ta.

    ----------

    Có tiểu sư đi hành cước trở về, vẽ một vòng tròn trước mặt Sư, bước lên lễ bái rồi đứng gần Sư. Sư hỏi:
    - Chắc ông muốn làm Phật chứ gì?
    Đáp:
    - Con giụi mắt chẳng biết.
    Sư nói:
    - Ta chẳng bằng ông.
    Tiểu sư không đáp được.

    ---------

    Đặng Ẩn Phong đến từ giã Sư. Sư hỏi:
    - Đi đâu?
    Đáp:
    - Đi Thạch Đầu.
    Sư nói:
    - Đường Thạch Đầu trơn.
    Đáp:
    - Có mang theo gậy, gặp đâu vui đó.
    Rồi ra đi. Mới tới Thạch Đầu liền nhiễu giường thiền một vòng, dộng tích trượng một tiếng, hỏi:
    - Là tông chỉ gì?
    Thạch Đầu kêu:
    - Trời xanh, trời xanh!
    Ẩn Phong không đáp được, trở về thuật lại cùng Sư. Sư nói:
    - Ông hãy trở lại, gặp ông ấy kêu “Trời xanh, trời xanh” thì ông liền “Hư, hư”.
    Ẩn Phong lại đi Thạch Đầu, lặp lại y như trước, hỏi:
    - Là tông chỉ gì?
    Thạch Đầu bèn “Hư, hư”. Ẩn Phong lại không đáp được.
    Phong về thuật lại, Sư nói:
    - Đã nói với ông đường Thạch Đầu trơn mà.

    -----------

    Có vị tăng vẽ bốn vạch trước mặt Sư, ở trên một vạch dài ở dưới ba vạch ngắn, rồi hỏi:
    - Không được nói “một dài ba ngắn”, ngoại trừ bốn chữ đó, mời Hòa thượng đáp.
    Sư liền vẽ trên đất một vạch, đáp:
    - Không được nói “dài ngắn”, đáp ông rồi.
    (Quốc sư Huệ Trung nghe, nói riêng một mình “Sao chẳng hỏi lão tăng”)

    ---------

    Có một tăng giảng kinh đến hỏi:
    - Chưa biết thiền tông truyền thừa pháp gì?
    Sư hỏi lại:
    - Tòa chủ truyền thừa pháp gì?
    Kia đáp:
    - Tạm giảng được hơn hai mươi cuốn kinh luận.
    Sư nói:
    - Đâu không phải là sư tử con?
    Đáp:
    - Chẳng dám.
    Sư cất tiếng “Hư, hư”. Kia nói:
    - Đó là pháp.
    Sư hỏi:
    - Là pháp gì?
    Đáp:
    - Pháp sư tử ra khỏi hang.
    Sư bèn lặng thinh. Kia nói:
    - Đó cũng là pháp.
    Sư hỏi:
    - Là pháp gì?
    Đáp:
    - Pháp sư tử ở trong hang.
    Sư hỏi:
    - (Sư tử) chẳng ra chẳng vô là pháp gì?
    Kia không đáp được bèn từ giã ra ngoài cửa.
    (Bá Trượng thay nói “Thấy gì?”).

    ----------

    Sư gọi “Tòa chủ!”. Kia xoay đầu, Sư hỏi”Là gì?”, cũng không đáp được.
    Sư nói “Ông thầy độn căn này!”

    ----------

    Liêm sứ ở Hồng Châu hỏi:
    - Đệ tử ăn thịt uống rượu là phải hay không ăn thịt uống rượu là phải?

    Đệ tử khiết tửu nhục tức thị, bất khiết tức thị ?

    弟子喫酒肉即是, 不喫即是 ?


    Sư đáp:
    - Ăn thịt uống rượu như thế là lộc của Ngài, không ăn là phước của Ngài.

    Nhược khiết thị trung thừa lộc, bất khiết thị trung thừa phúc.

    若喫是中丞祿, 不喫是中丞福.


    *
    * *

    Đệ tử nhập thất của Sư gồm 139 người, mỗi người đi làm tông chủ một nơi giáo hóa vô cùng. Năm Trinh Nguyên thứ tư (788 - Đường Đức Tông), rằm tháng giêng Sư lên núi Thạch Môn ở Kiến Xương, đi kinh hành trong rừng cây, thấy chỗ đất bằng phẳng với hang động trống không. Sư bảo thị giả:
    - Thân hư mục ta tháng tới sẽ về chỗ đó.

    Nói xong rồi ra về. Đến ngày mùng bốn tháng hai 788, quả thật có bệnh nhẹ, Sư tắm gội xong ngồi kiết già nhập diệt. Trong khoảng năm Nguyên Hòa (806 – 820, Đường Hiến Tông), truy tặng thụy hiệu Đại Tịch Thiền Sư, tháp tên Đại Trang Nghiêm. Hiện nay (1004) còn đền thờ ở huyện Hải Hôn.

    (Cao Tăng Truyện chép: “Thiền sư Đại Giác căn cứ vào bài minh ở tháp Sư do Quyền Đức Dư soạn thì Mã Tổ mất ở chùa Khai Nguyên, trà tỳ và xây tháp ở Thạch Môn. Đến năm Hội Xương (841 – 846) bỏ phế, sau đến tháng bảy năm Đại Trung thứ tư (850 – Đường Tuyên Tông), vua Tuyên Tông ban lệnh Quán sát sứ Giang Tây là Bùi Hưu xây dựng lại tháp và chùa, ban biển ngạch là Bảo Phong”).


    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  2. The Following 2 Users Say Thank You to lavinhcuong For This Useful Post:

    hoatihon (06-29-2015),Thế Hùng (07-01-2015)

  3. Chủ đề tương tự

    1. Trích đăng Truyền Đăng Lục Quyển 5
      Gửi bởi lavinhcuong trong mục THIỀN TÔNG
      Trả lời: 58
      Bài cuối: 09-12-2016, 08:46 AM
    2. Trích đăng Truyền Đăng Lục Quyển 4
      Gửi bởi lavinhcuong trong mục THIỀN TÔNG
      Trả lời: 45
      Bài cuối: 06-23-2015, 09:22 AM
    3. Trích đăng Truỳên Đăng Lục _ quyển 3
      Gửi bởi lavinhcuong trong mục THIỀN TÔNG
      Trả lời: 15
      Bài cuối: 06-21-2015, 09:22 AM
    4. Trích đăng Truỳên Đăng Lục _ quyển 2
      Gửi bởi lavinhcuong trong mục THIỀN TÔNG
      Trả lời: 25
      Bài cuối: 06-20-2015, 08:33 AM
    5. Truyền đăng lục ~ Hoạt hình Phật giáo
      Gửi bởi minhquang trong mục Video liên quan Phật giáo
      Trả lời: 0
      Bài cuối: 06-17-2015, 10:03 PM

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •