hoatihon (07-12-2015)
8. Dĩ nhiên điều chúng ta muốn là sự tốt đẹp của chính chúng ta,
Thế nên chúng ta phải thành thật với chính mình :
Nếu chúng ta không thành tựu tinh túy của Pháp cho chính chúng ta,
Thì chẳng phải chúng ta đang hủy hoại chính cuộc đời mình sao ?
Không có ai có ý định xấu với mình. Người ta không bao giờ nghĩ đến chính mình tốt đẹp biết bao nhiêu nếu mắc bệnh, cũng không mong mỏi bị tàn tật hay nghèo khó hay mong cho bị trộm cướp ; điều họ nghĩ là họ muốn được hạnh phúc biết bao nhiêu, và cả một sự thích thú nếu giàu có và tiện nghi. Nhưng những ý tưởng này đến từ đâu ? Chúng đến từ sự tin tưởng vào một cái “tôi”. Chính vì sự tin tưởng bắt rễ sâu xa này mà chúng ta bận bịu trước hết với hạnh phúc của chính chúng ta. Trong khuôn khổ này của tâm thức, chúng ta sẽ không bao giờ thỏa mãn. Ngay dù chúng ta có lên ngôi hoàng đế của toàn thể vũ trụ, chúng ta cũng còn tham muốn nhiều quyền lực, sung túc và lạc thú hơn nữa.
Tiến trình tương tự cũng vận hành trong những cảm giác của chúng ta về những người thân thiết với chúng ta : chồng, vợ, con cái và bạn bè. Vì chúng ta yêu họ, chúng ta đặc ân họ trên tất cả những người khác, và có ai khen ngợi hay giúp đỡ họ, chúng ta cảm thấy rất vui thích. Nhưng đây không phải là tình thương chân thật ; nó đặt nền trên việc nghĩ họ là của chúng ta.
Dù cho chúng ta rất tự thương mình, chúng ta không biết chút nào phải tìm hạnh phúc thật sự ở đâu. Hầu như chúng ta tự chăm sóc mình như một kẻ điên rồ. Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc trong lạc thú, danh vọng và giàu có, quên đi sự kiện cái chết sẽ sớm lấy đi tất cả mọi thứ đó. Khi chúng ta bước qua ngưỡng cửa của cái chết, chúng ta sẽ không mang theo với mình một món nào trong những sở hữu mà chúng ta đã cật lực làm việc để có được. Cùng lắm, mọi cố gắng hăm hở của chúng ta tạo ra vài khoảnh khắc hài lòng ngắn ngủi – một kết quả nhỏ xíu từ một khối khổng lồ lao lực.
Cách chắc chắn duy nhất để có được hạnh phúc thực sự và bền vững chỉ là cầu nguyện từ đáy lòng chúng ta đến vị thầy chúng ta và thực hành Pháp một cách thích đáng. Qua luật tự nhiên của nhân quả và qua những ban phước của Tam Bảo, trong mọi đời tương lai chúng ta sẽ được sanh nơi nào Pháp nở rộ, chúng ta luôn luôn gặp những vị thầy tâm linh và chúng ta sẽ tiếp tục tiến bộ về hướng giác ngộ – một kết quả khổng lồ từ một khối nhỏ xíu cố gắng.
Nếu ngược lại, chúng ta nghĩ rằng thực hành và những hành động tốt là vô nghĩa, không có trở ngại gì khi làm bậy, nếu chúng ta nghĩ rằng cái chính là hưởng thụ cuộc đời này càng nhiều càng tốt, thì chắc chắn chúng ta sẽ tái sanh vào những cõi thấp hay vào một nơi mà ngay chữ “Pháp” cũng chẳng hề được nghe.
Quy ước bình thường của cuộc đời làm cho chúng ta tin rằng điều đáng khâm phục nhất chúng ta có thể làm là chăm nom cho những người thân của chúng ta và cố gắng đánh bại những người mà chúng ta không thích. Điều ấy sai lầm. Nếu các bạn thật sự muốn làm điều gì xứng đáng với cuộc đời bạn, các bạn hãy hiến mình vào Pháp.
Trong những giai đoạn đầu của con đường Pháp, cần yếu là đặt năng lực và quyết tâm của chúng ta vào sự làm việc trên chính chúng ta hơn là cố gắng quá sớm để giúp đỡ những người khác. Hiện giờ chúng ta còn xa với việc nhổ sạch chấp ngã ; cho đến khi đã thuần hóa được tâm thức mình, cố gắng giúp đỡ những người khác là việc lố lăng. Đó là tại sao những lời dạy nói “chứng ngộ cho chính mình, lòng bi cho người khác.” Qua tu hành cái thấy, thiền định và hành động, chúng ta có thể trừ sạch chấp ngã và những tình thức tiêu cực và như thế trở nên thật sự có khả năng giúp đỡ những người khác. Khi chúng ta thuần hóa sự hoang dã của tâm chúng ta với kỷ luật thích hợp, mọi khuyết điểm của chúng ta sẽ dần dần biến mất và mọi phẩm tính của Bồ tát sẽ nở hoa. Như Nagarjuna nói :
Người nào hành động không cẩn trọng,
Nhưng về sau trở nên cẩn thận và chú ý
Thì đẹp đẽ như mặt trăng sáng ra khỏi những đám mây.
Dầu chấp ngã có vẻ khó trị bao nhiêu, vẫn có thể giải thoát chúng ta ra khỏi nó và khai triển lòng bi.
Nhận lấy bất kỳ những lời nguyện tùy thuận giải thoát (pratimoksha) nào(28) đều cung cấp một nền tảng vững chắc cho việc thuần hóa tâm thức. Qua giới thanh tịnh của Luật học, chúng ta khai triển khả năng phân biệt giữa cái bao hàm trong con đường và cái cần từ khước. Ở điểm này khó mà thông thạo toàn bộ tổng thể những giáo lý Phật giáo, nhưng nếu chúng ta có thể tìm ra một vị thầy đích thực ; chăm sóc và phục vụ ngài theo cách đúng đắn ; nhận những lời dạy của ngài về cái thấy, thiền định và hành động ; và đưa chúng vào thực hành, chắc chắn chúng ta sẽ có thể thành tựu tinh túy của Pháp.
Nếu các bạn hoàn toàn tin tưởng vào vị thầy của các bạn, tất cả những phẩm tính tâm linh của ngài sẽ phát triển vững chắc trong các bạn, theo cách ngay những cây bình thường trong khu rừng trầm của núi Malaya, sau những năm được thấm nhuần bởi những giọt hương rơi từ lá của cây trầm, cuối cùng sẽ tỏa mùi hương kỳ diệu của gỗ trầm. Tuy nhiên, nếu thay vì tìm ra một người hướng dẫn tâm linh chân chánh, các bạn lại dựa vào những người bạn lầm lạc họ chỉ chỉ bày cho các bạn làm sao tích tập thêm những hành động xấu, các bạn sẽ khó tẩy sạch như một nắm cỏ kusha(29) rơi vào một máy dệt. Bởi thế có nói rằng :
Trước hết, đúng đắn trong việc tìm ra một vị thầy ;
Bấy giờ, đúng đắn trong khi chăm sóc ngài ;
Cuối cùng, đúng đắn trong thực hành những lời dạy của ngài.
Bất cứ ai đúng đắn trong ba cách ấy sẽ tiến bộ không lạc lối trên con đường giải thoát.
Trong thời đại suy đồi này, vì trí hạn hẹp và thiếu quyết tâm, người ta cần thực hành Pháp trong một hình thức được tinh chế. Sự thực hành phối hợp sự sùng mộ vị thầy như không khác với Quán Thế Âm kết hợp với sự trì tụng thần chú sáu chữ đáp ứng cho nhu cầu ấy. Thần chú sáu chữ (Lục tự đại minh chân ngôn), thần chú manÏi, là rất dễ trì tụng, tuy nhiên nó tập trung trong nó bản chất của mọi kinh điển Phật giáo. Nó là tinh túy của tâm đức Quán Thế Âm và những ban phước nó đem lại thì vô cùng. Nếu các bạn lấy nó làm sự thực hành chính cho mình, thì người, trời và ngay cả những ma gây tác hại sẽ tự nguyện giúp đỡ các bạn, và các bạn sẽ có một đời sống lâu dài, thoát khỏi bệnh tật và chướng ngại. Trong đời sau các bạn sẽ được sanh vào cõi Cực Lạc của núi Potala, hay tệ nhất là vào một nơi chốn có Pháp đang thịnh hành. Đấy là bởi vì thần chú Quán Thế Âm chứa đựng sự ban phước và lòng bi vô biên của chư Phật.
Chìa khóa cho thành công trong mọi nỗ lực là quyết tâm bên trong. Nếu bạn quyết tâm được giàu có, bắt đầu với chỉ một số tiền nhỏ, cuối cùng bạn có thể là một triệu phú. Nếu bạn quyết định học, rồi bạn sẽ trở thành rất uyên bác. Nếu bạn quyết định thiền định, rồi bạn sẽ tìm ra phương thức giải phóng bạn hoàn toàn để cho việc thực hành Pháp. Tùy bạn chọn mục đích đúng đắn. Qua thực hành Pháp, giống như một nhà vua vô địch thu phục những đối thủ truyền kiếp của mình, các bạn sẽ đánh bại một lần cho tất cả mai sau sự chấp ngã nó đã hành hạ các bạn quá nhiều trong vô số đời.
Om Mani Padme Hum !
hoatihon (07-13-2015)
9. Trong thời đại đen tối này, điều người ta nghĩ và làm là xấu xa.
Không ai trong số họ giúp đỡ con được, họ chỉ lừa dối và gạt gẫm con ;
Và với con một giúp đỡ nào cho họ cũng sẽ khó khăn ;
Tốt nhất sao không từ bỏ tất cả cuộc bon chen giành giật đó ?
Trong thời đại này, ngay cả cha mẹ cũng không thể nương tựa vào để chỉ cho chúng ta sống thế nào cho hợp với Pháp. Với hầu hết, cái mà gia đình và bạn bè chúng ta xem như đáng quý – dù với ý định tốt nhất – thì chỉ là gom góp giàu có, áp đảo kẻ thù và bảo vệ tài sản ; theo đuổi trường kỳ những giá trị này, tư tưởng họ là một dòng tương tục tham đắm và xung khắc. Họ luôn luôn nghĩ về cha mẹ mình bệnh như thế nào, con cái họ vô ơn như thế nào, ngôi nhà cần sửa sang như thế nào v.v... Nhưng nếu tâm thức chúng ta liên tục xoay quanh những tư tưởng như vậy, chúng ta đã mất sự trì giữ Pháp. Dĩ nhiên, chúng ta nên chăm lo cha mẹ và thân thuộc và giúp đỡ họ bất cứ cái gì chúng ta có thể là điều tự nhiên, nhưng quan trọng là chúng ta giữ được thân, ngữ và tâm thức chúng ta phù hợp với đức hạnh và cố gắng thực hành Pháp càng nhiều càng tốt.
Chạm mặt với cơ may của một số kinh nghiệm thích thú, dầu là một cái gì nhỏ như nếm một muỗng thức ăn, chúng ta cũng khó mà mong ước có ai khác cũng có thể hưởng được như vậy. Chúng ta muốn giữ riêng nó cho mình. Thật ra, những tham muốn ích kỷ như vậy chẳng có ý nghĩa gì cả ; chúng không những làm cho những người khác khổ đau, mà về lâu về dài cũng đem lại cho chúng ta khổ đau nữa. Chỉ nghĩ đến mình tức là từ bỏ những hoạt động siêu việt của Bồ tát. Không tốt hơn cho chúng ta sao khi chúng ta đặt niềm tin vào một vị hướng dẫn tâm linh và vất bỏ hết cái ám ảnh quy ngã về giàu có, thức ăn, quần áo và bè nhóm ?
Nếu các bạn theo gương của đa số người trong thời đại suy đồi này, rồi các bạn sẽ giống như họ – một kẻ lừa đảo hữu hạng. Các bạn sẽ hoang phí đời mình để săn bắt cái không thể nào nắm bắt. Các bạn sẽ giống như những đứa con nít quá bận rộn ham chơi đến nỗi chúng không biết đói lạnh và không nhận ra ngày đã trôi qua – cho đến khi trời tối và chúng thình lình nhớ lại mẹ chúng và bắt đầu kêu khóc. Nếu các bạn thật sự muốn giúp đỡ chúng sanh, trước tiên các bạn phải hoàn thiện chính mình. Nếu các bạn hoạch định những chương trình đầy tham vọng, lo làm ăn, thu thập đệ tử, và tự nhận mình là một vị thầy, các bạn sẽ giống như một con nhện bị mắc trong chính cái lưới của nó. Tiêu pha đời các bạn xoay quanh những tấm lưới đó, các bạn không nhận ra thời gian qua nhanh như thế nào cho đến khi các bạn thình lình hiểu rằng cái chết đã đến trước mặt. Các bạn đã dùng tất cả năng lực của mình và đã vượt qua mọi loại gian nan khó nhọc, nhưng những khó nhọc đó, khác với những thử thách trong sự thực hành tâm linh, sẽ chẳng giúp chút gì cho các bạn để cải thiện chính mình.
Những vị thầy thiêng liêng Kadampa thường thực hành trong một cách rất thấp kém, hoàn toàn không kể gì đến tiện nghi và giải khuây. Và đạo sư của chúng ta, Phật Thích Ca Mâu Ni, bỏ những lạc thú của cung điện ngài lại đàng sau và thực hành khổ hạnh trong sáu năm. Bởi vì chúng ta là những kẻ theo Ngài, chúng ta há cũng chẳng nên thanh toán hết thảy những quan tâm thế gian, quên đi những phóng dật không cùng về bạn bè và thân thuộc, và hoàn toàn nhất trí theo những giáo huấn của một đạo sư đích thực ?
Có gì tốt đẹp khi đi vào những vấn đề của sanh tử ? Mọi thứ trong sanh tử đều chịu những biến động thường hằng. Những triệu phú trở thành những người ăn xin, và những người ăn xin trở thành những triệu phú. Có gì xảy ra đi nữa, thì người ta không bao giờ bằng lòng – nếu làm được một triệu, họ muốn làm ra hai triệu, và nếu làm ra hai triệu họ muốn làm ra ba. Có bao giờ các bạn được thỏa mãn đâu ? Chỉ có một thứ mà các bạn không nên bao giờ cảm thấy đủ – đó là sự thực hành Pháp của các bạn. Như một con trâu yak đói gặm cỏ, người giống như nó chỉ luôn luôn nhìn đàng trước mặt để thấy nhiều cỏ hơn nữa. Nếu các bạn thực hành theo cách này, các bạn sẽ không thất vọng.
Nếu các bạn thực sự cố gắng hoàn thành mọi thứ bạn muốn trong cuộc đời này, sẽ không bao giờ có đủ thời giờ. Có nói rằng, “Mọi chương trình kế hoạch này cũng giống như những trò chơi của trẻ con. Nếu chúng ta bật lên cho chúng vận hành, chúng sẽ không bao giờ chấm dứt, nhưng nếu chúng ta dẹp phứt chúng đi, chúng sẽ chấm dứt tất cả tức thời !”
Om Mani Padme Hum !
10. Dầu con phục vụ cho những người cao hơn mình, họ sẽ không bao giờ bằng lòng ;Dầu con chăm lo cho những người thấp hơn mình, họ sẽ không bao giờ thỏa mãn ;Dầu con săn sóc cho những người khác, họ sẽ chẳng hề quan tâm đến con.Hãy nghĩ đến điều đó, và lập một quyết định vững chắc.
Bất kể các bạn làm điều gì, các bạn sẽ không bao giờ có thể thỏa mãn cho một ai. Người có quyền lực của thế giới này không khác gì với người bình thường – dầu các bạn có cố hết sức làm vừa lòng và phục vụ họ, họ sẽ không cảm thấy thực sự vừa lòng. Hơn nữa, họ dễ dàng trở nên giận dữ với một vài lỗi nhỏ và trừng phạt, đánh đập hay ném các bạn vào tù. Còn những người nhờ vào các bạn, dầu các bạn có chăm lo cho họ nhiều bao nhiêu đi nữa, các bạn không thể nào cho họ thỏa mãn trọn vẹn. Dầu các bạn bè có ý tốt bao nhiêu, trong hầu hết trường hợp nếu các bạn nghe theo lời khuyên của họ, các bạn sẽ chỉ càng rối rắm hơn trong mạng lưới của sanh tử. Không có sự chấm dứt trong việc đánh bại đối thủ và chăm lo cho người thân. Tất cả chỉ là một sự phung phí thời giờ. Để giúp đỡ những người khác, các bạn phải trước tiên hoàn thiện chính mình, và để hoàn thiện chính mình các bạn trước hết phải cắt đứt ba sự ràng buộc này : vâng lời người có thế lực, bị vướng mắc vào những cố gắng phù phiếm và vô hiệu để giúp đỡ những người khác, và nghe những gì người ta nói.
Cố gắng chiều theo những người có thế lực chỉ dẫn đến những biến động xúc cảm. Cố gắng giúp đỡ những người khác bằng những vật của cuộc đời này chỉ tiếp thêm nhiên liệu cho ngọn lửa sanh tử. May mắn lắm, bất cứ sự thỏa mãn nào mà các bạn có thể đem lại theo những cách này chỉ là nhất thời ; nó không giúp đỡ cho một ai vào lúc chết. Thật vậy, những cái ấy là những quan niệm sai lầm về lòng bi. Lòng bi chân thật là đặt để chúng sanh vào trong phúc lạc bất tử của Phật tánh toàn hảo.
Mắc bẫy trong sanh tử, các bạn nên cảm thấy như một tù nhân trong ngục nó không nghĩ gì khác ngoài chuyện làm sao thoát ra. Nhận ra sự phù phiếm của những bận rộn thường tục, những đạo sư Kadampa thường nói :
Tâm bạn hãy đặt nền trên Pháp,
Pháp của bạn hãy đặt nền trên một cuộc đời hèn mọn,
Cuộc đời hèn mọn của bạn hãy đặt nền trên tư tưởng về cái chết,
Cái chết của bạn hãy đặt nền trên một hang động đơn độc.
Ở trong những chốn ẩn cư hoang vắng, thoát khỏi những phóng dật, là cách tốt nhất để bảo đảm rằng các bạn sẽ thực sự thực hành Pháp.
Chúng ta không nên nhớ mọi điều này trong tâm trí và làm việc cho sự tự hoàn thiện sao ? Đó là bước đầu tiên hướng đến sự giúp đỡ thực sự cho những người khác.
Om Mani Padme Hum !
Admin (07-15-2015)
Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)