KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 584__________________________________________________ ______________________________________
Ví như Vương tử nên học giáo lệnh của Phụ vương, và học những pháp mà Vương tử cần phải học. Nghĩa là các Vương tử đều nên khéo học các ngành nghề tinh xảo và các sự nghiệp. Các ngành nghề tinh xảo và các sự nghiệp, là luyện học các bộ môn, những công việc như, biết cỡi voi, ngựa, xe và giỏi cầm cương, cung, nỏ, mâu nhọn, đao, mâu cán dài, lưỡi câu tròn, chạy nhảy, tránh né, chữ viết, in ấn, toán số, Thanh luận, Nhân minh luận v.v... Nếu các Vương tử siêng năng học tập các thứ như vậy là thuận theo lợi ích pháp vua. Tuy hưởng thọ, vui đùa thỏa thích năm dục lạc nhưng không bị nhà vua quở trách.
Bồ-tát cũng vậy, siêng năng cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tuy ở tại nhà hưởng thọ thỏa thích năm dục lạc, nhưng không trái nghịch với trí nhất thiết trí. Nếu khi các Bồ-tát hành bố thí, hồi hướng địa vị Thanh văn, Ðộc giác thì các Bồ-tát này hành nơi phi xứ, chẳng phải là thửa ruộng cho trí nhất thiết. Từng giờ, từng giờ chẳng thành thửa ruộng cho trí nhất thiết. Từng lúc, từng lúc không thể giữ gìn tịnh giới Ba-la-mật-đa của Bồ-tát. Từng giờ, từng giờ không thể giữ gìn tịnh giới Ba-la-mật-đa của Bồ-tát. Từng lúc, từng lúc xa lìa sự cầu trí nhất thiết trí. Từng giờ, từng giờ xa lìa sự cầu trí nhất thiết trí. Từng lúc, từng lúc hành nơi phi xứ. Từng giờ, từng giờ hành nơi phi xứ. Từng lúc, từng lúc phạm giới Bồ-tát.
Lại nữa, Mãn Từ Tử! Nếu các Bồ-tát tuy xuất gia thọ trì tịnh giới, nhưng không hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì các Bồ-tát này nhất định không thành tựu tịnh giới Bồ-tát. Nếu các Bồ-tát này nhất định không thành tựu tịnh giới Bồ-tát, thì các Bồ-tát này chỉ có hư danh, hoàn toàn không có thật nghĩa. Nên biết những vị ấy không gọi Bồ-tát. Nếu các Bồ-tát tuy ở tại gia nhưng thọ tam quy, có lòng tin Tam bảo sâu xa, hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì các Bồ-tát này dù hưởng thọ năm dục lạc đầy đủ, song đối với sự hành tịnh giới Ba-la-mật-đa của Bồ-tát thường không xa lìa, gọi là người trì tịnh giới chơn thật, cũng gọi là an trụ tịnh giới Bồ-tát.
Nếu các Bồ-tát trụ giới Bồ-tát thì các Bồ-tát này thường không xa lìa tịnh giới Ba-la-mật-đa của Bồ-tát. Nếu các Bồ-tát thường không xa lìa tịnh giới Ba-la-mật-đa của Bồ-tát, thì các Bồ-tát này thường không xa lìa trí nhất thiết trí. Nếu các Bồ-tát phát khởi nhiều tác ý phi lý, tương ưng với năm dục nhưng chỉ khởi một tâm niệm tương ưng với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì có thể diệt trừ tất cả. Giống như nhiều ngọc Ca-già-mạc-ni, nhưng chỉ một viên Lưu ly có thể lấn át tất cả ánh sáng kia. Nghĩa là giá trị, ánh sáng của Lưu ly vượt hơn, sáng hơn tất cả ngọc Ca-già-mạt-ni. Bồ-tát cũng vậy, tuy phát khởi nhiều tác ý phi lý tương ưng với năm dục, nhưng nếu chỉ khởi một tâm niệm tương ưng với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì sẽ đẩy lùi tất cả, như một số ngọc Ca-già bị ngọc Lưu ly đoạt mất ánh sáng.